Lời Chúa: Lc 7, 1-9
Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giêsu vào thành Capharnaum. 2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3 Khi nghe đồn về Đức Giêsu, ông cho mấy kỳ mục của người Do Thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
4 Họ đến gặp Đức Giêsu và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. 6 Đức Giêsu liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!’ là nó đi; bảo người kia: ‘Đến!’ là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’ là nó làm”. 9 Nghe vậy, Đức Giêsu thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. 10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
Suy niệm: Đón tiếp Chúa
Hai bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta hai câu truyện về cách đón tiếp Chúa. Trước hết, trong bài đọc thứ nhất, thánh Phaolô đã phê bình cộng đoàn Côrintô về cách họ sửa soạn đón tiếp Chúa và làm mất đi ý nghĩa đích thực của Bữa Tiệc Tình Yêu.
Một trong những quan tâm hàng đầu của thánh Phaolo là tinh thần hiệp nhất giữa các tín hữu, và ngài thẳng thắn loại bỏ tất cả những gì làm cớ gây chia rẽ trong cộng đoàn. Mặc dù vậy, các tín hữu Côrintô không hẳn nhiên hiểu được ý nghĩa và mục đích của Bữa Tiệc Yêu Thương, nên họ coi như một bữa ăn chung thường xảy ra nơi bất cứ cộng đoàn này, trong đó mỗi người tham dự mang một món ăn hay đồ uống để góp phần an chung với gia chủ đứng ra tổ chức. Chính trong ý nghĩa ấy mà người ta dẽ dàng chọn ngồi với những ai mà họ dễ dàng nói chuyện với: những người cùng ngôn ngữ, cùng tư tưởng hay ngay cả cùng sở thích (món ăn, đồ uống, địa vị…).
Nhưng trong bữa tiệc mà thánh Phaolô nói đến là bữa tiệc Thánh Thể: Bánh ăn chính là Mình Thánh Chúa và nước uống chính là Máu Thánh Chúa. Vì thế, thánh nhân mời gọi các tín hữu là phải thay đổi thái độ và thói quen của họ khi cử hành Bữa Tiệc Yêu Thương này: họ cần phải biết chời đợi nhau để cùng chia sẻ tiệc thánh ấy.
Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu đã khen ngợi viên đại đội trưởng về cách ông chân thành biểu lộ niềm tin trong việc đến xin Chúa chữa người đầy tớ thân yêu của ông. Rõ ràng, Chúa đã khen ngợi ông vì ông không chỉ có đức tin vững mạnh, nhưng còn thể hiện một tình yêu đặc biệt với người đồng loại, là một người làm trong nhà ông. Hơn nữa, Chúa cũng đã khen ngợi vì chính sự khiêm nhường của ông trước Chúa. Vậy, đức tin vững mạnh và lòng khiêm nhường thì luôn cần thiết cho những người muốn được thuộc trọn về Chúa và muốn được Chúa hướng dẫn cuộc đời của mình.
Vậy, qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi nhận biết rằng:
Được giáo dục và lớn lên trong đức tin, chúng ta giả thiết phải biết cách biểu tỏ niềm tin nơi ThiênC húa và yêu tha nhân hơn những người chưa tin vào Chúa. Nhưng thực tế cho thấy, những người ngoại nhiều khi tin và biểu lộ đức tin cách mạnh liệt và đầy sự cung kính của họ vào Chúa. Bên cạnh đó, họ cũng biết yêu mến những người khác hơn các tín hữu là những người được gọi là đạo gốc.
Bữa Tiệc Thánh Thể là mối dây liên kết mọi người trong Chúa, làm cho gia đình và cộng đoàn giáo xứ chúng ta ngày càng đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau hơn. Vậy, chúng ta tự chất vấn: Gia đình và cộng đoàn chúng ta có còn tranh chấp, chia rẽ, ghen tương, thoá mạ nhau trong khi vẫn cử hành Bí tích Tình Yêu này ?
Xin Chúa chữa lành và củng cố đời sống đức tin yếu hèn của chúng ta, để được xứng đáng với ơn huệ Chúa thương ban.
Fr. Joseph