Thứ Tư Tuần I Thườn Niên

Lời Chúa: Mc 1:29-39

Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.

Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: “Mọi người đều đi tìm Thầy”. Nhưng Người đáp: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa”. Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

Suy niệm

Chia sẻ trong bài Tin Mừng hôm nay, xin được nêu lên ba ý sau đây: Cảm thông – Cầu nguyện và Truyền giáo.

       1.Cảm thông:

Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu hiện thân như một vị “bác sĩ”, nhưng vị “bác sĩ” này rất khác người, chữa bệnh không cần thuốc men nhưng bằng uy quyền của Thiên Chúa, Người làm việc không biết mệt mỏi, liên tục chữa lành các loại bệnh cho nhiều bệnh nhân, bệnh nhẹ cảm sốt như bà nhạc gia Simon đến những bệnh nhân nặng do bị quỷ ám. Ơn Cứu Độ của Chúa không chỉ cứu độ về phần tâm linh, nhưng Chúa còn chữa bệnh nơi thể xác hữu hình để bệnh nhân lấy lại sức khỏe tiếp tục cuộc sống đời thường, Chúa nhìn thấy họ đau đớn khổ sở về thân xác Ngài động lòng thương, cảm thông và đã đem sự an lành cho họ về mặt thể xác.  

Trên thế giới không ít những hiện thân đã sống để minh chứng về lòng thương xót của Chúa. Mẹ Têrêsa Calculta, từ nơi mẹ biết bao những con người được cứu sống cả về thân xác lẫn linh hồn. Hay câu chuyện một cặp vợ chồng Công Giáo tên là Brent và Serena người Mỹ đã cứu 1.400 trẻ mồ côi tại Trung Quốc. (xem: http://www.daobinh.com/song-dao/guong-song-dao/cap-vo-chong-cong-giao-cuu-vot-1-400-tre-em-mo-coi-trung-quoc.htm). Bước chân theo Chúa Giêsu tại Việt Nam hình ảnh các vị thừa sai như ĐGM Cassaigne tại Di Linh, cha Paul Matheu vị sáng lập trại phong Quy Hòa. Các ngài đã không thấy mệt mỏi và khiếp sợ bệnh tật, sẵn sàng phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân tận tâm không phân biệt tôn giáo, mầu da, ngôn ngữ … Tuy các ngài không chữa lành được như thời Chúa Giêsu, nhưng các ngài đã chia sẻ cảm thông, an ủi và hòa mình chấp nhận để rồi các ngài cũng mang căn bệnh quái ác đó và nằm vĩnh viễn trên mảnh đất truyền giáo này. Những tấm gương phục vụ nơi các ngài đã để lại cho chúng ta bài học đức mến, về sự cảm thông rất sâu sắc đậm nét lòng thương xót phát xuất từ nơi Thiên Chúa. Như trong thư thứ nhất gửi Corintô Thánh Phaolô đã kết thúc thư bằng câu: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.”. (1Cr. 13, 13)

  1. Cầu nguyện:

Cuộc đời của Chúa Giêsu, tuy ngài là Thiên Chúa nhưng Ngài nhập thể mang thân phận con người để thực hiện Ơn Cứu Độ. Cho nên cầu nguyện là một phương thế hữu hiệu để Ngài gặp gỡ Thiên Chúa. Bài Tin Mừng cho chúng ta thấy: “Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó” (Mc 1, 35). Và Tin Mừng cho chúng ta rất nhiều lần Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, để minh chứng cho chúng ta thấy việc cầu nguyện là cần thiết trong đời sống. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu tuy sống ẩn dật trong dòng kín, ít bước chân ra ngoài đời sống xã hội, nhưng ngài sống đời cầu nguyện liên lỉ. Giáo Hội đã tuyên phong ngài là bổn mạng các xứ truyền giáo. (xem, nghe đọc Truyện Một Tâm Hồn của Thánh nữ Têrêsa Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận khi sống trong tù việc cầu nguyện đối với ngài là một niềm an ủi rất lớn. “Cũng thế, “Kinh Cầu” của tôi cần được cập nhật hóa với những nhu cầu thiết thân trong hoàn cảnh đặc thù của cuộc sống,và còn biết bao những tấm gương khác nữa sống đời cầu nguyện như Chúa Giêsu.

Trong việc sống đạo hôm nay, kinh nguyện hằng ngày là những lời cầu nguyện thiết thực nhất. Ngoài ra chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa cách mật thiết đó là bằng lời cầu nguyện tự phát từ đáy lòng mỗi người khi vui cũng như lúc buồn, lúc đau khổ cũng như khi hạnh phúc. Những lời nguyện đơn sơ đó sẽ làm cho tâm hồn chúng ta cảm thấy thư thái an bình.

  1. Truyền giáo:

Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa không dành cho riêng cho riêng ai, mà dành cho tất cả mọi người. “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa” (Mc 1, 38). Hiện nay chúng ta đã thấy, từ mười hai vị tông đồ của Chúa, Lời của Chúa đã lan truyền khắp năm châu. Ơn Cứu Độ của Chúa đã lan tỏa khắp bốn phương. Tuy nhiên, nhìn lại tổng dân số đang hiện diện trong đầu thế kỷ 21 hôm nay, số người tin vào Đấng Cứu Thế vẫn còn khá khiêm tốn. Chẳng nhìn đâu xa, ngay trên đất nước Việt Nam, dân số xấp xỉ 90 triệu người, số giáo dân Công Giáo xấp xỉ 7 triệu tín hữu. Cánh đồng truyền giáo của chúng ta còn bát ngát bao la. Lời của Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đang mời gọi mọi người: “chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận …” (Mc 1, 38a) để loan báo Tin Mừng cho mọi người.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết cảm thông, thăm viếng, giúp đỡ người bệnh tật ốm đau, năng cầu nguyện với Chúa hằng ngày để hạnh phúc được đối diện với Chúa và biết cộng tác trong việc mở mang Nước Chúa ngay tại nơi chúng con đang sống. Amen.

http://tinvuixuanloc.vn

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube