CHÚA NHẬT VI PS NĂM B

Yêu mến

Lm. Giuse Phạm Quốc Phong

 

 

“Thầy đã nói với anh em … để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11)

Một ước muốn duy nhất và cũng là điều hạnh phúc nhất trong sâu thẳm con tim của mỗi người chúng ta, không có gì khác, đó chính là “yêu” và “được yêu”. Điều này đúng ngay cả đối với những người cứng cỏi và nguội lạnh nhất, những người bị đang bị tổn thương cũng như những người đang trong thất vọng, những người bi quan và mỏng giòn, ước muốn “cho đi” hay “lãnh nhận” “Tình Yêu” này hiện diện trong mỗi chọn lựa và trong từng nỗi đau đớn của chúng ta. Chúng mong ước yêu thật nhiều và được yêu thật nhiều, và rồi chúng ta đau khổ, bởi vì chúng ta không đạt được ước muốn đó: “yêu và được yêu”, mặc dù chúng ta đã cố gắng tìm đủ mọi cách thức để có được nó. Vậy thì làm cách nào chúng ta có thể yêu và được yêu?

Tin Mừng hôm nay của Thánh Gioan trả lời cho chúng ta rất rõ ràng câu hỏi ở trên. Tình yêu trước tiên đó là một tiến trình đón nhận Tình yêu của Thiên Chúa, chấp nhận để được yêu, ở lại trong tình yêu mà mình khám phá ra. Tình yêu do đó, trước là “ý thức” và rồi “cảm nhận”, sau đó “rung cảm” rồi đến “cảm xúc”. Chính những đặc tính đó làm thước đo cho tình yêu như thánh Tông đồ đã chỉ cho chúng ta. Chúng ta, và nhất là người trẻ ngày nay, thường hay hiểu lầm từ ngữ “Tình yêu”. Tình yêu không chỉ là “đam mê” và “dấn thân vào đam mê đó”, nó không chỉ là hương thơm của hoa Violet hay “niềm hạnh phúc vô tận”, nó không chỉ là “cảm nhận mình có giá trị” và được người nào đó “tìm kiếm” (một người tình, một người con, hay một người bạn). Tình yêu còn phải mang những thuộc tính: cụ thể và thực tại, mỗi ngày một cách đều đặn, mệt mỏi và lao nhọc, trung thành nhất là trong lúc khó khăn và thử thách, và có khỉ là “cuộc khổ nạn”. Tất cả những thuộc tính này, chúng ta đều tìm thấy nơi “Con Người” Giêsu một cách trọn vẹn.

“Hãy để cho chúng ta được yêu!” nhưng bằng cách nào? Thông thường tình yêu của chúng ta bị gián đoạn, có khi bị hủy diệt bởi sự chậm trễ hay đóng kín cõi lòng chúng ta, hoặc bởi sự mệt mỏi và tội lỗi của chúng ta. Tất cả những thứ này làm chúng ta mệt mỏi và xấu hổ với chính mình, sợ hãi và ngại ngùng trước Thiên Chúa. Chúng ta phải hiểu rằng: Thiên Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta: hãy để cho chúng con được yêu, hãy để cho lòng Nhân Từ của Cha đến được với chúng con, hãy để cho Tình yêu của Cha đến và ở lại với chúng con trong sự quan phòng và sự hiện diện của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nhắc nhở nhiều lần với chúng ta: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha tội cho chúng ta, chỉ có chúng ta mới mệt mỏi khi phải đi hòa giải với Ngài mỗi khi chúng ta phạm tội, rằng lòng từ bi tha thứ của Thiên Chúa là Vô hạn lượng”. Và một cách tất yếu rằng: Tình yêu sẽ biến đổi chúng ta.

 

 

 

“Thầy đã nói với anh em … để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. Chúa Giêsu mong muốn niềm vui, một niềm vui đích thực, một niềm vui tròn đầy. Kitô giáo là một tôn giáo của niềm vui: niềm vui vì càm nhận mình được yêu và có khả năng yêu. Có thể rất nhiều lần, chúng ta đã để mình đi vào con đường của sự buồn chán, lo lắng hay rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần. Những khó khăn, những vấn đề rắc rối, sự yếu đuối, sự đau khổ làm cho chúng ta chao đảo, và có khi làm chúng ta ngã quỵ. Chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi để phản tỉnh: “vậy chúng ta được gì, nếu cứ mãi ở lại trong sự đau khổ và buồn bã đó”? Thiên Chúa sẽ biến đổi “sự than khóc của tôi thành điệu ca”, nghĩa là Ngài biến đổi và ban cho chúng ta niềm vui đích thật. “Hãy đến với Ta hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, Ta sẽ bổ sức cho…” lời mời gọi yêu thương đầy thông cảm của Chúa Giesu phải là một lời nhắc nhở mỗi khi chúng ta cảm thấy chùng chân mỏi gối trên đường lữ thứ trần gian, và Lời ấy chính là Ngài, một Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng hành với mỗi người chúng ta, một Thiên Chúa luôn cảm thông và tha thứ luôn luôn cho chúng ta, bởi vì Ngài muốn: “để niềm vui của anh em được nên trọn”. [Mục Lục]

