Tòa Thánh tái khẳng định sự dấn thân cổ võ một thế giới không có võ khí hạt nhân, đồng thời cảnh giác chống quốc gia chủ nghĩa và cô lập, như một con đường dẫn đến các cuộc xung đột mới.
Đức Tổng giám mục Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh, đã khẳng định lập trường trên đây, trong hội nghị trực tuyến (Webinar) do Bộ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức, hôm 16/12/2020 vừa qua, nhân dịp giới thiệu cuốn sách tựa đề: “Một thế giới không còn võ khí hạt nhân” (A World Free from Nuclear Weapons), do Nhà xuất bản của Đại học Georgetown ở Mỹ ấn hành.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Tổng giám mục ngoại trường Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh sẽ tiếp tục tăng cường dấn thân trên bình diện công pháp quốc tế, để tiến tới một sự cấm các võ khí hạt nhân trên thế giới. Trong những tháng tới đây, sẽ có một số cơ hội tốt để đưa đề tài này ra trước công chúng. Một trong các cơ hội, đó là vấn đề Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm tới, 2021.
Hiệp ước này đã được 122 quốc gia tại Liên Hiệp Quốc, ở New York thông qua hồi mùa hè năm 2017 và cho đến này đã có hơn 80 quốc gia ký nhận, trong đó có Tòa Thánh, như một chủ thể riêng theo công pháp quốc tế.
Đức Tổng giám mục Gallagher, người Anh, nói rằng: Đối với cộng đồng thế giới, có hai con đường có thể: một là chủ nghĩa đa phương dẫn đến hòa bình, hai là chủ nghĩa quốc gia và cô lập tạo điều kiện cho những cuộc xung đột mới. Điều này cũng được áp dụng cho vấn đề các võ khí hạt nhân, và Tòa Thánh mạnh mẽ ủng hộ một giải pháp quốc tế cho vấn đề này.
Đức Thánh cha Phanxicô, trong một hội nghị do Tòa Thánh tổ chức hồi năm 2017, đã khẳng định rằng chủ trương sở hữu võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, đó là điều không còn có thể biện minh được và nó cũng trái ngược với giáo huấn của Công giáo. Ngoài ra, trong cuộc viếng thăm tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản hồi tháng Mười Một năm ngoái (2019), Đức Thánh cha Phanxicô cũng tái lên án việc sở hữu các võ khí hạt nhân là điều “vô luân”.
Trong thông điệp “Fratelli tutti”, công bố ngày 4/10 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô khẳng định rằng hoàn toàn giải trừ các võ khí hạt nhân là một nghĩa vụ luân lý và nhân đạo. Ngài cũng cổ võ dùng ngân khoản, lẽ ra cho việc trang bị võ khí hạt nhân, vào một ngân quỹ thế giới để để chấm dứt nạn đói một lần cho tất cả và thăng tiến sự phát triển tại các nước nghèo nhất”.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org