|
Khi đi qua tượng đài Thánh Gia, bắt gặp bé khoanh tay ngay ngắn, cúi đầu và bặp bẹ nói: Con chào Chúa ạ! Làm tôi không khỏi ngạc nhiên và mừng thầm trong lòng: Bé giỏi quá!, và tôi đặt ra câu hỏi: Làm sao em có thể làm được như vậy? Ắt phải có ai đó đã dạy cho bé biết, hay bé đã bắt chước từ ai đó! Khi hỏi bố của bé, tôi được biết mỗi khi đi ngủ, anh chị đều dạy cháu như thế.
Tôi cảm thấy vui vì những giá trị đạo đức bình dân vẫn đang tỏa sáng nơi nhiều gia đình Công giáo, tuy đã mai một phần nào do môi trường sống cũng như những biến chuyển của thời đại. Cuộc sống có thể đổi thay và cố lấn át những giá trị đạo đức! Tuy biết là thế, nhưng làm sao có thể “vùi dập” được những giá trị “đẹp” mà bao đời nay vẫn “đâm chồi” vươn mình hiên ngang trước bão táp của “bụi trần”.
Hành động thật đáng yêu và đáng quí của bé đưa tôi về lại với tuổi thơ! Khi còn bé xíu như em, cha mẹ cũng thường dạy tôi những cử chỉ dễ thương như vậy. Đặc biệt, mẹ là người gần gũi tôi hơn cả. Mẹ nhẹ nhàng cầm tay tôi đặt lên trán “nhân Danh Cha”, đặt xuống ngực “và Con”, rồi đặt vào hai vai “và Thánh Thần. Amen.” Mẹ hướng dẫn cho tôi biết ảnh Chúa, Đức Mẹ, và các Thánh. Mẹ còn tập cho tôi biết cảm ơn Chúa trước và sau mỗi bữa ăn, trước khi đi ngủ hay khi thức dậy,….tuy chỉ với những câu đơn giản nhưng nhờ đó tôi dần ý thức được lòng biết ơn: biết ơn đối với Thiên Chúa và mọi người. Tuổi thơ tôi giống như trang giấy trắng, cứ dần được vẽ lên đó những “hình hài” về Thiên Chúa từ những nét đơn giản, dần đến những nét phức tạp. Ý niệm về Thiên Chúa trong tôi cứ dần triển nở theo thời gian và theo sự phát triển nơi cơ thể.
Chẳng khác là bao so với em bé mà tôi vừa kể. Tôi cũng được mẹ cầm tay dắt đến cúi chào trước tượng đài Đức Mẹ, hay các thánh mỗi khi đi nhà thờ. “Con ạ Chúa đi! Con ạ Đức Mẹ đi!” Đó là câu nói mà tuổi thơ tôi thường được mẹ nhắc mỗi khi đi lễ, và tôi thường khoanh tay cúi đầu ạ một tiếng dài dài “ạ….!!!!” Thế là tôi được mẹ thưởng ngay cho một “cái hôn” lên trán vì biết khoanh tay cúi đầu ạ trước tượng Đức Mẹ. Tôi lấy làm thích thú mỗi khi được mẹ “chụt!” lên trán, hay lên má như vậy! Mẹ đã vẽ lên “trang giấy trắng tôi” những “hình hài” đầu tiên về Thiên Chúa giống như mẹ đã gieo hạt giống Đức tin trong tôi để rồi qua năm tháng hạt giống đó nảy mầm và sinh trưởng.
Hạt giống Đức tin gieo vào trong tôi là hạt giống mà mẹ đã nhận được từ ông bà, rồi ông bà lại nhận được từ các cụ cố,….Cứ như vậy, hạt giống Đức tin được các thế hệ giữ gìn và nâng niu để “gieo” vào những mảnh đất mới. Hạt giống quý giá này đã bao lần phải bao bọc bằng máu đào của ông cha để bảo vệ. Hạt giống giá trị như viên ngọc quý [1] nên phải bảo vệ và giữ gìn với bất cứ giá nào, cho dù phải hy sinh cả tính mạng mình.
Thật là ý nghĩa và giá trị biết bao khi những nét đẹp Đức tin được triển nở nhờ những cử chỉ truyền khẩu giản đơn nhưng thật sâu sắc và bền vững. Sâu sắc và bền vững vì nhờ đó mà mảnh đất mới được “đào xới” cho tơi, xốp; hạt giống Đức tin được vun, tưới. Nhờ thế, hạt sẽ nảy mầm, rễ sẽ bám sâu vào đất để hút lấy “chất dinh dưỡng” là những cử chỉ truyền khẩu giản đơn nuôi sống cho cây Đức tin mỗi ngày thêm tươi tốt, không sợ mưa sa hay bão táp của cuộc đời đánh gục.
Giuse Đỗ
[1] X. Dụ ngôn kho báu và ngọc quý (Mt 13, 44-46)