Lời Chúa: Mc 7, 31-37
31 Khi ấy, Đức Giêsu bỏ vùng Tia, đi qua ngã Sidon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ephata, nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giêsu cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được”.
Suy niệm: Thiên Chúa đưa tay giải thoát chúng ta
Con người bị bao vây bởi rất nhiều những nguy hiểm về phần hồn cũng như phần xác. Về phần hồn, những chước cám dỗ của ma quỷ và thế gian làm cho con người xa lìa Thiên Chúa và sống theo những dục vọng của xác thịt. Về phần xác, con người phải đương đầu với các thiên tai bên ngoài như hạn hán, lũ lụt, động đất… và những bệnh tật của thể xác như: câm điếc, mù què… Khi phải đương đầu với những nguy hiểm này, con người dễ rơi vào hai thái độ:
Thái độ thứ nhất là chối từ Thiên Chúa. Chúng ta dễ đặt ra những câu hỏi về Thiên Chúa, về quyền uy của Đấng mà chúng ta tôn thờ. Khi không tìm được câu trả lời thích đáng, chúng ta dẽ rơi vào tình trạng nghi ngờ, không tin vào Thiên Chúa và tìm cách giải quyết theo cách thức trần gian.
Thái độ thứ hai là nhận ra ý nghĩa của đau khổ trong cuộc đời. Thiên Chúa đã để đau khổ xảy ra cho con người để họ nhận ra sự cần thiết của Thiên Chúa trong cuộc đời họ và biết yêu thương tha nhân hơn. Người Việt Nam có câu : “Có đau mắt mới thương người mù”, “có mù mới biết sự quý trọng của ánh sáng”. Điều này xảy ra cho Phaolo khi ông bị té ngựa trên đường Đamas. Sau đó, trở về ánh sáng và tin vào Đức Kito. Chỉ Thiên Chúa mới có uy quyền giải thoát con người khỏi mọi nguy hiểm. Họ cần tin và chạy đến với Người để được chữa lành.
Các bài đọc Lời Chúa hôm này tập trung vào những nguy hiểm con người phải đương đầu với và cách thức để được chữa lành. Tong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Isaia quả quyết với dân Do thái khi họ sống trong cảnh lưu đày: Thiên Chúa chúng ta có thể làm được tất cả; vì thế, đừng sợ hãi nhưng hãy luôn trông cậy nơi Thiên Chúa. Người sẽ đến và cứu chữa tất cả.
Trong bài đọc thứ 2, thánh Giacôbê nêu lên hai tội từ bên trong và cần được chữa trị là thành kiến và đối xử thiên vị. Đức Giêsu Kitô là người giải thoát và chữa lành con người khỏi hai bệnh phần hồn này. Trong bài Tin mừng, khi người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người vừa câm vừa điếc để xin Chúa đặt tay trên anh, Người đã dẫn anh ta ra một nơi và chữa anh khỏi bệnh.
Vâng, chính Thiên Chúa sẽ đến và giải thoát con người khỏi những bệnh hoạn tật nguyền, không chỉ thể xác nhưng nhất là tâm hồn chúng ta khỏi những ràng buộc của tội và sự dữ, vốn làm cho chúng ta mất ân nghĩa với Chúa. Vì như những người dân ngoại đã nói, Đức Giêsu “làm việc gì cũng tốt đẹp cả”, thì chúng ta được mời gọi không ngừng tin tưởng vào quyền năng sức mạnh của Người. Hãy tin tưởng để người đụng chạm vào cuộc đời chúng ta để chữa cho chúng ta được lành mạnh.
Vậy chúng ta cũng được mời gọi không ngừng tin rằng: “chỉ có Đức Kito, Con Thiên Chúa mới có thể giải thoát con người khỏi mọi nguy hiểm, mọi câm điếc của phần hồn và phần xác. Và hãy luôn biết xác tín rằng, không ai có thể thay thế vai trò của Chúa trong kế hoạch cứu độ. Xin cho chúng ta hằng biết ý thức về bổn phận bảo vệ sự sống và hăng say chữa lành những vết thương phần hồn cũng như phần xác cho con người, nhất là hăng say giới thiệu họ đến với Đức Kitô, để họ cũng tin vào Chúa và được chữa lành. Amen.
Fr. Joseph