Dòng Mến Thánh Giá Thế Kỷ XVII Thành Lập Và Tổ Chức (Chương 5)

DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XVII THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC

Chương Năm

Đức cha Lambert de la Motte: tại Đàng Trong lần thứ hai

Đã 13 năm trôi qua từ khi đức cha Lambert de la Motte đến Juthia. Vào năm 1675 này, tiếng tăm của đức cha đã rất quen thuộc không những tại triều đình Juthia của vua Phranarai, mà còn ở cả tại triều đình Huế của chúa Hiền Vương[1][1]. Hiền Vương cho người và thuyền sang tận Xiêm La mời đức cha sang thăm viếng xứ Đàng Trong. Cực chẳng đã, Phranarai mới cho ngài tạm rời Juthia đi Đàng Trong.

Phải nói ngay rằng thái độ gắn bó và cung phụng của hai quân vương xứ Xiêm La và xứ Đàng Trong đối với đức cha đều có hậu ý là dùng ngài làm môi giới với triều đình xứ Pháp, là một nước mạnh đang đi lên. Một chút tự do tôn giáo họ chấp nhận cho đám người Kitô giáo và các thừa sai cũng chỉ là một cái giá nhỏ bé trong luật trao đổi.

Đức Cha đến Đàng Trong

Ngày 23.7.1675, đức cha theo đường sông ra cửa biển, rồi từ đó, ngày 29.7, bằng con thuyền của Hiền Vương đến Hội An. Trong suốt thời gian ngài ở Đàng Trong, ngài không hề được diện kiến HiềnVương. Người ta bảo Hiền Vương vì buồn chuyện người con trai thứ hai của ông mới qua đời, nên không muốn tiếp đón ai. Tuy nhiên, nhờ Hiền Vương mà đức cha cũng được hoàn toàn thong dong lo việc Giáo hội : hội họp các thừa sai, linh mục bản xứ, các thày giảng, thăm viếng các họ đạo và ban phép Thêm sức cho giáo dân. Ngài lưu lại nhiều ngày tại Huế cũng như tại Hội An, sống một cách công khai.

Đương nhiên, ngài không hề quên các chị em Mến Thánh Giá. Thừa sai Vachet, là người tháp tùng và thông ngôn của đức cha, cho biết[1][2] :

«Ngày 20.10.1677.

Chuyến thăm viếng vừa qua của đức cha là ở tỉnh Quảng Nghĩa, một phần thôi, là để nhận lời khấn của chị em Thánh Giá[1][3]; những chị em này, từ ba năm rồi là thời gian đầu mới lập nên dòng của họ trong vương quốc này, đã nồng nhiệt bền vững trong việc tuân giữ luật dòng của mình. Những chị lâu năm nhất đã tuyên khấn trọng thể, công khai trong giáo xứ Thánh Gia nằm liền với nhà dòng của họ; nhà dòng này có 12 chị em. Nhà dòng này phải đứng vững trên cơ sở ấy như đã được quyết định, nhiều thiếu nữ khác muốn dâng mình cho Thiên Chúa đã dấn thân xây dựng nhiều cộng đoàn khác. Và hiện tại, tôi nghĩ là sẽ có ba cộng đoàn mới được thành lập».

Ngoài lá thư viết về Paris trên, Vachet còn ghi chú[1][4] :

«Năm 1675.

Tại Quãng Nghĩa, đức cha Bêritê được yên ủi thấy các nữ tu mà ngài đã thành lập nên nhân kỳ công du lần đầu, đã không hề để thuyên giảm lòng sốt mến ban đầu của họ, và các chị em giữ rất chính xác những luật lệ mà ngài đã ghi chép cho họ».

Vẫn liên quan đến các chị em Mến Thánh Giá nhân cuộc viếng thăm xứ Đàng Trong lần thứ hai của đức cha Lambert de la Motte (7.1675-5.1676), thừa sai De Courtaulin có viết bản tường thuật như sau[1][5] :

«… Lúc đó tôi thật vội vã sao đi cho được Fumoy[1][6] thật nhanh hầu lãnh nhận những chỉ thị sau cùng và phép lành cuối hết của Đức Cha, (vì) ngài phải qua đấy… Tôi đã chuyên tâm đặt nhà dòng các thiếu nữ vào một tình trạng hoàn hảo nhất mà người ta có thể mong ước được nơi một xứ sở ngoại giáo và là nơi mà sự bách đạo gần như không ngơi nghỉ. Trong nhà dòng này, Đức Cha đã chấp nhận cho bảy trinh nữ khấn lời khấn khiết tịnh trọng thể[1][7]; vì họ được tôi hướng dẫn, họ đã làm cho tôi một bài phúc trình về những trạng thái nội tâm của họ trong buổi lễ, cùng toàn thể những chuẩn bị của họ cho tương lai về các việc thực tập đạo đức bề trong và bề ngoài của họ. Theo gương của họ, những chị em mới mà Đức Cha đã chấp nhận vào nhà dòng đó để làm nhà tập và thử luyện, cùng các chị em khác chưa xong nhà tập, (cũng) đã làm cho tôi một bản phúc trình về nội tâm của họ như tôi có thể mong đợi nơi những nữ tu kỳ cựu nhất bên Pháp. Điều ấy đã khiến lòng tôi tràn ngập niềm vui và tôi cám tạ Thiên Chúa vì đức khiết tịnh thánh thiện bắt dầu được tôn kính trong xứ ngoại giáo này.

Nếu Đức Cha biết được tiếng xứ Đàng Trong một cách khá hoàn hảo để có thể nói chuyện với các trinh nữ của ngài riêng từng người một, thì các chị em hẳn đã nhận được sự an ủi lớn hơn và những lời dạy bảo tinh tuyền. Nhưng dù ngài biết tiếng tạm đủ để hiểu được phần lớn những sự việc, tuy nhiên vì ngài chẳng hề thực hành cho đủ, ngài chưa biết nói lâu giờ để đạt được chuyện này.[1][8]

Nhiều thiếu nữ đến trình diện với tôi để vào nhà tập, nhuègn ngôi nhà quá nhỏ hẹp và thời kỳ không thuận lợi cho chuyện này, nên phải vui lòng lấy con số là mười (chị em), mà làm một ngôi nhà khác cho các trinh nữ tại Bầu Nghè; tôi hy vọng sẽ đón đầy nhà (bầu Nghè) khi tôi từ Fumoy trở lại.»

Sau chuyến viếng thăm

Thừa sai De Courtaulin còn viết cho đức cha Lambert de la Motte (đã trở lại Xiêm La) hay rằng[1][9] :

«Năm 1676.

Sau khi đức cha đã đi Sin-hoa[1][10], con còn cố gắng cổ động tinh thần giáo hữu xứ Lâm Thuyền chịu khó cho con làm một ngôi nhà và một hàng rào cho các cô đồng trinh trẻ tuổi; nhưng con chẳng thấy ai tự nguyện giúp đỡ con, cũng chẳng thấy có tâm hồn nào thực sự ao ước góp phần vào công trình công trạng này, mặc dù sau những khuyến khích của con với họ, họ cho con hiểu là họ rất thanh thản khi con làm ngôi nhà này. Nhưng bởi vì con chuẩn bị lên đường trở lại Quảng Nghĩa bằng đường bộ, con nghĩ là con không thể tự tiêu xài tiền bạc của mình còn lại rất ít; và cha Bouchard đang muốn xây cho ngài hai căn phòng đẹp trên nhà thờ, nghĩ là không thể trợ giúp con được…

Tuy nhiên ơn Chúa cũng dần dần đánh động lòng dạ ông Carôlô xứ Lâm Thuyền, ông nói với cha Bouchard rằng ông đã dứt lòng quyết định dâng cúng của cải và công sức mình vào việc làm nhà cho các cô đồng trinh. Cha Bouchard đã cho cho con hay chuyện ấy, con nhờ ngài trả lời rằng nếu ông ta làm ngôi nhà ấy mà con không hề phải nhúng tay vào sự gì, thì con sẽ đưa cho ông ta là 10 quan tiền, không kể 2 quan rưỡi mà Ben Tang[1][11] đã dâng vào việc này. Và nếu phải cho tới ngay cả một nén bạc[1][12], miễn sao ngôi nhà được bốn căn và hai chái, con cũng sẽ không bỏ cuộc đâu».

Phần đức cha Lambert de la Motte, niềm vui mừng và an ủi của ngài thật lớn trong chuyến thăm địa phận Đàng Trong lần thứ hai này. Chính ngài đã không che giấu niềm vui ấy[1][13] :

«Ngày 14.11.1676,

Tháng năm vừa qua, tôi đã trở về từ xứ Đàng Trong thương mến của tôi, nơi tôi đã đi thăm tất cả các tín hữu trong nhiều tỉnh hạt, với một niềm vui khó tả được.

Tôi đã thăm một cộng đoàn các chị em đồng trinh là những kẻ đang đến cùng Thiên Chúa với cung cách cao cả và họ cần chúng tôi đặt hạn mực cho lòng sốt sắng của họ».

Đó là lá thư ngài viết cho François de Laval mà ngài đã quen biết trước và lúc đó đã trở thành đại diện tông toà bên xứ Canada. Còn viết cho bà bá tước [công tước] Longueville ở Pháp, ngài nói[1][14] :

«Xiêm La ngày 16.11.1676,

Bà Bá Tước [sic] sẽ được vui mừng khi tôi cho tin bà hay rằng cộng đoàn các chị em đồng trinh mà chúng tôi có được ở xứ ấy là những tâm hồn ưu tú, họ mang danh hiệu Chị em Mến Thánh Giá đấng Cứu Thế, là Đấng mà họ cố gắng bắt chước đời sống và những đau khổ của Người».[1][15]

Chưa đầy một năm sau khi đức cha Lambert de la Motte từ Đàng Trong trở về Xiêm La, thừa sai De Courtaulin viết sang ngài rằng[1][16] :

«Hội An, ngày 1.1.1677

Trong ngôi nhà của các thiếu nữ tại Bầu Nghè, đối với con thì dễ dàng minh chứng cho con khỏi lời đồn đãi sai lầm đang tung ra. Bởi vì chắc chắn rằng, con nói sự thật tinh tuyền (ở đây), con đã hội họp làng lại và con hỏi thật đơn giản đâu là sự lành đâu là sự dữ mà người ta phải hy vọng hay phải kinh sợ trong việc tuyển lựa ngôi nhà ấy và một ngôi nhà thờ sẽ được dựng nối tiếp vào đấy. Họ đã hội nghị chung với nhau và đến nói với con rằng họ đồng ý việc ấy. Ngay cả ông trưởng làng là một người bỏ đạo, đã đến dâng đất của ông ta cho con một cách kín đáo. Một trong những người giầu có nhất cũng làm như vậy. Nhưng để khẳng định sự việc, con muốn người ta trả một khoản tiền nhỏ cho chủ đất, và làng bắt buộc phải trả phân nửa, tức là hai quan tiền[1][17], và con hai quan tiền nữa, điều mà con đã làm ngay tức khắc.

Tuy nhiên, ông Đômingô, thày giảng, là con gà trống trong làng này, có suy nghĩ hơi nhiều một chút về ngôi nhà (nói trên), đã tụ họp bổn đạo lại. Sau khi thăm hỏi ý kiến với nhau, họ đến trình với con rằng họ e ngại người ta cáo tội họ đã xây một nhà thờ và một nhà các thiếu nữ. Con trả lời họ rằng họ hãy nói cho rõ ràng, rằng con biết một làng khác mà người ta chẳng có làm từng đấy những khó dễ đâu. Sự ấy châm chạm danh dự của họ, và họ nói với con là họ sẽ xây cất.

Tiếp đó, con nói với họ là con thấy nhân vì chuyện này, con nên đi ở một nơi khác trong thời gian ấy. Họ trả lời với con là chuyện không cần thiết và chẳng hề có nguy hiểm nào cả để con ở lại.

Ưó là sự thật tinh ròng và con chẳng hề thêm cũng chẳng hề bớt chút nào, nếu là để làm áp lực tinh thần. Con không biết xử sự sao hầu thuyết phục được họ, mà cácông xứ Bầu Nghè quá bối rối về lối hành động của họ đến độ họ muốn xây dựng lại nhà các thiếu nữ mà họ đã phá hoại và con chỉ chờ có điều ấy để gửi các thiếu nữ vào. Các thiếu nữ thì cứ thúc dục con mọi phía.»

Tai họa tại An Chỉ

 Vào mùa hè năm sau, 1678, thừa sai Mahot viết về Paris những dòng sau đây[1][18] :

«Tháng 7.1678

Tôi đã trở lại Xiêm La năm 1678 này, vào tháng năm, vì những tai nạn phiền phức đã xảy đến cho đạo :

Vào tháng chạp năm 1677, vì thù hận, một mụ đàn bà bỏ đạo đã làm chuyện tố cáo các người họ hàng thân cận của bà ta trước nhà vua[1][19]. Mụ ta thưa rằng họ đã giết chết một cha thừa sai là người đang đem những quà biếu rất giá trị đến vua để tước lấy những món quà đó. Mụ ta tố giác đạo và các bổn đạo và khai là có hai nhà thờ mở cửa cho khắp bàng dân thiên hạ, cũng như có một tu viện gồm 12 nữ tu, vân vân.

Nhà vua sai người đến nơi để xem xét sự kiện. Tôi đích thân đến nói với các kẻ được vua sai đi rằng đó là chuyện về tôi, rằng đó là chuyện vu oan cáo giả cho các bổn đạo đã giết tôi, bởi vì tôi vẫn còn sống đây, rằng tôi đã dâng cho vua các quà biếu mà người ta nói đến.

Tôi bị tống vào ngục cùng với các bổn đạo của tôi cho đến khi toà xử. Toà xử vào cuối mùa Chay năm 1678. Chúng tôi được thả ra như kẻ vô tội với danh dự và gương bác ái. Mụ đàn bà bỏ đạo đã bị xử phạt.

Tuy vậy, chuyện trên không giúp tôi tránh được bị cáo trước ông con rể nhà vua là người trông coi các khách ngoại kiều. Vào dịp ấy, theo một báo cáo ngụy tạo về tôi mà người ta đã trao cho ông ta, ông ta ra lệnh cho tôi phải trở lại Xiêm La.

Mặc dù tôi đã có thể tự bào chữa cho mình, nhưng vì một vụ kiện cáo khác đã lên tới nhà vua rằng chúng tôi đã cho làm một ngôi nhà thờ tại một trong những nơi sầm uất nhất của vương quốc, mà chúng tôi thì gồm nhiều cha thừa sai đang trốn ẩn nơi đây, và vì những kẻ vua sai đi đã đến tới nơi để khám xét sự việc, nên tôi quyết định ra đi ngay tức thì hầu khỏi làm tăng thêm lỗi của chúng tôi.

Tôi đi tới xứ Chàm, giáp cận với xứ Đàng Trong và với vương quốc Cam Bốt là nơi có nhiều bổn đạo gốc Đàng Trong. Nhung cho tới bây giờ, chưa có một dân bản xứ nào dám vào đạo chúng ta».

Và cũng trong năm 1678 đó, thừa sai Vachet ghi lại rằng[1][20] :

«Một đứa cháu gái của bà Lucia đã được rửa tội, nhưng sống thảm hại như kẻ độc dữ nhất trong những kẻ ngoại đạo, coi thường mọi lời dạy thánh thiện của cô mình. Nghĩ rằng mình chẳng còn hy vọng nào về của cải trong dòng họ, cô ta đã lập mưu kế đáng chịu hình phạt nhất trần gian hầu triệt hạ cô mình và kéo theo vào cảnh tàn rụi của bà cô nàng toàn thể các tín hữu trong xứ.

Mục tiêu chính của cô ta là tàn phá hoàn toàn các chị em Mến Thánh Giá. Cô ta đích thân đến triều đình, tạo một vài quen biết trong nhà một quan lại có thần thế là kẻ đại thù của bổn đạo.

Tìm được dịp cởi mở ra với ông quan ấy, cô ta thuyết phục ông rằng bà cô của nàng có những sản nghiệp giầu sang rất to lớn. Sản nghiệp ấy chỉ tới từ các cha thừa sai người Pháp là những kẻ thường thường cư ngụ trên phần đất của bà cô nàng. Các thừa sai ấy là những kẻ đầy dẫy vàng cùng bạc, và khi họ chết, bà cô của nàng thu hết của cải của họ. Và bà cô nàng đã làm chết một cha thừa sai (cô ta muốn nói đến người bạn đồng hành của cha Mahot là người đã đi một chuyến về Xiêm La mà người ta tưởng là đã bị chết đuối)[1][21]. Bà cô của nàng đã thu được nơi thừa sai ấy 30.000 quan tiền vàng ê-cu, không kể tới bạc, ngọc hạt và đá quý. Nhằm thu hút các thừa sai đến ở nhà mình, bà cô của nàng nuôi dưỡng những cô gái đẹp nhất trong tỉnh. Để có thể hiểu rõ chuyện, quan (chỉ cần) gửi người đến bắt quả tang và giữ lấy họ.

Cho dù có vẻ rất thô kệch, những lời tố cáo của cô ta không phải là không để lại ấn tượng khủng khiếp trên một con người vừa mê tiền của lại ham sắc dục. Con người khốn nạn đó đã khéo léo dùng các thủ đoạn mà xin nhà vua cho được bàn luận và tra xét lời tố cáo. Hắn đã biết lèo lái kế hoạch mình một cách rất kín đáo đến độ hắn đã đến nơi rồi mà người ta vẫn chưa nhận ra.

Nhờ một sự quan phòng thật đặc biệt, từ hai hoặc ba hôm trước, mười người trong số các chị em ấy đã sang ở ngôi nhà mới mà bà Lucia đã xây cho họ cách chỗ bà một dặm đường.

Đầu tiên, bà bị bắt với một người em gái, một người cháu gái với chồng cô ta, một người cháu trai với vợ của anh ta, hai trong số các nữ tu Mến Thánh Giá kỳ cựu nhất, mấy người hàng xóm và nhiều đầy tớ. Người ta chẳng phân biệt đàn ông đàn bà hay tuổi tác.[1][22]

Sau khi đánh đập các chị em thâm tím cả người cùng đỏ cả máu me, chúng bắt họ đeo gông, chúng trói tay họ lại, và chúng buộc họ vào cây sào mà chứng kiến cảnh chúng tàn phá bình địa ngôi nhà thờ là chuyện khiến họ rơi lệ hơn tất cả mọi thứ ác độc mà chúng đem ra hành hạ họ.

Còn lâu chúng mới tìm được những kho tàng châu báu nơi một phụ nữ đã vinh dự hiến trao mọi sự cho Chúa Giêsu Kitô. Cái trí tưởng tượng sai lầm của tên bạo chúa không thể nào giác tỉnh lại được với mọi lo lắng tính toán mà hắn đổ vào việc tìm kiếm và bách hại. Hắn tưởng tượng rằng vì lo sợ phải ra trình diện trước nhà vua là người chắn chắc sẽ ra lệnh tử hình họ, các chị em sẽ buộc lòng mà khai ra.

Hắn vừa mới đe loi dọa nạt thì các chị em đã rất hân hoan cất bước đi chịu tử vì đạo : các chị em đã nêu gương sáng cho hắn rằng là một niềm vui trọn vẹn khi mình cảm thấy được chịu đau khổ chút nào đó vì đạo Chúa[1][23] mà họ đã tuyên xưng với niềm hạnh phúc. Mọi lối làm giầu cho tên bạo chúa không xong, hắn quyết định đeo đuổi mũi nhọn của hắn và cho dong họ về triều đình. Về phần các chị em Mến Thánh Giá, người ta đã có đủ thời giờ mà kéo họ về nhà cha mẹ của họ cho tời khi nào cơn phong ba qua khỏi.

Chưa bao giờ tại triều đình người ta lại thấy có chuyện nào mà ồn ào xôn xao như chuyện này. Cha Mahot đã không đắn đo quyết định đi theo họ cách thật vội vàng; nhưng ngài chỉ có thể liên lạc được với họ sau khi họ đã đến nơi.

