Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B

Hãy đến cùng ánh sáng

Lm. Ignatiô Trần Ngà

Hôm ấy, Chúa Giêsu ngỏ lời với Ni-cô-đê-mô:

“Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Bóng tối che chở, yểm trợ cho kẻ bất lương

Nhờ bóng tối, phường đạo tặc có cơ hội làm ăn. Trời càng tối trộm cướp càng vui thích vì càng dễ tung hoành.

Nhờ bóng tối, nhờ đèn mờ, nhiều tay ăn chơi có thêm cơ hội làm điều tội lỗi trong các rạp chiếu phim, trong các phòng karaoke mờ ám.

Nhờ bóng tối ở các góc phố, các đoạn đường vắng, các tay cướp của giết người mới có thời cơ hành động.

Đêm đen và bóng tối là bạn đồng minh của phường trộm cướp, là chốn nương tựa của kẻ bất lương, của những tay chơi bời truỵ lạc.

Thế nên Chúa Giêsu nói: “Người đời (người ác) chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3,19-20)

Trong khi bóng tối bao bọc che chở kẻ bất lương, đồng loã với phường tội lỗi, thì ánh sáng lại có khả năng bảo vệ, che chở cho những kẻ ngay lành.

Ánh sáng bảo vệ người ngay lành

Trong đêm tối giữa rừng sâu, người ta cần đốt lên một đống lửa thật to. Anh lửa bừng lên giữa đêm đen sẽ xua đi những ác thú lăm le vồ xé con người.

Trên những con đường tối tăm thường có trộm cướp rình rập, người ta thắp thêm nhiều ngọn đèn đường. Ánh đèn sáng có khả năng bảo vệ khách bộ hành trong đêm tối.

Chung quanh các cơ quan trọng yếu, những kho chứa hàng quan trọng, người ta bố trí nhiều đèn điện toả sáng suốt đêm để phòng quân gian đột nhập.

Ánh sáng soi đường cho người công chính

Người Việt chúng ta thường nói: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Khi phải ở gần “mực”, tức ở trong môi trường thiếu văn hoá, thiếu đạo đức thì sớm muộn người ta cũng bị tiêm nhiễm những thói xấu tật hư.

Trái lại, nếu được ở gần “đèn”, tức ở trong môi trường lành mạnh, môi trường đạo đức, người ta sẽ được thấm nhuần điều hay lẽ phải và được cảm hoá nên xứng danh con người.

Giai thoại về cuộc đời Thầy Mạnh Tử (372-289 trước Công Nguyên) cho thấy rõ hơn nội dung nầy.

Lúc còn nhỏ, Mạnh Tử ở gần nghĩa trang. Ngày ngày thấy người ta chôn cất người chết với những lời than khóc ai oán thì cậu bé cũng bắt chước chôn các con vật chết, cũng giả vờ kêu than khóc lóc.

Thân mẫu của Mạnh Tử không muốn con mình bị tiêm nhiễm lối sống buồn thảm ở bãi tha ma, nên mới dời nhà đến gần phố chợ. Sống nơi đây, tuy nhộn nhịp vui vẻ hơn, nhưng Mạnh Tử lại học theo thói côn đồ của một số trẻ ranh ma đầu đường xó chợ, ưa trộm cắp, chửi tục và đấm đá nhau. Người mẹ một lần nữa quyết định phải dời nhà đến gần trường để xa tránh môi trường xấu.

Từ ngày sống cạnh nhà trường, ngày ngày thấy bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, Mạnh Tử cũng xin mẹ cho đi học.

Học tập chưa được bao lâu, cậu lại bị bạn xấu rủ rê bỏ học đi chơi.

Hôm nọ, khi người mẹ đang dệt vải nửa chừng chợt thấy Mạnh Tử cắp sách về nhà không muốn học nữa, bà lặng lẽ cầm kéo cắt nát tấm lụa đang còn dở dang trên khung cửi.

Quá tiếc xót tấm lụa quý, Mạnh Tử hỏi lý do, người mẹ trả lời: “Con đang đi học mà bỏ nửa chừng thì có khác chi mẹ dệt tấm lụa chưa xong mà cắt bỏ đi vậy.”

Thế là từ đó, Mạnh Tử giác ngộ, ngày đêm miệt mài đèn sách và sau nầy trở thành bậc thánh hiền của người Trung Quốc.

Qua Tin Mừng Gioan được trích đọc hôm nay, Chúa Giêsu tỏ ra buồn phiền vì người đời yêu chuộng tối tăm và xa lìa ánh sáng: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3,19)

Và Người mời gọi mọi người xa lánh “bóng tối” để đến cùng “ánh sáng.”

Xa lánh bóng tối là giã từ môi trường xấu, bạn bè xấu, xa lánh những cơ hội và hoàn cảnh khiến chúng ta phạm tội và đánh mất phẩm chất cao đẹp của mình.

Đến cùng ánh sáng là đến cùng Đức Kitô, đón nhận giáo huấn của Người, để cho Lời Chúa trở thành ngọn đèn dọi bước ta đi; giúp chúng ta nhận ra và tẩy xoá những vết đen trong cuộc đời và giúp ta sống quang minh chính đại.

Lạy Chúa Giêsu, dù chúng con rất ước ao đến cùng ánh sáng nhưng xác thịt yếu hèn vẫn lôi kéo chúng con về với bóng tối.

Xin cho chúng con có đủ bản lãnh và quyết tâm để lìa xa “mực” và sống gần “đèn”.

 

 

Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà

 

Xưa kia có một vị hoàng đế rất giàu sang và cũng rất đại lượng. Vua rộng ban vàng bạc châu báu cho tất cả những ai làm đẹp lòng vua. Thế là nịnh thần mọc lên như nấm khắp triều đình.

Các hoàng tử thì xu nịnh để được vua cha ban cho ngai vàng. Các quan trong triều đình thì xu nịnh để được thăng quan tiến chức. Ai cũng huênh hoang cho rằng mình hết lòng trung nghĩa với vua, sẵn sàng hiến mạng mình để bảo vệ nhà vua, để chết thay cho vua.

Nhà vua rất đơn sơ nên dễ tin vào những lời nịnh hót của họ và ban phát cho họ ân lộc dư dầy khiến ngân khố của triều đình cạn kiệt.

Cả triều đình chỉ có quan ngự y là người trung thành. Ông đã nhiều lần can gián vua, thuyết phục vua đừng tin bè lũ xu nịnh, nhưng vua chẳng chịu nghe.

Ngày nọ, vua lâm trọng bệnh thập tử nhất sinh, tính mạng nhà vua chỉ còn được đếm từng giờ. Quan ngự y trình với vua là bệnh vua chỉ có thể chữa lành nếu một vị hoàng tử nào đó hiến tặng trái tim mình làm thuốc cho vua.

Nghe tin nầy loan ra, các hoàng tử trong cung trốn biệt!

Khi không thể tìm được trái tim của hoàng tử làm thuốc, nhà vua hỏi quan ngự y xem có thể sử dụng tim của một người khác làm thuốc được không. Quan ngự y trả lời nếu không có trái tim của hoàng tử thì ít ra phải dùng trái tim của các vị quan lớn trong triều.

Nghe tin đó, các quan lớn rồi các quan nhỏ trong triều đều trốn biệt tăm.

Túng quá, thôi thì dùng tạm trái tim của lính hầu, của công chúa cũng được. Nghe tin đó, cả công chúa, cả lính hầu, cả hàng trăm thê thiếp cũng không còn ai lai vãng trong cung điện nữa. Cung điện thường ngày huyên náo, giờ nầy vắng lặng như bãi tha ma!

Bấy giờ vua chỗi dậy, tỉnh ngộ rồi cười ra nước mắt cho nhân tình thế thái.

Duyên do là quan ngự y và cũng là người trung nghĩa với vua, đã khéo dựng lên kịch bản nầy, đề nghị với vua giả vờ đau nặng, bỏ cơm bỏ cháo, để thử thách lòng người!

Cuộc đời là thế! Ai có đủ yêu thương để dám hy sinh tính mạng, dám chết thay cho người thân thiết của mình, nói chi đến việc chết thay cho kẻ thù nghịch?

Vậy mà có một Đấng đã hy sinh tính mạng cho kẻ phản bội mình. Để hiểu Đấng ấy đã hy sinh như thế nào, chúng ta hãy trở lại với câu chuyện rắn đồng thời Mô-sê.

Thời ấy, trong hành trình bốn mươi năm trong hoang địa, có lần dân Do-Thái phải lâm cảnh đói khát dày vò nên kêu trách Thiên Chúa và Mô-sê. Thế rồi dân chúng bị rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Người ta lại chạy đến kêu cứu Mô-sê. Bấy giờ Thiên Chúa truyền cho ông Mô-sê đúc con rắn đồng, treo lên trụ cờ cao, để làm phương thuốc chữa rắn cắn. Ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống.

Ngày nay, để cứu nhân loại tội lỗi lâm cảnh điêu linh và phải chết, Thiên Chúa không thể dùng rắn đồng làm phương trị liệu mà phải dùng đến một phương thuốc khác, đó là bằng chính Thân Thể Chúa Giêsu chết treo trên thập giá.

“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.”

Thiên Chúa Cha đã lấy mạng đổi mạng. Lấy sinh mạng vô cùng cao quý của Người Con Một yêu quý để đổi lấy sinh mạng khốn hèn của loài người tội lỗi. Thật là điều không thể tưởng tượng được.

Nhưng tình yêu của Thiên Chúa chưa dừng lại ở đó. Tình yêu cứu độ của Ngài còn vươn lên cao hơn. Không những chỉ trao ban Con Một chết thay cho chúng ta mà thôi, không những chỉ ban cho chúng ta được cùng sống lại với Chúa Giêsu mà thôi, Thiên Chúa Cha còn thương cho chúng ta được cùng lên trời, cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời. Bài đọc thứ hai, bài thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ê-phê-sô hôm nay nhắc chúng ta điều đó: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời.” (Ep 2, 4-6)

Thế là từ thân phận của tên tử tội đáng phải chết đời đời vì tội lỗi của mình, chúng ta được Chúa Giêsu lấy mạng Ngài đổi mạng cho chúng ta, thứ tha cho chúng ta muôn vàn tội lỗi, ban cho chúng ta được sống lại trong đời sống mới, rồi lại được đưa lên trời để “cùng ngự trị với Đức Giêsu trên cõi trời”.

Thật là một tình yêu không còn biên giới.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cảm nhận thật sâu sắc tình yêu cao vời và sâu thẳm của Thiên Chúa, để sống xứng đáng hơn với tình yêu đó và đừng để công trình cứu chuộc của Ngài hoá ra vô hiệu nơi chúng ta.

 

 

Như hoa hướng dương

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

 

Có một thời người ta đề nghị loại bỏ bài hát “Tình yêu Thiên Chúa” của nhạc sĩ Thể Thông ra khỏi danh mục những bài được phép hát trong phụng vụ. Họ cho rằng: không thể ví tình yêu Thiên Chúa như tình yêu của đôi nam nữ hẹn hò nhau giữa đêm trăng sao được. Tình yêu trăng sao là tình yêu mờ ảo, là những quan hệ không rõ ràng và bất chính. Một tình yêu đích thực phải quang minh chính đại, phải rõ như ban ngày mới đích thực là tình yêu. Bao lâu tình yêu đang còn che dấu, chưa công khai hoá tình yêu, bấy lâu vẫn còn là những quan hệ bất chính và tội lỗi.

Thường tình là thế! Ai cũng mong có được những tình yêu trong sáng, đơn sơ, chân thành. Ai cũng mong cuộc đời không còn mảng tối cần che đậy hay lấp liếm. Ai cũng muốn đến với nhau trong tình bạn trong sáng, trong tình người chân thành. Thế nhưng, “lực bất tòng tâm”. Con người đến với nhau vẫn còn đó bóng tối của lợi dụng, của ích kỷ. Tình yêu con người sao vẫn còn đó những mảng tối của giả dối, thiếu chân thành. Vẫn còn đó những người thích đi đêm với nhau trong những cuộc tình vụng trộm, trong những phi vụ làm ăn bất chính. Một người con gái bình thường không thể đón nhận lời tỏ tình đại loại như: “anh yêu em, nhưng đừng cho ai biết”. Thế nhưng, thực tế vẫn còn đó những cô gái tham tiền nên chấp nhận sống trong bóng tối làm vợ nhỏ, vợ bé của các đại gia. Ở đời vẫn còn đó những mối tình vụng trộm của “chồng chung vợ chạ”, của vô luân thất đức. Xem ra thế lực của bóng tối quá mạnh đến nỗi đã bao trùm khắp mọi nơi và phủ kín nhiều tâm hồn con người. Nhiều người đã mất ý thức về tội. Nhiều người đã chai lỳ trước tiếng nói lương tâm. Bóng tối đã làm cho con người mất đi sự trong sáng, đơn sơ và chân thật của tâm hồn

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: “ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng”. Đó là những tâm hồn đang chết dần, chết mòn vì thiếu ánh sáng, thiếu sức sống của chân thiện mỹ. Họ tự nguyện đi vào bóng tối cũng đồng nghĩa với việc khước từ sự sống để đi vào cõi chết. Adam – Eva đã rời áng sáng để lẩn trốn trong bóng tối khiến họ mất bình an, tìm lá che thân, và bản án đau khổ và sự chết đã lận vào kiếp người.

Muôn loài luôn hướng tìm về ánh sáng. Quy hướng về ánh sáng vạn vật sẽ xanh tươi. Sống dưới ánh sáng vạn vật sẽ phát triển đúng theo chủng loại của chúng. Con người được tạo dựng để trở thành ánh sáng cho trần gian, nhưng con người lại tìm về bóng tối sẽ trở thành vong thân. Con người sẽ đánh mất tính bổn thiện của thuở ban đầu tạo dựng. Con người tự nguyện nghiêng chiều và chạy theo bóng tối tội lỗi để thoả mãn dục vọng đê hèn, thoả mãn tính xác thịt yếu đuối, con người đang đánh mất dần căn tính của mình.

Mùa chay mời gọi chúng ta nhìn lại mình đang ở trong ánh sáng hay trong bóng tối u mê? Tâm hồn tôi có thực sự được mở rộng cho ánh sáng của Chúa chan hoà khắp tâm hồn, hay đang bị che kín bởi những thói hư tật xấu?

Chúng ta hãy thử đến bệnh viện của Chúa, để kiểm điểm lại mình, để được Chúa chữa lành và sửa đổi cho tốt hơn. Chúng ta có mang những bệnh tật tâm hồn cần sửa đổi trong mùa chay thánh này hay không? Như một tác giả vô danh đã kể lại một lần đến bệnh viện của Chúa để kiểm tra sức khỏe và phát hiện rằng mình đang bị bệnh. Ông kể rằng:

Khi đo huyết áp cho tôi, Chúa cho biết tôi đang thiếu Lòng Nhân Ái. Và khi lấy nhiệt độ, nhiệt kế đã nhảy vọt đến 400 độ Ích Kỷ.

Điện tâm đồ cho biết trái tim thiếu những rung động Yêu Thương, một số mạch máu bị tắc nghẽn, vì lớp cholesterone Ghen Ghét.

Tới khoa chỉnh hình, tôi khám phá mình đi lại khó khăn.

Tôi không thể tiến lại ôm người anh em vì lòng Kiêu Hãnh cản ngăn, cánh tay của tôi bại xuội.

Chứng Cận Thị làm mắt tôi không thể nhìn xa hơn cái vẻ bên ngoài của người khác.

Quen những tiếng ồn ào thường ngày, tai tôi bị Điếc Đặc, không còn nhạy bén với những tiếng thì thầm yêu thương.

Con xin cảm ơn Ngài, Bác Sĩ Giêsu, vị Lương Y nhân hậu! Chúa đã chữa trị cho con miễn phí hoàn toàn vì lòng thương xót.

Con cam kết khi xuất viện sẽ tiếp tục dùng toa thuốc của Chúa, một cách trung thành và đều đặn, nhờ những dược liệu tự nhiên, Chúa hướng dẫn cho con, trong sách thuốc Tin Mừng của Chúa.

Mỗi buổi sáng, khi thức dậy, con sẽ dùng ngay một chén trà Tạ Ơn. Trước khi làm việc, con sẽ nhớ uống một thìa súp Nụ Cười Thân Ái!

Và mỗi giờ, con sẽ uống thêm một viên Nhẫn Nại, với một ly nước Nhân Bản, và lạy Chúa, khi về lại nhà, con sẽ chích một mũi thuốc Tình Thương trợ lực, rồi trước khi đi ngủ, con sẽ uống thêm 2 viên Lương Tâm Bình An.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy để cho ánh sáng của Chúa chan hoà trong tâm hồn để đẩy lùi, xua tan những ký sinh trùng đang làm băng hoại tâm hồn chúng ta. Nguyện xin Chúa là Đấng đã tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài luôn gìn giữ, che chở chúng ta trong ân thánh của Ngài. Amen.

 

 

Thiên Chúa yêu thế gian

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

 

Thiên Chúa yêu con người ngay lúc con người đang còn trong tình trạng tội, nghĩa là, Ngài yêu con người ngay cả khi họ còn đang chống cưỡng Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho Lời Ngài nhập thể làm người, Ngài đã ban Thánh Thần thúc đẩy và mời gọi con người trở lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu con người vô cùng.

  1. Thiên Chúa vẫn yêu thương dân Do Thái cho dù họ phản loạn bất trung

Dân Do Thái là một gương điển hình cho thấy tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tuyển chọn Abraham, đã mời ông bỏ quê cha đất tổ để đi đến đất Ngài chỉ cho; Ngài hứa sẽ ban cho ông có con cháu nối dòng, sẽ ban cho ông có đất sở hữu, sẽ làm cho ông trở thành mối chúc lành. Abraham đã quảng đại đáp trả lời mời của Thiên Chúa, và trở thành ông tổ của dân tộc Do Thái.

Dân Do Thái đã được Thiên Chúa thương yêu đặc biệt. Ngài đã dùng Môsê để giải phóng dân khỏi ách nô lệ bên Aicập, ban cho họ đất Canaan, cho họ những vị thẩm phán, các vua, và các tiên tri để hướng dẫn chăm sóc dân nhân danh Ngài. Thế nhưng theo sách Ký Sự (Sử Biên Niên), mọi tầng lớp dân đều phạm tội chống đối Thiên Chúa, kể cả các đầu mục, tư tế, và các tầng lớp lãnh đạo. Thiên Chúa đã sai các tiên tri như những sứ giả đặc biệt đến với dân, nhưng họ cũng chẳng nghe, nên Chúa đã để họ phải lưu đày ở Babylon.

Tuy để dân Do Thái phải lưu đày, nhưng Thiên Chúa vẫn thương dân Ngài; Ngài đã dùng vua nước Ba-Tư là Kyrô cho dân Do Thái lưu đày được trở về quê cha đất tổ của mình. Những tai họa hay đau khổ xảy đến giúp dân Do Thái nhận ra những sai trái trong hành vi tư tưởng của mình, để rồi họ trở về với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng đã để dân Do Thái phải lưu đày, nhưng cũng là Đấng dẫn dân trở về quê hương.

  1. Thiên Chúa yêu ta ngay khi ta còn là tội nhân

Thường người ta chỉ yêu người đẹp, chỉ mến người tốt. Nếu ai làm điều dữ mà bị nạn, người ta nói “đáng đời nó;” hơn nữa, người ta còn đòi Thiên Chúa trả oán khi bị oan nghiệt. Tuy nhiên, tư tưởng của Thiên Chúa không giống tư tưởng và suy nghĩ của loài người. Thiên Chúa là Đấng giầu lòng từ bi; Ngài yêu thương con người vô cùng nên ngay khi con người còn là tội nhân, thì Ngài vẫn yêu thương và tìm cách cứu độ con người. Thiên Chúa luôn tìm cách giúp ta trở lại với Ngài, để ta thành người đẹp và dễ thương thật sự. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, và cũng là Đấng giúp ta nên đẹp và tuyệt hơn.

Thực vậy, từ khi Thiên Chúa dẫn dân ra khỏi Aicập qua Môsê, dân Do Thái nhiều lần không tin tưởng, bất tuân, và làm trái ý Thiên Chúa; chẳng hạn họ đòi nước và muốn ném đá Môsê, đòi ăn thịt giữa nơi hoang địa, thờ bò vàng khi Môsê đang cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa trên núi, v.v.; tuy nhiên Thiên Chúa vẫn yêu thương tha thứ cho dân. Mỗi người chúng ta cũng đã phạm tội phản nghịch cùng Thiên Chúa, không chỉ một lần nhưng nhiều lần; tuy nhiên Thiên Chúa vẫn yêu thương, Ngài vẫn mời gọi chúng ta trở lại với Ngài, Ngài ban cho chúng ta bao nhiêu dịp để nhận ra tình yêu vô bờ bến, để chúng ta ăn năn hối lỗi trở về với Ngài.

Thiên Chúa không chấp nhất chúng ta xúc phạm đến Ngài bao nhiêu lần, và nặng nhẹ thế nào. Điều quan trọng là chúng ta trở về với Thiên Chúa. Như người Cha trong dụ ngôn người con hoang trở về, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đã mất. Thiên Chúa hạnh phúc khi chúng ta trở lại với Ngài. Cả trời đất đều hân hoan khi một người tội lỗi ăn năm sám hối (Lc.15, 10.7).

III. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi…

Tình yêu Thiên Chúa đối với con người thật vô cùng. Không gì có thể sánh với tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Qua những thụ tạo hữu hình, con người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa; nhưng với biến cố Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, con người nhận ra tình yêu vô cùng của Thiên Chúa một cách đặc biệt và có sức thuyết phục hơn.

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3, 16). Đức Yêsu là bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Có thể nói, không bao giờ Thiên Chúa kết án con người. Thiên Chúa tạo dựng con người vì tình yêu, để con người được chia sẻ sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Ngài muốn con người trở lại với Ngài và được sống. Ngài không muốn con người phải trầm luân vĩnh cửu.

Thiên Chúa yêu con người, Thiên Chúa đã đang và sẽ làm tất cả để được con người. Nói theo ngôn ngữ nhân loại, Thiên Chúa đang cố gắng làm “hết sức và hết khả năng” để con người yêu Ngài. Trong tình yêu không có võ lực, không có áp bức. Chỉ có tình yêu chân thực khi sống trong sự thật và tự do. Võ lực, áp bức, gian dối không đi chung với tình yêu. Tình yêu đòi tự do và sự thật. Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, và chắc chắn con người sẽ rung động trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Ai đáp trả tình yêu, thì sống và hạnh phúc trong tình yêu. Ai từ chối tình yêu, thì không hạnh phúc và không có sự sống đích thực. Chính hành vi từ chối tình yêu, làm người ta bất hạnh. Hành vi làm điều dữ, làm người đó đau khổ, và làm người khác bị ảnh hưởng.

 

 

Đón nhận ánh sáng

Peter Feldmeier

Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ

 

“Thiên Chúa yêu trần gian đến độ trao ban chính con một yêu dấu của Ngài” (Ga 3,16)

Có một đội bóng rổ khá nổi tiếng ở Denver Hoa Kỳ đã chọn câu Kinh thánh Ga 3,16 để quảng bá thương hiệu cho mình. Cầu thủ Tim Tebow còn cho xăm câu Kinh thánh đó trên khuôn mặt, sát dưới đôi mắt của anh ta. Đây là câu Kinh thánh được trích dẫn trong bài Tin mừng hôm nay: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một, để ai tin vào con của Người thì không phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Đó là lời huấn dụ Đức Giêsu ngỏ trao cho Nicôđêmô, khi Ngài khải thị về ánh sáng: “Ánh sáng đã đến trong thế gian” (3,19).

Ngài còn chỉ dẫn cho ông biết, là người ta phải được sinh ra từ trên cao. Nicôđêmô lắc đầu không hiểu. Ngài hướng dẫn tiếp, là con người phải được tái sinh bởi nước và Thần khí. Lại một lần nữa, Nicôđêmô ngơ ngác chẳng hiểu tý nào.

Làm sao Nicôđêmô, và ngay cả chúng ta, có thể hiểu và thoát ra khỏi bóng tối? Trong đáp án cuối cùng, Đức Giêsu đã nói cho Nicôđêmô: ” Như Môsê đã giương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải bị treo thân như vậy, để những ai tin vào Ngài sẽ có được sự sống đời đời”. Sau này, như được nhắc đến trong Tin mừng Gioan, Đức Giêsu tiếp tục giải trình: “Khi các ông treo Con Người lên, các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu (8,28)”, và Ngài tiếp tục vén mở sứ mạng cứu thế của Ngài: ” Khi tôi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (12,32). Ở đây, Đức Giêsu nói về Thập giá của Ngài như là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa và là biểu tượng ơn cứu rỗi cho mọi người.

Nhưng điều gì khiến Thập giá minh thị sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa và lôi cuốn chúng ta? Nguyên do nào để khi chúng ta nhìn lên Thập giá, chúng ta được cứu chữa? Đối với Đức Giêsu, Thập giá chính là “Giờ” và “Vinh quang” của Ngài” (Ga 13,23; 17,1). Thập giá là sự diễn bày sâu sa nhất tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến độ trao ban chính con một của Ngài”. Đức Giêsu đã tự hiến thân, đã dâng trao cho chúng ta trọn vẹn, và trên Thập giá Ngài biểu tỏ ánh sáng của tình yêu linh thánh Thiên Chúa ban trao cho con người. Ánh sáng và vinh quang ở đây chính là hành vi tự hiến, tự biến mình ra hư không. Ngài trở nên quà tặng vô giá để ban trao cho ta. Đấng Cứu thế trên Thập giá đã bày tỏtình yêu thâm sâu tuyệt vời nhất, và lôi kéo chúng ta đến với Ngài. Nhưng chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu đó?

Tin mừng hôm nay vạch dẫn cho chúng ta một phương thức: Đó là Tin vào Ngài. Tin vào Thiên Chúa và Tin vào tình yêu của Thiên Chúa là câu trả lời duy nhất. Nhưng tin ở đây không phải là một hành động suy lý. Những lý lẽ thần học khiến đầu óc chúng ta dễ chấp nhận và khẳng quyết “Đức Giêsu là Chúa”. Nhưng đây không phải là thái độ của Đức tin. Ngay cả ma quỷ cũng chấp nhận sự thật về uy quyền của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu và chúng run sợ trước uy quyền đó (Giacôbê 2,19). Đức tin mà Chúa Giêsu mời gọi, thách đố chúng ta một cách thẳng thắn, đó là “Tin Vào” (Pisteu) Ngài. Đây là một tư thế nội tâm, một hành trình tiến sâu vào trong qũy đạo tình yêu của Thiên Chúa và phó thác trọn vẹn cho Ngài: “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ thầy cũng sẽ ở đó (Ga 12,26)”.

Trong Tin mừng Gioan, Thánh sử nêu bật hai chủ đề chính “Tin” và ” Yêu”. Hai phạm trù này không thể tách rời nhau. “Tin” là đi vào quỹ đạo của Đức Giêsu, đón nhận quà tặng vô giá nơi Ngài, hiểu biết Ngài và sống sung mãn tình yêu trong Ngài. “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy(15,9)”. Ngài còn dặn dò các môn sinh: ” Như Thầy yêu thương anh em, anh em cũng hãy yêu thương nhau (13,34)”.

Bạn đã từng trao tặng ai một món quà gì hay chưa, không phải chỉ là món quà vật chất, nhưng quý giá hơn, là chính món quà tinh thần? Ví dụ, có ai xúc pham đến bạn, bạn tha thứ cho họ, tha thứ vô điều kiện và tha thứ hoàn toàn,tận sâu từ trong đáy lòng? Có bao giờ bạn đã cho đi, cho đi chính con người của bạn, đến độ quên đi chính mình? Có bao giờ bạn để cho tình yêu linh thánh chiếm ngự tâm hồn,khiến bạn không còn nghĩ gì tới mình nữa, và hoàn toàn để tình yêu ấy chiếm đoạt? Bạn đã từng làm như thế chưa? Khi bạn đã trải nghiệm việc thực hành như vậy, thì quả thật, bạn đang chạm đến mầu nhiệm Thập giá.

Thập giá là biểu tượng tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa. Ai nhìn lên Thập giá và tin vào Ngài sẽ có sự sống đời đời. Chúng ta hãy học nơi thái độ đức tin của Nicôđêmô. Sau khi được Chúa khải thị về vinh quang Thập giá, ông đã tin. Từ một người biệt phái, ông đã trở nên môn đệ, và ông đã liều lĩnh giang rộng vòng tay để ôm đón xác Chúa từ trên cao Thập giá, đem đi chôn cất. Dưới chân Thập giá, Nicôđêmô đã diễn bày đức tin của mình.

 

 

Suy niệm

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

 

Trong cái rủi lại có cái may. Từ một thực tại xấu, Thiên Chúa có thể rút ra một thực tại tốt. Từ cuộc đổ vỡ trong công cuộc tạo dựng nhân loại, Thiên Chúa lại tái tạo nó đẹp đẽ hơn theo hình ảnh Con Một Người là Chúa Kitô. Tái tạo hay phục hồi là một đề tài lớn của Phụng vụ Lời Chúa mùa Chay và Phục Sinh. Nhưng động lực tình yêu khiến Thiên Chúa thực hiện việc tái tạo này mới là cao điểm suy niệm. Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua biến cố lịch sử Người giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ, nhưng đó chỉ là hình bóng tiên báo tuyệt đỉnh tình yêu qua hành động Thiên Chúa “sai Con của Người đến thế gian, để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17).

  1. Lịch sử Israel: yêu cho roi cho vọt (bài đọc Cựu Ước – 2 Sb 36:14-16.19-23)

Một đoạn sách Sử biên niên tiêu biểu như bài đọc Cựu Ước hôm nay cũng đủ để phác họa tất cả lịch sử dân Chúa với ba nét chính: Israel bất trung với Thiên Chúa và không chịu hối cải – Thiên Chúa trừng phạt họ, thường là họ bị phát lưu hoặc bị lân bang đánh phá – Thiên Chúa thương xót tha thứ và tái thiết Israel. Lịch sử dân Chúa không chủ yếu xây dựng trên những cột mốc năm tháng, nhưng trên mối quan hệ yêu thương thăng trầm và đổi thay giữa Thiên Chúa và dân Israel. Lịch sử khởi đầu bằng một sự tuyển chọn từ phía Thiên Chúa. Người đã kêu gọi Áp-ra-ham làm tổ phụ của một dân riêng với hy vọng dân này sẽ luôn luôn nhìn nhận Người là Đức Chúa của họ và phụng thờ Người, đồng thời tuân giữ luật pháp Người ban cho họ là Mười điều răn. Mà đã tuyển chọn và kêu gọi thì cần phải có sự đáp lại của Israel. Do đó, mỗi khi dân Chúa quay mặt về phía các tà thần và không đáp lời gọi sống theo luật Chúa là họ đã lỗi phạm sự trung thành đối với Người. Với thân phận làm Cha, Thiên Chúa muốn con cái Người luôn luôn ngoan ngoãn nên mới sửa dạy, sửa dạy bằng những hình phạt nhằm đánh thức lương tâm và giúp họ sống theo đường lối của Người. Việc sửa dạy này đòi hỏi kiên nhẫn và đầy lòng bao dung khoan thứ. Ta có cảm tưởng Thiên Chúa chạy đua với lỗi phạm của loài người. Tội lỗi loài người càng nhiều thì lòng nhân từ thứ tha của Chúa càng tăng gấp bội. Điều này thánh Phao-lô đã phát biểu trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (5:20).

Tuy nhiên ta cũng đọc thấy trong lịch sử dân Chúa không biết bao lần Người đã trừng phạt Israel. Phải chăng Thiên Chúa ghét bỏ Israel? Không bao giờ. Trái lại những trừng phạt ấy luôn luôn nhằm hai mục đích. Về phía Thiên Chúa, chúng là dấu chỉ biểu lộ lòng thương xót của người Cha nhân từ không bao giờ nỡ hủy diệt hay loại bỏ những gì Người đã tuyển chọn. Về phía loài người, trừng phạt của Chúa nhắm mục đích nhắc nhở kêu gọi họ hãy bỏ đường tà mà trở về sống theo luật pháp Chúa. Cha mẹ nuông chiều con cái, chúng sẽ dễ hư mất. Trái lại, răn bảo, la mắng hoặc đôi khi đánh đòn sẽ là những phương tiện nhắc nhở chúng sống cho đúng theo ý tốt của cha mẹ. Cũng vậy, những lần dân Chúa bị ngoại bang xâm chiếm và bắt đi làm nô lệ là những lần giúp họ nhìn lại lỗi lầm bất trung của họ và lối sống đi ngược với Lề Luật. Những khổ đau nhục nhằn của kiếp sống lưu đày là những ngọn roi tuy làm cho người ta đau đớn nhưng lại đầy yêu thương và nhân từ của vòng tay người Cha hoang đàng về tình thương yêu con cái.

Để hiểu rõ hơn mục đích của những trừng phạt này, ta cứ đọc kỹ ba đoạn Kinh Thánh trong bài đọc Cựu Ước hôm nay. Đoạn thứ nhất (2 Sb 36:14-16) cho thấy lỗi lầm to lớn của dân Israel làm cho Thiên Chúa “bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa”. Đoạn tiếp theo (2 Sb 36:19-21) cho thấy mức độ vô phương cứu chữa. Làm sao có thể tái thiết Giê-ru-sa-lem và nhất là thoát ách nô lệ của vương quốc Ba-tư! Đoạn thứ ba (2 Sb 36:22-23) ghi lại sự kỳ diệu của việc Thiên Chúa can thiệp. Ai có thể ngờ được Thiên Chúa dùng chính bàn tay của kẻ thù Israel để tạo điều kiện và hô hào dân Israel xây dựng Nhà Chúa tại Giê-ru-sa-lem? Nhất là lời động viên dân Chúa trong sắc chỉ của vua Ky-rô càng khiến ta suy nghĩ: “Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên…!” Rõ ràng là Thiên Chúa không “quá giận mất khôn” như ta nghĩ. Nhưng Đấng thấu suốt lòng dạ con người biết con cái mình sẽ hối lỗi ở mức độ nào của sự trừng phạt. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói đến cái biết này của Thiên Chúa: “Cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn” (2 Sb 36:21). Đất có được nghỉ một thời gian thì sau đó mới có thể trồng trọt phì nhiêu. Cũng vậy, những năm tháng lưu đày sẽ là thời gian để Israel tăng triển lòng tin và trung thành với Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều thường xảy ra trong cuộc đời tín hữu. Gian nan cuộc đời thường là những nhắc nhở hoặc chuẩn bị ta thêm lòng tín thác nơi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.

  1. Thiên Chúa định nghĩa tình yêu là gì (bài Tin Mừng – Ga 3:14-21)

Con người tốn bao nhiêu giấy mực để định nghĩa tình yêu mà cũng chẳng nói hết được ý nghĩa của nó. Còn Thiên Chúa có lối định nghĩa tình yêu hoàn toàn khác, nhưng lại vô cùng sâu sắc và thực tế. Tình yêu chỉ có thể định nghĩa đầy đủ bằng hành động, chứ không thể diễn tả bằng lời nói suông. Cho nên đối với Thiên Chúa, yêu là ban tặng. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).

Thiên Chúa yêu thương Israel nên đã cứu họ thoát khỏi cái chết đời này, cái chết trong nô lệ cho ngoại bang, như bài đọc I hôm nay đã nhắc tới. Đó là hình bóng nói đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại đang bị kiềm tỏa do cái chết đời đời bởi tội lỗi. Thiên Chúa yêu nhân loại nên tìm đủ mọi cách để cứu vớt nhân loại khỏi cái chết đời đời ấy. Với dân Israel, Người dùng vị thủ lãnh của nước Ba-tư để giải phóng dân Người và tái thiết Giê-ru-sa-lem. Còn với toàn thể nhân loại, Thiên Chúa đã trao nộp Con Một là Chúa Kitô cho họ, để Ngài phải hy sinh mạng sống mà cứu họ khỏi cái chết vĩnh cửu. Trên thế gian, người ta yêu thương và tặng quà, có thể là những món quà thật đắt tiền, nhưng chẳng ai dám lấy mạng sống con ruột mình để làm quà tặng cả. Vậy mà Thiên Chúa đã làm như thế. Với Người, Con Một thật đáng quý giá chừng nào, nhưng Người lại đánh đổi để lấy lại nhân loại, như thế đủ biết Người yêu thương nhân loại đến mức ta không thể lấy gì mà đo lường được. Món quà càng trân quý đối với người tặng bao nhiêu thì tình yêu của người tặng dành cho người được tặng càng lớn lao bấy nhiêu.

“Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã phục hồi mọi sự”, đó là một luận đề chính trong giáo lý của thánh Phao-lô. Không những Chúa Kitô đã khởi đầu công cuộc phục hồi cho ta danh nghĩa làm con Thiên Chúa nhờ cuộc Thương khó và Phục sinh của Người, Người còn trở nên gương mẫu và nguyên lý phục hồi quyền dưỡng tử của ta. Nói khác đi, chẳng những ta được làm con Thiên Chúa nhờ Bí tích Rửa tội, mà ta còn được cùng đồng hành với Chúa Kitô để sống tình con cái với Thiên Chúa là Cha của Chúa Kitô và của ta nữa. Chúa Kitô là sự thật và ánh sáng. Sự thật ấy cho ta biết Thiên Chúa yêu thương ta đến độ hy sinh Con Một vì ta. Ánh sáng ấy là gương mẫu và dẫn dắt ta sống như con cái Thiên Chúa. Do đó để kết thúc cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, Chúa Giê-su đã khẳng định: “Kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa” (Ga 3:21). Nghĩa là nếu ta muốn sống đúng với Sự Thật là Thiên Chúa yêu thương ta, thì ta hãy đến với Ánh Sáng là Chúa Giê-su, để tất cả đời ta, lời nói, việc làm, tư tưởng đều được diễn tiến trong Thiên Chúa.

  1. Qua Chúa Kitô, Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Người dành cho ta (bài đọc Tân Ước – Ep 2:4-10)

Thánh Gio-an diễn tả tình yêu của Thiên Chúa là việc trao ban Con Một, còn thánh Phao-lô lại muốn nói cách thức Thiên Chúa yêu thương ta qua cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Kitô. Hai nhà thần học tiên khởi của Kitô giáo cùng nhìn một vấn đề, nhưng dưới khía cạnh khác nhau. Nhưng cả hai đều muốn nói lên một điểm chung: Thiên Chúa rất mực yêu thương và giàu lòng thương xót. Tuy nhiên thánh Phao-lô muốn khai triển về phía con người được lãnh nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa đã cho ta là những kẻ đã chết vì sa ngã của tổ tông lại “được cùng sống với Đức Kitô”. Đây chính là điều ta cần phải suy nghĩ để biết cách đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Vì yêu ta nên Thiên Chúa mới tạo điều kiện cho ta “được cùng sống với Đức Kitô”, nghĩa là cùng với Chúa Kitô làm một cuộc biến đổi, một cuộc sống mới. Chúa Kitô đã khai mào cho một cuộc Tạo dựng Mới. Trong cuộc Tạo dựng Mới này, “chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta” (Ep 2:10). Như vậy là thánh Phao-lô đã cho ta thấy rõ ra phải làm gì rồi, nghĩa là ta phải “sống mà thực hiện công trình tốt đẹp” của Thiên Chúa, tức công trình cứu độ của Người. Mỗi ngày sống của ta là một ngày ta thực hiện một chút công trình cứu độ của Chúa nơi ta. Cứ thế, sau khi ta đi hết những ngày trên trần gian này, ta sẽ đạt tới đích là “được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giê-su trên cõi trời” (Ep 2:6).

  1. Sống Lời Chúa

Càng gần lễ Phục Sinh, Phụng vụ Lời Chúa càng cho ta thấy rõ hơn vai trò cứu độ của Chúa Giê-su Kitô. Người đã lấy tất cả cuộc đời Người để nói cho ta biết Thiên Chúa yêu mến và muốn cứu độ ta. Người mời gọi ta đến với Người để bắt đầu một hành trình sức sống mới, sống như “tác phẩm Thiên Chúa đã dựng nên trong Đức Kitô”. Mời gọi này quả thực là một thách đố cho ta nếu ta muốn thành tâm đáp lại. Tuy nhiên ta cũng phải ý thức rằng được mời gọi làm cuộc hành trình sức sống mới này còn là một “ân sủng” Thiên Chúa ban cho ta vì Người yêu thương ta. Ân sủng là do Thiên Chúa, nhưng lòng tin là đáp lại từ phía chúng ta vậy.

Suy nghĩ: Chúa Giê-su lập đi lập lại nhiều lần: “Ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi? Tôi đã sống niềm tin này như thế nào?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần để thực hiện công trình kỳ diệu là cho loài người được hòa giải với Chúa. Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu được lòng tin sống động, để hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. A-men. (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật IV mùa Chay).

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube