I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
1. Hoàn cảnh lịch sử
Khởi đầu, Phát Diệm là tên một xã nhỏ, thuộc huyện Kim Sơn, được thiết lập năm 1828 vào lúc Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ chiêu dân về hai huyện: Tiền Hải ở Thái Bình và Kim Sơn ở Ninh Bình. Mặt đất Kim Sơn chỉ cao hơn mặt biển khoảng mươi mười lăm bộ, cho nên việc đầu tiên Nguyễn Công Trứ phải làm là đắp một con đê dài chạy dọc sông Đáy. Từ con đê đó, Nguyễn Công Trứ đào mương lấy đất đắp rất nhiều con đường. Ai có dịp từ trên cao nhìn xuống, sẽ thấy huyện Kim Sơn nhác trông như một đô thị bao la với những sông ngòi thẳng tắp chằng chịt…
Giáo Hội Việt Nam từ khi được thành lập vào ngày 9 tháng 9 năm 1659, chỉ có hai Giáo Phận là Đàng Trong, được trao cho Đức Cha Lambert de la Motte, cũng là Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá và Đàng Ngoài, được trao cho Đức Cha Francois Pallu. Năm 1679, Giáo Phận Đàng Ngoài được chia làm đôi, Phát Diệm thuộc về Giáo Phận Tây Đàng Ngoài. Ngày 02.04.1901, Đức Giáo Hoàng Lêô XI, ban sắc lệnh chia Giáo Phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), thành lập Giáo Phận mới là Giáo Phận Phát Diệm. Đức Cha Alexandre Marcou Thành là Đức Giám Mục đầu tiên của địa phận Phát Diệm, nghi lễ nhận địa phận được tổ chức long trọng tại Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc ngày 08.02.1902. Ngài đã cai quản Giáo Phận trong vòng 33 năm (1902-1935) và đã có công xây dựng Giáo Phận về nhiều mặt. Một trong những việc lớn lao đó là thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm.
2. Sinh hoạt khởi đầu
Năm 1901, khi địa phận Phát Diệm được thành lập, đã có ba “Nhà Mụ” Mến Thánh Giá. Các nhà Mụ đứng biệt lập và mỗi nhà có bà Mụ là bà Bề Trên:
- Nhà Phúc Nhạc, thành lập năm 1788
- Nhà Bạch Bát (Bạch Liên) thành lập năm 1749
- Nhà Thành Đức thuộc Giáo xứ Cách Tâm, được thành lập năm 1823
Năm 1902, một năm sau khi Giáo Phận Phát Diệm được thành lập, Đức Cha Alexandre Marcou Thành đã cho chín chị em nhà Phúc Nhạc xuống lập nhà Phát Diệm Lưu Phương, đến năm 1925, nhà Phát Diệm trở thành Nhà Mẹ của Hội Dòng. Công việc của chị em là in các sách đạo bằng chữ Nôm, quen gọi là nhà in, may đồ lễ và làm thuốc viên.
Năm 1912, Bà Na đi học ở Hà Nội về làm Giám đốc Nhà Tập. Lớp Tập đầu tiên cũng đã có một số các chị trẻ tuổi. Năm 1937 thì xây Nhà Tập mới.
2.1. Công cuộc cải tổ và canh tân (1916-1925)
Năm 1916, Đức Cha Marcou trao cho Cha Louis de Cooman Hành, Cha chính địa phận Phát Diệm, quyền coi sóc và canh tân Hội Dòng. Một năm sau, tức năm 1917, Toà Thánh bổ nhiệm Ngài làm Giám Mục Phó địa phận Phát Diệm.
Theo đường hướng cải tổ của Bộ Giáo Luật 1917, Đức Cha Louis thống nhất các Nhà Mụ trong địa phận, soạn hiến pháp mới và qui định việc khấn dòng theo Giáo Luật. Suốt chín năm trời, Đức Cha Hành đến từng nhà khuyên nhủ, giải thích cho các chị Ba Lời Khuyên trọn lành của Phúc Âm. Đây không phải là việc dễ dàng đối với những người đã quen nếp sống tự do: tự do đi lại, tự do làm thuốc, tự do đổi chỗ ở… Đức Cha Hành đã phải hy sinh, nhẫn nại không ít để đương đầu với nhiều khó khăn, trở ngại. Mới đầu khi nghe nói đến tuyên khấn, nhiều chị phân vân, không muốn từ bỏ nếp sống quen thuộc cũ, nhưng sau khi được Đức Cha tận tình hướng dẫn, hầu hết các chị em sẵn sàng hội nhập vào nếp sống tu trì đúng nghĩa theo các đòi hỏi của Giáo Luật.
2.2. Hoả ngục tấn công (1924 – 1941)
Cuộc cải tổ toàn diện này đã làm cho hoả ngục tức tối và phản ứng dữ dội. Lực lượng Satan tung ra những cuộc khủng bố quậy phá, tấn công vào những tập sinh non trẻ của Hội dòng. Thời kỳ này, Mẹ Anna Trần Thị Bạch Hương giữ chức vụ chị giáo Nhà Tập, mẹ đã chứng kiến và từng đối thoại với quỷ hoả ngục và chính mẹ đã kể lại những sự việc cụ thể trong 17 năm bị quấy phá: những ngày đầu, cứ khoảng 9 giờ tối thì có tiếng hét to, dài và ghê sợ ngay trước Nhà Tập, tiếng rung giường, cào gối và thở dài.
Chị giáo lên tiếng hỏi:“ Nhân danh Chúa Ba Ngôi, tôi hỏi: có phải linh hồn nào ở luyện ngục về có việc gì không? Xin cứ nói, chúng tôi sẵn lòng giúp”.
Có tiếng đáp to rằng:
“Không”
“Không phải linh hồn thì là ai”?
“Chúng tôi là quỷ hỏa ngục”
“Quỷ hỏa ngục đến đây làm gì”?
“Có ý phá Nhà Dòng, không cho khấn, đưa quân Nhà Tập về thế gian! Thế nào chúng tôi cũng thắng”.
Và thế là hỏa ngục bắt đầu ra tay tấn công. Xảy ra ba bốn tháng đầu, Đức Cha chưa tin. Cho đến một lần, Đức cha đang nói chuyện với cả nhà về chuyện quỷ quấy phá, tự nhiên có hòn gạch lớn ném vào vai một chị đang đứng trước mặt Đức cha. Cả nhà bỡ ngỡ, bấy giờ Đức cha nói rằng: “Đây là dấu cho Cha tin các điều chúng con kể lại từ đầu là có thật, vì rất ít khi Chúa cho xảy ra bề ngoài như vậy”. Đức Cha về kể lại với Đức Cha Chính, và ngay ngày hôm sau, ngài bắt đầu chiến dịch phản công: “Từ nay chúng con hợp với Cha cầu xin cùng Thánh Giá Chúa Giêsu đủ chín ngày, và Cha sẽ sang làm lễ hàng ngày và cho hôn gỗ chính Thánh Giá Chúa Giêsu”.
Đến năm 1941, thì quỷ tướng nói rằng: “Nay có lệnh truyền cho tôi đến gặp riêng Bà Mẹ trong giờ đọc kinh tối”. Đức cha và cả nhà đều lo sợ và e ngại, Bà Nhì cho mấy chị đứng ở nhà ngoài gần đấy canh chừng xem sao thì thấy quỷ mở cửa chạy ra vội vàng, chỉ vào mặt các chị nói rằng: “Nhân đức tin chúng mày ở đâu! Nếu không có phép Chúa, thì tao làm gì được Mẹ chúng mày. Đi vào nhà thờ hết”. Các chị phải đi, nó gài các cửa lại mà đến bàn viết Bà Mẹ ngồi. Nó nói: “Xin Bà Mẹ đừng sợ hãi gì, vì hôm nay tôi phải vâng lệnh truyền mà ở tử tế với Bà Mẹ, chứ không chửi Bà Mẹ, gọi Bà Mẹ là mụ như xưa nay nữa. Xin Bà Mẹ cho tôi tờ giấy to bốn mặt và bút của Bà, để tôi làm tờ cam kết sau cùng”. Bà Mẹ đưa cho nó, nó viết rồi đọc cho Bà nghe: “Nhân danh Chúa Ba Ngôi, nhân danh Đức Mẹ Maria, bắt chúng tôi viết ra các điều này cho sáng danh Chúa và sáng danh Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm. Chúng tôi xin phép Đức Chúa Trời mà phá nhà dòng này, vì tưởng là được, song nay đã hết hạn rồi mà không được, thì tôi xin trả các con lại cho Bà Mẹ, từ nay chúng tôi đi, không được quấy bề ngoài nữa, nhưng vẫn được quấy ngầm như những nhà dòng khác”.
Thế là đằng đẵng 17 năm kiên trì chịu đựng, dù quỷ bày ra trăm mưu ngàn chước, nhờ ơn Thánh Giá Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Cha Thánh Cả Giuse và Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đã không có một chị em nào xin ra về trong thời gian này. Tạ ơn Chúa. Từ bấy giờ, Nhà Mẹ, Nhà Tập được vui vẻ bình an.
2.3. Lễ khấn đầu tiên của Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm (1925)
Sau chín năm chuẩn bị tinh thần cho các chị thực sự đi vào đời thánh hiến, Đức Cha Hành nhận thấy lòng khát khao mãnh liệt và sẵn sàng của các chị, nên hai Đức Cha Giáo phận quyết định tổ chức Lễ Khấn vào ngày 02.02.1925. Thật là ngày vui mừng trọng đại, ngày mọi người từ lâu mong đợi đã tới. Lễ Khấn đầu tiên cho 61 Chị theo Giáo Luật đã được cử hành long trọng sốt sắng. Và Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm là Hội dòng đầu tiên tại Việt Nam được cải tổ theo Giáo Luật 1917. Bà Anna Na được chọn làm Mẹ Bề trên tiên khởi từ năm 1925 – 1937. Năm 1931, sau sáu năm khấn tạm, tất cả 61 chị đã quảng đại dâng hiến trọn đời mình cho Thiên Chúa trong lời khấn trọn đời.
2.4. Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá (1932)
Năm 1932, Địa phận Thanh Hoá được tách ra từ Địa phận Mẹ Phát Diệm. Ngày 09.11.1932, Toà Thánh ban sắc lệnh cho tất cả các tu viện Mến Thánh Giá Phát Diệm nằm trong địa phận mới được tách khỏi Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm Mẹ để trở thành Hội dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá, thuộc quyền Đức Giám mục địa phận Thanh Hoá là Đức Cha Louis de Cooman Hành. Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm thì thuộc quyền Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám Mục địa phận Phát Diệm và là vị Giám Mục Việt Nam tiên khởi.
2.5. Giai đoạn phát triển của Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm
Từ năm 1902 đến 1954, Hội dòng có tất cả 14 Nhà, hoạt động tại 14 giáo xứ trong Giáo phận Phát Diệm. Năm 1954, nhân sự Hội dòng được 191 chị Khấn, 18 Tập sinh và 14 Đệä tử. Ngoài việc dạy học các học sinh trường nữ, chị em còn phụ trách các việc mục vụ trong giáo xứ như giúp các trẻ em xưng tội rước lễ lần đầu, coi sóc các hội đoàn nữ, nhiệt thành tham gia vào các công việc tông đồ, từ thiện, bác ái. Từ ngày thành lập trong địa phận, chị em đã rửa tội được 27.525 trẻ em và người lớn trong cơn hấp hối, trong số đó có tới 17.910 trẻ em đã được nuôi dưỡng ở các nhà Ký nhi do chị em lập ra.
3. Hình thành Hội dòng
3.1. Biến cố 1954: Bước chân ly tán
Từ khi thành lập năm 1902 đến năm 1954, Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đang trên đà phát triển với 14 Tu viện, gồm 191 chị khấn, 18 tập sinh và 14 đệ tử. Ngày 20.07.1954, Hiệp định Genève chia đôi lãnh thổ Việt Nam đưa tới cuộc di cư vĩ đại của hàng triệu người. Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm cũng không thoát khỏi tình trạng chung lúc đó: một số chị em được chỉ định chính thức đi cùng với phái đoàn Đức Cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ và một số các cha, các thầy lên tàu vào Nam tại bến đò Kim Đài, Phát Diệm. Mẹ Bề trên Têrêsa Phạm Thị Ngọc Nhị đã qua đời ngay trên đường di cư, được an táng tại Hà Nội, sau cải táng về nhà chính Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Lưu Phương.
Ngày 11.07.1954, đoàn tàu quốc tế chở phái đoàn Phát Diệm cập bến Sài Gòn. Nhà Dòng được chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất có các chị giáo và phần lớn các em đệ tử cư trú tại Nhà dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán để dạy học và theo học trường Thánh Linh. Ở đây, chị em được cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, cha sở Nhà thờ Chợ Quán và cũng là cha bề trên của Nhà dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, cùng với Mẹ Bề trên Têrêsa Vân và các chị em Mến Thánh Giá Chợ Quán đón tiếp nồng hậu, cho tá túc suốt thời gian đầu nhiều khó khăn vất vả. Nhóm thứ hai đa số là các chị lớn tuổi ở Phú Nhuận.
3.2. Năm 1956: Xóm Mới Gò Vấp – Quê hương thứ hai