Chúa Nhật Tuần VII Thường Niên

Lời Chúa: Lc (6,27-38)

Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em,28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ.33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế.34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng.35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.36 Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy”.

Suy niệm

Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ”. Đó là bài học cuộc sống mà Chúa dành cho các môn đệ và những ai muốn đi theo Chúa để được hạnh phúc vĩnh cửu.

Thế nào là xét đoàn? Xét đoán về người khác là một việc làm rất dễ dàng thực hiện. Chẳng hạn khi chúng ta gặp một người và ngay lập tức đi đến một xét đoán nào đó. Nguyên do là vì họ không thân thiện như chúng ta nghĩ, hay vì họ không giống như những gì chúng ta muốn, và thế là chúng ta đưa ra xét đoán về họ ngay lập tức. Tất nhiên, những xét đoán vội vàng và chỉ dựa trên cảm tình thường đưa đến những suy nghĩ sai lạc về người khác.

Thế nào là kết án? Kết án thường có hai hình thức. Trước hết, là do chúng ta có những phán đoán sai về người khác và điều này dẫn đến kết án sai. Thứ hai, chúng ta có thể đánh giá tình huống một cách chính xác, nhưng lại không hiểu về người trong cuộc, nên chúng ta đã kết án là sai về người ấy, và chúng ta hành động như thể mình có quyền lên án. Khi hành động như thế, chúng ta dễ dàng có những kết án sai.

Khi dạy bảo các môn đệ và mỗi người chúng ta hôm nay, Chúa muốn chúng ta hãy có cuộc sống hài hoà và yêu thương hơn. Chúng ta được mời gọi hay sống “nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ để cảm nhận cuộc sống luôn tràn đầy những cảm thông và nâng đỡ. Chúng ta được mời gọi “đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án”, vì có mấy ai là người luôn hoàn hảo. Chúng ta được mời gọi “hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con”, vì cuộc sống luôn đầy ắp tương quan của đỡ nâng và chia sẻ. Và hơn bao giờ hết, khi biết thực sự sống giá trị của những điều Chúa gọi mời, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được quà tặng hạnh phúc mà Chúa “sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo” chúng ta.

Lạy Chúa, sống trong một thế giới hướng về hưởng thụ, chúng con luôn phải đối diện với những cám dỗ của sự ích kỷ, dưng dưng và vô cảm với người xung quanh, xin cho chúng con luôn biết hoán cải và sống cho được chân lý của những Lời Chúa dạyhôm nay, hầu đem lại hạnh phúc cho mọi người và cho chính chúng con. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
Trích nguồn: https://giaophanphucuong.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube