Thứ năm Tuần XXI thường niên Năm A

Tin Mừng  Mt 24: 42-51

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. Nhưng các con phải biết điều này là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. Vậy các con nghĩ ai là đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân mình, để cứ đúng giờ mà phân phát lương thực cho họ? Phúc cho đầy tớ ấy, khi chủ nó đến thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người ấy lên coi sóc tất cả gia sản. Nhưng nếu đầy tớ ấy xấu, nghĩ trong lòng rằng: “Chủ tôi về muộn”, rồi nó đánh đập các bạn đầy tớ, lại còn chè chén với lũ say sưa: chủ đầy tớ ấy trở về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết: ông sẽ xé xác nó ra và cho nó chung số phận với những kẻ giả hình: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

 

Suy niệm
Qua trang Tin Mừng hôm nay cho chúng ta được bài học thức tỉnh. Thánh Mátthêu tường thuật lại lời cảnh báo và thúc dục của Chúa Giêsu với các môn đệ cũng như  tất cả mọi người chúng ta về ngày “Con Người sẽ đến”. Ngài nhắc nhở  “ anh em phải canh thức và sẵn sàng”. Các nhà chú giải thường đề nghị đọc và suy niệm những dụ ngôn của Chúa Giêsu về việc Chúa trở lại trong vinh quang trên hai bình diện: Kitô Học và Giáo Hội Học. Trên bình diện Kitô Học nhấn mạnh đến việc Chúa trở lại vào cuối lịch sử như một quan tòa xét xử mọi người. Trên bình diện Giáo Hội Học nhắc đến thời giờ của Giáo hội trong thời gian, từ khi Chúa lên trời cho đến lúc Ngài trở lại; trong thời gian này, mỗi Kitô hữu phải tích cực chờ đợi và chu toàn bổn phận của mình một cách tốt đẹp.

Trước những gì sẽ xảy đến với loài người, Chúa Giê su liên tục dùng cụm từ “anh em hãy …” để nói lên sự chuẩn bị sẵn sàng cần thiết nơi mỗi con người. “Anh em hãy…vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến”… “Anh em hãy…vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Điều mà Ngài đang đề cập đến với mỗi người chúng ta đó là ngày sau hết của mỗi con người, ngày mà Chúa sẽ đến để xét xử và thưởng phạt mỗi người theo lẽ công minh. Nhưng ngày đó là ngày nào thì chúng ta và chính Chúa Giêsu cũng không thể biết được “…Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24, 36). Để chúng ta được hiểu rõ hơn việc “Canh thức và sẵn sàng” Chúa Giêsu nêu ra cho ta hai ví dụ điển hình, đó là câu chuyện về “ông chủ và kẻ trộm” và “dụ ngôn người đầy tớ trung tín”. Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay cho thấy ý nghĩa bổ túc cho nhau: dụ ngôn thứ nhất nói về kẻ trộm đến bất ngờ trong đêm, do đó người chủ phải sẵn sàng luôn; sự sẵn sàng này được giải thích trong dụ ngôn thứ hai về người đầy tớ trung tín và khôn ngoan thi hành mệnh lệnh của chủ, cứ đúng giờ mà cấp phát lương thực cho người nhà.

Thật không dễ dàng có thái độ sẵn sàng theo đúng ý Chúa muốn. Vào thời các Tông đồ, có những tín hữu quá sốt sắng chờ đợi Chúa trở lại đến độ lơ là việc bổn phận của mình. Đó là thái độ của tín hữu cộng đoàn Thessalonica mà thánh Phaolô đã phải khuyến cáo: “Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Ngài, thì tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào.”

Sống chờ đợi Chúa lại đến gần không phải bằng thái độ thụ động, nhưng là bằng thái độ tích cực. Thánh Phaolô đã mô tả thái độ đó như sau: “Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bất chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, là con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ, hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, hãy đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ.”

Ai trong chúng ta hầu như chỉ biết chú trọng vào việc chuẩn bị hành trang cho cuộc sống trần gian, mà quên mất rằng điều cần thiết hơn cả là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sống mai sau, cho ngày ta đến diện kiến trước tòa phán xét của Chúa để nghe Ngài tuyên án cho cuộc đời mình.

“Chúa sẽ đến vào lúc bất ngờ, vào giờ ta không biết”  vậy nên mỗi người trong chúng ta ngay lúc này đây, hãy thay đổi cách sống cũng như cách nhìn nhận của mình, từ bỏ đi những lối sống buông thả, những thói đời vô bổ và chỉnh đốn lại con người của mình bắt đầu từ tâm hồn. Để ngày Chúa đến, chúng ta không phải lo lắng, hoảng sợ trước những phán quyết của Ngài, vì ta đã sẵn sàng để đón nhận những lời tuyên phán của Ngài.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến… nên anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.

Canh thức cũng có nghĩa là làm tròn phận sự được Chúa trao. Ông chủ đi vắng nên trao cho người đầy tớ quyền cấp phát lương thực. Đó là quyền hành mà cũng là phận sự trên các gia nhân.Nếu khi trở về, ông chủ thấy người đầy tớ ấy đang phục vụ nghiêm chỉnh, thì phúc cho anh ấy, vì anh sẽ được coi sóc toàn bộ tài sản của ông (c. 47). Nhưng nếu anh ấy nghĩ rằng ông chủ sẽ về muộn, anh còn nhiều thời giờ để vui chơi hơn là chu toàn bổn phận. Nếu anh ấy lạm dụng quyền lực trong tay để đánh đập các đầy tớ khác, nếu anh ấy nhậu nhẹt với bọn say sưa, nên không còn tỉnh thức đủ, thì ông chủ sẽ về bất ngờ, vào ngày và giờ sớm hơn anh nghĩ. Lúc ấy khuôn mặt thật của anh sẽ lộ ra, khuôn mặt giả hình. Và anh sẽ chịu chung số phận với những người đạo đức giả (c. 51).

Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chúng ta chính là phục vụ. Càng phục vụ, chúng ta càng nhận ra được Chúa đang đến. Càng phục vụ, chúng ta càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị đòi hỏi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua bí tích rửa tội là để san sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban cho mọi người.

Sự tỉnh thức đích thực của người kitô hữu chúng ta chính là ý thức rằng: sống tích cực để yêu thương và phục vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực của chúng ta, vì như Chúa Giêsu đã nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận”.

Sống đức tin, đức cậy, đức mến, trong khi chờ đợi Chúa đến, không có nghĩa là chúng ta bỏ quên sự dấn thân của mình. Mỗi người chúng ta cần phải luôn tỉnh thức với thái độ tích cực, đồng thời nỗ lực góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

                                                                                                     Huệ Minh

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube