Tiếp kiến chung của Đức Thánh cha: Chúng ta hãy đến hang đá Bêlem để thờ lạy Con Thiên Chúa làm người
Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, mọi người nghe đọc đoạn Tin mừng theo thánh Luca kể lại việc thiên thần loan báo cho những người chăn chiên Chúa Cứu Thế sinh ra (Lc 2,10-12):
(Khi ấy) thiên thần nói với các mục tử: “Các ông đừng sợ, này tôi loan báo cho các ông một tin vui lớn cho cả dân tộc: hôm nay, nơi thành của Vua Đavit, đã sinh ra cho các ông một Vị Cứu Thế, là Chúa Kitô. Đây là dấu chỉ đối với các ông: các ông sẽ tìm thấy một hài nhi bọc trong tã, đặt trong máng cỏ”.
Bài huấn giáo
Trong huấn từ tiếp đó, Đức Thánh cha đã tạm gác lại loạt bài giáo lý về thánh Giuse để trình bày ý nghĩa lễ Giáng sinh.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng sinh, tôi muốn gợi lại với anh chị em biến cố mà lịch sử không thể tách rời, đó là sự giáng sinh của Chúa Giêsu.
Để tuân hành sắc lệnh của hoàng đế Cesare Augusto, truyền phải đăng ký nơi văn phòng hộ tịch ở quê hương xứ sở của mình, thánh Giuse và Mẹ Maria, từ Nazareth xuống thành Bethlehem. Vừa khi tới, hai người tìm ngay chỗ trọ, bấy giờ Mẹ Maria buộc lòng phải hạ sinh nơi một chuồng súc vật (Xc Lc 2,1-7).
Chúng ta hãy nghĩ: Đấng Tạo Dựng vũ trụ không được một chỗ để sinh ra! Có lẽ đó là một sự việc xảy ra và sau này mà thánh sử Gioan nói: “Ngài đến nơi gia nhân của Ngài, nhưng họ không đón tiếp Ngài” (1,11) và sau đó Chúa Giêsu nói: “Con cáo có hang và con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi tựa đầu” (Lc 9,58).
Tin vui loan báo cho người khiêm hạ
Chính một thiên thần loan báo sự giáng sinh của Chúa Giêsu và báo tin cho những người mục tử khiêm hạ. Và một ngôi sao chỉ đường cho các Đạo sĩ để tới Bethlehem (Xc Mt 2,1.9-10). Thiên thần là sứ giả của Thiên Chúa. Ngôi sao nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã tạo nên ánh sáng (St 1,3) và Hài Nhi ấy sẽ là “ánh sáng thế gian”, như chính Ngài tự định nghĩa (Ga 1,9), ánh sáng “chiếu tỏa trong tăm tối và tăm tối không chiến thắng được ánh sáng” (v.5).
Các mục tử là hiện thân của những người nghèo của Israel
Những người khiêm hạ đang sống với ý thức về sự thiếu thốn của mình, chính vì thế, họ tín thác hơn những người khác vào Thiên Chúa. Chính họ là những người đầu tiên thấy Con Thiên Chúa làm người, và cuộc gặp gỡ này đã thay đổi họ sâu thẳm. Tin mừng nhận xét: họ trở về “tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả những gì họ đã nghe và đã thấy”. (Lc 2,20).
Các đạo sĩ đại diện dân ngoại
Quanh Chúa Giêsu Hài Đồng, cũng có các Đạo sĩ (Xc Mt 2,1-12). Các sách Tin mừng không nói với chúng ta đó là các vị vua, cũng chẳng nói con số họ là bao nhiêu và tên của họ cũng không. Người ta chỉ biết chắc chắn họ đến từ một xứ xa xăm, từ Phương Đông (ta có thể nghĩ đến Ba Tư, Babylon hoặc nam Arập). Họ lên đường tìm kiếm Vua người Do thái, vị mà trong tâm thâm họ đồng hóa với Thiên Chúa, vì họ nói là họ đến để thờ lạy Ngài. Các Đạo sĩ đại diện các dân ngoại, đặc biệt tất cả những người, qua dòng lịch sử, tìm kiếm Thiên Chúa và lên đường để tìm Ngài. Họ cũng đại diện những người giàu sang quyền quí, nhưng chỉ những người không làm nô lệ cho sự sở hữu, không bị “ám ảnh” vì những sự vật mà họ tin là sở hữu.
Sứ điệp Giáng sinh
Sứ điệp của các Tin mừng thật là rõ ràng: sự giáng sinh của Chúa Giêsu là một biến cố hoàn vũ có liên hệ tới tất cả mọi người.
Anh chị em thân mến, chỉ có sự khiêm tốn là con đường dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa và đồng thời, chính vì nó dẫn chúng ta đến Chúa, nó cũng mang chúng ta đến điều cốt yếu của cuộc sống, ý nghĩa chân thực nhất của đời sống, đến động lực đáng tín nhiệm nhất, nhờ đó đời sống trở nên đáng sống.
Chỉ có sự khiêm tốn mở rộng cho chúng ta kinh nghiệm về chân lý, niềm vui chân thực và kiến thức đáng kể. Nếu không có sự khiêm tốn, chúng ta bị gạt ra ngoài khỏi sự hiểu biết về Thiên Chúa và chính bản thân chúng ta. Các Đạo sĩ cũng có thể là những người cao trọng theo tiêu chuẩn của thế gian, nhưng họ đã trở nên bé nhỏ, khiêm hạ và chính vì thế họ tìm được Chúa Giêsu và nhận ra Ngài. Họ chấp nhận sự khiêm tốn tìm kiếm, lên đường, hỏi thăm, chịu rủi ro, sai lầm…
Tìm kiếm Thiên Chúa và ơn thánh
Mỗi người, trong thẳm sâu tâm hồn, được kêu gọi tìm kiếm Thiên Chúa và với cùng ơn thánh của Chúa, có thể tìm thấy Ngài. Chúng ta hãy nguyện như thánh Anselmo (1033-1109): “Lạy Chúa, xin dạy con tìm kiếm Chúa. Xin tỏ mình ra khi con tìm Chúa. Con không thể tìm kiếm Chúa, nếu Chúa không dạy con; và cũng chẳng tìm thấy Chúa nếu Chúa không tỏ mình cho con. Ước gì con tìm kiếm Chúa khi mong ước và ước mong Chúa khi tìm kiếm Chúa! Ước gì con tìm được Chúa khi tìm kiếm Chúa và yêu mến Chúa khi tìm thấy Chúa!” (Proslogion, 1)
Mời gọi đến hang đá Bethlehem
Anh chị em thân mến, tôi muốn mời gọi tất cả mọi người nam nữ hãy đến hang đá Bethlehem để thờ lạy Con Thiên Chúa làm người.
Nơi hàng đầu tôi muốn đặt những người nghèo – như thánh Phaolô VI đã nhắn nhủ – “chúng ta phải yêu mến người nghèo, vì một cách nào đó họ là bí tích của Chúa Kitô; nơi họ – nơi những người đói khát, nơi những người bị lưu đày, người trần trụi, nơi các bệnh nhân, tù nhân – Chúa đã muốn đồng hóa với họ một cách huyền nhiệm. Chúng ta phải giúp đỡ họ, chịu đau khổ với họ, và cả đi theo họ, vì sự nghèo khó là con đường chắc chắn nhất để sở hữu trọn vẹn Nước Thiên Chúa”. (Bài giảng 1-5-1969).
Rồi như ngôi sao đã làm với các Đạo sĩ, tôi muốn đồng hành tới Bethlehem với tất cả những người không quan tâm gì về tôn giáo, không đặt vấn đề Thiên Chúa, hoặc thậm chí còn bài trừ tôn giáo, tất cả những người mà người ta gọi một cách không thích hợp là những người “vô thần”. Tôi muốn lập lại cho họ sứ điệp của Công đồng chung Vatican II: “Giáo hội tin rằng sự nhìn nhận Thiên Chúa không hề chống lại phẩm giá con người, xét vì phẩm giá này tìm thấy nơi chính Thiên Chúa nền tảng và sự hoàn hảo của nó […]. Giáo hội hoàn toàn biết rằng sứ điệp của mình hòa hợp với những khát vọng thâm sâu nhất của tâm hồn con người”. (Gaudium et Spes 21)
Xác tín về tình yêu Thiên Chúa
Chúng ta hãy trở về nhà với lời cầu chúc của các thiên thần: “Hòa bình dưới thế cho những người Chúa thương”. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng: “Không phải chúng ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Chúa yêu thương chúng ta […]. Chúa yêu thương chúng ta trước”. (1 Ga 4,10.19)
Đây là lý do niềm vui của chúng ta: đó là biết rằng chúng ta đã được yêu thương mà không có công trạng gì, chúng ta luôn được Thiên Chúa đi trước trong tình thương, một tình thương cụ thể đến độ đã làm người và đến ở giữa chúng ta. Tình yêu này có một danh xưng và một khuôn mặt: Chúa Giêsu là danh xưng và là khuôn mặt của tình thương ở nơi căn cội niềm vui của chúng ta.
Chào thăm và nhắn nhủ
Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha, như thường lệ, được các linh mục thông dịch lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.
Trong phần chào thăm bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến phái đoàn từ thị trấn Bolsena và đoàn Giải thưởng thể thao “Chơi đẹp”.
Ngài cũng nói rằng: “Tôi thân ái chào thăm các ngư phủ ở Mazara del Vallo được Đức giám mục và chính quyền dân sự cùng đi. Một năm sau kinh nghiệm đau thương bị bắt cóc và cầm tù, tôi muốn tái bày tỏ với anh chị em tình liên đới, sự khích lệ và kinh nguyện của tôi.”
Cách đây một năm, 18 ngư phủ người Ý từ Mazara đã bị quân đội của tướng Hafter ở Libya cầm tù 108 ngày, từ 01 tháng chín đến 17 tháng Mười Hai năm ngoái, trong khi họ đánh tôm đỏ ở ngoài khơi bờ biển Libya. Nay họ đã đến Vatican cám ơn và cầu nguyện với Đức Thánh cha, vì đã cầu nguyện và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho họ.
Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm những người cao niên, bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắc họ rằng: “Chúng ta đang chuẩn bị lễ Giáng sinh đang đến gần, kêu cầu sự giáng lâm của “Vua các dân nước”. Ước gì anh chị em có thể chuẩn bị trong đức tin, nhận ra nơi Hài Nhi Bethlehem vị Chúa của toàn thể cuộc sống của anh chị em, chiêm ngưỡng trong sự đơn sơ của hang đá Con Thiên Chúa, Đấng mang ân sủng và ơn cứu độ.
Trong khi cầu chúc tất cả mọi người một lễ Giáng sinh thanh thản và thánh thiện, tôi chân thành ban phép lành cho anh chị em.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org