CHÚA NHẬT V PS NĂM C

Thiên Chúa được tôn vinh

Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

Chỉ trong vỏn vẹn có 2 câu trong đoạn Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu sử dụng 5 lần chữ “tôn vinh”. Dựa vào Lời Chúa tiên báo: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”, Thánh sử Gioan muốn diễn tả giờ phút Chúa chịu khổ hình thập giá cũng là giờ phút Chúa được tôn vinh. Đó cũng là giờ phút người ta nhận ra Người là Thiên Chúa đích thực. Nếu Chúa Con đã vâng lời cho đến chết để tôn vinh Chúa Cha, thì qua cuộc phục sinh huyền diệu, chính Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, để rồi vinh quang của Chúa lan tỏa trong vũ trụ, nơi con người cũng như nơi vạn vật. Sự tôn vinh như một dòng chảy giữa Chúa Cha và Chúa Con, và chúng ta, những tạo vật thấp hèn, cũng được chia sẻ vinh quang với Đấng đã chết và sống lại. Hơn thế nữa, chúng ta được hòa vào dòng chảy hiệp thông và vinh quang của Chúa Ba Ngôi. Chính vì vậy, càng nỗ lực rao truyền Danh Chúa bao nhiêu, chúng ta càng được thông phần vinh quang của Ngài bấy nhiêu.

Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, Thiên Chúa đang được tôn vinh qua những cộng tác của chúng ta để loan báo Tin Mừng. Sách Tông đồ Công vụ kể lại sức sống mãnh liệt và sự phát triển không ngừng của Cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Mọi tín hữu, nhất là các tông đồ đều dấn thân đến mọi môi trường xã hội để loan báo Chúa Giêsu phục sinh. Bài đọc hôm nay kể lại những hoạt động của Phaolô và Barnabê. Một số địa danh được tác giả nhắc tới cho thấy nỗ lực và lòng nhiệt thành của các ông. Các ông luôn rảo khắp mọi nơi để thiết lập những cộng đoàn mới. Đến bất kỳ nơi nào, hai ông “tập hợp Hội Thánh”, tức là quy tụ mọi người thiện chí và kể lại cho họ những gì Thiên Chúa đã làm. Đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh đã vượt qua ranh giới những người Do Thái để đến với các dân ngoại, vì vậy, số người tin Chúa ngày một tăng thêm. Vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi các cộng đoàn và nơi cá nhân mỗi người tín hữu, nhờ đó cộng đoàn đầy tràn sức sống và niềm vui.

Thiên Chúa được tôn vinh khi chúng ta sống hòa thuận yêu thương nhau. Thánh Irênê đã viết: “Vinh quang Thiên Chúa là con người sống vui”. Khi khẳng định điều này, vị Giáo phụ Hy Lạp muốn diễn tả: mỗi khi con người sống hạnh phúc và yêu thương nhau, thì vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện. Cũng vậy, mỗi khi con người nỗ lực thực hiện tình yêu thương và sống hạnh phúc, là họ loan truyền vinh quang Thiên Chúa. Sau khi nói đến việc Chúa Cha tôn vinh mình, Chúa Giêsu nhắc lại lời mời gọi sống yêu thương. Giới răn yêu thương còn được nhắc lại trong phần tiếp theo của Tin Mừng (x. Ga 15,17). Đức Giêsu cũng khẳng định: một khi các tín hữu sống yêu thương nhau, họ sẽ làm cho vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện, và những người khác sẽ nhận ra các tín hữu là môn đệ của Chúa. Thiên Chúa là Đấng vô hình, người ta có thể nhận ra hình ảnh của Ngài nơi đời sống của người tín hữu, ở mức độ cá nhân cũng như tập thể.

 

Vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện một cách hoàn hảo vào lúc tận cùng thời gian, tức là ngày cánh chung. Thánh Gioan trong thị kiến đã thấy trời mới đất mới. Lúc đó, mọi đau khổ và nước mắt sẽ không còn. Thiên Chúa không còn là Đấng vô hình nữa, nhưng Ngài sẽ hiện diện giữa dân Ngài một cách hữu hình cụ thể (Bài đọc II). Đó là tương lai mà chúng ta đang hướng tới. Đó cũng là đích điểm của đời sống Kitô hữu.

Sứ mạng cốt lõi của Chúa Giêsu khi Người được sai đến trần gian là để tôn vinh Thiên Chúa. Việc rao giảng Tin Mừng và những phép lạ Chúa đã thực hiện là nhằm mục đích thể hiện quyền năng của Chúa Cha và lòng thương xót của Ngài. Chúa Giêsu đã trung tín thực hiện sứ mệnh được trao, dù phải trải qua thập giá. Tôn vinh Thiên Chúa cũng là ơn gọi của người Kitô hữu. Điều này nghe có vẻ khó khăn, nhưng trong thực tế lại đơn giản. Quả vậy, tôn vinh Thiên Chúa chỉ là đơn giản là cuộc sống đạo đức yêu thương và nhiệt thành tông đồ. Điều này mọi Kitô hữu đều có thể làm được, nhờ nỗ lực của cá nhân, cộng với ơn phù trợ của Chúa, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta

 

 

Đời sống mới trong Chúa Giêsu

Lm. Giuse Lê Danh Tường

 

Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật V Phục sinh năm C mời gọi các tín hữu đi vào đời sống mới trong Chúa. Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Chính Ngài đã băng qua cuộc sống đầy cam go của kiếp người và bước vào đời sống mới. Lòng khao khát vươn lên và thoát ra khỏi cảnh khổ ải phiền não luôn nung nấu tâm can con người. Chính Chúa Giêsu đã sống khát vọng ấy và Ngài đã bước vào vinh quang. Giờ đây nhân loại được mời gọi tiến bước với Ngài để cùng được sống an bình trong vinh quang phục sinh với Ngài.

Khát vọng đổi mới bản thân, đổi mới xã hội luôn làm cho con người phải nỗ lực tìm tòi cải tiến. Chính cái khát vọng ấy thúc đẩy con người tiến bước: khát vọng sự thiện thì hướng bước về sự thiện; khát vọng điều bất chính thì bước chân sẽ lạc đường chính lộ. “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (Mt 5,7).

Đức Phật Thích Ca năm xưa đã khát khao tìm kiếm nguồn bình an, nơi không còn khổ ải, không còn u mê. Và Ngài đã tìm ra con đường thoát khổ, tận diệt tham – sân – si, giác ngộ bến mê tiến bước về miền ánh sáng. Đức Khổng Tử đã thao thức với cuộc đời, ngày đêm suy gẫm tìm cách thế ổn định xã hội. Và để rồi những đạo lý hiếu nghĩa, quân thần, quân tử ở đời được Ngài đưa ra mà giảng cho học trò. Hay như Đức Lão Tử đã lấy cách xử thế của Đạo làm nền tảng cho đời sống mới.

 

Dân tộc Do Thái luôn ấp ủ một đời sống mới trong vinh quang bất diệt của Thiên Chúa. Miền đất hứa không còn là một mảnh đất trên trái đất này, nhưng là Thành Thánh Giê-ru-sa-lem trên Thiên Quốc, nơi vinh quang Chúa bao trùm tất cả. Tiên tri Ezekiel đã miêu tả khung cảnh của Thành Thánh mới, nơi “vinh quang Yavê đầy cả Ðền thờ” (Ez 43,5).

Trong bài trích sách Khải Huyền, thánh Gioan đã mô tả cảnh trời mới đất mới trong vinh quang của Chúa. Nơi mà “Thiên Chúa ở với loài người” (Kh 21,3). Thiên Chúa không còn là đích điểm xa vời mà con người hướng tới. Trong khung cảnh đời sống mới, chính Thiên Chúa đã đến ở với con người, và chính Ngài đưa con người thoát khỏi khổ đau. Thánh Gioan đã mô tả thật rõ nét về đời sống mới: “Sự chết chóc sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ: bởi vì các việc cũ đã qua đi” (Kh 21,4).

Chính Đức Giêsu đã ngụp lặn trong vũng lầy của kiếp nhân sinh. Để rồi, bằng một tình yêu mãnh liệt, Ngài đã mở toang cánh cửa bước vào đời sống mới. Chính Ngài đã yêu nhân loại, đã yêu cái khốn cùng của nhân loại, yêu tha thiết những khuôn mặt lem luốc bởi tội lỗi, hốc hác vì khổ đau của con người. Ngài đã yêu với trái tim rực lửa, yêu đến hao mòn thân xác, yêu đến cùng, yêu đến chết. Để rồi người môn đệ được Ngài yêu mến đã thốt lên “Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).

Lời trần tình của Giêsu trước giờ chia ly các môn đệ trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật này là lời mời gọi mọi người bước vào đời sống mới. Lời bộc bạch từ tận ruột gan của người thầy với các môn đệ là: “các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35). Chỉ có 2 câu mà cụm từ “các con hãy yêu thương nhau” được lặp lại tới 3 lần, khiến ta cảm được sự tha thiết đến dường nào nơi trái tim Chúa.

Tình yêu thương đồng loại là chuyện xưa như trái đất. Lòng từ bi hỷ xả, tình huynh đệ đại đồng luôn là điều được mời gọi xưa nay. Nhưng yêu làm sao, yêu bao nhiêu cho đủ. Tình yêu vốn dĩ chẳng có phạm trù, chẳng có ranh giới, nên chẳng ai định nghĩa được tình yêu. Và giả như có ai cố gắng định nghĩa nó, thì ngay khi nó được định nghĩa, nó chẳng còn là tình yêu nguyên tuyền trọn vẹn. Đức Giêsu đã không miêu tả tình yêu hay hệ thống hóa nó bởi ngôn từ. Nhưng Ngài đã diễn tả nó bằng cả cuộc đời dương thế của Ngài. Để rồi Ngài cất lời mời gọi: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

Một “Nền văn mình tình thương” đã được Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI nói đến lần đầu tiên vào ngày lễ Hiện Xuống năm 1970 tại quảng trường thánh Phêrô sau khi nguyện kinh Truyền Tin. Dưới triều đại của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “Nền văn mình tình thương” không ngừng được nhắc đến trong các bài diễn thuyết cũng như trong các văn kiện của Ngài, đặc biệt cuốn sách của Ngài với tựa đề “Xây dựng Nền Văn Minh Tình Thương”. Trong sứ điệp hòa bình ngày 01/01/2004, ngài khẳng quyết: “Chỉ có một nhân loại được thống trị bởi ‘Nền Văn Minh Tình Thương’ mới có thể thủ đắc một nền hòa bình đích thực và dài lâu. Vào đầu một năm mới, tôi nhắc lại với các quý bà quý ông ở mọi ngôn ngữ, mọi miền văn hóa câu châm ngôn cổ thời: “Omnia vincit amor” – Tình yêu chiến thắng tất cả.

 

Lạy Chúa, trong mọi cảnh huống của cuộc đời, xin Ngài nhắc con: “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Và xin Ngài ban ơn để con có thể yêu thương anh em mình như Ngài đã yêu con

 

Hãy yêu như lòng dạ thương xót của Thiên Chúa

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

 

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thủa ban đầu, chúng ta thấy cha ông mình đã sống hết lòng yêu thương và đoàn kết với nhau. Vì thế, những người ngoài Công Giáo thời đó không biết tiền nhân của chúng ta theo đạo gì mà lại sống những giá trị cao đẹp như vậy, nên họ nói với nhau: những người này họ sống “Đạo Yêu Nhau”.

Tại sao các tín hữu lại có lối sống như thế? Lối sống đó bắt nguồn từ đâu? Thưa! Các ngài đã lấy Chúa làm trung tâm, làm điểm tựa cho mọi hoạt động. Lấy tinh thần bác ái, yêu thương làm nên bản chất của mình. Mọi giá trị và ưu phẩm đó khởi đi từ một Đấng đã sống và dạy cho con người bài học “yêu thương”, Đấng đó chính là Đức Giêsu.

  1. Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu

Khởi đi và bắt nguồn từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa Cha, vì thế, Người: “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Đến lượt Đức Giêsu, Ngài cũng sống triệt để sứ mạng đó khi yêu và yêu đến cùng. Ở điểm này, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã diễn tả hành vi thương xót của Đức Giêsu như sau:“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-8).

Thế nên, cả cuộc đời của Đức Giêsu chỉ có một nỗi thao thức, đó là “chạnh lòng thương” đến những người bất hạnh. Luôn cảm thông với người tội lỗi, nâng đỡ kẻ yếu đuối, vỗ về người thất vọng. Xót thương đến đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt, nên đã nuôi sống họ bằng phép lạ hóa bánh ra nhiều. Ngài không đành lòng khi nhìn thấy những người ốm đau bệnh tật, nên sẵn lòng ra tay chữa lành. Ngài còn cúi xuống rửa chân cho các môn đệ; làm ơn cho kẻ hại mình; yêu luôn cả kẻ thù và sẵn sàng tha thứ cho họ. Không những thế, Đức Giêsu còn trao ban chính mình Ngài cho chúng ta qua Bí tích Thánh Thể và ở lại mọi ngày với loài người cho đến tận thế. Đỉnh cao của mầu nhiệm thương xót này chính là cái chết trên thập giá để hiến mạng vì người mình yêu: “Không có mối tình nào lớn lao cho bằng mối tình của kẻ chết vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Đồng thời, do lòng xót thương thúc đẩy, Đức Giêsu không ngừng lên tiếng phản đối những kẻ không chút thương xót và gây nên những hậu quả bi đát cho những người thấp cổ bé họng, khiến họ phải lao tâm khổ tứ, quằn quại trong khổ nhục đắng cay…

Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã sống và chết vì yêu. Qua đó, Ngài cũng dạy cho các môn đệ bài học về tình yêu: “Đây là Điều Răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Lệnh truyền: “Hãy yêu thương nhau” là di chúc của Đức Giêsu dành cho các môn đệ khi sắp lên đường chịu chết. Còn yêu “như Thầy đã yêu” là căn cốt của tình yêu, là một lối yêu mới, khác với lối yêu cũ của thời Cựu Ước.

  1. Điểm mới của giới luật yêu thương

Khi khuyên bảo các môn đệ: “Hãy yêu thương nhau”, Đức Giêsu không chỉ dừng lại ở khái niệm trừu tượng, chung chung, mà Ngài nói tiếp: “Yêu như Thầy đã yêu”. “Yêu Như Thầy”, chính là điều khác biệt với những kiểu yêu trước đó, và “Yêu như Thầy” đã làm nên điểm mới của giới luật yêu thương nơi người môn đệ Đức Giêsu.

Nếu thời Cựu Ước, người ta yêu nhau theo lẽ công bằng, tức là được phép trả thù khi có người làm hại mình: “Mắt đền mắt, răng đền răng”, hay đi xa hơn một chút thì cũng chỉ là yêu mọi người như yêu chính mình.

Nhưng với lời mời gọi: “Yêu như Thầy”, Đức Giêsu muốn đột phá và đi đến tận căn của tình yêu.

Chữ “như” ở đây không phải là liên từ để so sánh hai vế, mà nó có một ý nghĩa rất đặc biệt, đó là mở ra nguồn gốc của tình yêu. “Yêu như Thầy”, tức là lấy khuôn mẫu tình yêu giữa Đức Giêsu với Chúa Cha và giữa Ngài với các môn đệ, để các ông cũng yêu nhau và yêu mọi người như chính mình đã chứng kiến và được yêu.

Vậy “yêu như Thầy đã yêu” là gì?

Thưa, đó là hạ mình như một người tôi tớ. Tự hủy mình ra không và từ bỏ cái tôi ích kỷ. Yêu với một tình yêu phát xuất từ lòng dạ xót thương chứ không phải một thứ tình yêu vụ lợi, thực dụng, chụp giật. Yêu với một thái độ cảm thông, phục vụ chứ không phải bố thí, ban phát, thương hại. “Yêu như Thầy” là không chấp nhất, coi người làm hại mình là bạn và sẵn lòng tha thứ tất cả. Đỉnh cao của tình yêu này chính là chết thay cho người khác, đây chính là một tình yêu cao cả.

 

Với tất cả những nét đặc thù trên đã làm nên điểm mới của luật yêu thương mà Đức Giêsu mời gọi các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.

  1. Sống và thi hành giới luật yêu thương

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học mới về tình yêu; đồng thời cũng chỉ ra cho chúng ta thấy điểm khởi nguồn và phát xuất tình yêu, đó là lòng thương xót.

Lời mời gọi: “Hãy yêu như Thầy” mà Đức Giêsu trăng trối cho các môn đệ thì cũng là tâm tư mà Ngài muốn gửi đến cho mỗi người chúng ta.

Vì vậy, hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và tập sống tinh thần yêu thương ấy ngang qua một nghĩa cử xót thương cụ thể với những người mà chúng ta hay gọi là kẻ thù của mình. Bởi vì yêu được kẻ thù, ấy là chúng ta đang thực thi cốt lõi của tình yêu, là phản ảnh lòng dạ thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em của mình cách rõ nét nhất.

Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó, trước tiên, chúng ta phải thay đổi quan điểm và tên gọi cho phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Khi dùng từ kẻ thù, ấy là lối nói có tính tiêu cực, và vô hình chung, ta coi đối phương là kẻ mà chắc chắn phải tiêu diệt! Vì thế, muốn yêu kẻ thù, chúng ta nhất định phải thay đổi cách gọi, quan điểm và lối nhìn.

Thứ đến, khi người anh chị em chúng ta xúc phạm đến ta, hãy coi nhẹ lỗi của họ, đừng thổi phồng như bong bóng. Nhiều khi cần phải đặt mình vào hoàn cảnh của người anh em để dễ thông cảm cho hành vi của họ hơn. Nhìn thấy lỗi của anh em gây ra cho mình, ngay lập tức, cẩn trọng và hồi tâm suy nghĩ: có bao giờ cũng cùng lỗi đó, mình đã gây ra cho người khác không? Đôi khi lỗi của mình nặng hơn chăng? Hay điều mà người anh em đang gây ra cho mình có lẽ đúng! Nếu đúng, tại sao không biết cám ơn, nếu sai, sao phải hận thù cho khổ tâm!

Tiếp theo, noi gương Đức Giêsu trên thập giá, không ngớt cầu xin Chúa Cha tha cho kẻ hại mình. Vì thế, khi gặp phải những người hại ta, hãy cầu nguyện cho họ. Xin cho họ và ta được bình an. Hành vi này thật cao quý, vì hơn bao giờ hết, trong tận cùng của khổ đau, chúng ta lại thật hạnh phúc vì đang được diễm phúc tham dự vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa cách cụ thể.

Cuối cùng, khi bị hiểu lầm, vu khống, phân biệt, thậm chí bách hại bằng tư tưởng, miệng lưỡi hay đòn vọt và chết chóc, ta hãy vui mừng, bởi lẽ, đó là lúc ta được tôn vinh vì đang được hiệp thông với Đức Giêsu chịu đóng đinh.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót, xin Chúa ban cho chúng con được ở lại trong tình yêu của Chúa và luôn biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu và thương xót chúng con. Amen.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube