Một nhà văn Thụy Điển đã thuật lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Một hôm một nhà hiền triết kia đi lang thang trong rừng, miệng không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối. Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh. Cụ tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.
Nhà hiền triết hốt hoảng và chạy trốn khỏi khu rừng để không còn nghe tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn chưa được giải quyết.
Quý vị và các bạn thân mến !
Từ khi con người xuất hiện cho đến nay, những câu hỏi liên quan đến vận mệnh con người như : “Ta là ai ? Ta từ đâu tới ? Ta đi về đâu ? Ta sống trên đời này để làm gì ” … luôn là những vấn nạn mà các môn triết học, tôn giáo, nghệ thuật, tâm lý chưa thể đưa ra lời giải đáp thỏa đáng. Chúng ta cũng có lúc tự hỏi và không ngừng tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của mình vì những câu hỏi như thế cũng mang tính hiện sinh cho chính bản thân mình. Đâu là đích đến cuối cùng của cuộc sống khi mà danh vọng, tiền tài, sự nghiệp cũng là hư vô và hạnh phúc, tự do, bình an cũng mong manh như bọt biển. Đó là chưa nói đến việc có nhiều người trong chúng ta sống nhưng còn chẳng hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống của mình là gì. Để khám phá ra ý nghĩa cho cuộc đời của mình, và để sống cho những điều mà chúng ta cho là ý nghĩa là cả một hành trình, cả một vấn đề và cả một cuộc đời.
“Trong buổi tiếp kiến chung trực tuyến vào sáng thứ Tư 17-03-2021, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về vai trò của Chúa Thánh Thần, như món quà đầu tiên được ban cho mỗi Ki-tô hữu. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu gìn giữ ngọn lửa Chúa Thánh Thần – tình yêu Thiên Chúa – mà Chúa Giê-su đã mang xuống thế gian. Không có ngọn lửa của Thần Khí, những lời tiên tri sẽ bị dập tắt, nỗi buồn thay cho niềm vui, thói quen thay thế tình yêu, việc phục vụ trở thành nô lệ”. Chúa Thánh Thần là Đấng tác thành trong sự đổi mới, tẩy rửa và thánh hóa mỗi linh hồn nhân loại. Sự sống của Hội Thánh Chúa Kitô tồn tại và sự sống của mỗi linh hồn nhân loại là do chính Chúa Thánh Thần. Kinh Thánh cho thấy với biến cố Hiện Xuống, các môn đệ đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Chúa Thánh Thần hoạt động trong những biến cố đời sống con người. Tuy âm thầm lặng lẽ không ồn ào, nhưng gây ra hiệu quả lớn lao, tạo ra sự thay đổi biến chuyển cho mọi sinh hoạt trong đời sống chung cũng như cá nhân giữa lòng xã hội thế giới[1].
Thế nhưng rất nhiều lần trong đời sống, chúng ta đã loại bỏ vai trò của Chúa Thánh Thần, chúng ta không để Chúa Thánh Thần soi dẫn để tìm ra câu trả lời thích hợp và có những hành động đúng đắn đối với những thách đố mới của thời đại về lĩnh vực bảo vệ sự sống, bảo vệ các giá trị luân lý, bảo vệ đức tin, gia đình … Đó là lý do khiến cho các giá trị đạo đức bị đảo lộn, sự giả dối và cái ác lên ngôi, các khái niệm thật bị đánh tráo, các giá trị sống bị cào bằng và con người hụt hẫng, bơ vơ, mất định hướng không tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống…
Lạy Chúa, chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin thương các linh hồn còn bị giam giữ chốn luyện hình vì đã không chịu sống trong ơn nghĩa của Chúa Thánh Thần. Xin Chúa Thánh Thần tái sinh và thánh hoá toàn diện con người để chúng con tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời, vì “không có ngọn lửa của Thần Khí, những lời tiên tri sẽ bị dập tắt, nỗi buồn thay cho niềm vui, thói quen thay thế tình yêu, việc phục vụ trở thành nô lệ”. Amen.
Bình Minh
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org