Chuyện kể rằng: Có một người đàn ông nọ cảm thấy chán nản và thất vọng vì cuộc sống của anh đang rơi vào bế tắc. Một ngày kia, anh bỏ lại vợ con rồi đi vào rừng với ý nghĩ là sẽ tìm đến cái chết. Trong khi anh đang đi thơ thẩn thì bất ngờ một con cọp xông ra và lao về phía anh ta. Mặc dù có ý định sẽ kết thúc cuộc đời, nhưng anh ta vẫn vắt chân lên cổ chạy bán sống bán chết để mong thoát con thú dữ này. Anh chạy mãi và may thay gặp được một thân cây cao và to. Anh lấy hết sức để leo lên cây và trèo lên một cành cây cao để con cọp không với tới được. Không bắt được con mồi, con cọp bèn nằm xuống dưới gốc cây chờ đợi.
Giữa lúc đang phải vật lộn với nỗi sợ hãi và sự mệt mỏi, người đàn ông chợt nhìn thấy hai chú sóc xuất hiện ở gần cành cây anh đang bám vào. Thì ra cái hốc cây trên thân cây này là chỗ trú ngụ của mấy chú sóc đó. Trong hốc cây đó còn có ba con sóc con nhỏ xíu. Hai con sóc lớn tíu tít chia chác những hạt dẻ vừa nhặt được cho những con sóc nhỏ rồi cả bọn cùng ăn với nhau. Âm thanh rộn ràng của các chú sóc đã làm người đàn ông cảm thấy vui thích. Chỉ vài hạt dẻ bình thường mà cũng làm cho niềm vui được rộn ràng trong căn nhà nhỏ của các chú sóc! Anh nhớ đến những giây phút đầm ấm của gia đình mình bên mâm cơm đạm bạc với ánh mắt long lanh niềm vui của vợ, nhớ tiếng cười của các con khi được cái bánh nhỏ anh mua về… Một niềm vui dâng lên trong lòng anh và anh không còn muốn tìm đến cái chết nữa. Nhìn xuống gốc cây, anh không còn thấy bóng dáng của con cọp. Thế là anh trèo xuống khỏi cây và hớn hở trở về nhà mình.
Quý vị và các bạn thân mến,
Mỗi ngày sống của chúng ta đều đong đầy những niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ. Trong cuộc đời mình, không ai không chạm trán với đau khổ. Nhận định về mối tương quan giữa đau khổ và phận người, Đức Phật đã nói rằng: “Đời là bể khổ”. Triết gia người Pháp Voltaire thì ngậm ngùi nhận xét rằng: “Con người sinh ra là để bị tàn phá bởi sự đau khổ”. Và ca dao tục ngữ cũng lưu truyền kinh nghiệm sống bao đời của người xưa: “Có thân phải khổ vì thân”. Là một phần tất yếu trong cuộc sống của con người, đau khổ bắt nguồn từ thực tại của cuộc sống bởi sự bất công, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, nghèo đói và sự loại trừ của con người đối với nhau… Đau khổ cũng nảy sinh bởi thể trạng không tốt nơi bản thân con người như: bệnh tật, sự suy yếu hay khiếm khuyết các bộ phận của cơ thể… Đau khổ còn ngự trị trong cõi lòng của con người trong dáng vẻ của những mặc cảm tội lỗi, những cảm xúc tiêu cực ghen ghét, oán thù, thất vọng và cô đơn… Mặc dù khoa học kỹ thuật ngày nay đã tiến bộ vượt bậc với nhiều phát minh và công trình vĩ đại, đau khổ vẫn không hề bị mai một hay suy yếu mà trái lại, càng bộc lộ sức mạnh thô thiển cũng như sự đa dạng về dung mạo trơ trẽn của nó. Do vậy mà cho dù cuộc sống có hiện đại, tiện nghi và sung túc hơn, đau khổ vẫn là nỗi ám ảnh lớn lao trong cuộc đời của rất nhiều người.
Đối diện với đau khổ, con người có nhiều thái độ và phản ứng khác nhau. Có người thì lặng thinh cam chịu. Có người thì càm ràm, ta thán. Có người cố gắng vượt qua bằng những suy nghĩ tích cực. Nhưng cũng có người rơi vào suy nghĩ và quyết định tiêu cực như người đàn ông trong câu chuyện mà chúng ta vừa nghe. Cuộc sống cơ cực, bế tắc khiến anh quyết định tìm đến cái chết để không còn phải đau khổ nữa. Tuy nhiên, khi nhìn thấy những chú sóc vui vẻ chia sẻ cho nhau vài hạt dẻ ít ỏi và tận hưởng niềm vui đơn sơ, nhỏ bé, anh chợt nhận ra rằng ngay trong đau khổ bởi gánh nặng mưu sinh, vẫn có những niềm vui và lý do để anh tiếp tục sống.
Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta về đau khổ. Hơn ba mươi năm sống và chung chia phận người, đủ để Người kinh nghiệm rằng: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6, 34). Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói đến cái khổ không phải để khiến chúng ta trở nên bi quan, thất vọng nhưng để mời gọi chúng ta hiên ngang đối diện những đau khổ trong đời mình bằng một niềm tín thác vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa. Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 14 tháng Mười năm 2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã nói rằng: “Mọi người đều đau khổ trong thế giới này cho dù bạn tin vào Chúa hay từ chối Ngài. Đối với Chúa, mọi nỗi đau của con người đều thánh thiêng, và Thiên Chúa luôn ở bên cạnh, lắng nghe khi chúng ta đau khổ”. Thật vậy, không có đau khổ nào là vô nghĩa và vô giá trị, nhưng là cơ hội giúp chúng ta lớn lên trong đời sống tin, cậy vào Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.
Lạy Chúa, đau khổ là một phần tất yếu trong cuộc sống của chúng con. Chúng con không cầu xin Chúa cất đi những đau khổ trong đời mình nhưng xin Chúa ban cho chúng con được dư đầy ơn Chúa và sức mạnh để đón lấy mọi đau khổ trong niềm phó thác và tìm được niềm vui cùng với bình an trong mọi ngày sống của mình. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org