Lời Chúa: Lc 14, 1-6
Khi ấy, vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào dùng bữa trong nhà một thủ lãnh biệt phái, thì những người hiện diện ở đó dòm xét Người. Bấy giờ có một người mắc bệnh thuỷ thũng ở trước mặt Người. Chúa Giêsu lên tiếng hỏi các Luật sĩ và biệt phái rằng: “Trong ngày Sabbat, có được phép chữa bệnh không?” Các ông ấy làm thinh. Bấy giờ Người kéo kẻ ấy lại, và chữa lành, rồi cho về. Ðoạn Người bảo các ông rằng: “Trong ngày Sabbat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?” Nhưng các ông không thể trả lời câu hỏi ấy.
Suy niệm:
Hồn Của Lề Luật
Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Sabát như được ghi lại trong Tin mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương.
Tất cả vụ án của Chúa Giêsu đều bắt nguồn và xoay quanh những cuộc đối đầu về lề luật. Đối đầu với những người Biệt phái cho đến cùng bằng cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho con người thấy rằng chỉ có một lề luật duy nhất để tuân giữ, đó là lề luật yêu thương, và chỉ có một giá trị cao cả nhất để sống và chết cho, đó là tình yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em mình.
Luật Rôma xưa kia quy định rằng để tỏ sự đồng thuận trước một vấn đề pháp lý, người ta có thể im lặng. Tuy nhiên, nhiều khi im lặng chưa chắc đã là vàng, là đồng ý. Im lặng nhiều khi là thái độ thờ ơ, dò xét với những mưu mô, tính toán có lợi cho mình và có hại cho người.
Trang Tin mừng thứ Sáu tuần XXX hôm nay đề cập đến sự im lặng của những người Pharisiêu. Chuyện xảy ra là Chúa Giêsu đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisiêu dùng bữa. Khi ấy có một người bị phù thũng đến trước mặt Ngài. Ngài không thể thờ ơ trước nỗi khốn khổ của anh ta, nên Ngài đã quay sang hỏi những người Pharisiêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa bát hay không?” Chúa hỏi như vậy không phải để xin phép họ cho chữa bệnh ngày sabát, nhưng là chất vấn lương tâm họ.
Ngày Sa-bát là ngày người ta mời bạn bè thân quen đến dùng bữa. Chúa Giêsu lợi dụng những dịp này để dạy tinh thần giữ luật Sa-bát cho những biệt phái và chuyên gia về luật. Trước sự khước từ trả lời câu hỏi của Đức Giêsu. Người đã chữa người phù thũng để cho các tiến sĩ luật hiểu rằng ngày Sa-bát được đặt ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sa-bát, Chúa Giêsu nhiều lần chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Bây giờ Người vẫn tự do chữa bệnh như vậy. Trên đường Người đi chịu khổ nạn để cho người ta thấy rõ rằng ngày Sa-bát phải lo cứu giúp mọi người khốn khổ.
“Họ cố dò xét Người” để xem Người xưng mình là Con Thiên Chúa, có giữ đầy đủ luật thánh ngày Sa-bát không. Và kìa một người phù thũng, không được mời xuất hiện trước mặt Chúa Giêsu. Do tình cờ hay cố ý? Chúa Giêsu không sợ mắc bẫy. Trái lại, Người biết người ta coi bệnh tật là hậu quả của tội lỗi. Chữa khỏi bệnh chính là giải thoát khỏi bệnh và tội lỗi một trật và như vậy chữa bệnh là lý do rất chí lý để ca tụng và tôn thờ Thiên Chúa trong ngày Sa-bát.
Trước hàng rào con mắt rình dò Chúa Giêsu không làm Người thất đảm, Người hỏi các nhà thông luật và những người biệt phái: “Có được phép chữa bệnh ngày Sa-bát hay không?”. Người biết rõ câu trả lời và sự im lặng của các người khách đó.
Theo thái độ của họ, Chúa Giêsu tỏ cho họ thấy tình yêu và quyền phép của Thiên Chúa. “Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”. Một kinh nghiệm quý báu cho họ, nhưng họ vẫn cố chấp không hiểu gì về tình yêu và quyền phép Thiên Chúa.
Để mở trí thông minh cho họ, Chúa Giêsu đã đặt một câu hỏi để làm cho họ phải suy nghĩ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sa-bát?”. Vậy ngày Sa-bát sao không được kéo người đau ra khỏi hố sâu của bệnh tật? Thiên Chúa yêu thương con cái của Ngài, và đặc biệt hơn nữa đối với người tội lỗi và đau khổ. Cho nên ngày của Chúa là ngày giải thoát họ khỏi mọi xiềng xích tội lỗi và bệnh tật, đó là ngày tốt nhất đối với Thiên Chúa và bày tỏ tình yêu của Ngài. Những ông khách đó đã không thể trả lời vì họ không nhận: Tình yêu trên mọi lề luật. Họ chỉ nhận luật lệ trên tình yêu và lòng thương xót.
Và thái độ của họ khi đó là im lặng. Họ im lặng không có nghĩa là họ tỏ dấu đồng thuận với việc Chúa sẽ chữa lành cho người bệnh này trong ngày sabát. Họ vẫn biết là Chúa có quyền năng chữa lành cho người bệnh, nhưng luật là luật: Không thể chữa bệnh ngày sa bát đươc! Chính vì vậy họ im lặng.
Quả thật, vì quá câu nệ vào luật mà những người Pharisiêu đã bóp nghẹt lòng trắc ẩn, chạnh thương của mình trước nỗi thống khổ của con người. Không những vậy, vì chỉ biết khư khư bảo vệ tập tục, luật lệ mà họ tìm cách dò xét và lập mưu để bắt lỗi Chúa Giêsu – người mà theo nhận định của họ là kẻ hay phá luật.
Đối với Chúa Giêsu, chỉ có một luật mà người ta phải giữ đó là luật của tình thương. Ngài vẫn biết rằng giới lãnh đạo Do thái đang tìm mọi cơ hội để dò xét và bắt lỗi Ngài, nhưng vì lòng chạnh thương trước những người nghèo khổ, bệnh tật, Ngài bất chấp tất cả mọi hiểm nguy, bất chấp mọi mưu mô, tính toán của người ta.
Suy gẫm bài Tin mừng hôm nay, bạn và tôi đã chọn thái độ nào khi đứng trước nỗi đau khổ hay sự bất công của những người xung quanh. Chúng ta chấp nhận rủi ro để cứu giúp họ hay chúng ta chọn thái độ dửng dưng, im lặng, thậm chí còn nại đến luật này luật khác để tránh né vấn đề?
Quả thật, vì quá câu nệ vào luật mà những người Pharisiêu đã bóp nghẹt lòng trắc ẩn, chạnh thương của mình trước nỗi thống khổ của con người. Không những vậy, vì chỉ biết khư khư bảo vệ tập tục, luật lệ mà họ tìm cách dò xét và lập mưu để bắt lỗi Chúa Giêsu – người mà theo nhận định của họ là kẻ hay phá luật.
Đối với Chúa Giêsu, chỉ có một luật mà người ta phải giữ đó là luật của tình thương. Ngài vẫn biết rằng giới lãnh đạo Do thái đang tìm mọi cơ hội để dò xét và bắt lỗi Ngài, nhưng vì lòng chạnh thương trước những người nghèo khổ, bệnh tật, Ngài bất chấp tất cả mọi hiểm nguy, bất chấp mọi mưu mô, tính toán của người ta.
Giáo dục con người sống cho ra người có nghĩa là giáo dục cho con người biết sống yêu thương. Thông minh đĩnh đạc, mà không có trái tim để yêu thương, thì đó là một tai họa cho bản thân cũng như cho xã hội.
Có tất cả mà không có một trái tim để yêu thương, thì đó là nỗi bất hạnh lớn nhất đối với con người. Cách mạng mà không xây dựng trên tình yêu, thì đó chỉ là phá hoại. Đạo đức mà không có tình yêu, thì chỉ là một trò lừa bịp.
Hôm nay Chúa Giêsu cho thấy con người là ưu tiên tối thượng của lề luật. Luật lệ, ngay cả luật ngày Sabát, cũng sẽ thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích của con người. Đối với Ngài, chỉ có một luật lệ gồm tóm và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người.
Trích nguồn: https://giaophanphucuong.org