Phút cầu nguyện: Hãy là hạt giống tốt

Hai hạt giống được ông chủ chọn lựa cẩn thận và đem ươm vào mảnh đất màu mỡ. Hai hạt giống nằm cạnh nhau tâm sự:

Hạt giống thứ nhất nói : “Tôi muốn lớn lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất và phóng thân cây của tôi vào không trung … Tôi muốn nhìn thấy những chồi cây mở ra như những lá cờ báo hiệu xuân đã về… Tôi muốn cảm nhận được sự ấm áp của mặt trời trên gương mặt và sương mai chúc lành cho những cánh hoa!”

Và rồi nó lớn lên, đơm hoa kết trái trĩu cành!

Hạt giống thứ hai nói: “Tôi sợ lắm! Nếu tôi cắm rễ vào lòng đất, tôi chẳng biết điều gì đang chờ đợi tôi trong cái tối tăm ấy. Thân cây của tôi mỏng manh nên nếu tôi muốn chọc xuyên qua lớp đất để vươn lên không trung, thân cây sẽ có nguy cơ bị gãy. Và có khi vừa mới trồi lên, nếu có một con sâu bò đến gặm những mầm non của tôi thì sao? Và nếu tôi để những cánh hoa khoe sắc, trái mọng trĩu cành thì biết đâu … một thằng bé sẽ bứng cả cây lên khỏi đất. Thôi! Tốt hơn cả là cứ nằm yên đây chờ đợi cho đến lúc không còn một hiểm nguy nào nữa hãy trồi lên.”

Và thế là nó chờ đợi !

Một con chim bay qua trên đó. Nó đang sục sạo tìm thức ăn thì nhận ra một hạt giống nằm trơ trọi chờ đợi và rồi … ngay tức khắc nó sà xuống chộp ngay hạt giống, ăn ngấu nghiến.

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến!

Nền kinh tế chính của Việt Nam là nền kinh tế nông nghiệp. Chính vì thế, việc chọn giống gieo trồng trở nên quá quen thuộc với chúng ta. Không phải hạt nào cũng có thể đem gieo nhưng chủ vườn phải chọn hạt khỏe hầu có khả năng kháng các mầm bệnh, cho năng suất cao để làm hạt giống cho vụ mùa. Tuy nhiên, việc ông chủ chọn lựa là một chuyện và việc hạt giống ấy có thực sự trổ sinh hoa trái hay không còn phụ thuộc vào chính khả năng hấp thụ dưỡng chất của nó. Câu chuyện ngụ ngôn trên cho chúng ta thấy rõ điều đó. Hai hạt giống đều được tuyển chọn và được gieo vào mảnh đất đầy chất dinh dưỡng nhưng một hạt giống đã trổ sinh tươi tốt và cho những trái ngọt trĩu cành; bởi vì nó mong muốn được lớn lên, sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, sẵn sàng vùi mình cắm rễ vào lòng đất, sẵn sàng đón nhận những dưỡng khí, chất dinh dưỡng và đặc biệt là sẵn sàng chịu mục nát, chấp nhận những hiểm nguy để cho mầm sống mới xuất hiện. Còn hạt giống kia không dám vùi mình vào bùn đất, không dám hủy mình ra vì nó không biết điều gì xảy ra nơi lòng đất tối tăm ấy……

Rất nhiều lo sợ bủa vây nó. Chính vì thế, nó cố gắng bảo toàn bản thân qua việc nằm im đó. Nó hành động theo cách mà nó cho là thông minh và đã nhận được cái kết là không những không sinh hoa trái mà chính bản thân cũng tan biến không còn dấu vết vì bị chim trời ăn mất. Chúa Giê su cũng dùng hình ảnh hạt giống để dạy chúng ta hành động theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa hầu đem lại sự sống đời đời: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời””

Một cách nào đó, con người cũng được xem là hạt giống được Thiên Chúa tuyển chọn để gieo vào trần gian qua ơn gọi làm người. Để một hạt giống trổ sinh nhiều bông hạt mới, điều kiện đầu tiên cần phải có đó là dưỡng chất từ Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta cần mở lòng ra tiếp nhận ân sủng của Ngài qua các bí tích của Giáo hội. Nghĩa là chúng ta sống trong Giáo hội, thuộc về Giáo hội và tham dự các nghi thức phụng tự của Giáo hội.

Chính nhờ sức mạnh từ ân sủng Chúa qua các bí tích, chúng ta đủ nghị lực để gieo mình vào lòng đất, sẵn sàng bị chôn vùi, bị mục nát hủy mình ra không. Điều này đòi buộc chúng ta phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình để dấn thân vào các môi trường hoạt động tông đồ với nhiều khó khăn, thử thách và rủi ro. Quả thật, không một hạt lúa nào trổ sinh hoa trái trong kho lẫm khô ráo, thoáng mát nhưng hạt lúa chỉ có thể đơm bông hạt nơi mảnh đất màu mỡ với nhiều gió sương và nắng nóng. Cũng thế, chúng ta không thể nào trở thành một con người tốt, một kitô hữu thánh thiện và một nhà truyền giáo khi chúng ta không dám đặt bước chân ra đi, không dám tiếp cận với người khác, không dám mở lòng ra để cho đi những gì mình có. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta hân hoan đón nhận những hy sinh thử thách, dấn thân phục vụ với thái độ khiêm tốn yêu thương hết mọi người, nhất là những người cùng khổ, những người chưa nhận biết Chúa.

Sự hủy mình ra không còn được thể hiện qua việc chúng ta dám chết đi cho tội lỗi, chết đi cho những thói hư tật xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, giận hơn, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ vô cảm dửng dưng. Qua sự hủy mình ra không, chúng ta được tham dự vào đời sống mới của Đức Kitô và sẽ trổ sinh nhiều bông hạt tốt. Những hoa trái được trổ sinh là làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa, nhiều người cảm nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc quan phòng của Thiên Chúa và làm cho Thiên Chúa được Vinh Danh, Nước Chúa được hiển trị.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hãy là những hạt giống tốt qua việc luôn kết hiệp với Chúa, đón lấy sức sống thần linh nơi Ngài và dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để sống theo sự hướng dẫn của Chúa. Amen.

Bích Liễu
Trích nguồn: vietnamese.rvasia.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube