CÚI XUỐNG VÀ CHẠM ĐẾN
(ƠN GỌI HIỆN DIỆN CỦA NGƯỜI TU SĨ TRONG ĐẠI DỊCH COVID)
Cuộc sống mỗi con người là tập hợp những mối quan hệ đa dạng, bởi vì “không ai là một hòn đảo”[1]. Người này luôn có mối liên hệ với người kia, dù không quen biết hoặc xa cách nhau hàng ngàn cây số. Hình ảnh phong phú và sâu xa nhất để nói lên mối liên hệ đó chính là hình ảnh của một thân thể. Mỗi cơ quan hay bộ phận dù có chức năng nhỏ đến đâu đi nữa thì đều liên hệ và gây ảnh hưởng toàn thân khi có một chấn động. Biến cố đại dịch covid toàn cầu cho ta cảm nghiệm cách sâu sắc về điều này. Thật thế, mỗi một con người ra đi bởi đại dịch đều khiến ta cảm thấy mất mát và đau lòng. Thật thấm thía biết bao khi ngẫm lại những lời thơ của John Donne:
Mỗi cái chết đều khiến tôi hao hụt
Bởi tôi là một phần của loài người.[2]
Vâng, những lời thơ của John Donne phần nào diễn tả cũng như nói lên lòng trắc ẩn và cảm thông sâu xa của bao người đối với những nạn nhân, những gia đình đang đau khổ vì sự cách xa hay mất mát người thân trong cơn đại dịch Covid. Dịch bệnh hoành hành làm cho xã hội bất ổn, kinh tế đình trệ, nhiều gia đình, nhiều người rơi vào tình cảnh khốn khổ, chênh vênh không lối thoát. Giữa nỗi khốn cực ấy thế giới đã làm gì, mỗi người đã làm gì và tôi đã làm gì để đẩy lui dịch bệnh và xoa dịu nỗi đau của bao người?
Hòa nhịp với nỗi đau của nhân loại, biết bao tâm hồn đã quảng đại chia sẻ về của cải vật chất cũng như tinh thần qua các việc bác ái từ thiện hay những lời động viên, khích lệ, an ủi… Họ hướng về những con người đau khổ với lòng trắc ẩn và cảm thông sâu xa. Bên cạnh đó có những con người dám xả thân đi vào những nơi dịch bệnh bùng phát, những khu cách ly để phục vụ với những đôi mắt thâm quầng, những gò má hằn sâu, những dấu lằn khẩu trang in trên khuôn mặt, có những người bị lây nhiễm và đau đớn thay có những người đã không có cơ hội để gặp lại người thân vì họ bị lây nhiễm và đã ra đi, đó là một hy sinh cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của những tâm hồn quảng đại.
Bởi đâu mà họ có thể can đảm như thế, điều gì đã khiến họ luôn kiên cường không lùi bước trước sự hủy diệt đáng sợ của con virus corona này? Thiết nghĩ chẳng có gì có thể lý giải được điều này ngoài tình yêu. Thật xác đáng, bởi vì con người đã được tạo dựng bởi tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này chính là lý do hiện hữu của con người. Những con người này đã mang vũ khí tình yêu để xông vào cuộc chiến mà quên cả nhọc nhằn, chẳng sợ hiểm nguy, thậm chí họ quên cả bản thân mình. Tình yêu là hành vi cao cả nhất của tâm hồn, là một huyền nhiệm, là chất liệu ngọt ngào êm dịu nuôi dưỡng liên kết thúc đẩy con người biết sống cho nhau. Chỉ có tình yêu mới có thể thôi thúc con người dấn thân trong sự hiện diện đầy ý nghĩa và cao đẹp mang đậm tình Chúa và tình người như vậy.
Hiện diện là một điều quan trọng biết bao; vì khi hiện diện là ta đang phục vụ hết tình, dấn thân hết mình trong từng công việc, trong từng giây phút, với từng con người, trong từng hoàn cảnh với tất cả tình yêu. Có những lúc ta hiện hữu nhưng không hiện diện, hiện diện nhưng không hiện thực toàn tâm toàn ý với cả con tim. Và như thế, cho dù có phục vụ ta cũng chỉ cảm thấy trơ trọi với chính mình, cảm thấy hụt hẫng và nặng nề trong từng bước chân, sợ hãi và bất an. Thậm chí ta còn mang đến cho người khác nỗi cô đơn, trống vắng và tuyệt vọng khôn cùng khi họ không tìm thấy nơi ta ánh mắt của sự cảm thông và yêu thương chân thành.
Giữa biên giới tử biệt sinh ly họ cần biết bao… !
– Cần một bàn tay chạm đến để lấp đầy nỗi cô đơn vì không có người thân bên cạnh.
– Cần một ánh mắt chia sẻ để làm vơi đi nỗi trống vắng và tuyệt vọng.
– Cần một lời kinh, một lời cầu nguyện, một lời giã biệt trong nước mắt để họ cảm thấy nhẹ nhàng và bình an khi đối mặt với một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời đó là cái chết…
Hơn ai hết người tu sĩ phải là người sống và thể hiện trọn vẹn ơn gọi hiện diện này. Quả thật, có biết bao linh mục và tu sĩ đã sống ơn gọi này một cách một cách tròn đầy trong sự chia sẻ, lắng nghe, cảm thông và nâng đỡ bằng chính tình yêu và tâm tình của Đức Kitô, như thánh nữ Têrêxa Avila đã nói: “Hôm nay Đức Kitô nhìn người khác bằng mắt chúng ta, yêu người khác bằng trái tim chúng ta, đến với người khác bằng đôi chân chúng ta và phục vụ người khác bằng đôi tay của chúng ta”. Sự hiện diện của các tu sĩ tại những nơi dịch bệnh bùng phát chính là dấu chỉ để mọi người nhận biết Thiên Chúa là Tình Yêu và Chúa Giêsu đã “yêu đến cùng” thế nào.
Nữ tu Anna Maria Marconi, dòng Con Đức Mẹ Hài Nhi kể lại rằng: “Những đôi mắt nhìn chằm chằm vào tôi, nhưng gương mặt lại đang cố gắng tìm một tí không khí để sống. Tuy không thể nói, nhưng qua ánh nhìn, các bệnh nhân giúp tôi hiểu là tôi phải cầu nguyện cho họ và tôi hoàn toàn tin chắc rằng họ đã gặp gỡ tình yêu phụ tử của Thiên Chúa, Đấng đã hứa sẽ không bỏ rơi chúng ta.”
Với Cha Aquilino Apassiti, giây phút đau khổ nhất đối với cha là khi làm phép các quan tài mà không có người thân của người qua đời, vì họ đang bị cách ly. Cha kể: “Ngày hôm trước, một phụ nữ không thể từ biệt người chồng đã qua đời của bà đã yêu cầu tôi làm cử chỉ này. Tôi làm phép quan tài của người chồng, rồi cầu nguyện và rồi cả hai chúng tôi bật khóc trên điện thoại. Chúng ta sống đau khổ trong khổ đau. Đây là thời khắc thử thách nặng nề.” …
Vâng, đó là những hình ảnh, những tâm tình khiến ta không thể không xúc động và xót xa. Vì thế, ta hãy sống hết mình với những ai đang cần đến ta. Nếu ta không đủ sức khỏe hay không có cơ hội để đi vào các vùng dịch bệnh để phục vụ thì hãy hiện diện với những con người đau khổ trong lời cầu nguyện cách liên lỉ và thống thiết trong từng giây phút, trong từng hơi thở. Hãy nên một với những nỗi đau và những nỗi thống khổ của họ; hãy cưu mang họ bằng lời cầu nguyện không ngưng nghỉ trong tình bác ái Kitô giáo.
Cuộc sống ta vẫn bình an; vâng hãy tạ ơn Chúa và hãy nhớ đến những con người đang cảm thấy sợ hãi và bất an khi họ đang cố gắng tìm một tí không khí để thở để sống. Mỗi sáng mai được thức dậy với một ngày mới, hãy tạ ơn Chúa và hãy nhớ đến những con người không còn cơ hội đón chào một ngày sống mới vì họ đã giã biệt cuộc đời. Khi còn có nơi ăn chốn ở ổn định ta hãy tạ ơn Chúa và tha thiết dâng lên Người những con người không cửa không nhà, bữa đói bữa chưa no, vỉa hè hầm cầu là nơi để họ gối đầu. Gia đình ta vẫn được bình an vô sự, hãy tạ ơn Chúa và hãy nhớ đến những cảnh đời khốn khổ vì mất cha mất mẹ, mất vợ mất chồng, mất con cái. Mỗi ngày ta được cùng với chị em ca tụng Chúa, được rước Chúa mỗi ngày, hãy tạ ơn Chúa và hãy nhớ đến những tâm hồn đang khao khát đến với Chúa, được thờ phượng Chúa, được rước Chúa nhưng chẳng có cơ hội… vẫn còn đó biết bao cảnh đời khốn khổ mà ta không thể kể xiết, vẫn còn đó bao cảnh đời đau thương mà không thể diễn tả hết bằng lời.
Hôm nay, Đức Kitô vẫn cần lắm những tâm hồn dấn thân trong ơn gọi hiện diện để lấp đầy sự hiện diện của Người nơi những con người đang đau khổ. Ước mong rằng tình yêu và lòng trắc ẩn của Người luôn ở và lớn mãi trong ta để ta luôn biết cúi xuống chạm đến những mảnh đời cần đến sự cảm thông, chia sẻ và nâng đỡ của ta.
Nữ tu Anna Kim Oanh
Nguồn: gpquinhon.org
Trích nguồn: https://hdgmvietnam.com
[1] Đây là một câu đầu trong bài thơ suy niệm thứ 17 (Meditation 17) của thi sĩ John Donne (thế kỷ 17): No man is an island
[2] Nguyên ngữ hai câu thơ cũng của bài thơ trên: Any man’s death diminishes me, Because I am involved in mankind…
Thích, theo dõi và chia sẻ!