Điều khiến ngài xử lý như vậy là vì ngài có được sự dễ dàng chứng tỏ ra sự sai lầm và vu oan nơi các kẻ thù của họ. Điều đó cũng nhờ cậy ở ông quan triều đình[1][24] là người biết ngài rất rõ vào thời gian mà người bạn đồng hành của ngài đã đi về Xiêm La[1][25]. Và vì hai người đã hiểu biết nhau hoàn toàn và vì việc tố cáo chỉ có thể rơi về phía người của họ, nên chỉ còn việc làm sáng tỏ điểm này để minh chứng cho các kẻ bị cáo. Bởi vậy, cha Mahot chẳng khó khăn gì mà đến tự giới thiệu trước người em rể của nhà vua là người sẽ xét xử các lời tố cáo chống những kẻ có đạo. Trước tiên, ông (em rể nhà vua) hỏi ngài là với quyền thế nào mà ngài ở xứ Đàng Trong này. Ngài trả lời ông ta rằng ông quan nọ có biết sự việc này. Ngay tức khắc, người ta cho hai nhân viên hầu cận dẫn ngài đi tới (ông quan nọ) để xem coi quan nọ có quen biết ông (thừa sai này) chăng. Không ngần ngại gì, ông quan nọ nhận rằng ngài là người của ông ta. Ông quan nọ cậy nhờ kẻ đã dẫn cha Mahot tới về thưa với chủ nó rằng, tại vì quan coi là chắc chắn người ta chỉ dùng lời vu oan cáo giả để gây lo lắng cho các thần dân của nhà vua, nên phải làm gương mà phạt những kẻ đã mưu mô gây quấy quá qua những sự tố cáo có tầm mức rất quan trọng (như thế). Rằng dứt khoát chính ông ta sẽ kêu lên với nhà vua chuyện này ngay khi ông tới cung điện.

Vụ án nằm lại ở đó. Người ta chẳng rõ là các tù nhân chúng tôi có được sự tự do hay không, vì người ta buộc họ phải ra về mà chẳng nói cho họ vì lẽ nào cả…

Cha Mahot tận tâm tận tụy sửa sang lại những đổ vỡ vì cuộc bách hại.

Ngay khi các chị em Mến Thánh Giá đã phân tán về nhà cha mẹ hay được tin mừng bà ân nhân trở về mà không hề báo gì cho nhau, đều khẩn khoản xin cha Mahot cho phép trở lại nhà dòng nhỏ bé của họ. Và tựa như đã bảo nhau trước, tất cả các chị em đều gặp lại nhau cùng một ngày trời tại nhà dòng.

Sau khi thiết lập lại mọi sự, cha Mahot quay trở về xứ Fumoy của ngài».[1][26]

Tai họa đã tàn phá hoàn toàn nhà dòng tại An Chỉ trên được thừa sai De Courtaulin cho biết nguyên do như sau[1][27] :

«Sau cái chết của chồng bà Lucia, một người cháu gái của chồng bà tên gọi (nếu tôi không lầm) là Ma-đa-lê-na, thấy bà Lucia thương yêu một người cháu trai riêng của bà hơn nàng, và bà nuôi dưỡng nó tại nhà bà, thấy bà sẽ đem mọi của cải (vì bà chẳng hề có con cái) cho các cháu của bà và chẳng cho gì các cháu bên chồng bà, đã nghĩ ra một cơn tàn phá dữ dằn quá sức chống lại bà.»

Thừa sai De Courtaulin sau này cho biết là người cháu gái đã cáo gian bà cô mình và các chị em Mến Thánh Giá nói trên đã ăn năn hối cải và sửa mình hoàn toàn. De Courtaulin còn cho biết thêm : «Tôi bảo chị ta rằng : «Trọn sáu tháng trời, chị phải quỳ gối mà lần hết tràng hạt. Mỗi Chúa nhật, chị phải đến đứng trước cửa nhà thờ như một đứa tội lỗi xấu xa không đáng được nhận vào cộng đồng các người Kitô hữu khác. Về việc đền bù, chị sẽ khó khăn không ít vì chính chị còn chưa có gì mà sống. Chị sẽ chay tịnh bao nhiêu có thể theo sức của chị và theo tuổi già của chị». Chị ta đã thực thi rất đúng như tôi đã dạy bảo sau khi đã nghe những lời tôi khiển trách mà không hề cãi lại. Chị ta thú nhận mình là kẻ rất tội lỗi. Sáu tháng sau, trở lại nơi tỉnh đó, tôi cho chị ta lãnh nhận bí tích cáo giải giữa niềm vui rất lớn của tất cả mọi bổn đạo».[1][28]

Tái thiết nhà dòng

Vào năm 1679 là năm đức cha qua đời, thừa sai De Courtaulin có thuật lại rằng[1][29] [1][30] :

«Khi tôi trở lại Hội An năm 1679, tôi nhớ những lời căn dặn và mệnh lệnh rất thiết tha của đức cha Bêritê đã truyền cho tôi : phải làm tất cả những gì tôi có thể mà tái lập lại nhà dòng các chị em đồng trinh đã bị tàn phá vì cuộc bách hại. Nhưng nhận xét vấn đề theo cách nào đi nữa, tôi vẫn thấy những khó khăn rất lớn và những nguy hiểm rất ngặt nghèo : cho xây dựng lại tại nơi có trước ? Khỏi phải nghĩ tới chuyện đó. Bởi vì chúng tôi đã quá khủng khiếp về lối cư xử của mụ đàn bà ấy đã gây ra tất cả sự dữ đó đến độ chúng tôi không còn muốn nghe nói đến nữa. Tôi cũng chẳng có thể dựng lại (nhà dòng) trong tỉnh Quảng Nghĩa. Tại triều đình thì có quá nhiều nguy hiểm. Ở mọi nơi khác thì chẳng một ai muốn tỏ ra bằng lòng, đến độ chỉ còn lại cho tôi không một chỗ nào khác hơn là có thể xây cất (nhà dòng) cạnh nhà thờ của tôi ở Hội An. Và ở đó nữa, tôi thấy trước những chế nhạo ác liệt của những Hoa kiều, các người láng giềng của tôi, là những kẻ diễu cợt mọi chuyện, cùng các chế nhạo của những dân Đàng Trong không có đạo mà nhà của tôi nằm ngay giữa họ. Tôi cho qua tất cả mọi chuyện và phải vâng lời đức cha thánh thiện của tôi hơn là tất cả thế gian này.[1][31]

Bởi vậy tôi cho dựng một căn nhà bằng ván theo cách người bản xứ với một vòng rào chặt chẽ khắp mọi phía, trong khu vườn bên cạnh nhà thờ của chúng tôi. Sau khi nhà hoàn thành, tôi gọi tất cả chị em đồng trinh lại; (vì) các chị em đã trở về nhà cha mẹ.[1][32]

Các chị em đều vâng lời trừ vài một vài người; tôi đe loi họ rằng Chúa sẽ nặng tay trên họ. Sự ấy chẳng hề thiếu : một chị đi tầu bị chết đuối trong lòng biển; một chị khác ở nhà dòng nhưng ra khỏi mà làm điếm với một thằng con trai, sinh được một con trai gây gương xấu lớn trong khắp toàn tỉnh, nhưng bây giờ nó bị bỏ rơi trong nghèo nàn cực độ vì chẳng có ai thương hại chị ta cả; chị thứ ba thì vừa nghe lời tôi đe loi liền đi quyến rũ một đứa ngoại đạo bỏ vợ mình mà cưới lấy chị ta và nó đã làm như thể tôi chạy theo chị ta mà ngăn cản chị ta lại vậy; chị thứ tư khi ra đi trái với ý muốn của tôi thì ngã bệnh, và lúc khỏi bệnh rồi, chị ta cứ chạy đây chạy đó như một con mụ điên trong hoàn cảnh hết sức thảm hại.

Tôi sẽ kể lại nhiều gương tương tự, nếu như tôi muốn viết ra một cuốn sách hơn là làm một bản tường tình.

Tuy nhiên, những thiếu nữ đáng thương kiên tâm trung thành trong các giới luận tu trì thì bị hoả ngục tấn công hòng thúc đẩy họ rời bỏ nhà dòng.

Trước hết ma   quỷ gây xáo động tinh thần các Hoa kiều và các dân Đàng Trong ngoại giáo đến ca hát trước nhà họ những bài ca tục tĩu và những lời diễu cợt; những đứa khác thì đe dọa sẽ đi tố cáo họ với nhà vua; một vài đứa đã làm thực sự thế, nhưng ông Phu Ma chỉ cười chê chuyện ấy.

Ma quỷ thấy mình lỡ làng qua những cách thế trên, mà các chị em chẳng hề bỏ nhà dòng ra đi vì chuyện ấy, nên đích thân nó đến tấn công các chị em. Nó ném đá, ném củi gỗ lên các chị em trong khi các cửa ra vào cùng các cửa sổ đều đóng kín.

Phần tôi, tôi chẳng muốn tin cái chuyện trên và cứ tưởng tượng rằng ai đó bên ngoài hoặc chính chị em nào đó (ném đá gỗ như thế) nên đích thân tôi ở trong nhà; tôi cho dồn xếp tất cả các chị em vào một góc tường rào bên ngoài, còn tôi thì ở bên trong, với sự trợ giúp của năm hay sáu anh học trò[1][33][1][1], mà cửa ra vào cũng như cửa sổ đều đóng thật chặt. Cho dù tôi đã lo lắng và cẩn thận (đến độ vậy), tôi thấy rõ ràng bằng chính mắt mình, mà tất cả các anh học trò của tôi nữa, các mảnh gỗ rơi ngay giữa chúng tôi. Những mảnh gỗ ấy chỉ hiện ra dưới mắt chúng tôi khi chúng ở khoảng một tầm với. Và sự ấy diễn ra nhiều lần.

Những lần khác, người ta đã nhìn thấy ngay chính giữa nhà một bóng người đàn ông to lớn mặc toàn đồ đen, mà cửa ra vào cùng cửa sổ đền đóng kỹ lưỡng.

Lần khác nữa, là một trái cầu lửa đường kính vài gang tay, từ đất nổi lên cao độ nửa sải tay mà cứ từ từ bay lượn chung quanh ngôi nhà.

Sau cùng, ma quỷ thấy các chị em ở kiên trì trong ý định dâng mình cho Thiên Chúa bèn bỏ rơi họ.

Các chị em đồng trinh này đã được tiếng tăm rất lớn trong khắp cả vương quốc, bởi vi họ với số 15 người, sống rất mực trung tín các nghĩa vụ và luật lệ đời tu, dẫu họ phải triền miên làm việc sinh nhai để sống.»

Nhìn chung lại, cho tới thời điểm này, quãng những nẵm 1679-1680, chúng ta thấy những tên nhà còng tại các địa phương bắt đầu xuất hiện trong xứ Đàng Trong :

  • nhà An Chỉ do bà Lucia Ký đỡ đầu (mà sau bị tàn phá vào năm 1678, vì bà Ma-đa-lê-na Toan gây cớ cho quan lại cướp của bắt người),
  • nhà Bầu Nghè («chỗ nhà ông Tôme Dạ», không xa «nhà thày giảng Tiệc», với «ông Đômingô, thày giảng, là con gà trống trong xứ này»).

Cả hai nhà này đều trong tỉnh Quảng Ngãi (hay Quảng Nghĩa).

Tiếp đến,

  • nhà tại Diêm Dien («Tại Diem Dien, trong nhà bà Lucia (có lẽ là một người khác với bà Lucia Ký), ngày 22 tháng bảy…»),
  • nhà Lâm Thuyền (với các ân nhân là ông «Carôlô xứ Lâm Thuyền» và bà Teng).

Sau cùng, nhà Hội An, trong khu vườn bên cạnh nhà thờ của thừa sai De Courtaulin, tiếp các chị em thuộc nhà An Chỉ đã bị tàn phá.

Nhân vật hiên diện nhiều nhất trong thời kỳ này là thừa sai De Courtaulin, đến Đàng Trong vào tháng 4.1672 với chức quyền cha chính địa phận. Ngài có vẻ luôn tìm điều hành và giải quyết mọi việc với thế mạnh (position forte), ngay cả khi ngài cùng toàn thể những người có đạo nằm trong thế yếu. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube