Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B

Đi gieo Tin Mừng

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Đoạn Tin Mừng hôm nay tóm tắt một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Qua những hoạt động của một ngày làm việc, Chúa Giêsu đưa ra những chỉ dẫn khuôn mẫu cho người đi gieo Tin Mừng.

Chỉ dẫn thứ nhất: Tin Mừng phải được rao giảng. Ngày Sabbát, Chúa Giêsu vào Hội đường, đọc Sách Thánh và giải nghĩa. Việc đọc và diễn giải Lời Chúa là một phần quan trọng của đời sống người môn đệ. Vì Tin Mừng phải được rao giảng. Lời Chúa phải được công bố. Người môn đệ phải say mê rao truyền để cho Lời Chúa trở thành ánh sáng soi đường cho con người, hướng dẫn tư tưởng, lời nói, hoạt động của con người. Chính Lời Chúa hướng dẫn con người đi trên đường Sự Thật để đạt được Sự Sống.

Chỉ dẫn thứ hai: Tin Mừng phải chứng tỏ bằng yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục. Chúa Giêsu đã làm chứng về điều đó. Ra khỏi Hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon. Bà nhạc của ông đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà để chữa bà khỏi bệnh. Thực ra Chúa có quyền năng chỉ cần đứng ngoài cửa phán một lời cũng có thể chữa bệnh cho bà nhạc ông Simon. Hơn nữa ở vào thời phong kiến với quan niệm nam nữ thọ thọ bất thân, việc cầm tay phụ nữ có gây nên dị nghị. Nhưng Chúa Giêsu đã đến tận giường cầm tay bà. Điều này nói lên lòng yêu thương kính trọng. Chúa không chỉ chữa bệnh mà còn muốn bày tỏ tình người, sự quan tâm âu yếm đối với người bệnh và cả sự kính trọng đối với phụ nữ nữa.

Chỉ dẫn thứ ba: Tin Mừng phải đem đến tự do. Mà quỉ luôn muốn giam cầm con người trong vòng nô lệ. Bị ma quỉ trói buộc con người mất hết ý chí, không còn làm được việc lành, chỉ có thể làm theo mệnh lệnh ma quỉ. Tin Mừng của Chúa có sức giải phóng con người. Giải phóng khỏi sự trói buộc của ma quỉ. Giải phóng khỏi những mặc cảm. Giải phóng khỏi những thói tục hủ lậu, những mê tín cấm ky. Nhờ đó con người có thể vươn lên, sống xứng đáng với phẩm giá và có thể làm việc lành phục vụ Nước Chúa. Bà nhạc của Simon là một thí dụ điển hình. Khi được khỏi bệnh, bà liền đi đứng và làm việc phục vụ Chúa.

Chỉ dẫn thứ tư: Tin Mừng phải được kín múc từ cội nguồn Thiên Chúa. Sáng sớm, Chúa Giêsu đến nơi vắng vẻ cầu nguyện. Suốt ngày bận rộn với con người, Chúa Giêsu phải dành buổi sáng sớm để cầu ngyện. Điều đó cho thấy, đối với Chúa, việc cầu nguyện là quan trọng biết bao. Chúa Giêsu cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa Cha, tìm sự hướng dẫn sáng suốt cho cuộc đời. Vì thế trước khi bắt tay vào làm việc, Chúa cầu nguyện với Đức Chúa Cha để múc lấy nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

Người môn đệ muốn dẫn thân rao giảng Tin mừng, mở rộng Nước Chúa không thể đi ra ngoài những chỉ dẫn khuôn mẫu của Thày Chí Thánh. Phải biết múc lấy nguồn sức mạnh ở nơi Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Coi việc cầu nguyện như cội nguồn của hoạt động, như điểm mấu chốt để đi đến thành công. Chuyên tâm học, đọc, suy gẫm Lời Chúa để có thể thấu hiểu và trình bày cho người khác. Nhất là phải làm chứng cho lời rao giảng bằng chính đời sống yêu thương bác ái. Sự yêu thương kính trọng sẽ đưa con người tới tự do, có thể lam những việc tốt đẹp, góp phần vào việc phục vụ Tin Mừng.

Lạy Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin hưỡng dẫn chúng con đi trên đường của Chúa Amen.

 

 

Giải phóng đau khổ

ViKiNi /Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

  1. Ông Gióp kêu rên thảm thiết: “Cuộc sống con người là một khổ dịch… Là chuỗi ngày làm thuê… Số phận tôi là những đêm đau khổ… ngay từ chiều tối, tôi trằn trọc đến hừng đông”.

Lời than thở đó diễn tả đủ loại đau khổ chồng chất trên đời người: Đau khổ thể chất thì ít, đau khổ tinh thần thì quá nhiều.

Cuộc sống thể chất là “một khổ dịch”. Khổ dịch vì bao nhiêu công việc nặng nhọc. Con người sống như nô lệ, không còn thời giờ hóng mát. Mệt mỏi về làm lụng, mệt mỏi về ăn uống, mệt mỏi về chơi bời giải trí! Còn biết bao nhiêu khổ dịch của bệnh tật, già cỗi, nghèo đói, loạn lạc, chiến tranh, thiên tai luôn vùi dập con người.

Đau khổ thể chất còn đổ lỗi cho trời đất. Những đau khổ tinh thần ghê sợ gấp bội, lại do chính con người gây ra. Đó là những đau khổ tâm lý, đau khổ đạo đức, đau khổ siêu hình (siêu nhiên).

Đau khổ tâm lý là những mặc cảm về “cuộc sống chỉ là chuỗi ngày làm thuê”, mặc cảm về thân phận hèn hạ tôi đòi, ở đậu. Không đâu là nhà, luôn luôn bị trôi dạt, bị chao đảo, bị o ép, nên dễ bất mãn, chống đối người khác, chống đối xã hội, chống đối Thiên Chúa, cuộc sống đầy những tâm trạng nổi loạn, ghen ghét, hận thù, phản bội, chứng tỏ một tâm lý ấu trĩ, tự ti mặc cảm, thiếu tự tin, tự chủ, cái đau khổ của Ađam Evà thân phận bùn đất nhưng lại muốn bằng Thiên Chúa, thân phận là con ếch dưới đáy giếng lại đòi bằng con bò để căng da phình bụng nổ tan bành mà chết, như trong ngụ ngôn của Lafontaine. Chừng nào ta thấy được vinh phúc Thiên Chúa đã ban cho mình từ bùn đất nên con người và từ con người nên con Thiên Chúa, ta mới được hạnh phúc thật.

Đau khổ đạo đức: “Ngay từ chiều tối, tôi trằn trọc đến hừng đông”. Con người bối rối âu lo, bị ray rứt về những dục vọng đen tối. Những đam mê sai trái, những dằn vặt ấy đã làm thánh Phaolô phải kêu lên: “Điều tôi không muốn, tôi lại làm!”. Bao nhiêu thiếu sót, bê trễ bổn phận cũng là những tác nhân gây ra đau khổ: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”. “Nỗi ray rứt hàng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh” (2Cr. 11, 28). Sau cùng, thứ đau khổ cùng cực nhất của con người là thấy “số phận của tôi là những đêm tối đau khổ”, đêm tối là số phận tôi, không ánh sáng, không tương lai, không hy vọng. Tất cả gia tài, sự nghiệp ky cóp, bon chen, giành giựt, chèn ép, chạy chọt như con thoi, đều tan ra như mây khói: “Đời con chỉ là một hơi thở”, một cái thở hắt ra là chấm dứt cuộc đời, con người câm lặng nhắm mắt lìa đời. Thật ghê sợ, rợn rùng “Mắt con sẽ không được thấy hạnh phúc bao giờ”. Đó là thứ đau khổ siêu hình, thứ đau khổ về hư vô. Thứ đau khổ mất niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống, mất hy vọng vào Đấng Cứu Độ đời đời.

  1. Ai ai có thể cứu chữa tôi thoát khỏi những thứ đau khổ này? Tất cả nhân loại đều bó tay, chỉ còn có Đức Giêsu thôi. Chính vì để giải phóng đau khổ này, Đức Giêsu đã đến trần gian. Người đến để chữa lành đau khổ thể xác và tinh thần. Cụ thể, hôm nay, Đức Giêsu đến nhà hai ông Simon và Anrê. Họ liền nói cho Người biết bà nhạc mẫu của ông Simon đang đau liệt. Đức Giêsu đến gần, cầm tay nâng bà dậy. Bà liền hết sốt. Một cử chỉ thân tình xoa dịu mọi lo âu thống khổ của gia đình. Người đến làm cho cảnh gia đình sầu khổ được sống lại hân hoan.

Cơm chiều đã dọn sẵn, chỉ vài món ăn thanh đạm, nhưng vị thượng khách chẳng kể chi. Cùng ngồi quây quần với mọi người, Người thanh thoát niềm nở kể chuyện. Câu chuyện trong sáng, giản dị. Mọi người đón nghe Tin mừng chan chứa niềm vui và hy vọng vào tương lai vinh phúc bất diệt của con người. Mọi xao xuyến, sầu khổ biến tan. Những nụ cười tươi nở, những ánh mắt sáng lên. Họ nhìn Người xiết bao trìu mến và đầy tin tưởng. Hoàng hôn buông xuống, chấm dứt ngày nghỉ lễ Sabbat, cả thành ùn ùn kéo đến nhà ông Simon. Ông mở rộng cửa, dọn dẹp sân vườn đón tiếp bà con xa gần. Simon mở cửa nhà càng rộng, Đức Giêsu càng giang rộng đôi cánh tay âu yếm, thương mến đón tiếp mọi hạng người: nghèo hèn, sang giàu, đau khổ, bệnh tật, đủ loại quỷ ám và tội lỗi. Nhà Simon thành đại gia đình tình thương của Chúa. Suốt tối hôm đó, Người chữa lành mọi vết thương tâm hồn và thể xác. Người luôn tay chúc phúc cho tất cả toàn dân. Trời về đêm cũng không cản nổi giòng thác người sầu khổ tuôn đến với Người. Người không biết mệt, tay vẫn giơ lên chạm đến từng người, miệng luôn đọc lời chúc lành bình an. Trái tim Người rung động cảm thương dân chúng vô biên, không gì có thể làm tê liệt được, như lời tiên tri Isaia đã loan báo: “Người coi bệnh hoạn của chúng ta như của riêng Người. Người mang hết mọi tai ương của chúng ta” (53, 4).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gánh lấy mọi khổ dịch của loài người và đưa Tin mừng nước Trời cho khắp mọi nơi, từ thánh đường đến gia đình, từ thành phố đến mọi nẻo đường xã ấp. Xin cho muôn dân mau mau đến xum họp chung quanh Chúa đoàn tụ thành đại gia đình tình thương vinh phúc của Chúa. Amen.

 

 

Ơn Chữa Lành

Lm. Vũ Đình Tường

Đức Kitô mang lại nhiều an ủi, hy vọng và tình thương lại cho những ai may mắn đón nhận lời Ngài mời gọi trong cuộc sống. Phúc Âm thánh Marcô thuật lại rất nhiều trường hợp Ngài gặp gỡ, an ủi và chữa lành họ. Một người trong số đó là bà nhạc gia của ông Phêrô mắc bệnh sốt rét, nằm trên giường.

Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài c.31

Tiếng đồn lan nhanh, ngay tối hôm đó người ta kéo đến đông đảo xin Người chữa bệnh.

Đức Kitô chữa nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỉ, nhưng không cho quỉ nói, vì chúng biết Người là ai c.34

Đức Kitô chữa lành không phải chỉ khỏi bệnh mà còn ban cho họ ơn đặc biệt, biết mình không những được bình phục và còn khoẻ hơn trước, tự tin hơn trước. Chương thứ hai Phúc Âm thánh Marcô ghi lại câu chuyện một người bị liệt giường nhiều năm, không thể di chuyển được phải nhờ bốn người bạn thương khiêng cả giường đến cho Đức Kitô chữa bệnh. Đến nơi người ta ngồi đông không thể chen vào được. Bốn người bàn nhau dỡ mái nhà thả chiếc giường có người bại liệt nằm trên đó. Đức Kitô chữa lành người bại liệt bằng cách ra lệnh cho anh đứng dậy vác chõng mà về. Ngay sau câu nói của Đức Kitô anh không cần thời gian hồi phục, lập tức đứng ngay dậy vác chõng ra về trước mặt mọi người chứng kiến. Anh không những được khỏi bệnh mà còn sạch tội trước mặt Chúa. Anh cảm thấy một sức mạnh nội tâm vươn lên như suối nguồn vô tận đến từ trong tâm hồn.

Không cần thời gian hồi phục đó cũng là kinh nhgiệm của bà nhạc gia ông Phêrô. Bà yếu liệt do sốt rét hành hạ, ngay sau khi được chữa khỏi bà đứng dậy phục vụ các ông, thực hành nhân đức bác ái. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong Phúc Âm thánh Marcô thực hành nhiệm vụ tông đồ – phục vụ người khác. Có nhiều thứ bệnh không phải chỉ làm cho con người suy nhược mà có khi nguy hiểm đến tính mạng, làm mất tự tin, bế tắc sinh hoạt bình thường trong cuộc sống, tự mình không thể tiếp tực công việc kiếm sống, không tự lo cho mình mà phải nhờ đến người khác giúp đỡ. Bệnh tật cắt đứt mọi sinh hoạt xã hội và sinh hoạt trong cộng đoàn. Đức Kitô chữa không những cho họ khỏi bệnh mà còn giúp họ nối kết lại với những gì trước đây bị gián đoạn, ngăn trở. Tiếp tục lại công việc, tự mình lo cho mình và lo cho tha nhân, nối lại sinh hoạt với cộng đoàn đức tin mà có thời họ tích cực sinh hoạt.

Đức Kitô có thói quen tốt lành là sau một ngày làm việc mệt mỏi sáng sớm hôm sau Ngài luôn tìm nơi vắng vẻ cầu nguyện. Ngài bắt đầu một ngày mới bằng việc cầu nguyện, liên kết với Chúa Cha, hội í với Chúa Cha về chương trình cứu độ nhân loại. Nhớ lại trước khi bắt đầu rao giảng công khai Đức Kitô cũng đã ở trong hoang địa một thời gian lâu. Thời gian trong hoang địa là thời gian cầu nguyện. Thời gian trong hoang địa để nhìn lại mối liên kết với Chúa Cha, nhìn lại bước đường đã qua và hoạch định cho bước đường kế tiếp, là thời gian chuẩn bị cho chương trình chữa lành và quan trọng hơn là chương trình cứu độ.

Khác với các thế lực trần thế, họ dựa vào sức mạnh của vũ khí, vũ khí càng tân tiến, sức công phá càng mạnh họ càng có lợi thế trong cuộc chiến. Đức Kitô không nhờ vào sức mạnh của vũ khí chiến tranh. Vũ khí của Ngài chính là tình yêu, cải hoá con tim người ta bằng tâm tình yêu mến, và thực thi bác ái với tha nhân. Ngài thắng con tim người ta và ban cho con tim đó một sức sống mới, sức sống phát xuất tự tâm, thay đổi lối suy nghĩ và tìm nguồn vui trong phục vụ.

 

 

Đời sống thường nhật

An Phong, OP

Thánh Máccô trình bày một ngày làm việc của Chúa Giêsu, một ngày bận rộn với công việc chữa bệnh, rao giảng Tin mừng, nhưng vẫn dành thì giờ cho việc cầu nguyện; một ngày lo chuyện “gia đình” của những người thân thuộc, nhưng không quên ra đi “đến các làng xã chung quanh”. Một bản văn tóm tắt như thế cho ta thấy những khía cạnh chính yếu của cuộc đời Đức Giêsu. Cuộc đời phong phú của Chúa Giêsu bao hàm nhiều khía cạnh: chiêm niệm và hoạt động, việc nhà và việc nước, với Chúa Cha và với con người… Đời sống đó trở nên nguồn mạch mẫu mực cho nhiều lối sống khác nhau, những ơn gọi khác nhau.

Ngày nay, trong Hội thánh, chúng ta thấy có nhiều ơn gọi khác nhau: ơn gọi gia đình, đơn gọi tu trì, ơn gọi giáo sĩ; chúng ta cũng thấy có nhiều linh đạo khác nhau, linh đạo chiêm niệm, linh đạo hoạt động, linh đạo bác ái, linh đạo rao giảng Tin mừng…. Tất cả những bậc sống và những linh đạo ấy đều bắt nguồn từ chính đời sống của Chúa Giêsu và đều phải lầy Chúa Giêsu làm mẫu mực cho mình. Như thế, nếu ta có nhận ra một ơn gọi, một tác vụ nào được Chúa kêu gọi và trao phó cho mình, thì đồng thời ta cũng phải hiểu rằng còn có nhiều ơn gọi và linh đạo khác trong Hội thánh của Chúa. Nhất là ta phải hiểu rằng những bậc sống ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, những tác vụ khác nhau ấy tương tác lẫn nhau cách mật thiết. Do vậy, những con đường khác nhau ấy cần tìm thấy mối liên đới hữu ích và sung mãn trong sự hiệp thông của Hội thánh Chúa.

Hội thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô, chính Thánh Thần của Đức Kitô là nguyên lý sống của Hội thánh và Thánh Thần làm cho Nhiệm Thể cũng được liên kết, thống nhất với Đầu là Chúa Kitô, trong cách thức hiện hữu cũng như trong hoạt động. Như thế, có thể nói được rằng một bậc sống nào mà muốn loại trừ hoặc khinh thường bậc sống khác là không có Thánh Thần của Chúa; một linh đạo nào không thể chấp nhận hoặc không liên kết với một linh đạo khác thì chẳng thể xuất phát từ Thánh Thần của Chúa Kitô được.

Trong “một ngày sống” của Chúa Giêsu Kitô, có tất cả đời sống và hoạt động của Hội thánh Chúa; có tất cả mọi hoạt động và linh đạo của mỗi người và mỗi đoàn thể của Hội thánh hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã sống một cuộc đời phong phú

và hữu ích cho con người biết bao.

Ngày hôm nay, Chúa ngự vào lòng con,

Chúa ở với con và làm việc trong con,

xin cho con được cùng với Chúa

để sống, sống phong phú

và hữu ích cho anh chị em của con

như Chúa đã từng sống.

 

 

Sống hết mình vì mọi người

Lm. Ignatiô Trần Ngà

Chúa Giêsu không sống vì mình hoặc sống cho mình, nhưng luôn luôn sống vì Chúa Cha và vì nhân loại.

Chúa Giêsu sống hết mình vì Chúa Cha

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa” nhưng vì yêu mến Chúa Cha và để cứu rỗi nhân loại, Người đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2, 6-7) sẵn sàng hoá thân làm người hèn mọn sống giữa nhân loại lầm than.

Người hiến thân trở thành một hiến lễ mới thay cho dê và bò, một hiến lễ rất đẹp lòng Chúa Cha để đền tội thay cho muôn người. Thư Do-Thái khẳng định điều đó:

“Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10, 4-7)

Sở thích riêng, ước muốn riêng của mình, Chúa Giêsu sẵn sàng vứt bỏ, cốt để thực hiện ý Chúa Cha, sao cho đẹp lòng Chúa Cha:

“Ta từ trời xuống, không phải để làm theo ý Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta” (Ga 6, 38)

Người coi việc thi hành ý Chúa Cha quan trọng và cần thiết như lương thực của Người. Người nói với các môn đệ: “Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta và chu toàn công việc của Người” (Ga 4, 34)

Người quý trọng ý muốn của Chúa Cha hơn cả mạng sống mình. Vì thế, Người chấp nhận hy sinh mạng sống mình để ý muốn của Chúa Cha được thực hiện. Trong vườn Dầu, Ngài đã cầu xin cùng Chúa Cha trong van lơn và nước mắt, trong khổ đau đến toát mồ hôi máu:

“Abba, lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén nầy xa con. Nhưng đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi.” (Mt 26, 39)

Chúa Giêsu sống hết mình vì mọi người

Không chỉ sống hết mình vì Thiên Chúa là Cha của Người, Chúa Giêsu còn sống hết mình vì nhân loại là anh em của Người.

Tin Mừng Máccô hôm nay phác hoạ lại chân dung Đức Giêsu luôn cúi xuống trên những lầm than khốn khổ của kiếp người:

“Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.”

Và khi trời chưa kịp sáng, khi chưa có ai đến quầy rầy, Chúa Giêsu tranh thủ thời gian tĩnh lặng để gặp gỡ Chúa Cha.

“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

Cầu nguyện chưa được bao lâu, “Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!”

Chúa Giêsu không khoanh vùng phục vụ của Người trong phạm vi nhỏ hẹp. Người muốn vươn đến nhiều nơi. Chúa Giêsu không giới hạn tình yêu của Người cho một thiểu số, nhưng ban phát cho hết mọi người.

Thế nên “Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.”

Người đời thường đặt bản thân mình làm trung tâm cho cuộc sống và tất cả mọi hoạt động của người ta đều quy về mình, nhằm mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Trái lại, Chúa Giêsu chọn tha nhân làm trung tâm cho tình yêu của Người hướng tới; chọn mọi người làm đối tượng cho cuộc đời phục vụ tận tuỵ của Người và Người làm tất cả những gì có thể để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Người chỉ biết sống vì người khác, sống cho phần rỗi của người khác đến độ hiến trao cả mạng sống mình.

Là một bộ phận trong cơ thể, quả tim không sống cho mình nhưng sống cho toàn thân, không ngừng bơm máu nuôi sống toàn thân. Phổi, gan, bao tử#cũng không sống cho mình, vì mình, nhưng là sống cho toàn thân, làm tròn chức năng được trao phó để phục vụ và nuôi sống toàn thể thân mình. Lẽ sống của mọi bộ phận trong cơ thể con người đều như thế cả.

Nếu một ngày nào đó, tim, gan, thận, phổi# không phục vụ cho toàn thân nữa mà chỉ quy hướng về mình, chỉ lo phục vụ riêng mình thì đó là ngày tận cùng của chúng.

Mỗi chúng ta cũng là những tế bào, những bộ phận của một Thân Thể lớn lao là nhân loại. Chúng ta không thể bo bo chăm lo cho riêng mình nhưng phải sống hết mình, phải cống hiến đời mình phục vụ tha nhân theo gương Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống hết mình vì Chúa Cha và vì mọi người.

Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, đừng chỉ biết quy về mình, chỉ biết mưu tìm hạnh phúc cho mình, nhưng biết hướng về tha nhân để mưu tìm hạnh phúc cho họ, vì hạnh phúc chỉ thật sự đến với chúng con khi chúng con biết đem lại hạnh phúc cho nhiều người

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube