Lời Chúa: Mc 12,18-27
Có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng: “Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.” Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ.
Đức Giê-su nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to! “
Suy niệm
Trong thời đại Chúa Giê-su, dân tộc Do-thái tồn tại hai “đảng phái” xem ra luôn đối lập nhau và có ảnh hưởng nhất cả về tôn giáo lẫn chính trị. Đó là nhóm Pha-ri-siêu và nhóm Sa-đốc (ngoài ra còn một vài nhóm nhỏ như Essenien và Jelos không đáng kể).
Chúa Giê-su không theo một đảng phái nào cả, Người chỉ trích phái Sa-đốc tham quyền cố vị và người Pha-ri-siêu giữ luật giả hình. Chính vì thế mà cả hai nhóm này đều tìm cách bắt bẻ gài bẫy Chúa Giê-su. Nhóm Pha-ri-siêu thường hỏi Chúa Giê-su về những gì liên quan đến luật và nộp thuế, còn nhóm Sa-đốc lại thắc mắc liên quan đến quyền bính và vấn đề kẻ chết sống lại.
Hôm nay nhóm Sa-đốc đến hỏi Chúa Giê-su. Họ trích đoạn Thánh Kinh trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 25,5): “Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình”. Rồi bịa ra một câu chuyện “sát phu” là có bảy người anh em trai thay thế nhau lấy một cô gái, nhưng “tướng sát phu” của cô này làm chết cả, cuối cùng cô ta cũng chết. Vậy khi sống lại, cô ta là vợ của ai trong bảy người kia?
Qua cách thắc mắc, ta dễ nhận thấy rằng quan niệm và niềm tin của nhiều nước, nhiều tôn giáo trên thế giới vẫn tin rằng thế giới “bên kia” cũng tổ chức và sinh hoạt như thế giới chúng ta đang sống, và cụ thể là vẫn cưới vợ gả chồng. Tuy nhiên, cái chủ đích mà người Sa-đốc nhắm tới để gài bẫy ở đây là nhằm phủ nhận sự sống lại. Chúa Giê-su đã trả lời cách khẳng định cho họ hai điểm chính yếu sau đây:
Có sự sống lại thật.
Chính vì nhóm Sa-đốc chỉ nhận bộ Ngũ Kinh là Thánh Kinh, nên Chúa Giê-su trích chính sách Xuất Hành là một trong Ngũ Kinh đó để trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,1-6) và không thể nào Thiên Chúa lại là Thiên Chúa của kẻ chết, cho nên Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp vẫn đang sống.
Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta là vô ích, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên không thể lĩnh hội được. Niềm tin vào sự sống lại được xây dựng trên nền tảng sự sống lại của Đức Giê-su, mà các tông đồ là những người đã thấy tận mắt, đã sẵn sàng chịu đau khổ và chết để làm chứng. «Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng» (Cv 2,32; x. Cv 10,41). Đây là một trong những niềm tin căn bản nhất của người Ki-tô hữu, đến nỗi có thể nói ai không tin vào sự sống lại thì không phải là người Ki-tô hữu.
Đời sống thiên thần (vita angelica)
Câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta biết trật tự, cách tổ chức, sinh hoạt, cách thế hiện hữu trong cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải lấy vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.
Chúa Giê-su nhắc đến đời sống đến thiên thần, nghĩa là bậc mà lẽ sống là thờ lạy, chúc tụng và vâng lời Thiên Chúa. Ở đời sau con người sẽ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và quy hướng về Người. Sự sống của Thiên Chúa và con cái Người thì khác, còn sự sống của loài người và con cái thế gian thì khác. Một đàng vĩnh cửu nên không cần truyền sinh, đàng kia vắn vỏi nên cần cưới vợ lấy chồng. Những kẻ có phần trong sự sống lại này “sẽ giống như các thiên thần”, không phải về mọi phương diện mà về trạng thái bất tử của họ. Trong một ý nghĩa rộng rãi hơn, họ sẽ là “con cái Thiên Chúa” và là “con cái của sự sống lại, vì sự chết đã mất uy lực trên họ.”
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con khao khát đời sống vĩnh cửu, để chúng con biết lo giữ mình trong sạch, sống phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, ngày đêm ca ngợi Chúa và sống dưới sự hiện diện của Chúa như các thiên thần. Nhờ đó, chúng con đã nếm hưởng niềm vui thiên quốc ngay ở cuộc sống trần gian này. Amen
Hiền Lâm