CHÚA NHẬT V PS NĂM B

Sinh nhiều hoa trái

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Ai trồng cây cũng mong được ăn quả. Muốn có quả, cũng phải lắm công phu. Không phải cứ xanh tốt lớn mạnh là có quả. Có những ruộng lúa xanh tốt, nhưng chỉ tốt lá, nên chỉ cho những bông lúa lép. Có những cây xum xuê cành lá, nhưng đến mùa chẳng thấy quả nào. Xanh tốt như thế không phải là thành công, nhưng là thất bại. Cành lá chỉ là phụ, hoa quả mới là chính. Được điều phụ mất điều chính, đó là thất bại. Đức Giêsu quan sát cây nho và thấy rằng một cây nho muốn có nhiều hoa quả cần phải có hai điều kiện sau đây:

Điều kiện thứ nhất: Cành phải liên kết với cây. Cành không liên kết với cây, không thể sinh hoa kết quả. Cành không liên kết với cây khi dòng nhựa nuôi dưỡng thân cây bị tắc nghẽn không luân lưu sang cành. Có những con sâu con bọ đục khoét làm cho cành cây bị thương tổn, không còn tiếp nhận được nguồn nhựa sống của thân cây truyền sang. Chỉ khi cành kết hiệp chặt chẽ với cây, dòng nhựa từ cây mới truyền sang cành, cho cành trổ sinh hoa trái.

Điều kiện thứ hai: Cành lá phải được cắt tỉa. Ai đã trồng nho thì biết: Nếu cứ để cành lá phát triển tự do, cây sẽ xanh tươi coi rất đẹp mắt nhưng không có hoa trái. Muốn cây có quả, phải tỉa bớt cành lá. Việc cắt tỉa làm cho dòng nhựa không bị phân tán, nhưng tập trung vào những cành chính, dồn vào cho hoa sung sức, cho quả đầy đặn.

Đức Giêsu muốn dùng hình ảnh cây nho để nói về đời sống đạo của ta. Đời sống của ta được sánh ví như đời sống của cây nho.

Cũng như người trồng nho muốn cho vườn nho của mình không bị tàn lụi, nhưng phát triển, sinh hoa kết quả, Đức Chúa Cha đã tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi, nhưng để con người phát triển, sinh hoa kết quả và tồn tại.

Để được phát triển, con người cũng cần những điều kiện.

Điều kiện thứ nhất: Phải kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Như cành nho phải liên kết với thân nho mới sinh hoa kết quả, ta phải liên kết mật thiết với Đức Giêsu. Người là nguồn cội sự sống của ta. Tách lìa Người, ta không thể sống, càng không thể phát triển được. Người là dòng sông ân sủng. Khi ta kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa làm cho ta sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.

 

Điều kiện thứ hai: Phải chịu cắt tỉa. Cành nho muốn sai trái phải chịu tỉa bớt những cành lá rườm ra. Cũng thế, linh hồn phải để Chúa cắt tỉa nhưng gì dư thừa cản trở ơn thánh sinh hoa kết quả. Phải cắt tỉa những ý muốn riêng tư để chuyên tâm tìm thánh ý Thiên Chúa. Phải cắt tỉa những hình thức bề ngoài để chìm vào nội tâm sâu lắng. Phải cắt tỉa những phô trương quyền lực để mặc lấy tâm tình đơn sơ khiêm nhuờng. Chúa cắt tỉa ta bằng những thất bại ta gặp phải. Chúa huấn luyện ta bằng những lời phê bình chỉ trích của những người chung quanh. Chúa mãi dũa ta bằng những nghi kỵ hiểu lầm của người khác. Chúa đào tạo ta trong những phản bội của người thân tín. Việc cắt tỉa làm cho ta đau đớn, nhưng đem lại những lợi ích vô cùng phong phú.

Chính Đức Giêsu đã làm gương cho ta khi Người sống kết hiệp mật thiết với Đức Chúa Cha. Sự kết hiệp ấy được diễn tả qua việc Người chuyên tâm cầu nguyện và luôn luôn làm theo ý Chúa Cha. Người đã để cho Chúa Cha cắt tỉa khi Người từ bỏ ý riêng, nhận uống chén đắng, nhận vác thập giá, nhận lấy cái chết tủi nhục. Chính vì thế, Người đã sinh hoa trái dồi dào nuôi sống tất cả chúng ta. Chính vì thế, Người đã trở nên gốc nho sung mãn sự sống để chuyển thông cho chúng ta.

Lạy Đức Giêsu là Cây Nho Thật, xin cho con biết kết hiệp mật thiết với Chúa. Xin hãy cắt tỉa những gì vô ích trong con để con sinh nhiều hoa trái thiêng liêng như Chúa mong ước. Amen.

 

 

Cây nho

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tôi thường ghé thăm và đưa ruớc Mình Thánh Chúa cho bà cụ Agnes Miller. Bà Agnes đã trên 80 tuổi, có hai người con trai. Mỗi lần ghé thăm, bà đều rất vui và kể truyện về người con trai, hai đứa cháu và hai đứa chắt nhỏ. Một lần nọ, tôi ngồi tỉ tê hỏi han kỹ hơn về gia cảnh của bà. Bà đã kể cho tôi nghe một tâm sự bất hạnh thầm kín trong lòng kéo dài từ lâu. Truyện là đứa con thứ hai, sau khi cưới vợ đã đổi dời đi nơi xa và đã 35 năm không hề liên lạc gì với bà. Hiện nay bà không biết hoàn cảnh gia đình người con thứ này thế nào. Bà nói rằng bà vẫn luôn nhớ cầu nguyện cho các con được mọi sự lành bình an. Ba mươi lăm năm là một khoảng thời gian rất dài trong cô đơn và nhung nhớ. Bà rất hy vọng được gặp mặt con lần cuối trước khi lìa trần. Càng mong, càng ngóng, bà càng bặt tin con. Thật là đau lòng khi con cái tự tách lìa khỏi gia đình. Bà tự hỏi không biết rõ lý do nào đã đưa dẫn đến tình trạng xa cách này.

Hôm nay chúng ta suy niệm một đề tài rất cụ thể liên đới giữa Chúa Giêsu và các tín hữu, Chúa là cây nho thật. Hình ảnh cây nho rất quen thuộc được trồng mọi nơi trên miền đất Palestine của người Do-thái. Chúa Giêsu đã phán cùng các môn đệ: Thầy là cây nho, các con là nhành. Chúng ta là nhành nho được liên kết với Chúa Kitô là cây nho. Một ẩn dụ qúa đẹp và ý nghĩa. Chúa Giêsu không chỉ hóa thân làm người trong một nhân vị riêng biệt, nhưng là cùng hòa nhập sự sống với nhân loại. Chúa Giêsu là trung gian của các tạo vật. Ngài là trưởng tử. Ngài là:An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng (Kh 22,13). Ngài đã mời gọi và liên kết những kẻ tin vào Ngài để giúp họ sinh nhiều hoa trái.

Chúa Giêsu phán: Không có Thầy, các con không thể làm được gì. Giống như cành nho không liên kết với thân nho sẽ bị èo uột và khô héo. Không có một kinh sư, sư phụ hay một vị đại nhân nào dám lên tiếng một cách xác tín như Chúa Giêsu. Chúa có uy quyền trong tư tưởng, lời nói và hành động. Chúng ta không chỉ tuyên xưng niềm tin vào Chúa, nhưng điều quan trọng là sống và thực hành lời Chúa dậy: Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Và còn hơn nữa, Chúa Giêsu còn cho chúng ta được sáp nhập vào gia đình thiêng liêng của Chúa. Khi Chúa Giêsu đã giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi (Mt 12, 49-50).

Đôi khi chúng ta hãnh diện và an lòng khi được mang danh Kitô hữu. Nghĩ rằng khi được lãnh nhận các Bí Tích nhập đạo là chúng ta có chứng chỉ để vào Nước Trời. Thực ra, đây mới chỉ là khởi đầu hành trình tiến về Nước Trời. Con đường theo Chúa đòi hỏi nhiều hy sinh và quyết tâm. Chúng ta đã nhập đạo, tin đạo, sống đạo nhưng còn phải hành đạo nữa. Không phải cứ thưa: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời đâu. Sống kết hợp với Chúa, tìm nguồn ân sủng qua việc nhận lãnh các bí tích, cử hành phụng vụ và các sinh hoạt cộng đòan dân Chúa. Phải thực hành giới răn và áp dụng lời Chúa truyền dạy trong đời sống cụ thể hằng ngày, nhờ đó, nhành nho mới sinh ra hoa trái.

Chúa ban ân sủng dồi dào cho chúng ta, nhưng điều kiện tiên quyết là chúng ta phải xứng đáng và sẵn sàng mở lòng đón nhận. Chúng ta nghĩ thế nào khi cả một cuộc đời dài sống trên trần thế, một người nào đó tách lìa khỏi nhiệm thể Chúa Kitô, bỏ bê luật Chúa, sống đạo lơ đễnh nhếc nhác, không tuân giữ giới răn, không chu toàn bổn phận người Kitô hữu, không hành đạo và không tu tâm tích đức. Khi đến giờ hấp hối sau cùng, người thân mời linh mục đến ban bí tích Xức Dầu, chúng ta không biết cành nho này có còn dính liền với cây nho để nhận nhựa sống ân sủng không? Chúng ta chỉ biết cậy vào danh Chúa nhân từ cho linh hồn người thân được hưởng ơn cứu độ.

Các Bí Tích là qùa tặng ân sủng cao quý cho ai biết đón nhận. Chúa Giêsu hiện diện qua các Bí Tích để ban ơn thánh sủng. Chúa không thể cứu độ chúng ta, nếu chúng ta nói ‘không’. Sự chuẩn bị tâm hồn tỉnh thức với lòng thống hối ăn năn và ước ao được kết hợp với Chúa sẽ giúp chúng ta đón nhận ân sủng của Người cách hiệu quả. Hình ảnh dàn nho cho chúng ta thấy một sự liên kết kỳ diệu qua tất cả các nhành, lá, hoa và chùm trái. Mọi thành phần chi thể phải gắn chặt với thân cây để hưởng nhờ nguồn sống. Tách rời khỏi thân, nhành lá sẽ bị khô héo liền. Sống trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng thế, mọi thành viên phải luôn liên kết với đầu và mình là Chúa Kitô và Giáo Hội. Khi chúng ta tách lìa khỏi gia đình Giáo Hội, chúng ta tự tách lìa ra khỏi nguồn ân sủng siêu nhiên.

 

Trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể. Chúa Giêsu lập Giáo Hội và trao quyền cai quản cho thánh Phêrô và các tông đồ. Theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo gắn bó một cách chặt chẽ với Đầu qua truyền thống của các giáo phụ và các Công Đồng Chung suốt những thế kỷ qua. Nhưng trải dài qua lịch sử, có nhiều thành phần đã tách lìa ra khỏi truyền thống tổ chức giáo hội hữu hình. Tuy các ngành, giáo phái hay nhóm hội không tuân phục Giáo Hội trong một hệ thống phẩm trật, nhưng các giáo phái vẫn liên kết với Chúa Kitô là đầu. Giáo Hội Công Giáo luôn có những cuộc liên kết đối thoại với các anh chị em cùng niềm tin trong Chúa Kitô. Chúng ta nhìn Giáo Hội như một cây cổ thụ to lớn có rất nhiều nhành và nhiều nhánh. Ước mong sao các nhành luôn kết hợp được với nguồn cội là Chúa Kitô để cùng được chia sẻ nguồn ân sủng từ Thiên Chúa Cha.

Một thoáng nhìn trong Giáo Hội, mỗi giáo hội địa phương cũng có một vài những khác biệt trong tổ chức và điều hành. Tuy rằng chúng ta có nhiều dị biệt trong cuộc sống nhưng trong niềm tin:Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người (Eph 4, 4-6). Sự đoàn kết và hợp nhất trong một Chúa sẽ mang lại niềm an vui và hạnh phúc. Mọi sự đều qui về Chúa Kitô là trung tâm điểm của mọi tạo vật, chúng ta sẽ tìm được ý nghĩa đích thực của niềm tin Kitô giáo.

Thực hành gia đạo trong đời sống gia đình cũng giống như sự liên kết của cây nho. Cây nho có gốc, có thân, có cành và hoa trái. Các cành kết hợp với gốc thân như con cái cháu chắt qui về ông bà cha mẹ sẽ tạo niềm vui chung và hạnh phúc. Con cái cháu chắt cùng mang một họ tộc hoặc cùng hòa chung trong một dòng máu, người ta gọi là gia đình. Giây ràng buộc của gia đình xây dựng sự tương quan chia sẻ như vui buồn, thành công thất bại và lo lắng muộn phiền. Sự liên đới giữa các thành viên trong gia đình họ tộc giúp san sẻ niềm vui hạnh phúc cuộc sống. Hạnh phúc biết bao khi chúng ta có gia đình, anh chị em và con cháu cùng vui vầy xum họp. Gia đình là đơn vị căn bản của giáo hội và xã hội. Có nhiều gia đình sống thánh thì giáo hội nên thánh thiện và xã hội sẽ tốt lành.

Lạy Chúa, Chúa phán rằng: Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin và sẽ được. Chúng con xin ơn hiệp nhất và bình an. Xin cho chúng con biết tôn trọng và gắn bó với nhau trong đời sống đạo, vì chúng con đều là anh chị em trong cùng một niềm tin và cùng tôn thờ một Cha trên trời. Nhờ đó, chúng con sẽ sinh hoa kết trái yêu thương trong cuộc sống hằng ngày

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube