Thánh Mác-cô có tên đầy đủ là Gio-an Mac-cô (“Ông Ba-na-ba muốn đem theo cả ông Gio-an cũng gọi là Mac-cô” – Cv 12, 11-12.25; 15, 37). Thánh nhân là em họ ông Ba-na-ba (Cl 4, 10), gốc người Do-thái, thuộc dòng họ Lê-vi. Ngài không phải là một trong 12 vị Tông đồ tiên khởi được Đức Giê-su trực tiếp kêu gọi, mà chỉ là người tháp tùng Thánh Phê-rô. Sau khi Chúa lên trời, ngài theo Thánh Phê-rô sang Rô-ma. Nhờ lòng nhiệt thành và sự hăng say rao giảng Tin Mừng, Thánh nhân – cùng với Thánh Phê-rô – đã khiến nhiều người quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông.Sự nỗ lực cùng với tình cảm gắn bó trong công cuộc rao giảng Tin Mừng đã khiến thánh Phê-rô coi Thánh Mac-cô như con (“Mac-cô, người con của tôi” – 1Pr 5, 13). Ngoài ra, thánh nhân còn được Thánh Phao-lô coi là một cộng sự viên đắc lực (“các cộng sự viên của tôi là Mác-cô, A-rít-ta-khô, Đê-ma và Lu-ca.” – Plm, 24; Cl 4, 10)
Trong những cộng đoàn tiên khởi, nhiều người ao ước có một bản văn viết về cuộc đời của Đấng Cứu Thế để giúp tín hữu học hỏi và tham khảo. Đáp ứng những yêu cầu và khao khát chính đáng ấy, Thánh Mác-cô đã dựa vào lời giảng dạy của Thánh Phê-rô, viết lại cuộc đời của Chúa Giê-su một cách mạch lạc và rõ ràng theo từng chương mục. Tác phẩm của ngài đã được Thánh Phê-rô cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phê-rô – vị Giáo Hoàng tiên khởi – sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Ngài chính là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.
Trong số các sách Tin Mừng, đây là tập Tin Mừng được biên soạn trước tiên, ít lâu sau năm 50. Tác giả có thể là chính Mac-cô, đã từng tháp tùng Thánh Phao-lô và Ba-na-ba trên đường truyền giáo (Cv 12, 25; 13, 2; 15, 37-39; Cl 4, 10), rồi theo Thánh Phê-rô sang Rô-ma (1Pr 5, 13). Căn cứ theo nhiều chứng tích của tín hữu thời tiên khởi, cũng như nhìn thẳng vào nội dung và cách hành văn của sách Tin Mừng, các nhà chú giải Thánh Kinh cho rằng Mac-cô có liên hệ mật thiết với Giáo đoàn Rô-ma. Mac-cô đã viết tập sách này để giới thiệu con đường đức tin nơi một giáo đoàn ngày xưa đã đi. Họ đã tìm hiểu và đã khám phá ra sứ điệp Tin Mừng Cứu Độ vô cùng phong phú của Vua Tình Yêu Giê-su Ki-tô, rồi họ chia sẻ lại cho người đời sau bằng những từ ngữ quen thuộc trong tập truyền của dân tộc họ. Đó là Giáo đoàn Rô-ma trong thập kỷ 70.
Rô-ma thời ấy là thủ đô của một đế quốc có cả triệu dân. Giáo đoàn Rô-ma ở trong tình trạng đó, cũng gồm đủ thứ người tứ chiếng, nguồn gốc xã hội khác nhau: Do thái và “dân ngoại” lẫn lộn. Giáo đoàn được khai sinh là nhờ những tín hữu đã say sưa nhiệt tình loan báo Tin Mừng cho cả dân ngoại và đã phải đấu tranh quyết liệt làm cho Giáo Hội bung ra khỏi cái khung hẹp hòi của người Do thái. Đây là cơ hội để người tín hữu cảm nghiệm được rằng Đức Giê-su không giới hạn công trình của Người ở bên trong một dân tộc nào; nói cách khác, Tin Mừng Cứu Độ do Đức Giê-su thực hiện mang tính phổ quát và đại chúng trên bình diện toàn cầu.
Chính Mac-cô đã quan tâm trình bày hoạt động của Đức Giê-su như một Tin Mừng cho tất cả các dân tộc. Thánh nhân chú ý đặc biệt đến đám thu thuế và hạng “tội lỗi”. “Tội lỗi” nói ở đây không phải trực chỉ những người ăn ở bê bối, nhưng thường là chỉ những người – theo quan niệm hẹp hòi của dân Do-thái – đang làm những nghề (như thu thuế) hoặc đang ở trong hoàn cảnh xã hội éo le (như các bà góa), kể cả thành phần “dân ngoại” (không phải Do-thái chính hiệu), tất cả đều bị khai trừ khỏi các quyền lợi tôn giáo cũng như xã hội. Mac-cô nhấn mạnh sự kiện Đức Giê-su công nhiên mời gọi và đón nhận cả những người “bị loại” đó vào Nước Trời và họ rất đông đảo; vì thế, Người đụng phải sự kháng cự của đám người có thế lực hồi đó (đám kinh sư, luật sĩ Pha-ri-sêu). Giáo đoàn Rô-ma mà bản văn Mac-cô liên hệ gồm cả người Do thái lẫn dân ngoại. Thực tế này nói lên việc triển khai ơn gọi Đức Giê-su đã ban cho Lê-vi (tức Mat-thêu – một người thu thuế). Đó là một chứng từ Tin Mừng của chính Giáo đoàn vậy.
Thánh Mac-cô có cách trình bày độc đáo, khiến cho toàn bộ tác phẩm có tác dụng hữu hiệu đối với độc giả, đó là chìa khóa cho sự hiểu biết chính xác về con người và công trình của Đức Giê-su đã thực hiện trong lịch sử cứu độ nhân loại. Cũng chính vì thế, sách Tin Mừng do ngài biên soạn đã trở nên như một tài liệu tham khảo chính cho Thánh Mat-thêu và Lu-ca viết sách Tin Mừng. Là sách Phúc Âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn sách Phúc Âm, Mác-cô nhấn mạnh đến chủ đề: Ðức Giê-su Thiên Chúa đến cứu độ loài người nhưng bị loài người tẩy chay, chống đối. Bố cục của sách Tin Mừng theo Thánh Mac-cô bao gồm 16 Chương dàn theo 5 Mục:
I. GIAI ĐOẠN DỌN ĐƯỜNG CHO SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU (Ch. 1)
1- Ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng
2- Đức Giê-su chịu phép rửa
3- Đức Giê-su chịu cám dỗ trong sa mạc
II. SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU TẠI GA-LI-LÊ (Ch. 1-6)
1- Đức Giê-su khai mạc công việc rao giảng
2- Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ
3- Công việc giảng dạy và chữa bệnh tại Ca-phác-na-um và khắp miền Ga-li-lê.
III. NHỮNG CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC GIÊ-SU Ở NGOÀI MIỀN GA-LI-LÊ(Ch. 7-10)
1- Tranh luận về những truyền thống người Pha-ri-sêu
2- Tiếp tục chữa bệnh và rao giảng Tin Mừng
3- Những điều kiện cần có để đi theo Đức Giê-su
IV. SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊ-SU TẠI GIÊ-RU-SA-LEM (Ch. 11-13)
1- Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Mê-si-a
2- Thẩm quyền của Đức Ki-tô
3- Mạc khải về ngày cánh chung
V. CUỘC THƯƠNG KHÓ VÀ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊ-SU (Ch. 14-16)
Hiến chế “Tín Lý về Mạc Khải – Dei Verbum” (số 18-19) đã cho biết: “Trong mọi thời và khắp nơi, Giáo Hội đã và đang quả quyết rằng bốn sách Phúc Âm bắt nguồn từ các Tông Ðồ. Thực vậy, những gì các Tông Ðồ rao giảng theo lệnh Chúa Ki-tô, sau này nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, chính các ngài và những người sống bên các ngài viết lại và lưu truyền cho chúng ta như nền tảng đức tin: đó là Phúc Âm trình bày dưới bốn hình thức: theo Thánh Mat-thêu, Thánh Mac-cô, Thánh Lu-ca và Thánh Gio-an. Mẹ thánh Giáo Hội luôn luôn quả quyết lịch sử tính của bốn Phúc Âm, cũng như đã mạnh mẽ và liên lỉ xác nhận bốn sách Phúc Âm trung thành ghi lại những gì Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, khi sống giữa loài người, thực sự đã làm và đã dạy vì phần rỗi đời đời của họ, cho tới ngày Người lên trời (Cv 1, 1-2). Thực vậy, sau khi Ch%C a v81 trời, những gì Người đã nói, đã làm, thì các Tông Ðồ, sau khi đã được hiểu biết cách đầy đủ hơn sự hiểu biết mà chính các ngài hưởng thụ được nhờ các biến cố vinh hiển của Chúa Ki-tô và ánh sáng của Thần Chân Lý, các ngài đã truyền lại cho những ai nghe các ngài.”
Những nét chính của sách Tin Mừng Mác-cô đã vẽ nên một tiến trình mang tính lịch sử và tầm vóc thần học. Thoạt đầu Đức Giê-su đã được đám đông vui mừng đón nhận, nhưng rồi sứ mạng làm Đấng Mê-si-a khiêm hạ và thiêng liêng của Người đã khiến cho họ thất vọng và lòng phấn khởi của họ nguội dần. Bấy giờ, Đức Giê-su mới lánh xa miền Ga-li-lê để hoàn toàn chú tâm vào việc đào tạo nhóm các môn đệ trung thành mà Người đã được họ gắn bó với mình trong dịp tuyên xưng niềm tin ở Xê-da-rê Phi-líp. Đây là một bước ngoặt quyết định, từ bước ngoặt này, mọi sự đều quy hướng về Giê-ru-sa-lem. Tại đây, tiếp theo sự chống đối ngày càng quyết liệt là cuộc thương khó mà cuối cùng Thiên Chúa đã kết thúc trong vinh quang: Đức Giê-su Ki-tô phục sinh.
Bao nhiêu là chống đối dẫn Đức Giê-su đến nhuc hình thập giá. Đó là điều chướng ngại mà sách Tin Mừng thứ hai kiên tâm giải thích, không chỉ bằng cách đặt nó đối diện với chiến thắng chung cuộc, nhưng còn bằng thánh chỉ cho độc giả thấy nó phải như vậy thể theo ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha. Chính cái nghịch lý trong con người Đức Giê-su làm cho Thánh sử Mac-cô lưu tâm đến trước tiên, đó là Đức Giê-su bị loài người ngộ nhận và ruồng bỏ, nhưng lại là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến để chiến thắng tội lỗi, vượt qua sự chết, đem lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại. Sách Tin Mừng Mac-cô không chú trọng mấy đến việc triển khai giáo huấn của Đức Giê-su, nên chỉ ghi lại một số ít lời Người dạy. Chủ đề chính yếu của sách Tin Mừng này là minh họa công trình cứu độ của Thiên Chúa bằng chính Con Một là Đấng Mê-si-a chịu đóng đinh vào thập giá, tử nạn và phục sinh vinh hiển.
Tóm lại, vì đã hiểu được cái thực tại sâu xa của hồng ân Thiên Chúa dành cho loài người, thông qua hành trình thập giá của Đức Giê-su, nên Thánh sử Mác-cô đã trình bày mầu nhiệm cứu độ trong ánh sáng Đức Tin, một Đức Tin đã thực sự kiên định nhờ sự kiện Phục Sinh vinh hiển, chiến thắng tội lỗi và sự chết muôn đời. Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ kính Thánh Mac-cô, tác giả sách Tin Mừng)
Lam Thy ĐVD