1. Nhà thờ Công Giáo ở Syria sống sót sau các cuộc tấn công hoả tiễn được mở cửa trở lại sau khi trùng tu
Một nhà thờ Công Giáo liên tục bị tấn công bằng trong cuộc nội chiến ở Syria đã được mở cửa trở lại vào hôm thứ Hai sau một thời gian trùng tu.
Nhà thờ Thánh Elijah của Công Giáo nghi lễ Maronite ở Aleppo đã bị bắn phá bằng hỏa tiễn ít nhất ba lần từ năm 2012 đến 2016, và bị thiệt hại nặng khi các nhóm thánh chiến Hồi Giáo chiếm được khu phố Kitô giáo Al-Jdayde vào năm 2013.
Việc khôi phục được tài trợ chủ yếu bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN.
Ông Thomas Heine-Geldern, chủ tịch điều hành của ACN International, đã mô tả việc mở cửa trở lại là một phép lạ.
ACN ước tính chỉ còn 30, 000 Kitô hữu trong thành phố, so với dân số trước chiến tranh là 180, 000. Aleppo là thành phố đông dân nhất của Syria trước chiến tranh, nhưng giờ đây là thành phố lớn thứ hai sau thủ đô Damascus.
Đức Tổng Giám Mục Joseph Tobij của tổng giáo phận Công Giáo Maronite Aleppo nói rằng việc trùng tu nhà thờ có cả một ý nghĩa biểu tượng và thực tế.
“Theo ý nghĩa biểu tượng, đó là một thông điệp tới các giáo dân và các Kitô hữu ở Aleppo và thế giới là chúng tôi vẫn còn ở lại đất nước này bất chấp sự suy giảm dân số của chúng tôi, và sự phục hồi nhà thờ là bằng chứng về điều này. Các môi miệng phải tiếp tục ca ngợi Thiên Chúa ở nơi này bất chấp tất cả những khó khăn, ” ngài nói trong một cuộc phỏng vấn với ACN.
Nhà thờ này có một điểm đặc biệt là có một tháp chuông đôi và một mái vòm rất nghệ thuật, ban đầu được xây dựng vào năm 1873, trên địa điểm của một nhà thờ nhỏ có từ thế kỷ 15. Nhà thờ sau đó đã được cải tạo vào năm 1914.
Nhà thờ bị bỏ hoang từ giữa năm 2012 đến năm 2016 khi chiến tranh nổ ra trong vùng. Sau khi phiến quân bị đánh đuổi khỏi khu vực, nhà thờ đã mở cửa trở lại cho các tín hữu vào Đêm Giáng sinh năm 2016, mặc dù gạch đá vẫn còn ngổn ngang.
2. Hội Đồng Giám Mục cảnh báo rằng nền dân chủ đang bị xói mòn ở Phi Luật Tân
Các Giám Mục Phi Luật Tân đã công bố một lá thư mục vụ cáo buộc chính phủ phá hoại các thể chế dân chủ của đất nước.
Bức thư dài hai trang, ngày 16 tháng 7, đã được công bố ngay trước diễn văn hàng năm về tình trạng quốc gia của Tổng thống Rodrigo Duterte và sau khi Quốc Hội thông qua một luật chống khủng bố gây nhiều tranh cãi.
“Trong khi một bóng dáng của nền dân chủ vẫn còn tồn tại và thể chế dân chủ của quốc gia chúng ta cách nào đó vẫn tiếp tục hoạt động, chúng ta thực ra chỉ giống như các con ếch đang bơi trong một nồi nước đang từ từ được đun sôi lên, ” Đức Cha Pablo Virgilio David, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Phi Luật Tân viết.
Bức thư của Đức Cha David đã khiến chính phủ Duterte tức giận và tung ra một tuyên bố ngày 19 tháng 7, trong đó thóa mạ các Giám Mục dữ dội.
Các Giám Mục cho biết các ngài đang thực thi trách nhiệm ngôn sứ của mình khi lên tiếng trước các đau khổ của người dân và tình trạng bất công trong xã hội. Nhưng Salvador Panelo, cố vấn pháp lý của tổng thống Duterte, tuyên bố rằng bức thư của các ngài đã vi phạm sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước được ghi trong hiến pháp.
Trong thư, các Giám Mục nói rằng các ngài đã nhận được yêu cầu dâng lời cầu nguyện cho Hương Cảng của Đức Hồng Y Miến Điện Charles Maung Bo, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu. Các Giám Mục Phi nhận xét rằng có một sự tương đồng cao độ giữa luật An ninh Quốc gia mới đe dọa nhân quyền ở Hương Cảng và Đạo luật Chống khủng bố mới vừa được thông qua ở Phi Luật Tân.
“Nhà cầm quyền Trung Quốc bảo đảm với người dân Hương Cảng rằng họ không có gì phải sợ, nếu ‘họ không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào đe dọa an ninh quốc gia.’ Tại sao điều này nghe có vẻ quen thuộc với người dân Phi Luật Tân? Thưa: Bởi vì chúng ta đang ở trong một tình huống tương tự. ”
Các Giám Mục đã bày tỏ sự “hoài nghi” rằng dự luật chống khủng bố đã được nhanh chóng thông qua ngay cả trong thời gian cách ly nhằm làm giảm sự lây lan của coronavirus, mà đến nay đã giết chết 1, 835 người ở Phi Luật Tân tính đến ngày 20 tháng 7.
Các Giám Mục cũng chỉ trích các nhà lập pháp vì bỏ qua sự phản đối đối với dự luật này từ các luật sư, các học giả, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm tôn giáo.
Hàng chục ngàn người đã chết trong một chiến dịch chống buôn bán ma túy do Duterte phát động sau khi ông ta được bầu làm tổng thống năm 2016. Các nhóm nhân quyền đã cáo buộc cảnh sát giết nhiều người không liên quan gì đến chuyện mua bán ma túy bất hợp pháp. Vào tháng 3 năm 2019, Phi Luật Tân đã rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế sau khi tổ chức này đòi mở một cuộc điều tra sơ bộ về các vi phạm nhân quyền trong cuộc chiến ma túy của Phi Luật Tân.
Thư của các Giám Mục cũng than thở về việc đóng cửa ABS-CBN, một mạng truyền hình lớn nhất của đất nước, sau những tranh chấp với chính phủ.
“Mô hình này đe dọa tạo ra một không khí bất lợi đối với tự do ngôn luận ở nước ta. Anh chị em không thấy điều này là hiển nhiên sao? ” Các Giám Mục nêu ra câu hỏi trên và hoan nghênh những thách thức đối với tính hợp hiến của Đạo luật chống khủng bố tại Tối Cao Pháp Viện.
Duterte, một đối thủ rất quyết liệt đối với Giáo Hội Công Giáo, dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào ngày 30 tháng 6 năm 2022.
Các Giám Mục đã kết thúc lá thư mục vụ với một lời cầu nguyện xin Chúa giúp vượt qua các chia rẽ của đất nước và ban cho các cho công chức ”can đảm để giữ vững lập trường của họ đứng về phía sự thật và công lý.”
Trích nguồn: http://catholicvideo.org/