 

 

Yêu như thầy yêu

Lm. Giuse Trịnh Ngọc Danh

 

 

Yêu và muốn được yêu là khát vọng ngàn đời của con người.

Nhưng… tình yêu phát xuất từ đâu? Thế nào là yêu và được yêu?

Thánh Gioan trong thư thứ nhất của ngài đã cho chúng ta biết: “Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”.

Như thế nguồn gốc phát sinh ra tình yêu là Thiên Chúa. Ngài là người yêu thương chúng ta trước và chúng ta là người được yêu: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước” và Ngài đã biểu lộ tình yêu ấy đối với chúng ta là Ngài “đã sai Con Một Ngài đến trong thế gian, để nhờ Người Con Một ấy mà chúng ta được sống”.

 

Về phần con người, nếu chúng ta yêu thương thì chúng ta mang bản chất của Thiên Chúa và chúng ta nhận biết Ngài là Cha yêu thương. Yêu thương là dấu chỉ để thế gian nhận biết chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Yêu Chúa, yêu người là hai giới răn quan trọng, tóm kết những giới răn khác. Như thế, là con cái Thiên Chúa, là Kitô hữu chúng ta phải có bổn phận biểu lộ bản chất yêu thương với Thiên Chúa và với mọi người.

Tình yêu của Thiên Chúa lan tỏa đến con người tựa như một cây nho mà gốc và thân cây nho là Thiên Chúa và cành nho là con người như lời Thầy Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng…anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga. 5:1, 5). Chúa Cha yêu thương Chúa Con bằng nhựa yêu thương là Chúa Thánh Thần thúc đẩy và nuôi dưỡng cây nho lớn mạnh và phát triển sinh nhiều hoa trái: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga. 15: 9) và “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga. 15: 12)

Nhưng chúng ta phải yêu Thiên Chúa, yêu con người như thế nào?

Hôm nay, qua đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan (Ga. 15: 9-17), Thầy Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một mẫu gương yêu thương: Yêu như Thầy yêu.

Để cho cây nho yêu thương phát triển và lớn mạnh và sinh nhiều hoa trái, thì cả thân lẫn cành phải ở lại, phải gắn liền, phải liên kết từ gốc đến cành bằng nhựa yêu thương, phải chịu cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái,tức là tuân giữ lệnh truyền, tuân giữ giới răn mà tình yêu đòi hỏi, và hy sinh mạng sống vì người mình yêu.

Khi yêu, không ai lại muốn đem điều xấu, điều bất hạnh đến cho người mình yêu. Hơn thế, Thiên Chúa là tình yêu, là Cha nhân lành thì chắc chắn không bao giờ Ngài bắt con người tuân giữ những lệnh truyền, những giới răn đưa con người đến bất hạnh và khổ đau; còn hơn thế, Chúa Cha đã hy sinh Người Con Một yêu dấu mình, Chúa Con đã hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

Như Cha Thầy yêu Thầy, Thầy Giêsu cũng yêu thương anh em.

Như Thầy yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau.

Tình yêu Chúa Cha và Chúa Con đã lan phát sinh ra tình yêu con người và từ tình yêu con người lại lan toả ra tình yêu giữa con người với con người.

Thầy đã thể hiện tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha bằng “đã tuân giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Ngài”.

Chúng ta không biết Chúa Cha yêu Chúa Con đến mức độ nào, nhưng qua lời công bố của Chúa Cha: “Này là Con Ta rất yêu dấu và đẹp lòng ta, các con hãy vâng nghe lời Ngài” và qua lời xác nhận của Thầy Giêsu: “Thầy yêu anh em như Cha Thầy yêu Thầy”, chúng ta tin Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhau rất thắm thiết, yêu nồng nàn, yêu chứa chan hơn bất cứ một tình yêu nào khác!

Chúa Con đã yêu thương Chúa Cha bằng vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được thì cho con khỏi uống chén đắng này, nhưng không theo ý con mà xin theo ý Cha”.

Vâng theo ý Cha là tuân giữ lệnh truyền của Cha, thực thi ý muốn của Cha, và như thế là làm đẹp lòng Cha và ở lại trong tình yêu của Ngài: Chúa Giêsu đã chấp nhận xuống thế làm người, chịu đau khổ,chịu chết để đem con người vào cõi phúc trường sinh. Đó là tình yêu của Thầy Giêsu dành cho con người. Đến lượt chúng ta, chúng ta lại yêu thương nhau nhưThầy đã yêu thương chúng ta.

Theo gương của Thầy Giêsu, chúng ta lại phải yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng ta, mà muốn yêu thương anh em, chúng ta phải ở lại trong tình yêu của Thầy như Thầy ở lại trong tình yêu của Cha Thầy và muốn ở lại trong tình yêu của Thầy, chúng ta lại phải giữ giới răn Thầy truyền dạy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến ngưới ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga. 14,23-24), và hy sinh mạng sống mình vì anh em. Hy sinh mạng sống mình vì anh em là biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, là đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…. Hy sinh mạng sống vì người mình yêu là tột đỉnh của tình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình”. (Ga. 15,13)

Khi chúng ta yêu Thiên Chúa là chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, là anh em cùng một Cha, nhưng khi chúng ta cùng Chúa Cha và Chúa Con yêu thương đồng loại, yêu thương những người chưa nhận biết Thiên Chúa, thì chúng ta đã trở thành môn đệ, là bạn hữu như lời Thầy Giêsu đã nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga. 15,15).

Xin kể một câu chuyện về bạn hữu ở đời thường như sau:

Bão Thúc (tức Bão Thúc Nha, còn có tên là Bão Tử, người tài giỏi việc nước của nước Tề) đã cắt cử Quản Trọng cho Hoàn Công dùng. Quản Trọng tên thật là Di Ngô, người nước Tề, một tướng giỏi

Bão Thúc chết, Quảng trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo. Có người hỏi:

– Ông với Bão Thúc không phải là người họ hàng thân thích, sao ông thương tiếc ông ta quá vậy?

Quản Trọng giải thích:

– Ngươi không rõ ngọn ngành đâu! Để ta nói cho mà nghe. Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn bán chung với Bão Thúc; lúc chia lãi, bao giờ ta cũng lấy phần hơn, nhưng Bão Thúc không cho ta là tham, biết ta gặp cảnh túng bấn không biết xoay xở thế nào cho đủ tiền để tiêu dùng nên mới làm thế. Ta ở chỗ chợ búa thường hay bị lắm kẻ bắt nạt, Bão Thúc không coi ta là người hèn nhát, nhưng biết ta rộng lượng, không chấp những điều người ta đối xử với mình. Ta bàn việc với Bão Thúc, nhiều lúc việc hỏng, Bão Thúc không cho ta là ngu, mà cho là việc thành công hay thất bại là do có lúc may mắn, có lúc không. Ta, ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi nhiệm, Bão Thúc không cho ta là người chẳng ra gì, mà lại coi ta là người chưa gặp thời, chưa tìmđược vua giỏi. Ta ra trận ba lần, đánh thua cả ba, Bão Thúc không cho ta là bất tài, nhưng biết ta còn có mẹ già phải phụng dưỡng. Ta nhịn nhục thờ vua Hoàn Công, Bão Thúc không cho ta là người vô liêm sĩ, người không biết xấu hổ, mà biết ta không giữ những chuyện nhỏ mọn, có chí làm lợi ích cho cả thiên hạ…

Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu biết ta là Bão Thúc. Với người hiểu biết mình, thì đem cả tính mạng ra mà đền đáp còn chưa đủ huống chi thương khóc thế này thì đã thấm vào đâu! (Thuyết Uyển. Cổ Học Tinh Hoa)

Thật là người bạn đồng thanh, đồng khí, đồng chí, đồng tâm với mình, người bạn tri kỷ!

Tình bạn giữa con người chưa mang dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa mà còn được thán phục như thế, thì kết qủa của tình bạn hữu giữa Thiên Chúa và con người lại càng cao trọng và đáng thán phục hơn nhiều Yêu thương anh em như chính mình đã khó, yêu thương anh em như Thầy Giêsu yêu chúng ta lại càng khó hơn! nhưng đó là những nỗ lực chúng ta cần phải đạt tới để được xứng đáng là Kitô hữu, là bạn hữu của Thầy Giêsu. Điều kiện để yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta là giữ giới răn Chúa truyền dạy, là ở lại nơi Thầy và hy sinh mạng sống mình vì anh em, cụ thể hơn là đọc và nghe tiếng nói của Thiên Chúa qua Tin Mừng và ở lại, sống kết hợp với Chúa trong phép Thánh Thể.

Chúng ta đã đồng thanh, đồng khí, đồng chí, đồng tâm với Thầy Chí Thánh của chúng ta như thế nào để được xem là bạn hữu của Thầy Giêsu!

 

Như Thầy đã yêu

Thiên Phúc

 

 

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 16-9-1999 đã đưa tin: “10.645 người nghèo đã khỏi mù”. Theo Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo TP. HCM từ đầu năm 1999 đến nay các đoàn phẫu thuật ghép thủy tinh thể nhân tạo của thành phố và các quận huyện đã đem lại ánh sáng cho 10.645 người nghèo bị mù (đạt 88% kế hoạch 1999). Trong tháng 8-1999 đã có 108 lượt tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hơn 2 tỷ đồng ủng hộ quỉ hội (tăng 205% so với tháng 7-1999). Hội cũng đã tài trợ cho Bệnh viện Nhi Đồng 2 trên 79, 5 triệu đồng giúp phẫu thuật cho 21 trẻ em không có hậu môn bẩm sinh, và giúp Trung Tâm Răng Hàm Mặt phẫu thuật cho 178 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch tại Bình Định

Hầu như đọc bất cứ tờ báo nào, chúng ta cũng thấy nhan nhản các tổ chức, cá nhân đầy lòng quảng đại từ tâm. Những tâm hồn biết chăm lo cho người nghèo đói, bất hạnh. Những con tim tràn đầy yêu thương dã cùng nhịp đập với Thầy Giêsu. Những tấm lòng mau mắn đáp lại tiếng mời gọi tha thiết của Người: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” (Ga. 15, 12).

Kể từ khi Ngôi Hai nhập thể để bày tỏ tình yêu của Ngôi Cha dành cho con người, thì mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại hoàn toàn thay đổi: Không còn là Tạo hóa và thụ tạo, không còn là Thượng đế và phàm nhân, không còn là Chủ ông và tôi tớ, nhưng chính là “Bạn hữu thân tình”.

Tình yêu đã khiến Thiên Chúa hạ mình xuống với con người, cảm thông và chia sẻ với thân phận thụ tạo: “Tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết” (Ga. 15, 15). Tình yêu đó đã đến chỗ tuyệt đỉnh, đến nỗi thánh Gioan viết: “Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga. 13, 1). Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu cho đến chết, và chết trên thập giá. Thánh Bênađô dạy: “Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ”.

Nguồn tình yêu ấy phát xuất từ Cha xuống Con, và không dừng lại như nước ao tù, nhưng luân chuyển đến mọi trái tim con người trên toàn thế giới. Nếu tình yêu đã liên kết chúng ta với Chúa, thì cũng chính tình yêu ấy sẽ liên kết cha lại với nhau: “Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con” (Ga. 15, 12), vẫn biết rằng, con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức “Như Thầy đã yêu”. Nhưng lời mời này vẫn giục giã chúng ta hướng lên mãi theo đường Thầy đã đi.

Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Ánh Sáng Rạng Ngời Chân Lý, số 20 viết: “Chữ “như” này đòi hỏi phải bắt chước Đức Giêsu, tình yêu của Người, mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể# Chữ “như” cũng chỉ mức độ mà Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ của mình, và các môn đệ của người cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy.

Thế giới ngày nay khao khát tình yêu đích thực. Người tín hữu Kitô phải là nhân chứng của tình yêu ấy. Chúng ta không có dịp để chết cho tha nhân như Đức Kitô, nhưng chúng ta có rất nhiều dịp để sống cho tha nhân. Sống cho tha nhân là chết cho chính mình. Chết trong những hy sinh âm thầm hằng ngày. Chết không đổ máu, nhưng đổ mồ hôi và nước mắt. Chết không chỉ một lần, nhưng chết dần chết mòn cho hạnh phúc của tha nhân, Kahil Gibran viết: “Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”.

 

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con rất nhiều, nhưng chúng con đáp lại chẳng được bao nhiêu. Chúa đã đặt tha nhân bên cạnh chúng con, để chúng con có thể làm cho họ điều mà chúng con không thể làm cho Chúa. Xin cho chúng con nhận ra khuôn mặt Chúa nơi tha nhân, để chúng con yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube