CHÚA NHẬT IV PS NĂM B

Nghe-Biết-Theo

Lm Trịnh Ngọc Danh

Những dấu hiệu để nhận ra người thân quen là gương mặt và giọng nói.

Tuy cách nhau, nhưng nhớ đến ai, ta vẫn hình dung ra được gương mặt người ấy; nghe giọng nói qua diện thoại, ta nhận ra ngay người thân quen của ta là ai.

Chính Chúa Giêsu đã xác nhận: “Các chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta” (Ga. 10,27), hay “Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga. 10,14).

Động từ “biết” trong Kinh Thánh có một ý nghiã đặc thù diễn tả tình yêu thương kết hợp nơi thân xác của vợ chồng để cả hai trở nên một như Chúa Cha biết Chúa Con và Chúa Con biết Chúa Cha. Khi nghe Thiên Thần báo tin: “Này Trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu…”, Trinh nữ Maria đã trả lời: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Như thế “biết” là không chỉ có ý nghiã thuần túy thuộc phạm trù nhận thức mà còn bao gồm cả về phương diện tình cảm. Biết là thân thương, trìu mến, gắn bó, kết hợp.

Ta biết các chiên Ta

Chúa Giêsu đã tự xác nhận mình là Mục Tử. Ngài là chủ đàn chiên chứ không phải người chăn thuê và là một Mục Tử Nhân Lành. Khác với chủ chăn đích thực, người chăn thuê, vì đàn chiên không thuộc về anh ta, anh ta không thiết gì đến đàn chiên, nên khi thấy sói đến, anh ta bỏ chiên mà chạy, mặc cho sói vồ lấy chiên và làm cho chúng chạy tán loạn.

Người Chăn Chiên Nhân Lành ấy biết đàn chiên của mình là con cái cùng một Cha, cùng chung một mái nhà, là anh em, là bạn hữu chứ không phải là tôi tớ…, biết từng con chiên một, biết đàn chiên yếu đuối hay sa ngã, biết chúng đang phải sống một kiếp sống hủy diệt vì tội lỗi, biết chiên đang khát vọng tìm một đồng cỏ xanh tươi, một dòng suối mát cho cuộc sống để nghỉ ngơi…

Vì yêu thương đàn chiên, muốn giải cứu chúng khỏi kiếp sống diệt vong ấy để được sống hạnh phúc viên mãn nơi Nhà Cha trên trời, người Mục Tử Nhân Lành ấy đã xuống thế mang thân phận thấp hèn của con chiên, đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên để từ sự phục sinh của người Mục tử Nhân Lành ấy, đàn chiên được sống trong an bình và hy vọng.

Chúa Giêsu chịu chết và phục sinh, Mục Tử Nhân Lành đã trở nên nguồn ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, cho từng con người. Ngài muốn chăn dắt, gìn giữ, nuôi sống từng con chiên một trong đàn chiên. Mục Tử Nhân lành biết các chiên của mình là như thế đó! Và dung mạo của Chủ Chăn ấy là nhân lành , yêu thương, biết các chiên, hy sinh mạng sống vì đàn chiên và bảo vệ đàn chiên là như thế đó!

 

Là con chiên thuộc đàn chiên của Mục Tử Nhân Lành, ta đã biết chủ chăn, nghe tiếng Đấng ấy như thế nào? đã cảm nhận được sự hy sinh, bảo vệ, chăm sóc qua cái “ biết” của Mục Tử ấy chưa?

và các chiên Ta biết Ta, chúng nghe tiếng Ta

Nhờ dấu hiệu nào giúp chúng ta “ biết” Chủ Chăn?

Qua Kinh Thánh và nhất là qua Tin Mừng và phép Thánh Thể, ta biết Ngài, nghe tiếng Ngài kêu gọi. Ngài là Đấng Phục Sinh, nghĩa là Đấng Hằng Sống. Ta sẽ biết rõ Ngài hơn, nhiều hơn, thân mật hơn, nếu ta sống và đi vào cuộc sống với, sống cùng các chiên khác.

Chúng ta đọc Kinh Thánh để nhận biết Người Chăn Chiên, để nghe tiếng Đấng ấy kêu gọi, nhưng ta nhận biết và nghe được tiếng gọi ấy bằng cách nào? Bằng phân tích, lý luận hay bằng tình cảm tin yêu?

Ba người ngồi trao đổi với nhau về bản dịch Kinh Thánh.

Ông thứ nhất nói:

– Tôi thích bản dịch A. Nó sáng sủa hơn những bản dịch trước. Bản dịch này đọc dễ hiểu hơn.

Ông thứ hai nhận định:

– Tôi thì thích bản dịch B hơn. Bản dịch vừa rõ ràng lại vừa văn chương, rất thích hợp cho chúng ta cầu nguyện.

Ông cuối cùng nhỏ nhẹ nói:

– Phần tôi, tôi thích bản dịch của mẹ tôi nhất. Mẹ tôi dịch Thánh Kinh ra thực thế, làm cho Thánh Kinh dễ dàng áp dụng vào đời sống hằng ngày.

Mỗi ngày, có thể ta sẽ viết thêm một trang mới vào cuốn sách Tin Mừng sống của thời đại bằng chính những việc ta làm, bằng những lời ta nói.

Nếu những lời nói và hành động của ta không phản ảnh được những giá trị của Tin Mừng, thì những lời nói và hành động ấy cũng chẳng nói lên được gì cả.

Nói đến đây, có lẽ cũng là dịp để ta nhớ lại dụ ngôn người gieo giống.

Sống và thực hành lời Chủ Chăn kêu gọi: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, nhiệt thành tham dự Thánh Lễ để từ đó sống kết hợp với Ngài là ta biết và nghe tiếng Mục Tử Nhân Lành kêu gọi.

Bổn phận của con chiên là biết nghe tiếng của chủ chăn. Chỉ có một tiếng thôi, không có tiếng nào khác để chiên nghe theo mà được yên ổn, an vui, sống hạnh phúc ngoài tiếng Giêsu.

 

Nhưng chỉ có thế thôi thì chưa đủ, chưa trọn vẹn bổn phận mà còn phảibước theo sự dìu dắt của Mục Tử nhân lành.

và chúng theo Ta” (Ga. 10, 27)

Đã biết Chủ Chăn, và đã phân biệt được tiếng gọi của Ngài với tiếng gọi của người chăn chiên thuê, ta phải mau mắn, tin tưởng đi theo. Đi theo để được chăm sóc , được bảo vệ khỏi mọi hiểm nguy trong bất cứ hòan cảnh nào.

Không như người chăn thuê, khi thấy sói rừng đến thì bỏ mặc đàn chiên mà chạy thoát thân; trái lại, Mục Tử Nhân Lành của ta sẵn sàng thí mạng sống mình vì đàn chiên. Đi theo và tin tưởng phó thác vào sự bao bọc chở che của Chủ Chăn đã lấy mạng sống Ngài để bảo vệ, cứu thoát ta khỏi tội lỗi và cái chết hủy diệt để đưa ta vào sự sống Phục sinh vĩnh cửu như tác giả Thánh vịnh 22 đã cảm nghiệm:

Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Ngài cho tôi nằm nghỉ.

Ngài đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.

Ngài dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính, vì danh dự của Ngài.

Lạy Chúa, dầu qua thung lũng tối tăm,

con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm…

Thế nhưng, ta có sẵn sàng chịu nghe tiếng của Chủ Chăn để tìm về với Ngài mỗi khi đi lạc đường, có sẵn sàng đi theo Ngài để cho Ngài bảo vệ, chăm sóc hay lại tìm cách tách rời đàn chiên để đi tìm những bãi cỏ tiền tài, danh vọng, bãi cỏ ý riêng…thay vì gặm cỏ xanh tươi, uống nước dòng suối mát nơi đồng Tin Mừng và Thánh Thể!

Phải coi chừng chủ chăn giả hay người chăn thuê, vì đàn chiên không thuộc về ngưới ấy, nên họ thiếu trách nhiệm với đàn chiên, ích kỷ sợ nguy hại đến bản thân mình hơn đến số phận của đàn chiên..

Ngược lại, Mục Tử nhân lành là người yêu thương, bảo vệ, chăm sóc đàn chiên, biết từng con chiên một.

Tiêu chuẩn cuối cùng để phân biệt chủ chăn đích thực và ngươì chăn chiên thuê là thí mạng sống vì đàn chiên. Chỉ có Mục Tử Nhân Lành Giêsu là Đấng đã làm như thế cho đàn chiên của mình.

 

Là chiên trong đàn chiên của Chúa, có ba điều ta cần phải suy xét và thực hành trong cuộc sống của mình là:

Chiên Ta nghe tiếng Ta, chúng biết Ta và chúng theo Ta. Sống và thực hành ba điều đó không phải chỉ để mưu tìm hạnh phúc cho riêng mình mà còn phải cùng Mục Tử nhân Lành thực hiện một sứ vụ khác, một nỗi trăn trở khác là:“Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này, cả những chiên đó ta cũng phải mang về đàn, chúng sẽ nghe tiếng ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”

Khi gặm cỏ, gặp những chiên khác chưa thuộc đàn chiên của Chủ Chăn Giêsu, chúng ta có thái độ nào? Đố kỵ hay thân thiện, nhường nhịn chia sẻ hay ganh ghét tranh phần, yêu thương hay thù hận, tiếp đón giúp đỡ hay làm ngơ bỏ mặc, cộng tác hay dửng dưng, đối thoại hay khép kín?

Ghen ghét, đố kỵ, phân cách, tự mãn, tự kiêu, ích kỷ… có giúp gì được cho mong ước quy tụ những chiên khác chưa thuộc về đàn chiên của Mục Tử Giêsu thành một đàn chiên duy nhất và chỉ một chủ chiên mà thôi không? [Mục Lục]

 

 

 

Chân dung mục tử Giêsu

Lm Ignatiô Trần Ngà

Hình ảnh mục tử sống giữa đàn chiên là hình ảnh rất thân quen đối với dân Do Thái ngày xưa chuyên sống đời du mục. Hình ảnh nầy được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng nhiều lần để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng lại hình ảnh nầy như một biểu tượng cao đẹp để diễn tả tình thương cao vời Người dành cho nhân loại với những nét lớn sau đây:

  1. Mục tử Giêsu sống hoà mình thân mật với đoàn chiên.

Thiên Chúa Ngôi Hai là Đấng quyền năng cao cả, còn loài người chỉ là tạo vật thấp hèn. Cách biệt giữa đôi bên thật là quá lớn.

Thế nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua mọi cách biệt để sống hoà đồng với con người. Người không muốn duy trì quan hệ đẳng cấp kiểu vua-tôi, chủ-tớ với con người nhưng muốn sống hài hoà thân mật với hết thảy chúng ta.

 

Qua biểu tượng mục tử với đàn chiên, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người vui sống chan hoà với mọi người và tương quan giữa đôi bên hết sức thân mật không còn khoảng cách.

Người đã từng hoà mình với dòng người tội lỗi chờ được thanh tẩy bên bờ sông Gio-đan (Mát-thêu 3, 13-16). Người cùng ăn uống đồng bàn và trọ nhà những người tội lỗi. (Lc 19,7). Người nâng li rượu chúc mừng đôi tân hôn trong tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 1-11). Người khóc thương La-da-rô bạc mệnh (Ga 11,35). Người cứu chữa kẻ bệnh tật, vui đùa với các trẻ thơ… Nói tóm lại, tất cả mọi người đều có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim Mục tử Giêsu.

  1. Mục tử Giêsu cho chiên được sống dồi dào.

Thánh vịnh 23 phác hoạ chân dung Chúa Giêsu như Vị Mục Tử nhân lành tận tình nuôi dưỡng đoàn chiên cách chu đáo, chẳng để chiên phải thiếu thốn điều gì.

“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 1-3)

Các mục tử trên đời nầy nuôi chiên nhằm khai thác chiên: xén lông, xẻ thịt hoặc bán chiên lấy tiền, còn Mục Tử Giêsu thay vì khai thác trục lợi đoàn chiên thì lại hiến thân mình làm lương thực để chiên được dồi dào sức sống: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào” (Gioan 10, 10)

Người chấp nhận trao ban chính mình làm lương thực nuôi sống đoàn chiên đang lầm than đói khát: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Gioan 6, 35),

  1. Mục tử Giêsu chăm sóc từng con chiên một, không bỏ rơi bất cứ con chiên nào.

Lời tiên báo của ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã được ứng nghiệm từng chữ nơi Mục tử Giêsu: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Edekien 34, 15-16)

Qua dụ ngôn mục tử bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người chăm sóc chi li từng người một, không muốn bất kỳ một ai phải hư vong. (Luca 15, 4-7)

  1. Mục Tử Giêsu hiến thân mình cho chiên được sống.

Khác xa người chăn thuê cao chạy xa bay khi thấy đàn sói hung tàn xông tới vồ xé bầy chiên, Mục tử Giêsu chấp nhận hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đến cùng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành… tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Gioan 10, 11-15)

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Mục tử có một không hai trên đời: Chúa sống hoà mình thân mật với chiên, nuôi chiên sống dồi dào, chăm lo cho từng con một, không bỏ rơi bất cứ con nào và thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.

Xin cho gương sống tuyệt vời nầy sẽ mãi mãi là lời mời gọi và là động cơ thúc đẩy chúng con trở nên mục tử nhân lành như Chúa.

Xin thương giúp cho các bậc cha mẹ trở thành mục tử tốt trong gia đình, các linh mục trở thành mục tử nhân lành trong giáo xứ, Thầy Cô trở thành mục tử cao quý ở trường học… để mỗi người chúng con tuỳ theo chức phận mình, biết tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên Chúa trao cho chúng con theo gương người Mục Tử nhân lành là chính Chúa. Amen. [Mục Lục]

 

 

 

Tình người mục tử

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Có một thai nhi sắp được chào đời. Nó mới hỏi Thượng đế rằng: “Thưa Ngài, có phải ngày mai Ngài sẽ đưa con vào đời không?

Thượng đế trả lời: Đúng đó con ạ!

Đứa bé đáp: Nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?”.

Thượng đế đáp: “Hãy yên tâm, trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ ở bên con và chăm sóc con chu đáo”.

Đứa bé lại hỏi: “Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?”

Thượng đế trả lời: “Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những lời ngọt ngào và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dậy con biết nói những điều hay lẽ phải”.

 

– Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Vậy, ai sẽ bảo vệ con?

– Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của mình.

– Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được thấy ngài nữa.

– Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta mỗi khi lạc lối.

– Vậy thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con là gì?

– Tên của người không quan trọng, con chỉ giản đơn gọi người là Mẹ.

Nếu người mẹ cần thiết cho con cái thế nào, thì người mục tử cũng cần thiết cho đàn chiên như vậy. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của người mục tử tốt lành. Người mục từ luôn sống vì lợi ích đàn chiên, luôn sống cho và vì đàn chiên. Người mục tử gắn liền đời mình với đàn chiên tựa như người mẹ gắn liền với định mệnh đời con. Người mẹ được Thiên Chúa sắp đặt để bảo vệ đứa con, chăm sóc đứa con, dậy dỗ và gìn giữ đứa con khỏi những nguy hiểm trong suốt hành trình cuộc đời. Không có mẹ đứa con sẽ không lớn nổi thành người. Đàn chiên cũng không thể có đồng cỏ xanh tươi, có suối mát ngọt ngào nếu không được người mục tử miệt mài tìm kiếm cho đàn chiên. Đàn chiên sẽ không thể sống an toàn khỏi cạm bãy, khỏi thú dữ rình chờ, nếu không có chủ chiên canh phòng với đầy đủ trách nhiệm và đầy yêu thương.

Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên. Ngài yêu thương con người nên đã mang lấy thân phận con người để cùng đồng hành với con người. Ngài đã cùng chia vui sẻ buồn với con người qua những thăng trầm của cuộc sống. Ngài đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ như một người đầy tớ phục vụ chủ nhân. Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu là chết cho đàn chiên được sống. Ngài còn hiến mình thành lương thực nuôi dưỡng đàn chiên qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày. Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con”.

Hình ảnh người mục tử còn là hình ảnh của những người cha, người mẹ đang ngày đêm lo lắng bảo vệ con con cái. Các ngài đã hy sinh cuộc đời vì hạnh phúc các con. Các ngài đã trải qua những mưa nắng khắc nghiệt của dòng đời để mang lại cơm no áo ấm cho đàn con. Các ngài đã chấp nhận chịu tiêu hao như hạt lúa chịu mục nát đời mình cho con cái lớn khôn.

Hôm nay lễ Chúa chiên lành, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội luôn có những mục tử hết lòng vì đàn chiên. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta có cha, có mẹ luôn hết mình hy sinh cho chúng ta. Cám tạ Chúa đã thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng muôn nghìn cách. Cám ơn Chúa vẫn nuôi dưỡng chúng ta trên đồng cỏ xanh tươi là bàn tiệc Thánh thể, nhờ đó mà ta được no thoả ân tình của Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta biết siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể. Xin đừng bao giờ để tâm hồn mình bị chết đói, chết khát ngay bên nguồn nước trong lành với đồng cỏ xanh tươi là Bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu với tình mục tử đã dọn sẵn cho chúng ta. Amen. [Mục Lục]

 

 

 

Đóa hoa yêu thương

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

 

Cuộc sống cho ta những cái đẹp để mang lại niềm vui hạnh phúc cho ta. Cái đẹp của thiên nhiên cho ta thư thái bình an. Cái đẹp của tình người cho ta niềm vui hạnh phúc. Cái đẹp của tâm hồn cho ta tin tưởng lạc quan. Một trong những cái đẹp để lại cho ta những ấn tượng nhất không hẳn là cái đẹp hoàn mỹ, sắc xảo của thể xác mà là cái đẹp của những nghĩa cử hy sinh đầy ắp tình người. Hy sinh càng nhiều thì nghĩa cử càng cao đẹp bấy nhiêu.

Cư dân mạng vừa qua có dịp trầm trồ về tình yêu lứa đôi. Tại làng Liangwang thuộc Tế Nam, Sơn Đông, Trung Quốc, có một câu chuyện tình yêu khiến nhiều người không khỏi rung động. Sun Guofang, một người vợ chưa cưới đã dũng cảm hiến tặng một bên thận của mình để cứu sống người yêu bị nhiễm độc đường niệu cần cấy ghép. Cô nói rằng: “Đây là món quà giá trị nhất tôi có thể mang lại cho anh ấy trong ngày Valentine”.

Đây là một tình yêu đẹp. Đẹp như một đóa hoa mà ai đó nói rằng:

Sắc là dâng hiến

Hương là hy sinh

Thiên Chúa đã yêu thương con người bằng một tình yêu cao đẹp hơn thế! Ngài yêu thương không phải dành tặng cho con người một quả thận, một đôi tay, một đôi mắt… ; Ngài dành tặng cho con người cả mạng sống hiến thân vì anh em. Tình yêu của Ngài là tình yêu dâng hiến đến hy sinh cả tính mạng cho con người. Tình yêu của Ngài rực rỡ như một sắc hoa và tỏa lan hương thơm nhờ hy sinh đến quên cả chình mình.

Tình yêu ấy hôm nay Ngài ví tựa như tình yêu của người mục tử dành cho đàn chiên. Một tình yêu vượt lên trên trách nhiệm để có thể lo cho đàn chiên. Thức ăn nước uống và nhất là canh thức để bảo vệ đàn chiên khỏi hiểm nguy của thú rừng luôn rình chờ. Thiên Chúa yêu con người. Tình yêu của Ngài luôn mang con người trong trái tim đến nỗi biết từng con chiên, lo lắng cho từng con chiên, chăm sóc cho từng con chiên. Ngài biết từng nỗi khổ của con người vì từng “sợi tóc trên đầu rơi xuống Ngài cũng biết”. Cái biết của Ngài là cái biết thông cảm, thương xót. Cái biết kèm theo sự dấn thân để xoa dịu nổi khổ của con người.

Xin cho chúng ta biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa luôn ban tặng cho thế gian. Tình yêu của Ngài vẫn đong đầy trên cuộc đời chúng ta. Một tình yêu quan phòng, chở che, nâng đỡ chúng ta. Xin cho chúng ta cũng biết đền đáp tình yêu ấy bằng cả một đời họa lại chân dung đầy yêu thương của Chúa cho anh em. Nhất là nơi gia đình chúng ta, nơi mà ai cũng từng được yêu thương và cũng cần thể hiện tình yêu thương. Tình yêu nơi vợ chồng luôn hy sinh dâng hiến cho nhau. Tình yêu nơi cha mẹ luôn tận tụy cho con cái. Tình yêu nơi con cái luôn sống hiếu thảo với mẹ cha… Mỗi một tình yêu dâng hiến nơi gia đình là một đóa hoa đang trang trí cho gia đình thêm rạng rỡ và thơm hương. Ước gì mỗi người chúng ta luôn là một đóa hoa yêu thương dâng tặng gia đình như tình yêu của Thiên Chúa hiến dâng vì chúng ta. Amen. [Mục Lục]

 

 

Chúa Nhật Chúa Chiên Lành

Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng

 

Chúa Nhật thứ 4 Phục Sinh còn được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Chính Đức Kitô là Vị Mục Tử nhân lành đã hiến mạng sống mình vì đàn chiên (Ga10,11). Ngài đến trong thế gian với sứ mệnh quy tụ tất cả các con chiên về một mối: ngõ hầu chỉ có một Chủ chiên duy nhất và một đàn chiên duy nhất.

Qua thánh Phêrô Tông Đồ, Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao phó nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của Người cho Giáo Hội (xem Ga 21,15-17). Theo gương Chúa Kitô Mục Tử, Giáo Hội không ngừng dấn thân trong việc chăm sóc đàn chiên. Vào mọi nơi mọi thời, không thiếu những tấm gương của những vị mục tử trong Giáo Hội đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời của mình để sống chết vì đàn chiên.

Ý thức được trách nhiệm cao cả của mình, Giáo Hội luôn luôn kêu mời các bạn trẻ nam nữ đáp lại lời mời gọi của Vị Mục Tử nhân lành biết quảng đại dấn thân trên con đường tận hiến để phục vụ Giáo Hội của Chúa Kitô và tha nhân. Vì vậy, Giáo Hội dành riêng Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh hàng năm để cầu nguyện cho ơn gọi thánh hiến nói chung và ơn gọi linh mục nói riêng.

Việc Chúa chọn gọi luôn đồng nghĩa với việc Chúa trao phó một sứ mạng đi kèm. Ngay từ khi bắt đầu cuộc sống công khai, Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ để các ông đến ở với Người và được Người sai đi rao giảng (xem Mc 2,14). Được Chúa gọi luôn là một màu nhiệm vượt qua sự so đo tính toán của con người. Chúa gọi ai đó cộng tác với Người không phải vì họ tài giỏi. Người đã chọn các Tông Đồ vốn là những kẻ chài lưới tầm thường và ít học. Nơi họ vẫn còn mang nặng tính vụ lợi hơn thiệt (xem Mt 19,27), tranh cãi về địa vị thứ bậc (xem Mc 9,34), ham hố danh vọng (xem Mt 20,21), và thậm chí cũng có cả tội bất trung như Phêrô chối Chúa (xem Mc 14,71). Việc chọn và gọi luôn là sáng kiếng riêng của Chúa và cũng là cách thức để Chúa chia sẻ sứ mạng của Ngài với những người được yêu mến và được tuyển chọn.

Việc Chúa trao phó sứ mệnh cho ai đó luôn đi kèm theo lời hứa và phương tiện để thi hành (xem Mt 28, 19-20). Các Tông Đồ đã được Chúa Giêsu hứa sai phái Thánh Thần đến để thánh hóa, dạy dỗ, ban sức mạnh cũng như ơn khôn ngoan hiểu biết (xem Ga 16,13).

Điều này đã được kiểm chứng nơi bài đọc thứ nhất. Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại việc thánh Phêrô và Gioan bị điệu ra trước Thượng Hội Đồng. Hai ông bị kết án với tội danh vì đã chữa lành cho một người què từ khi lọt lòng mẹ ngay tại cửa Đền Thờ và vì đã lôi kéo được chừng năm ngàn người tin vào lời rao giảng của các ông. Chính nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà một Phêrô khiếp đảm ẩn mình trong gian phòng cửa đóng then cài thành một Phêrô can đảm xuất hiện trước dân chúng. Cũng nhờ Chúa Thánh Thần, từ một anh chàng chài lưới quê mùa năm xưa, Phêrô đã trở nên người người giảng giải hết sức lưu loát thu hút được rất nhiều người theo đạo. Chúa Thánh Thần cũng biến đổi một Phêrô chối Thầy thành một

Phêrô dõng dạc làm chứng về Đức Kitô bị đóng đinh và nay đã phục sinh để trở nên nguồn ơn cứu độ duy nhất cho nhân loại.

Thật kỳ diệu. Chúa Thánh Thần đã hoán chuyển vị trí của một Phêrô bị cáo trong phiên tòa người đời thành một Phêrô thẩm phán để vạch tội giết Đấng Công Chính của họ, để kêu gọi họ sám hối và đặt niềm tin vào Đấng mà chính họ đã đóng đinh vào thập giá.

Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta được sát nhập vào thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh. Chúng ta được sinh ra trong Thánh Thần để tham gia vào sứ mệnh và các chức năng ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Kitô. Trung tâm điểm của đời sống Kitô hữu là được mời gọi để trở nên những chứng nhân cho một Đức Kitô đã bị kết án, bị đóng đinh trên thập giá, đã chết một cách bi thảm và đã Phục Sinh vinh hiển.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy ngự đến để sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con. Xin soi lòng mở trí chúng con để ánh sáng Phục Sinh xua tan mọi u mê tăm tối. Xin hãy canh tân bộ mặt trái đất. Lạy Ngôi Ba Thiên Chúa xin hãy ngự đến vì chúng con đang mong chờ Ngài. [Mục Lục]

 

 

 

 

 

Chúa chiên lành

Anmai, CSsR

Hình ảnh của những người Pharisêu quá quen thuộc với mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu vẫn thường lên án, chỉ trích thái độ của người Pharisiêu. Lẽ ra, người Pharisiêu có nhiệm vụ hướng dẫn anh mù nhưng họ lại khai trừ anh. Đức Giêsu khác những người Pharisiêu, Đức Giêsu đã hướng dẫn anh mù. Những người Pharisiêu chỉ là những người chăn thuê còn chính Đức Giêsu mới là mục tử gương mẫu. Người mục tử gương mẫu như Chúa Giêsu ấy đã giữ gìn cho chiên khỏi chết và hiệp nhất các chiên lại. Đặc tính của Chúa Giêsu là làm cho chiên được sống và được sống dồi dào và gìn giữ cho đoàn chiên được hiệp nhất.

Thánh lễ Chúa Chiên Lành ngày hôm nay rất ý nghĩa cho mỗi người chúng ta vì lẽ chúng ta, người ở vai trò con chiên, người ở vai trò mục tử.

Mục tử là một hình ảnh quen thuộc đối với dân Israel cả trong thời kỳ họ còn sống nghề du mục lẫn trong thời kỳ họ đã định cư: thời du mục thì họ chuyên chăn nuôi; đến thời định cư hẳn trong xừ Palestina thì tuy họ đã chuyển sang nghề nông nhưng vẫn còn giữ nghề chăn nuôi.

Trong chăn nuôi, vai trò và nhiệm vụ của mục tử rất quan trọng và khó khăn: a/ Không phải chỉ nuôi vài ba con chiên mà cả đàn lên tới mấy trăm hoặc mấy ngàn con; b/ Muốn nuôi sống một mớ chiên đông như thế, không phải chỉ cần đi cắt một mớ cỏ đem về là đủ, mà phải tìm những đồng cỏ lớn, phải tính sẵn trong đầu xem khi đoàn chiên ăn hết đồng cỏ này thì phải dẫn chúng tới đồng cỏ khác ngay; phải chọn những chỗ vừa có cỏ xanh vừa có bóng mát vừa có nước uống (x. St 13,1-9: đầy tớ của Loth và của Abraham dành nhau những đồng cỏ và giếng nước); c/ Ngoài ra còn phải bảo vệ chiên khỏi những nguy hiểm thường xuyên đe dọa như trộm cướp và thú dữ. Có khi phải chiến đấu đến bị thương hoặc bị chết.

Trong bối cảnh trên, hình ảnh mục tử rất đẹp: thân thiết, tận tụy, can trường, chu đáo v.v. Bởi đó Thánh Kinh thường dùng hình ảnh này để mô tả những nhân vật quan trọng như Môisê (Xh 3,1-2 15,22-27…), các nhà lãnh đạo dân như vua, tư tế, thẩm phán, ngôn sứ (Gr 10,21; 12,10; Ed 34; Is 36,11 Dcr 11,15-17…). Đặc biệt nhất chính Thiên Chúa tự mô tả mình là mục tử (Tv 23 80), dân Israel được coi là đoàn chiên của Ngài (Tv 80,2), cuộc Xuất hành là việc Thiên Chúa dẫn dắt đoàn chiên Israel ấy qua những nơi khó khăn để tới chốn an lành (Tv 78,52, 77; Is 63,11-14). Và sau cùng Đấng Messia cũng được mô tả là mục tử (Ed 34; Dcr 13,7-9…)

Mô tả Thiên Chúa và Đấng Messia bằng hình ảnh mục tử thì rất đẹp, nhưng mô tả dân Thiên Chúa như đoàn chiên thì không được đẹp lắm vì hình ảnh đoàn chiên gợi lên ý tưởng một đám đông trong đó những cá nhân không có cá tính mà chỉ như một con số bị mất hút trong đa số. Bởi thế trong đoạn Tin Mừng này Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh đoàn chiên nhưng Ngài làm nổi bật tính cá nhân riêng biệt của từng con chiên: “Ta biết các chiên của ta và các chiên của Ta biết Ta” (c 14).

 

“Ta là mục tử”: Trong Tin Mừng Ga nhiều lần Đức Giêsu dùng công thức “Ta là”. Những lần như thế không phải chỉ là một lời tự xưng suông mà còn hàm chứa một mặc khải cho người ta hiểu thêm về bản thân Ngài. Hơn nữa công thức này mang âm hưởng lời Giavê tự mặc khải (St 3,13-14). Như vậy khi Đức Giêsu nói “Ta là mục tử” thì ý nghĩa là bản chất của Ngài chính là mục tử, vì thế Ngài đã, đang và sẽ mãi mãi là mục tử.

“Ta là mục tử tốt”: Tính từ hy lạp kalos vừa có nghĩa “tốt” (bon) vừa có nghĩa “đẹp” (beau). “Tốt” diễn tả tấm lòng, còn “đẹp” diễn tả một hình ảnh tuyệt vời, mẫu mực, lý tưởng. Vì thế ta cũng có thể dịch “Ta là mục tử đẹp”.- – – “Mục tử đẹp thí mạng sống mình vì chiên”: Nét đặc thù phân biệt ai là mục tử đẹp là nếu người đó dám thí mạng sống mình vì đàn chiên. Ý tưởng này được lặp lại tới 4 lần trong đoạn Tin Mừng ngắn này (cc 11.15.17.18). Chính khi thí mạng sống mình, mục tử đẹp chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm và lòng vô vụ lợi tuyệt đối khi đón nhận và chăm sóc đàn chiên. Đán chiên này chính là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, do đó bất cứ điều gì đụng tới đàn chiên đều đụng tới bản thân mục tử, bất cứ nguy hiểm nào đe dọa đàn chiên đều động viên toàn thể con người mục tử, vì người mục tử đẹp phục vụ đàn chiên, chứ không phải là kẻ chăn thuê.

Kẻ chăn thuê không phải là chủ đàn chiên nên khi gặp nguy hiểm thì lo bảo vệ thân mình chứ không bảo vệ đàn chiên, không dám thí mạng vì đàn chiên. Cũng như ở Êd 34, ở đây Đức Giêsu ám chỉ các nhà lãnh đạo dân Israel (tư tế, luật sĩ v.v.) Họ khư khư bám lấy quyền lãnh đạo dân chỉ vì tư lợi. Họ không phục vụ chiên trái lại bắt chiên phục vụ họ. Khi gặp nguy hiểm, họ không màng chi sự an toàn của chiên mà chỉ lo cho sự an toàn của họ, như lời thượng tế Caipha tuyên bố về Đức Giêsu “Nếu ta cứ để yên như thế thì thiên hạ sẽ tin vào ông ấy hết, rồi quân Rôma sẽ đến tiêu trừ cả nơi thánh của ta và dân ta nữa” (11,48).

Mục tử nhân lành (hoặc, đúng hơn phải nói là, gương mẫu) đi trước đàn chiên, hứng lấy mọi nguy hiểm, để cứu vớt đàn chiên, dù phải hy sinh mạng sống. Như vậy, Đa-vít là một mục tử gương mẫu: khi sư tử đến bắt một con chiên, ông đã rượt theo, đánh sư tử và giựt con chiên lại (1 Sm 17,34-35).

Hình ảnh “mục tử nhân lành” là một hình ảnh quen thuộc trong Thánh kinh. Trong Cựu Ước, hình ảnh ấy được áp dụng khi thì cho Thiên Chúa (Tv 23,1; Is 40,11). Khi thì cho vua Mêsia (2 Sm 7,8; Tv 78,70-72), khi lại cho những nhà chức trách trong dân Israel (Gr 2,8; 10,21; 23,1-8; Ed 34). Trong các sách nhất lãm, chúng ta cũng gặp những hình ảnh ấy (Mc 6,34; 14,27; Mt 9,36; 18,12-14; 25,32; 26,31; Lc 15,3-7).

Đức Giê-su thực hiện một cách hoàn hảo chức năng mục tử, vì Người là Con Người chia sẻ thân phận con người để dẫn đưa họ đến cuộc sống vĩnh cửu.

 

Chúa Giêsu chính là mẫu gương tuyệt vời cho các mục tử.

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, có những mục tử sống hết mình vì đàn chiên nhưng cũng có những mục tử chăn thuê.

Tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ vì tôi đang được sống với một vị mục tử “chính hiệu con nai vàng” ở mảnh đất truyền giáo nghèo. Phải nói rằng Ngài không có cái tội gì ngoài cái tội thương người nghèo. Cuộc sống của Ngài đơn sơ đạm bạc, chỉ với chiếc xe cọc cạch là phương tiện tới lui. Nhiều lần nhiều lúc bảo Ngài đổi xe nhưng cứ khất lần khất lựa.

Lần nọ, đoàn cứu trợ từ thiện kia gửi 100 phần quà cho vùng truyền giáo nghèo. Xin thêm thì ngại mà thiếu thì người dân so bì, thế là Ngài đã cố gắng hết sức để tìm thêm 50 phần nữa để lo cho tạm gọi là nhu cầu của người nghèo tại chỗ.

Nhìn dáng hao gầy của cha đặc trách giáo điểm truyền giáo chắc có lẽ mọi người nhìn thấy được đó là kết qủa của một cuộc đời sống cho chiên và vì chiên.

Nói đến cha đặc trách mà không nói đến giáo dân quả là một điều thiếu sót lớn. Có thể nói cha đặc trách của tôi là một mục tử tuyệt vời nhưng đối lại, con chiên của Ngài ở đây làm sao ấy!

Ngài vốn dĩ hiền lành, chịu thương chịu khó và chịu đựng thế nhưng vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh – ngày Giáo Hội kỷ niệm việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể và truyền sứ vụ linh mục – nhưng khi nhìn tới nhìn lui nhà thờ chỉ có 80 giáo dân (tổng số giáo dân là 600) Ngài mới buông miệng nói một câu là Ngài cảm thấy buồn! Không buồn sao được khi mà cả cuộc đời của Ngài, Ngài đã gần như hiến mạng sống của mình ở vùng đất nghèo này mà giáo dân cư xử với Ngài như vậy. Những ngày Ngài đau yếu bệnh tật chẳng thấy ai ngó ngàng gì đến. Dường như con chiên chỉ đến để nhận tình thương từ mục tử và không có chiều ngược lại.

Đau đớn hơn là lần nọ, Cha đặc trách xây cái nhà mát ở, có vài mạng vào phụ Ngài để dựng cái nhà mát ấy. Ít lâu sau, cha đặc trách cũ cũng làm nhà mát và một mớ giáo dân hăng hái xuống để giúp cha xứ cũ dù hai giáo điểm cách nhau trên dưới 50 km. Nhìn cách hành xử của con chiên ở đây tôi thấy làm sao đấy, còn Ngài, Ngài bảo là “cổ võ cho họ đi để sống tinh thần truyền giáo!”.

Vâng! Một linh mục thánh thiện như Ngài thì có cái nhìn như thế nhưng thật sự đau đấy chứ! Giáo điểm nhà thì không thấy vào giúp mà đi giúp giáo điểm bạn!

Không chỉ có như vậy, Tết Nguyên Đán vừa rồi, sau khi nhận quà, vừa bước ra khỏi cửa nhà thờ thì lời ra tiếng vào ngay. Nào là cha cho nhiều, cha cho ít… Nào là người này không xứng đáng để nhận, người kia mới đáng để nhận… Có để đi cho cũng phức tạp chứ không phải cứ có là cho một cách vô tư.

 

Và không chỉ dừng lại ở chuyện hơn thua nhưng còn chuyện miệt thị người này siêng đi lễ, người kia bỏ nhà thờ cũng là điểm nổi bật ở vùng truyền giáo nghèo này. Những ai lỡ bận công chuyện bỏ nhà thờ chừng vài lần là sẽ nghe lời ra tiếng vào ngay.

Hình ảnh của con chiên xứ đạo này bỗng nhiên lại tô điểm thêm nét hiền lành và khiêm nhường của vị mục tử nhân lành. Không phải ca tụng cha đặc trách là thánh hay phong thánh cho Ngài nhưng thật sự khi nhìn vào đời sống của Ngài, Ngài quả là vị mục tử nhân lành như lòng Chúa mong muốn.

Hình ảnh của cha đặc trách đây có lẽ là một mẫu gương nho nhỏ cho những ai sống đời mục tử.

Hình ảnh của giáo dân giáo điểm này cũng là một bài học cho những con chiên.

Sống trên đời ai cũng cần vật chất cả, đành biết là vậy, nhất là với những người nghèo nhưng cùng đích cuộc đời này đâu phải là vật chất. Cuộc đời này người ta đâu chỉ “sống bằng cơm bánh” như Chúa Giêsu đã từng nói. Cuộc đời này còn đó đời sống của tâm linh, đời sống của tinh thần.

Chỉ vì yêu, Cha đặc trách giáo điểm mới sống xả thân hết mình như vậy. Thật ra thì Cha đặc trách cũng đâu có làm gì ra tiền, Cha đặc trách cũng chạy đầu này đầu kia để kiếm chút gì đó về cho con cái. Tất cả là vì yêu và vì yêu.

Ngược lại, với giáo dân nghèo, ta có thể nghèo vật chất nhưng không thể nào nghèo tinh thần, không thể nào nghèo tình yêu được. Một lời thăm hỏi, một nụ cười, một chút việc nho nhỏ trong nhà thờ cũng đủ để an ủi cho vị truyền giáo đơn sơ này. Thế nhưng làm gì có! Cha đặc trách đau lưng, đau bao tử giáo dân nào có biết. Ngày mỗi ngày, Cha đặc trách vẫn âm thầm lặng lẽ làm công việc của một ông từ đi đóng cổng thờ, đi quét chuông…

Cha đặc trách đã làm hết lòng mình, đã sống hết sức mình nhưng chưa bao giờ Ngài than thân trách phận. Tất cả cũng xuề xoà cho xong vì lòng thương dân nghèo.

Bài học chủ chăn nhân lành của vị truyền giáo ở giáo điểm truyền giáo này là một bài học hay của sự dấn thân, sự chịu đựng. Ngày mỗi ngày, Cha đặc trách sống như một “con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt”.

Nguyện xin Chúa Giêsu là vị Mục tử tối cao ban nhiều ơn lành để Giáo Hội ngày càng có thêm những vị mục tử sống hết mình vì con chiên như vị mục tử ở vùng truyền giáo nghèo này.

Và cũng nguyện xin Chúa Giêsu biến đổi lòng con chiên ở mảnh đất này để họ ngày mỗi ngày yêu thương đùm bọc lẫn nhau hơn và nhất là yêu thương vị chủ chăn hết lòng yêu thương họ hơn

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube