Thứ tư Tuần X Thường niên

Lời Chúa: Mt 5, 17-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Suy niệm

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn.

Như vậy, giữa các môn đệ đang có sự ngộ nhận mà hôm nay Chúa Giêsu phải lên tiếng cảnh giác. Bài Tin mừng hôm nay (Mt 5, 17-19), chỉ có 3 câu, nhưng mỗi câu lại là lời xác quyết mạnh mẽ.

Các môn đệ ngộ nhận điều gì?

NGỘ NHẬN THỨ NHẤT:

Như ta thấy Chương 5 của Phúc âm Matthêu, được bắt đầu bằng Bài giảng: “TÁM MỐI PHÚC” (Mt 5, 1-12) Matthêu tường thuật cùng với Thánh sử Luca (Lc 6, 20-23)

Với Bài giảng Tám mối phúc: Chúa Giêsu đã vạch ra Tám cách thức, tám con đường mà con người có thể chiếm hữu Nước Trời: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, Phúc cho ai hiền lành, Phúc cho ai sầu khổ, Phúc cho ai khao khát điều công chính”, ……

Như vậy hoá ra “Mười Điều răn” mà Thiên Chúa ban cho dân Do Thái qua trung gian Môsê, và lời dạy của các ngôn sứ, các Tiên tri chẳng còn ý nghĩa gì nữa, ta chỉ cần theo Tám Mối phúc là đủ vào Nước Trời rồi.

Đó là một sai lầm nghiêm trọng.

Thực ra Mười Điều răn là lề luật trong Cựu Ước, đó là cách dẫn ta đến cửa Nước Trời, nhưng chưa đưa ta vào trong Nước đó, còn Tám Mối phúc, Luật của Tân Ước mới thật sự dẫn ta vào Nước Trời. Nói cách khác, Mười Điều răn chính là hình bóng của Tám mối phúc.

Như vậy, trước khi đặt ra vấn đề “vào Nước Trời”, thì việc đầu tiên ta phải đến được “cửa Nước Trời” trước đã. Vì thế Mười Điều răn cũng vô cùng quan trọng mà con người phải tuân giữ để trở thành người đạo đức thật sự.

Chính Chúa Giêsu đã xác nhận: Các con đừng tưởng ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri, ta không đến để hủy bỏ nhưng để kiện toàn. Chúa Giêsu không hề huỷ bỏ “LỀ LUẬT HAY CÁC TIÊN TRI”, mà Ngài xác định rõ, Sứ mệnh của Ngài là “ĐỂ KIỆN TOÀN”.

NGỘ NHẬN THỨ HAI:

Các môn đệ có thể nghĩ: Các cuộc tranh luận của Chúa Giêsu và người Do-thái, cụ thể là nhóm Pharisiêu và Kinh sư thường xoay quanh các vấn đề của Lề Luật như: thanh tẩy, giữ ngày Sabbath, ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức. Nhiều người trong họ nghĩ Chúa Giêsu đến để bãi bỏ Lề Luật và dạy dân chúng khinh thường Lề Luật.

Không, không phải như vậy. Chúa Giêsu khẳng định: Ngài không đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri, nhưng là để kiện toàn.

HUỶ BỎ – KIỆN TOÀN là 2 vấn đề khác nhau.

Khi nói đến “KIỆN TOÀN” thì ta phải hiểu KIỆN TOÀN CÁI GÌ, như vậy phải chấp nhận cái đã có mà bây giờ nó sẽ được nâng lên tầm cao mới. Còn HUỶ BỎ, tức xoá bỏ cái đã có.

Vì Như lời của ông Môsê nói với dân Do Thái trong Sách Đệ Nhị Luật (Đnl 4, 1. 5-9): “Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.

“Trong suốt đời các ngươi”

Như muốn khẳng định mạnh mẽ: Tất cả Lề luật và các lời Tiên tri có giá trị vĩnh viễn, không chỉ trong thời Cựu Ước mà còn ngay cả thời Tân ước, là thời của Chúa Giêsu.

“VÌ TA BẢO THẬT CÁC CON: CHO DÙ TRỜI ĐẤT CÓ QUA ĐI, THÌ MỘT CHẤM, MỘT PHẨY TRONG BỘ LUẬT CŨNG KHÔNG BỘ SÓT, CHO ĐẾN KHI MỌI SỰ HOÀN THÀNH”

“MỘT CHẤM, MỘT PHẨY”

Ai trong chúng ta cũng biết: dấu chấm, dấu phẩy, chấm than,….là những dấu ngắt câu trong một đoạn văn. Chúng không tham dự vào nội dung, ý nghĩa của đoạn văn đó, nhưng nhờ có chúng mà câu văn mới rõ nghĩa, người đọc mới không bị nhầm lẫn ý của tác giả.

Nếu bỏ những dấu ngắt câu đó đi thì đoạn văn sẽ như thế nào, chắc sẽ rất tối nghĩa và ai cũng nói hiểu sai ý nghĩa của đoạn văn đó, câu văn đó.

Như vậy, mặc dù dấu chấm, dấu phẩy chiếm một vị trí rất khiêm nhường, rất nhỏ bé trong câu văn, nhưng không ai được quyền bỏ chúng.

Cũng vậy, Chúa Giêsu khẳng định: “Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót”. Cho dù có xảy ra tận thế, có xảy ra chiến tranh hạt nhân và huỷ diệt toàn bộ, thì những dấu chấm, dấu phẩy trong lề luật cũng không được bỏ sót.

Dấu chấm, dấu phẩy trong lề luật không được quyền bỏ thì huống chi lề luật đó. Như vậy Chúa Giêsu khẳng định mạnh mẽ: các lề luật và lời của các Tiên tri phải được tuân giữ. Cựu ước luôn có giá trị trong thời Tân Ước.

“CHO ĐẾN KHI MỌI SỰ HOÀN THÀNH”

Có nghĩa các Lề luật cả Cựu ước và Tân Ước phải tồn tại cho đến khi mọi sự được hoàn thành, tất cả đều quy về một mối, đó là Thiên Chúa. Ý nói về ngày Cánh chung, tận thế.

Thánh Phaolô dạy rằng: Lúc ấy đức trông cậy không còn cần thiết nữa, đức tin cũng không cần nữa, mà chỉ còn đức ái mà thôi “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn.

Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi (1Cor 13, 7-10) vì người ta đã nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện thì cần gì đến đức tin và đức cậy, lúc ấy tất cả các Lề luật cũng không còn cần thiết nữa.

“BỞI VẬY, AI HUỶ BỎ MỘT TRONG NHỮNG ĐIỀU LUẬT NHỎ MỌN NHẤT, VÀ DẠY NGƯỜI KHÁC LÀM NHƯ VẬY, SẼ KỂ LÀ NGƯỜI NHỎ NHẤT TRONG NƯỚC TRỜI; TRÁI LẠI, AI GIỮ VÀ DẠY NGƯỜI TA GIỮ NHỮNG ĐIỀU ĐÓ, SẼ ĐƯỢC KỂ LÀ NGƯỜI CAO CẢ TRONG NƯỚC TRỜI”

“GIỮ” – “DẠY”

Đức Giêsu nhấn mạnh những động từ” Giữ” và “dạy”. Nếu ta chỉ biết dạy người khác phải yêu thương mà chính bản thân mình không giữ, trong ta toàn sự thù hận, ghen ghét thì ta chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa.

Ngược lại nếu ta chỉ biết giữ mà không dạy người người khác thì ta chỉ bo bo cho mình mà không đoái hoài đến sự cứu rỗi của người khác thì cũng chẳng ích lợi gì cho ta trong Nước Trời.

Như vậy, Chúa Giêsu đòi buộc chúng ta cả hai: Giữ Luật và dạy người khác giữ luật. Cả hai việc phải đi song hành với nhau.

ĐIỀU LUẬT NHỎ MỌN NHẤT

Và Chúa cũng muốn đả phá quan niệm có sự phân biệt giữa các lề luật: Luật quan trọng hay không quan trọng, vì ngay như một điều luật nhỏ nhất nếu ta không giữ và dạy ngươi khác, thì coi như là người nhỏ nhất trong Nước Trời.

Đừng khinh thường bất kỳ một luật Chúa nào, cho dù là luật nhỏ nhất.

Trong Nước Trời sẽ có những bậc thang giá trị:Lớn nhất, nhỏ nhất… Những nấc thang giá trị đó tùy thuộc vào tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân. Càng yêu mến nhiều ta càng ở những bậc thang giá trị cao trong Nước Trời. Chúa Giêsu khẳng định: “ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Có nghĩa cho dù là luật nhỏ nhất, nếu ta giữ và dạy người khác làm như vậy, ta cũng được coi là người cao cả trong Nước Trời. Luật nhỏ nhất mà còn như vây, huống chi là luật lớn nhất.

Lạy Chúa, trước một thế giới luôn thay đổi, xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa. Xin cho con chọn Chúa và theo Chúa qua việc sống đúng giới luật Chúa truyền ban để mỗi ngày con sống đẹp lòng Chúa hơn.

Giuse Nguyễn Viết Tâm.

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube