TGM Giuse Vũ Văn Thiên: Nên thánh đối với linh mục và chủng sinh

Nếu người tín hữu giáo dân được mời gọi nên thánh, thì linh mục càng có nhiều lý do để nên thánh hơn nữa. Bởi lẽ linh mục là người mục tử, có sứ mạng dẫn dắt đoàn chiên và cũng là người giúp cho các tín hữu nên trọn lành. Hình ảnh linh mục ở giữa cộng đoàn tín hữu phản ánh hình ảnh Đức Giêsu mục tử. Người mục tử nhân lành, tức là người mục tử tốt và đích thực, luôn lo lắng cho đời sống đức tin của cộng đoàn tín hữu mình được trao phó và đặt lợi ích của đàn chiên lên trên lợi ích của cá nhân. Linh mục không chỉ là người lãnh đạo khi chủ sự cộng đoàn Phụng vụ, mà là người dấn thân để trở nên người phục vụ, noi gương Đức Giêsu, Đấng đã đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạnh sống mình làm giá chuộc nhiều người (x. Mc 10,35-40).

Sự thánh thiện của linh mục không phải từ trời bỗng rơi xuống. Bí tích truyền chức không phải là chiếc đũa thần, “úm ba la” biến hóa một chủng sinh thành linh mục thánh thiện. Nên thánh là một tiến trình lâu dài, bền bỉ, là sự kết hợp giữa ơn Chúa với nỗ lực cố gắng của con người. Chính vì thế, khi nói đến sự thánh thiện của linh mục, chúng ta cũng không quên rằng, đời sống thánh thiện của linh mục phải khởi đi từ lúc còn là chủng sinh. Người ta thường nói: “Chủng sinh hôm nay, linh mục ngày mai”. Điều đó có nghĩa, một chủng sinh thánh thiện chắc chắn sẽ trở thành một linh mục thánh thiện và ngược lại, nếu một chủng sinh lười biếng và thiếu đời sống nội tâm thì không thể hy vọng sẽ là một linh mục thánh thiện.

Tháng sáu dương lịch là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Giáo Hội cầu xin ơn thánh hóa các linh mục, tức là xin cho các linh mục thánh thiện, phản ánh hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã yêu thương con người và hiến mạnh sống mình vì hạnh phúc của nhân loại.

“Nên thánh”, đó là bổn phận trước hết của chính các linh mục và các chủng sinh. Nên thánh cũng là ước mong và kỳ vọng của mọi thành phần Dân Chúa. Vì vậy, trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng tôi xin anh chị em giáo dân sốt sắng cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta được nên thánh.

I – GIÁO DÂN MONG MUỐN GÌ NƠI LINH MỤC ?

Đa số giáo dân Việt Nam rất kính trọng và yêu mến các linh mục, vì ngài có chức thánh, là hiện thân của Đức Kitô, có quyền cử hành các bí tích, nhất là vì các ngài hy sinh để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Khi họ kính trọng linh mục, thì đương nhiên họ kỳ vọng rất nhiều nơi linh mục. Sau đây là những mong muốn của giáo dân nơi linh mục:

1- Về đời sống siêu nhiên

Dân Chúa ước mong linh mục luôn thánh thiện, đạo đức, được biểu lộ qua nếp sống khó nghèo, qua thái độ khiêm tốn thực sự, qua sự kiên nhẫn chịu đựng.

2- Về đời sống xã hội

Đời sống siêu nhiên tốt lành trên đây phải được thể hiện trong đời sống hằng ngày và trong xã hội. Linh mục cần kính trọng mọi người, nhất là người lớn tuổi. “Kính lão đắc thọ”. Sự khiêm tốn nơi linh mục càng làm cho người ta yêu mến và kính phục.

3- Lắng nghe và phục thiện

Nên vui vẻ đón nhận những ý kiến xây dựng, bình tĩnh trước những lời chỉ trích, chê bai. Nếu muốn giáo dân nghe mình thì mình cũng phải lắng nghe họ và thực hiện thực hành những đề nghị tốt lành của giáo dân thiện chí. Đừng nổi nóng khi bị chống đối.

4- Hy sinh hết mình, phục vụ tận tâm

Giáo dân thán phục những linh mục tận tâm hy sinh. Các ngài là hình ảnh của chủ chăn mẫu mực là Chúa Giêsu. Đối với giáo dân, không nên áp dụng nguyên tắc quá khắt khe và máy móc, cũng đừng quá cứng nhắc trở nên khô khan lãnh đạm.

5- Nêu gương sáng

Linh mục phải sống những điều mình giảng, và giảng những điều đã sống. Giáo dân không muốn vâng phục một linh mục mà lời nói không đi đôi với việc làm.

6- Tín nhiệm những người cộng sự

Linh mục không làm việc một mình độc đoán, nhưng cần có sự cộng tác của giáo dân. Vì vậy, phải có lòng tín nhiệm nơi những người cộng sự, nhất là các thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo xứ.

7- Công bằng

Phải xử đối công bằng với mọi người, không thiên vị ai. Không có thái độ trọng người này khinh người kia. Nên cố gắng cởi mở hòa nhã với bất kỳ ai, không phân biệt giầu nghèo, trí thức hay ít học.

8- Tạo niềm tin

Hàng ngày linh mục phải trau dồi đức tin và sống niềm tin để nhờ đó, có thể tạo được niềm tin cho giáo dân tiến gần Chúa hơn. Giáo dân, nhất là giới trẻ, khi gặp linh mục, họ mong ước được gặp Chúa qua Đức tin thâm sâu và lòng đạo đức tỏa lan nơi chính con người của linh mục. Thánh Phaolô VI Giáo Hoàng đã viết: ” ngày nay người ta không muốn nghe giảng thuyết xuông, nhưng người ta muốn nghe những chứng nhân”. Nếu linh mục chỉ giảng những điều thuộc về Chúa Kitô mà không thực hành thì không thể thấm nhập vào tâm hồn người nghe, lại có thể làm cho người nghe bất mãn và nghi ngờ.

II – NHỮNG THÁCH ĐỐ VÀ CÁM DỖ TRONG ĐỜI LINH MỤC

Ratio số 84 đề cập đến những cám dỗ đặc thù sau khi làm linh mục một thời gian, nhưng thiết tưởng đây cũng là những cám dỗ xuất hiện trong mọi giai đoạn:

1- Kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân

Linh mục cần nhận biết mình yếu đuối, để khiêm tốn và cậy trông vào lòng thương xót của Chúa, đồng thời cũng biết cảm thông với người khác. Nơi một số linh mục, có nguy cơ coi mình như một công chức của Giáo Hội, không có trái tim của mục tử. Linh mục cần gần gũi anh em linh mục, tìm sự an ủi nơi Chúa, tập trung vào điều chính yếu để tiếp tục tận hiến đời mình cho Chúa và tha nhân.

2- Sự quyến rũ của quyền lực và tiền bạc

Lòng ham muốn địa vị, uy quyền, tiền bạc của cải, đưa tới chỗ không còn sẵn sàng làm theo ý Chúa và đáp ứng nhu cầu của dân Chúa. Khi sự quan tâm đặt để nơi vật chất, linh mục sẽ xao lãng với bổn phận và quên mất sứ mạng chính yếu của mình.

3- Thử thách trong cam kết độc thân vì Nước Trời

Tình trạng trên có thể tạo nên sự dồn nén tình cảm và thúc đẩy người ta đi tìm bù trừ. Tuy nhiên, nếu linh mục sống thánh thiện, thì từ những cám dỗ và căng thẳng đó, lại có thể lớn lên và trưởng thành hơn trong tình cảm, phát huy tình phụ tử linh mục và đức ái mục tử.

4- Giảm sút lòng nhiệt thành tông đồ và dấn thân trong mục vụ

Sau một thời gian hoạt động, bắt đầu xuất hiện sự mệt mỏi, sức khỏe sa sút, mất hứng thú, những va chạm, thất vọng hay vỡ mộng, vì nhàm chán hoặc vì thay đổi các điều kiện văn hóa xã hội.

Để giúp linh mục vượt thắng những nguy cơ nói trên, ngoài những phương thế đạo đức truyền thống, Ratio nhấn mạnh tới tình huynh đệ linh mục phát xuất từ bí tích Truyền Chức (x. Ratio, số 87).

5- Những “phương thuốc” giúp chiến thắng cám dỗ

– Gặp gỡ huynh đệ, để cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa (Lectio divina), để học hỏi về một đề tài thần học hay mục vụ, chia sẻ kinh nghiệm mục vụ.

– Xưng tội hoặc bàn việc linh hướng với nhau để giúp nhau nhận ra căn nguyên của những vấn đề và tìm ra phương thế để vượt qua.

– Tĩnh tâm chung để gặp Chúa và nhìn lại đời sống.

– Dùng bữa chung với nhau, để hiểu biết nhau và lắng nghe nhau.

– Thực hiện một hình thức sống chung với nhau, trong đó có cầu nguyện chung, suy gẫm Lời Chúa chung, chia sẻ hoạt động mục vụ với nhau. Đời sống chung cũng nhằm nâng đỡ sự quân bình tình cảm và giúp hiệp thông với giám mục.

III – NÊN THÁNH ĐỐI VỚI LINH MỤC

A – Những lý do để linh mục nên thánh

1- Trước hết phải nói đến sự thánh hiến (consecratio) mà linh mục đã nhận được khi chịu Bí tích Thánh Tẩy. Bí tích Thánh Tẩy đã làm cho linh mục thuộc về Thiên Chúa phải hiến thân để làm sáng danh Người. Bí tích Thánh Tẩy cũng ban cho linh mục những ân sủng cần thiết, để ngài hoàn thành sứ mạng nói trên.

2- Ngoài bổn phận nên thánh do ơn của Bí tích Thanh Tẩy, linh mục còn phải thánh hoá bản thân vì một lý do khác nữa, đó là Bí tích Truyền chức. Khi chịu chức thánh, ngài được thánh hiến cho Thiên Chúa một lần nữa. Và lần này, sự thánh hiến ấy làm cho ngài trở nên dụng cụ sống động của Chúa Kitô, là Linh mục đời đời, để tiếp tục công việc của Chúa là quy tụ nhân loại, mà dâng lên Thiên Chúa. Vì thế, là linh mục, tức là làm đại diện của Chúa Kitô dưới trần gian này, và cũng vì thế Chúa ban cho linh mục được sự thánh thiện của Đấng làm linh mục thượng phẩm “thánh thiện, vô tội, không tì ố” (Dt 7,26) nâng đỡ, để phục vụ Dân Chúa. Sự thánh thiện giúp linh mục thực hiện phần nào sự trọn lành của Đấng mà ngài đại diện. Công đồng Vatican II khẳng định: “Linh mục còn có lý do đặc biệt buộc phải đạt tới sự hoàn thiện, vì khi được thánh hiến cho Thiên Chúa với một chiều kích mới nhờ việc lãnh nhận chức thánh, các ngài trở nên khí cụ sống động của Đức Kitô Tư tế vĩnh cửu, để tiếp tục thực hiện qua các thời đại công trình kỳ diệu của Đấng đã lấy quyền năng cao cả mà tái lập toàn thể xã hội con người” (LM 12).

3- Mặt khác, như Ngôi Cha đã thánh hiến và sai Con Một Người xuống thế gian, chịu đau khổ để chuộc tội và thanh lọc dân Người thế nào, thì Chúa Kitô cũng đã thánh hiến các linh mục và ban cho họ Chúa Thánh Thần, để họ từ bỏ mọi sự trần tục, mà phục vụ các linh hồn như vậy. Chính nhờ ở sự chu toàn các việc bổn phận mà đời sống thiêng liêng của linh mục được vững mạnh mỗi ngày một hơn. Đời sống linh mục phải được thánh hoá nhất là qua các lễ nghi phụng vụ thực hiện hằng ngày nhân danh Giáo Hội, trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn. Có thánh thiện, linh mục mới cứu rỗi các linh hồn một cách đắc lực. Đã đành, một linh mục bất xứng cũng vẫn thi hành “thành sự” các bí tích, nhưng thông thường Thiên Chúa chỉ tỏ quyền phép Người ra, khi người cử hành các bí tích kết hợp mật thiết với Người và khi người nhận bí tích nhiệt thành tiếp nhận ơn của Người.

B – Linh mục làm gì để nên thánh?

1- Trước tiên là chú trọng đến sứ vụ rao giảng lời Chúa (Chức năng ngôn sứ)

Để có thể thi hành chức vụ này một cách hiệu quả, trước tiên linh mục phải học biết và suy ngắm lời Chúa, nghĩa là mỗi ngày phải trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa hơn. Chính thánh Phaolô đã khuyên Timôtê: “Hãy để ý đến bản thân và lời giảng dạy của con, phải biểu lộ sự kiên trì của con ở chỗ đó, vì chỉ có hành động như vậy, thì con mới cứu rỗi được con và những người nghe con giảng” (Tm 4,16). Linh mục cũng phải tìm cách trình bày những điều mình đã suy ngắm cho thích hợp với những người nghe. Trong lúc tìm tòi cách trình bày ấy, linh mục sẽ được nếm “sự phong phú vô song của Chúa Kitô”. Sau hết, tuy linh mục học hỏi, tìm cách trình bày cho thích hợp, nhưng vẫn phải xác tín rằng: chỉ có Chúa mới mở được lòng người ta, và lời mình nói nếu có quyền lực gì, thì cũng không phải bởi mình, nhưng bởi Thiên Chúa. Có xác tín như vậy, thì khi giảng dạy, linh mục mới dễ dàng kết hợp với Chúa Kitô và vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

2- Thứ đến, là việc cử hành phụng vụ và các Bí tích (nhiệm vụ thánh hóa)

Trong cử hành phụng vụ, linh mục đại diện Chúa Kitô một cách đặc biệt, để dâng công nghiệp Chúa, xin Thiên Chúa tha tội cho mọi người. Trong lúc cử hành mầu nhiệm sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô như vậy, linh mục cũng phải quan tâm hoàn thiện bản thân, từ bỏ các tính mê, nết xấu và lối sống không phù hợp với địa vị của mình. Khi ban các bí tích khác, linh mục cũng phải kết hợp Chúa Kitô ở ý hướng và đức bác ái; nhất là trong phép Giải Tội, linh mục phải mau mắn, sẵn sàng ban cho tất cả những ai có đủ lý do để xin mình. Sau hết, nhờ kinh nhật tụng linh mục thay mặt Hội Thánh kết hợp với Chúa Kitô, mà cầu nguyện cho toàn thể nhân loại, noi gương Chúa Kitô “sống để bầu cử cho ta” (Dt 1,25).

3- Quản trị cộng đoàn Dân Chúa (Chức năng vương đế)

Sau hết, chức vụ quản trị cộng đoàn Dân Chúa. Theo gương Đấng chăn chiên lành, linh mục cũng phải sẵn lòng hiến mạng sống mình vì con chiên. Thời nay, cũng vẫn còn có những trường hợp và những nơi, linh mục phải hy sinh rất nhiều để ở lại với giáo dân để phục vụ và nâng đỡ họ. Linh mục cũng phải tỏ ra mình là người lãnh đạo của cộng đoàn, biết hy sinh tư lợi vì công ích, biết quên mình để phục vụ đoàn thể và có óc cầu tiến, muốn làm tròn nhiệm vụ của mình mỗi ngày một hoàn hảo hơn, không ngại khó nhọc, tìm tòi, miễn là trung thành với sự hướng dẫn sống động của Chúa Thánh Thần. Như trên, ta thấy rõ Giáo Hội mong ước cho linh mục sống một đời sống thánh thiện, nhưng sự thánh thiện ấy phải có sắc thái linh mục, nghĩa là phải ở tại sự tận tâm phục vụ phần rỗi các linh hồn, là điều mà linh mục đã cam kết khi thụ phong.

C – Linh mục triều (linh mục giáo phận) nên thánh qua bổn phận mục vụ

Sự nên thánh bắt đầu bằng việc ý thức về nguồn gốc, đặc tính và bản chất của sứ vụ được trao. Nhưng sự nên thánh hình thành khi linh mục bắt tay thực thi sứ vụ ấy một cách trung thành và chuyên cần qua các chức năng giảng dạy, thánh hóa và quản trị cộng đoàn. Chính vì vậy, sự nên thánh của một linh mục giáo phận – cụ thể nhất là một cha xứ, khác với sự nên thánh của một linh mục đan sĩ hay một nữ tu chiêm niệm. Sự nên thánh của các ngài là trong mục vụ, qua mục vụ và nhờ mục vụ. Thánh Bộ Giáo Sĩ viết: “Đời sống thiêng liêng (của linh mục giáo phận), dựa trên sự tham dự vào ân sủng Đầu của Đức Kitô trong Giáo Hội, nên trưởng thành qua sứ vụ đối với Giáo Hội: đó chính là sự thánh thiện trong mục vụ và qua mục vụ”.

IV – NÊN THÁNH ĐỐI VỚI CHỦNG SINH

1- Nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Mục tử: thực chất của việc nên thánh

Nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô qua việc ngài thống nhất đời sống, qua tương quan của ngài với tha nhân, và qua khát vọng nên thánh sâu xa của ngài được thể hiện qua sự từ bỏ.

2- Thống nhất đời sống

Đó là thống nhất giữa hoạt động và cầu nguyện. Nói là vậy nhưng việc này không đơn giản chỉ là lập ra một thời khóa biểu để giờ này thì làm việc còn giờ kia thì đọc kinh, mà là xác định tâm điểm của đời sống chủng sinh, những linh mục tương lai. Tâm điểm của đời sống mà các chủng sinh nhận ra cũng như bám vào sẽ giải thoát họ khỏi những cuốn hút của công việc thường hay biện hộ cho sự sao nhãng việc đạo đức thường ngày. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Con phải tìm Chúa chứ không tìm việc của Chúa.” Chúa Giêsu dạy ta cần tìm kiếm nước Thiên Chúa trước hết, còn những thứ khác sẽ được ban sau (x. Mt 6, 33).

3- Tương quan với tha nhân

Các chủng sinh, những linh mục tương lai, phải có lòng yêu mến tha nhân. Đối với bề trên cũng như bậc cha anh, các chủng sinh phải yêu mến, kính trọng và vâng phục. Đối với các tu sĩ, là những người sống đời thánh hiến, các chủng sinh phải đón nhận họ như những hồng ân đặc biệt Chúa ban cho Giáo Hội. Đối với giáo dân là những người mà vì họ các linh mục tương lai dấn thân vào con đường ơn gọi và nhờ họ mà hoàn thành sứ mạng tông đồ, hầu phát huy vai trò ấy và giúp họ hướng đến ơn cứu độ muôn đời, để rồi dù là người rốt hết trong cộng đoàn, vẫn nhận được tình thương.

4- Khát vọng nên thánh

Nên thánh là ơn gọi và bổn phận của mọi tín hữu.  Các linh mục tương lai cũng được mời gọi và có bổn phận nên thánh cách đặc biệt dựa trên thánh chức, nhưng thánh chức hỗ trợ ngài chứ không khẳng định rằng ngài đã rất ư là thánh thiện. Việc nên thánh được bắt đầu bằng một khát vọng cá nhân và được hỗ trợ qua cộng đoàn Giáo Hội. Một chủng sinh nuôi dưỡng khát vọng nên thánh và thực hiện khát vọng ấy qua việc dám từ bỏ những gì cản trở cho sự nên thánh. Đi tu là bước từ bỏ đầu tiên, nhưng họ còn phải từ bỏ dài dài cả đời. Từ bỏ để nên thánh chứ không từ bỏ vì chán ghét, vì từ bỏ vì chán ghét thì không có giá trị nên thánh.

Thánh Bộ Giáo Sĩ đã khuyên các linh mục giáo phận: “Dù không công khai lời hứa về đức khó nghèo, các linh mục cũng phải sống một cuộc sống đơn sơ và tránh tất cả những gì dẫn đến phù hoa hư ảo, tự nguyện mang vào lòng sự khó nghèo để theo sát Đức Kitô hơn. Trong mọi khía cạnh của cuộc sống (từ nơi ở, phương tiện đi lại, nghỉ hè…) các linh mục cần triệt để loại trừ những thứ kiểu cách xa hoa.”

Hà Nội, tháng 5-2020
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Trích nguồn: https://www.tonggiaophanhanoi.org
Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube