CHÚA NHẬT VII PS NĂM B

LOAN BÁO TIN MỪNG

Chú giải của Noel Quession

 

Những câu từ 9 đến 20 của chương cuối cùng Tin Mừng theo Thánh Maccô không có trong những văn bản cổ xưa nhất vì có nhiều Giáo phụ trong Giáo Hội không biết đến những câu này. Ý kiến thông thường là những câu này đã được thêm vào do một tác giả khác không phải là Thánh Maccô (cách hành văn cũng có khác). Dầu vậy, đoạn cuối này vẫn “Hợp luật Giáo Hội” và là một phần bản văn chính thức của Thánh Kinh đã được linh ứng. Nên đó cũng là “Lời Chúa” như tất cả Tin Mừng. Đàng khác chúng ta nhận thấy nhũng câu này không có gì “mới lạ”. Tác giả vô danh đã tóm lại đoạn cuối của những bản Tin Mừng khác. Trước tiên đoạn này có giá trị thần học. Chúng ta sẽ lưu ý đến điều mà tác giả nhấn mạnh trong đoạn này: “Đức Giêsu phục sinh nói với 11 tông đồ: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho tất cả loài người”.

Nếu chúng ta hiếu kỳ đọc câu liền trước câu này, chúng ta sẽ thấy: Đức Giêsu hiện ra cho 11 môn đệ thấy, Người trách sự cứng lòng của các ông vì các ông đã không tin theo những người đã trông thấy Chúa sống lại (Mc 16,14). Như thế chúng ta đột ngột đi từ chỗ Chúa Giêsu trách cứ nặng nề sự không tin của các môn đệ đến việc Người sai các môn đệ đi rao giảng khắp thế giới. Dĩ nhiên là tác giả đã tóm lược lại qua những trình thuật khác. Chúng ta biết rằng, ban đầu các môn đệ đã “không tin”. Nhưng trình thuật tóm tắt này nhắc nhở trong lòng chúng ta rằng: Chúng ta không nên trì trệ trong những hoài nghi và do dự Đức Giêsu sống lại đã thúc đẩy “Các môn đệ”. Không đếm xỉa đến việc họ không tin, Đức Giêsu chủ động, đặt niềm tin cậy nơi các ông còn đang bất toàn -Hai động từ chia vào mệnh lệnh cách: ”Anh em hãy đi” và “Hãy rao giảng”, hai cách nói này diễn tả một động lực mãnh liệt biết bao!

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không đợi chúng con –Giáo Hội Chúa cũng chưa hoàn hảo, những môn đệ cũng không hoàn hảo, và con cũng không hoàn hảo nhưng đó không phải là nguyên cớ để chúng con không làm gì cả.

“Khắp thế giới” – “Tất cả loài người”.

Những dự án, chương trình của chúng ta nhỏ nhen và tầm thường biết bao. Đức Giêsu mời gọi các bạn của Người loại trừ thói quen nhỏ nhen, để đến gặp gỡ mọi người. Có sứ vụ, thì phải có khởi hành, phải ra khỏi chính mình, ra khỏi thế giới tinh thần nhỏ bé của mình. Đối với các môn đệ, họ phải ra khỏi môi trường Do Thái để đi về phía dân ngoại. Đối với chúng ta cần phải quan tâm đến những nền văn hóa mới, chấp nhận những tư tưởng hiện đại, lắng nghe những ước vọng tân thời, ”rời bỏ sự thoải mái trí thức của những tư tưởng sẵn có”, để làm cho những người không suy nghĩ như chúng ta hiểu được chúng ta.

 

Nếu chúng ta trung thành với chiều hướng phổ quát này, chúng ta sẽ thích thú để thấy những nơi vừa mới được Tin Mừng hoá đã có những ngôn ngữ mới để loan báo tin mừng. Chúng ta sẽ cầu nguyện sao cho “những lục địa nhân loại” mới, những tâm thức mới đến được Giáo Hội, dù có phải xáo trộn một chút những gì đã có sẵn của chúng ta. Tin mừng dành cho “toàn thế giới” và cho “toàn nhân loại”.

Anh em hãy loan báo Tin Mừng.

Từ Hy Lạp ở đây là “Kèrussein”, nghĩa đen là “la lên”. Tin Mừng trước tiên là một tiếng “kêu”. Chúng ta tìm gặp lại được chiều hướng này của những Kitô hữu đầu tiên trong đức tin –Chúng ta đã quá trí thức hoá, chương trình hoá, tổ chức hoá việc rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu đã nói: ”Hãy kêu to” Tin mừng cho toàn thể nhân loại. Đức Giêsu không yêu cầu chúng ta thuyết phục “hay” chứng minh – Nhưng đơn giản chỉ làm chứng tá với sự vui mừng và sức mạnh của đức tin chúng ta. Than ôi có những người Kitô hữu không muốn làm chứng nhân như thế. Họ cứ rên siết, lên án, chỉ trích, đoán xét – Lạy Chúa xin cho chúng con sự vui mừng có sức lôi cuốn mà Chúa đòi hỏi nơi chúng con – ước gì gương mặt chúng con tỏ lộ cho anh em biết sự vui mừng đến từ Chúa. Nếu đối với chúng con, đức tin tôn giáo là một điều buồn tẻ, thì tốt hơn là chúng con nên im lặng về vấn đề này. Nếu đó là một “Tin mừng”, “Tin tốt” thì xin sự mừng tốt đó phát triển ra từ da thịt chúng con, trên môi miệng chúng con thành ra một tiếng kêu hân hoan.

Ai tin và chịu phép rửa sẽ đượ cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án.

Nếu Tin Mừng phải được rao giảng lớn tiếng cho mọi người, thì con người cũng có thể chấp nhận hay từ chối một cách tự do. Việc rao giảng Tin Mừng thể hiện một sự “xét xử” gần như là “phiên toà xử Đức Giêsu”. Một số đáp lại bằng đức tin, một số khác bằng “sự không tin” – Dĩ nhiên, không thể đẩy xuống địa ngục vô số con người thiện chí nhưng không thể tin vào Tin Mừng. Cũng không thể tưởng tượng một sự can thiệp của Chúa để trừng phạt. Toàn bộ Thánh Kinh chứng minh rằng Chúa không kết án ai, nhưng cứu rỗi tất cả mọi người. Không bao giờ đặt vấn đề: ”Chúa có tha tội cho tôi không?”. Mà là “Tôi có chấp nhận sự tha thứ mà Chúa đã ban cho từ trước hay không?”. Nói cách khác, kẻ nào biết rõ mà lại cố tình chối bỏ Tin Mừng, thì không phải Chúa kết án người đó, mà chính người đó tự kết án mình.

Làm sao hiểu được điều này?

Hiểu đơn giản như sau: Ngoài Tin Mừng, ngoài Chúa Giêsu Phục sinh và Hằng sống, không có sự cứu rỗi, không có câu giải đáp cho số phận con người hay chết. Ngoài Đức Giêsu, con người thực sự chỉ hư mất, số kiếp của con người ngắn ngủi. Chỉ có Đức Giêsu mới cứu được con người ra khỏi số kiếp của nó. Chỉ có Đức Giêsu mới cứu được con người khỏi phải “chỉ là một con người” mà thôi. ‘Kẻ nào tin? kẻ nào không tin?’. Đây là phần thưởng đặc biệt cho sự tự do của chúng ta. Nhưng có một điều chắc chắn là: Không ai bị bắt buộc phải sống đời đời với Đức Giêsu nếu người đó không muốn -Đức Giêsu tôn trọng chúng ta. Ngài không ép buộc chúng ta.

 

Những ai có lòng tin, sẽ làm được các dấu lạ này: “Nhân danh Thầy họ sẽ trừ được ma quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ có cầm phải rắn hay uống nhầm thuốc độc thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh hoạn yếu đau thì những người này sẽ được mạnh khoẻ”.

Con người thời nay không thể đặt “câu hỏi” về ma quỷ, rắn, bệnh tật và những chất độc khác mà con người tin Chúa được miễn nhiễm. Những “dấu lạ” được hứa này chỉ là những giá trị điển hình, phù hợp với thời đại mà Kitô giáo được nảy sinh giữa cộng đồng dân ngoại, trong đó những “Thầy phép” (phù thuỷ) là những ông vua.

Độc giả ngày nay phải hiểu những “dấu lạ” này theo nghĩa tượng trưng. Điều vẫn đúng là: Người “tín hữu” cùng với Đức Giêsu sống lại, phải lao vào trận chiến chống lại “tất cả những lực lượng thù địch, nô lệ hoá và làm mất phẩm giá con người”, tất cả những gì “đầu độc” nhân loại. Ngày nay có những “dấu lạ” tương ứng với những dấu lạđược tác giả Tin Mừng kể ra trên đây đối với thời của ông. Chúng ta hãy tự hỏi xem ngày nay cái gì có thể là “dấu lạ” cho mình thời bây giờ. Chúng ta đừng coi thường “năng khiếu sinh ngữ” vì ngôn ngữ là một phương tiện truyền thông tuyệt hảo, và nó là một “ân ban của Chúa Thánh Thần”. Lạy Chúa xin cho mọi Kitô hữu “khả năng một ngôn ngữ mới” để có thể làm cho Tin Mừng đi vào trong những “tâm hồn mới lạ” (chưa đón nhận Chúa).

Còn về khả năng “săn sóc và chữa bệnh cho người đau yếu” thì chúng ta biết người anh em chúng ta cần đến năng khiếu này như thế nào. Tin Mừng là một sức mạnh cứu rỗi, một nguồn hạnh phúc mà Kitô hữu có trong tay. Vậy thì chúng ta chớ khoanh tay không làm gì cả, chúng ta phải biết xây dựng chúng.

Nói xong Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

Tác giả vô danh chỉ có nhắc lại mà không dàn cảnh cụ thể những gì mà thánh Luca đã kể (Cv 1,9). Chúng ta nên lưu ý rằng, trong hai cách nói này, một cách có thể có giá trị lịch sử đối với con người chúng ta, (sự biến mất được nhìn thấy rõ ràng của Đức Giêsu), trong khi cách nói kia hoàn toàn căn cứ vào đức tin (việc bay lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa). Chúng ta coi chừng đừng “vật chất hoá” cách diễn tả này: Thiên Chúa không có “bên phải” hay “bên trái” gì cả, Người cũng không “ở trên” trời hay “ở dưới” đất. Trong tâm thức thời đó, hình ảnh bầu trời xanh gợi lên thế giới thần thánh và người ta cũng đã có nói về một vài vị hoàng đế La Mã nào đó đã “lên trời”. Đối với Đức Giêsu, sự Thăng Thiên hoàn toàn khác: Người đạt đến Vương quyền trên toàn vũ trụ, và để diễn tả điều này, người ta dùng đến ngôn ngữ Thánh Kinh trong Thánh vịnh 110,1: “Lời truyền dạy của Thiên Chúa cho Chúa tôi: Hãy ngự bên phải của Ta”. Những từ ngữ gợi hình này nói lên một ý nghĩa thần học về thực tại Đức Kitô Phục sinh: Chúa vinh quang, một thực tại mà ta không nắm bắt được bằng giác quan hay lý trí con người, một thực tại mà ta chỉ có thể đạt đến bằng đức tin.

 

Còn các tông đồ thì đi rao giảng khắp nơi.

Dường như các ông không để chậm trễ một giây nào. Các ông lên đường ngay lập tức. Đây cũng là một “dấu lạ”. Ngôi mộ trống … “Họ ra đi”… “họ lên đường “…

Chuá cộng tác với họ và dùng dấu lạ điềm thiêng mà xác nhận lời họ giảng.

Đức Giêsu không còn “ở trong mồ” nữa. Người đồng thời “ngự bên hữu Thiên Chúa” và “hoạt động với các môn đệ”. Đây là dấu lạ mà chúng ta không có từ ngữ nào để diễn tả sự phong phú của mầu nhiệm Thăng Thiên. Những từ ngữ đúng nhất có lẽ lại là “một hiện diện ẩn khuất”, một hiện diện sinh động đang “hành động” dưới hình thức của một lời nói.

 

 

ĐỨC GIÊSU HIỆN RA LẦN CUỐI VÀ SAI CÁC MÔN ĐỆ ĐI

Chú giải của Fiches Dominicales

Trong đoạn kết thứ hai của Tin Mừng Maccô

Đoạn kết của Tin Mừng Maccô, dùng trong lễ Thăng Thiên năm B này, thực ra là đoạn kết thứ hai của Tin Mừng này. Thực vậy thoạt tiên -như các bản chép tay cho thấy- Tin Mừng Maccô kết thúc ở đoạn các phụ nữ đi viếng mộ Chúa và các bà im lặng vì sợ hãi: “Các bà không hé cho ai biết điều gì, vì các bà sợ”. Hiển hiện những hàng trên đã có từ rất lâu (đã được thánh Irênê, Giám mục Lyon vào cuối thế kỷ thứ hai công nhận thuộc về Tin Mừng thánh Maccô) và đã được Giáo Hội nhận vào quy điển, nghĩa là thuộc về Kinh Thánh được linh ứng.

Việc sai đi trong một sứ mạng phổ quát

Đoạn kết này cắt ngang những truyền thống mà ta thấy ở nơi khác, trong các Tin Mừng khác. Đức Giêsu hiện ra với 11 Tông đồ “khi họ đang ăn”. Sau khi đã khiển trách những kẻ đã thấy Người sống lại” mà vẫn không tin (14), Người sai họ lên đường sứ mạng.

Đó là một sứ mạng phổ quát: “Hãy đi khắp thế giới. Hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” J. Hervieux nhận xét: “Ta có thể lường được ý thức của Giáo Hội sơ khai. Giáo Hội sơ khai biết mình được kêu gọi đem Tin Mừng cho hết mọi người, hết mọi tạo vật (“Tin Mừng theo thánh Maccô”, Centurion, trang 238).

Đó là một sứ mạng có “các dấu lạ đi kèm”: Những dấu lạ đó đoạn kết thứ hai của Maccô kể ra và ta thấy minh hoạ trong sách Công vụ các Tông đồ: trừ quỉ nhân danh Đức Giêsu (Cv 5,12-16; 8,9; 16,16-18); nói tiếng lạ (một đoàn sủng đôi khi đi tới ơn Chúa Thánh Thần (Cv 2,4-13; 10, 44-46); đặt tay chữa bệnh (Cv 4, 301 9,10-17); cầm rắn mà không sợ nguy hiểm (Cv 28,3-6). Đối với một vài người thì những dấu chỉ cổ điển ấy muốn diễn tả uy quyền tất định của Đấng Phục Sinh thắng những thế lực sự ác và sự Chết. L.Monloubou viết: ‘(Xuyên qua bảng liệt kê bằng thứ ngôn ngữ kỳ diệu của thời ấy, ta thấy xuất hiện niềm xác tín rằng sự phục sinh của Đức Giêsu đem đến một chất men làm đổi mới con người: một ‘tạo dựng mới’ đã bắt đầu nhờ cuộc phục sinh của Đức Giêsu. Mới, vì mọi tâm màn che dấu chân lý về Thiên Chúa đã bị xé rách. Mới, vì mọi rào cản chia cách con người đã bị loại bỏ. Và mới, vì mọi sự ác dày vò con người trong quá khứ nay đã bị khuất phục: Sự thể hiện chiến thắng này không toàn vẹn; trần gian luôn phô bày bộ mặt của một thế giới trần trụi, nhưng đã có những dấu chỉ cho thấy cuộc chiến thắng sẽ hoàn tất (“Tin Mừng theo thánh Maccô, Salvator, trang 166).

Những dấu chỉ ấy có thể thay đổi, tuỳ theo khung cảnh văn hoá. Nhưng điều cốt lõi vẫn luôn luôn, như trong mọi dấu chỉ Đức Giêsu đã thực hiện, là mặc khải một chút về tình yêu của Chúa Cha mà sứ điệp đã loan báo.

Và loan báo sự hiện diện huyền nhiệm của Đấng Phục sinh:

Bức tranh Chúa Thăng Thiên chỉ được chấm phá bằng vài nét như kết thúc cuộc mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu. Người được “cất lên trời” giống như Êlia trong sách Các Vua 2,11; Người ngự “bên hữu Chúa Cha”, Người được tôn phong là Kitô và là Chúa, ứng nghiệm lời Thánh vịnh 110,1 nói về Người: “Đức Chúa đã nói với Chúa tôi: Hãy ngồi bên hữu Ta”. Nhưng việc thăng thiên không mở ra một giai đoạn vắng mặt của Đức Giêsu, mà đánh dấu một “khởi điểm”, khởi đầu một hiện diện mới cho các môn đệ, một hiện diện tích cực đem lại vô vàn hiệu quả cho hoạt động truyền giáo của họ. Đoạn kết thứ hai của Maccô kết luận: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”.

BÀI ĐỌC THÊM.

“Hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật” (G. Bessière, trong “Thiên Chúa rất gần, năm B”, DDB, tr. 68-69).

Bản văn không đề cao hiện tượng kỳ diệu của việc lên trời, nhưng nhấn mạnh sứ mệnh của các tông đồ. Các ngài mang đi một tin bất ngờ, một tin mừng cho “mọi tạo vật’? Đó là ơn cứu độ, ơn giải phóng, ơn chữa lành, đương đầu với mọi nguy cơ để đổi thay thế giới, cho nhân loại mới ấy, nhân loại ngồi bên hữu Thiên Chúa ấy được hiện hữu và lớn mạnh. Lịch sử đâu có thể nhờ một chiếc đũa thần mà biến đổi trong tích tắc mà phải qua hằng bao thế kỷ, hằng bao thiên niên kỷ, như một nắm men âm thầm nhưng phải luôn luôn khơi dậy Tin Mừng này, để Thánh Linh Thiên Chúa tái tạo bộ mặt địa cầu.

Suốt dòng thời gian, các môn đệ sẽ là những “chứng nhân hăng say”: “cho đến tận cùng trái đất”, nhờ sức mạnh Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu ra đi, nhưng Người không vắng mặt, trái lại dường như cuộc ra đi này còn làm cho Người hiện diện nhiều hơn qua tất cả những người tiếp tục đón tiếp, sáng tạo và mưu tìm một thế giới mới. Họ cũng sẽ là những kẻ làm phiền vì tin rằng nhân loại có thể tiến xa hơn trên con đường công bình, tha thứ và yêu thương. Những con người mơ về một nhân loại thần linh này (humanité divine) sẽ luôn luôn phản kháng những gì là hỗn loạn, tồi tệ và chai lì trong đời sống cá nhân cũng như tập thể. Họ cũng sẽ trở thành mục tiêu tấn công của những chủ nhân sống một đời sống trì trệ, những tay quản lý ù lỳ và phó mặc cho số phận, những kẻ tôn thờ tiền bạc. Nhưng ngay cả trong cơn bắt bớ, những con người thân cận với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ấy, những người đã được rửa tội trong trong tai ấy, sẽ nghe thấy trong bản thân một tiếng nói bí ẩn thầm thì: “Thầy ở với các con cho đến ngày tận thế”.

“Sự hiện diện của Đấng Phục Sinh”(Đức Cha L. Daloz, trong “Vậy người là ai?”, DDB. tr. 109-1 10).

Đức Giêsu chứng minh sự hiện diện phục sinh của Người. Đoạn kết của Tin Mừng Maccô kể lại tóm tắt một vài tình huống chứng minh cho việc này. Đó là 3 tình huống khác nhau: Đức Giêsu ‘xuất hiện’, “tỏ mình ra” cho Maria Madalena, cho hai môn đệ, cho mười một Tông đồ. Những chứng nhân ấy sẽ đi loan truyền điều họ đã thấy. Người ta không tin các ngài; trong lần sai đi cuối cùng này cũng thấy nói đến “ai tin” và “ai không tin”. Đức Giêsu phải “áp đặt” sự hiện diện của Người vì biến cố phục sinh quả thực là bất ngờ. Người khiển trách sự chậm tin và sự cứng lòng của họ, không tin lời những người đã thấy người sống lại”. Đoạn kết Tin Mừng này thật ngắn ngủi, vắn tắt như một bài điểm sách. Biến cố Phục sinh đâu cần chi đến những lời lẽ dao to búa lớn, những bài diễn văn dài dòng. Biến cố có đó để mời gọi đức tin. Biến cố tự nó đã có sức thuyết phục, có tính cách quyết định và đòi hỏi một quyết tâm. Biến cố quá mãnh liệt đã mở ra một tương lai và một chân trời bao la cho: “Toàn thế giới” và mọi tạo vật? Tin Mừng đầy ắp một sức mạnh phục sinh, có khả năng xuyên thấu bề dày tăm tối của thế giới, đem đến cho nó một chất men mới. Đó là ý nghĩa của những dấu chỉ này. Sức mạnh của Tin Mừng được biểu lộ qua con số không nhỏ những dấu chỉ này và tính cách phi thường của chúng, sức mạnh đó không chỉ là những lời nói suông, nhưng còn là chất men biến đổi cuộc sống. Các môn đệ có thể lên đường rao giảng. Đối với các ông, dù đã được cất lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa, Chúa vẫn tiếp tục hoạt động và xác nhận Lời. Ngày nay, đến lượt chúng ta, chúng ta cũng được sai đến tận cùng thế giới để làm chứng nhân cho Tin Mừng, nhờ sức mạnh của mầu nhiệm Phục Sinh”

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube