DÒNG MẾN THÁNH GIÁ THẾ KỶ XVII THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC
Chương Sáu
Tại Xiêm La
Xiêm La là nơi các thừa sai người Pháp đặt trụ sở chính của họ, nhờ chính sách tự do tôn giáo thời nhà vua Phranarai. Từ ngày đến Juthia cho tới lúc qua đời, (tổng cộng là trên 17 năm), đức cha Lambert de la Motte thường xuyên sống ở đây. Ngài chỉ vắng mặt tại Juthia cả thảy là bốn lần, (tổng cộng là 27 tháng) : dự tính đi Trung Hoa nhưng không thành (mất 2 tháng), để đi Đàng Ngoài (9 tháng), để đi Đàng Trong lần đầu (9 tháng) và lần thứ hai (7 tháng).
Với một thời gian khá dài hiện diện tại Xiêm La, tại sao ngài đã không lập được ở đây một Hội dòng nữ Mến Thánh Giá sống động hơn ở Đàng Ngoài hay ở Đàng Trong là những nơi ngài chỉ đến thăm viếng rồi lại ra đi ?
Nói ngay ra, không chỉ việc lập dòng mà cả việc rao giảng Tin Mừng tại Xiêm La cũng đã gặp nhiều khó khăn, phát triển rất chậm. Có lẽ vì xứ Xiêm La đã ăn rễ sâu trong văn hoá Phật giáo Tiểu thừa (cũng như Cam Bốt và Lào), so với Việt Nam là xứ văn hoá Khổng Mạnh, gần gũi với sứ điệp Phúc Âm hơn.
Lập dòng nữ Mến Thánh Giá
Xiêm La là đất tiếp đón các thừa sai Pháp mới đến, trước khi họ được sai vào Đàng Ngoài hoặc Đàng Trong, hoặc nơi khác như Trung Hoa. Và cũng tại Xiêm La mà đức cha Lambert de la Motte đã xây dựng chương trình lập dòng nữ Mến Thánh Giá, (nếu không muốn nhắc lại dự định một «Hội dòng tông đồ»). Trong lá thư viết tháng 10.1667 gửi đức cha Pallu, ngài đã mộng ước[1][1]: «Việc thứ hai là thiết lập một cộng đoàn các thiếu nữ đồng trinh; cộng đoàn này có thể sẽ cũng vậy và sẽ đông hơn cộng đoàn các thày chủng sinh».
Sự thực, ngài đã không bao giờ thiết lập được ở Xiêm La «một cộng đoàn các thiếu nữ đồng trinh» đông đúc như ngài đã nghĩ.
Và trong ý định của ngài, có vấn đề «đưa một hoặc hai phụ nữ đức hạnh từ Pháp» sang để huấn luyện các nữ tu Mến Thánh Giá địa phương. Khi ngài đưa vấn đề này ra bàn thảo, các thừa sai đã không chia xẻ cùng một ý kiến với ngài, như lời thư của cha Langlois làm chứng[1][2] : «Về việc các nữ tu Âu Châu, tôi chẳng thấy có một cái ích lợi nào nơi xứ này cả; nơi đây, hôm nay chúng tôi còn được tự do, nhưng có thể ngày mai lại sẽ bị đuổi đi rồi. Trong lúc chờ đợi chúng tôi được bảo đảm về nơi chốn và phần lớn những vị quyền thế là người có đạo, thì chớ hề nghĩ tới gửi các cô hay các bà sang, họ chỉ làm rầy rà cho các thừa sai mà thôi. Khi nào có (nữ tu) trong xứ, lúc đó chúng tôi sẽ cố gắng cho họ những luật lệ giống như các nữ tu Âu châu, hay ít nữa, những luật lệ mà chúng tôi tin rằng có thể giữ được»[1][3]. Còn ở Đàng Trong, thừa sai De Courtaulin có vẻ coi thường người bản xứ nên viết cho đức cha Lambert de la Motte rằng : «Ôi, thật là nên mơ ước làm sao mà tìm được cách, với phép của vua ban cho chuyện này, đưa sang đây được một phụ nữ rất đức hạnh có lòng muốn dẫn dắt các cô gái này. Con chắc chắn rằng các cô sẽ đi ngang hàng với các nữ tu đã được tân cải nhất của nước Pháp».[1][4]
Vấn đề trên chỉ là ước mơ nơi một vài thừa sai : suốt thế kỷ 17 này, không hề có một nữ tu hoặc một phụ nữ đức hạnh Tây phương nào được đưa qua huấn luyện các chị em Mến Thánh Giá cả.
Từ Đàng Trong trở về vào quãng tháng 5.1672, đức cha Lambert de la Motte đã có cơ may lập được một cộng đoàn nữ Mến Thánh Giá nhỏ tại Juthia. Một đoạn thư gửi từ Xiêm La về Pháp đã được in và xuất bản cho mọi người biết rằng[1][5] :
«1672. Nhà tế bần cho kẻ đau ốm không phải là cơ sở duy nhất mà chúng tôi đã khởi công; cơ sở cho các nữ đồng trinh có đạo, mà đức cha Bêritê đã hình thành chương trình từ năm 1667, cũng đã được xử dụng ngay năm 1672, nhờ may mắn gặp gỡ được nhiều kẻ tỏ ra sẵn sàng với ý định ấy[1][6], và họ đã sống chung với nhau hồi cuối năm này trong tinh thần cộng đoàn, như các chị em mà chúng tôi đã thành lập vào những năm trước đây ở xứ Đàng Trong và xứ Đàng Ngoài; chuyện ấy, đức cha Bêritê đã viết cho bà bá tước [công tước] D’Aiguillon[1][7] hồi bà còn sống qua lá thư đề ngày 22.11.1672 của ngài sau khi từ Đàng Trong trở về».
Launay, khi viết quyển «Lịch sử truyền giáo Xiêm La»[1][8], đã ghi chú về các nữ tu Mến Thánh Giá tại Juthia như sau : «Ngài đã thực hiện chương trình thiết lập một nhà dòng nữ, «nhờ may mắn gặp gỡ nhiều kẻ tỏ ra sẵn sàng với ý định ấy». Các thiếu nữ này, số người là 4 hay 5 chị em, tất cả đều là người gốc xứ Đàng Trong. Ngài cho họ tên gọi là Mến Thánh Giá, cùng tên gọi như các chị em xứ Đàng Ngoài đã được thánh hiến cho Thiên Chúa dưới sự hướng dẫn của ngài».[1][9]
Chúng tôi không được biết, từ khi thành lập cho đến cuối thế kỷ 17, cái hội dòng Mến Thánh Giá nhỏ bé ấy tại Xiêm La đã ra sao, nhất là vào thời gian loạn lạc năm 1688 tại Juthia ?[1][10]
Đức cha Lambert de la Motte qua đời
Đức cha Lambert de la Motte, sinh ngày 28.1.1624 tại La Boissière, tỉnh Calvados, nước Pháp; qua đời tại Juthia, xứ Xiêm La, ngày 15.6.1679, lúc 55 tuổi.
Một vài lá thư mà chúng tôi trích dịch sau đây sẽ nói lên, không phải chỉ là những ngày sau cùng của một đời người, nhưng nhất là bản lãnh và sự nghiệp của một thừa sai tên tuổi vào những thế kỷ mới này : đức cha Lambert de la Motte, vị sáng lập dòng Mến Thánh Giá.
Thư của thừa sai Gayme gửi thừa sai Sevin[1][11] :
«Ngày 27.10.1679
Cái chết của đức cha Bêritê là nỗi đau buồn thứ nhất mà tôi phải nói với cha. Tôi nghĩ rằng cái tin này sẽ khiến cha khó ở cũng như đã gây thiệt thòi mất mát cho sứ vụ rao giảng. Chúc tụng Thiên Chúa trong mọi sự !
Đức cha qua đời hôm 15 tháng sáu vừa qua, vào 4 giờ sáng. Ngài đã chẳng hề nghỉ ngơi được suốt hai giờ đồng hồ liên tục bao giờ từ ngày cha đi khỏi, trước đó cũng thế. Sự buồn lo và ưu phiền là nỗi thống khổ lớn nhất của ngài. Cho tới hai tháng trước khi ngài qua đời, chớ có làm rầy rà ngài về bất kỳ sự gì và rất đỗi khó xử lý. Các học trò của tôi, suốt hơn bốn tháng trời, canh trực ở phòng ngài ban đêm, với một vài người khác nữa, để làm ngài khuây khỏa bớt. Trong vòng bốn mươi hay năm mươi ngày, tôi đưa ngài đi dạo bằng thuyền trên sông, vì thấy sự ấy giúp ngài, ít ra, giảm bớt nỗi lo buồn.
Từ hôm cha đi rồi, chẳng hề có ngày nào mà tôi lại chẳng bỏ ra cho ngài ba hay bốn giờ đồng hồ thời gian của tôi, cho tới quãng sáu tuần trước khi ngài qua đời, ngài bị một cơn sốt rất nặng. Tôi cho gọi ông Geffard đến, và trong suốt thời gian mà chúng tôi canh chừng trong phòng ngài, ngày và đêm, với các học trò. Tôi tự chỉ định mình canh thức ba phần, và các cha khác hai phần, lý do vì sự tin cậy đặc biệt của ngài nơi tôi trong việc cho ngài uống, cho ngài ăn, vân vân. Tôi không hiểu tôi đã có thái độ nào đối với ngài; nhưng chỉ có tôi mới có thể xử sự được với ngài.
Ngài chết vì kiệt sức vào cuối phiên canh của tôi, lúc 4 giờ sáng. Nửa đêm trước, ngài còn muốn chịu Mình Thánh Chúa và sai tôi đọc bản tuyên thệ đức tin của ngài. Tôi phải thú thật với cha rằng tôi đọc mà nước mắt ứa trên mi.
Quãng chừng tám hôm trước, cứ phải đổi giường cho ngài mỗi một khắc đồng hồ, cho đến cuối phiên canh của tôi là lúc ngài qua đời. Tôi không muốn ngài đổi giường nữa, sợ rằng ngài cứ ở trong tay tôi mãi. Suốt mười lăm ngày trước khi chết, ngài chỉ nói chuyện với chúng tôi, không chấp nhận bất kỳ người lạ nào khác.
Nghe tin ngài qua đời, gần như toàn thể khu phố người Bồ Đào Nha đều đến đây, cũng như hôm sau là ngày chôn cất ngài, tại nghĩa địa, trong một huyệt có tường gạch bao quanh».
Thư của đức cha Laneau gửi các giám đốc Chủng viện Hội Thừa Sai Paris[1][12] :
«Ngày 2.11.1679
Chớ gì Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta là đối tượng duy nhất cho tâm trí chúng ta.
Chúa đã ưng lòng cho chúng tôi chịu đau khổ vì sự mất mát trong năm này, khi Ngài cất khỏi chúng tôi đức cha Bêritê. Sự mất mát ấy, các cha đã chỉ rõ qua các bản tường thuật ngắn gọn của chúng tôi và qua các thư từ trước đây của chúng tôi, nên chúng tôi thấy phải kể chuyện cho các cha nhiều hơn nữa.
Đức cha đã chết đầy những đau khổ. Chúa đã cho ngài cảm nếm đến tận cùng sức nặng của thánh giá Chúa mà suốt đời ngài, ngài đã rất đỗi say đắm. Chúng tôi đã không dám ghi vào trong bản tường thuật tất cả những điểm đặc biệt về các nỗi thống khổ của ngài, sợ rằng điều ấy ra vẻ khó tin được cho những ai không hiểu biết đường lối mà Thiên Chúa dùng để đối xử với những ai được Ngài sủng ái nhất. Nhưng bởi vì giữa chúng ta, không được có sự giấu giếm nào, nên tôi mới nói với các cha đôi điều.
Đã từ nhiều năm rồi đức cha cảm thấy nhiều khó khăn khi đi tiểu; nhưng việc ấy đã không ngăn trở ngài làm được những công việc bình thường của ngài; mặc dù, sự thực là năm vừa qua, ngài đã không dám liều lĩnh đi sang xứ Đàng Trong.[1][13]
Ngày lễ Đức Bà Lên Trời, ngài bỗng bị một mụn nhọt mà chúng tôi tưởng là ngài bị trĩ; nhưng mụn nhọt phát lên thành nấm khiến ngài phải chịu những cơn đau đớn ác nghiệt. Ngài phải khổ sở chịu chúng tôi trị đặt những thuốc thang cần thiết.[1][14]
Đức vua xứ Xiêm La cho gửi tới ngài những thày thuốc của đức vua. Họ cho ngài một lượng lớn những thuốc thang. Nhưng mọi thứ ấy chẳng giúp ngài được sự gì, ngược lại còn làm ngài đau đớn thêm.
Sau đó, ngài bị cơn sốt nóng lạnh[1][15], bị khát nước, bị đi tiểu không ngừng, điều này khiến nghĩ rằng ngài không bị sạn. Nhưng lúc ngài chết rồi, chúng tôi mới tìm ra được ba hòn sạn lớn dính cả lại với nhau, điều mà trước đó chúng tôi không dám chắc, bởi chẳng bao giờ muốn chịu để khám xét, lý do là vì việc ấy vô lễ sỗ sàng. Cùng với ba hòn sạn, người ta còn thấy nơi ngài bọng đái đã hoàn toàn hư thối và lở loét, một trong hai quả thận sưng lớn như nắm tay với một mụn lở lói, do đó khiến nước tiểu của ngài rất nặng mùi.
Trong những tháng đầu, ngài còn chỗi dậy được; nhưng sau thì ngài buộc lòng phải hành xử ngay trong giường. Bởi thế, lại làm ngài chịu thêm mụn ghẻ lở nhiều nơi. Vào thời cuối cùng, ngài chỉ còn lại da với xương. Lúc ban đầu, ngài không thể đi việc cần thiết tiêu tiện được; và vào những thời gian sau cùng, ngài lại bị chứng đi tả.
Thật là thương xót khi nghe những tiếng kêu la của ngài khi những cơn đau đớn lại trỗi lên, gần như cứ từng mỗi khắc đồng hồ hay cứ nửa giờ một. Mà ngài thường bảo rằng tất cả sự ấy chẳng là gì hết so với sự buồn phiền và cay đắng ngập trong linh hồn ngài. Bởi vì Thiên Chúa đã cất hết nơi ngài mọi sự an ủi nội tâm. Chỉ còn lại cho ngài một tia sáng nhỏ nhoi, mà tôi không biết là ánh sáng gì, đã không để ngài tuyệt vọng. Ngài rơi vào những nỗi lo lắng và những sự tối tăm rất mực lạ lùng đến nỗi ngài không biết phải nằm quay mình về phía bên nào nữa. Ngài khiến khiêng ngài đi từ chỗ này sang chỗ khác. Và trong buồng ngài, ngài đổi giường liên tục. Tuy nhiên, vì ngài thấy rõ là chúng tôi coi là lạ lùng những nỗi lo lắng của ngài như vậy, ngài xin là đừng lấy đó làm gương xấu. Phải cho sự ấy vào cái tự nhiên đang than thở kêu than[1][16]. Nhưng cho dù tất cả giác quan đã hoàn toàn rơi vào trong hỗn độn và thảm hại, ngài vui hưởng một niềm vui sâu thẳm trong đáy linh hồn ngài. Mặc dù con thú nằm trong cực hình man dại, sự bình an nơi thượng phần vẫn không hề phai nhạt[1][17].
Ngài kêu than lên cùng Thiên Chúa, gần tựa như ông Gióp đã làm khi tới cùng cực những nỗi đau khổ. Lời thường xuyên hằng ngày trên miệng ngài chẳng là lời nào khác hơn lời này : «Auge dolorem, auge patientiam». Ngài nói rằng dù đôi lúc ngài đã có thốt lên những lời kém kiên nhẫn, rằng ngài không thực tình muốn thế, rằng ngài tuyệt đối chỉ muốn điều Chúa muốn. Người ta đề nghị ngài làm vài lời khấn hứa nào đó để xin Chúa cho được sức khỏe lại; nhưng khi đã kể cho tôi điều người ta đề nghị với ngài, ngài kết luận rằng ngài không dám xin Chúa cho được sức khỏe, và rằng ngài chẳng hề biết rõ đó sẽ là cùng sách hay không, xét về tuổi tác của ngài cùng những liệt lào ngài chịu. Ngài nói rằng ngài không còn quỳ gối được nữa, cũng chẳng làm việc đánh tội được, rằng ngài sẽ gây gương xấu cho các thừa sai.
Ngài tìm được sự nâng đỡ khi thấy đặng vài người trong chúng tôi. Nhưng vì ở đây có vô vàn công việc, nên thường khó lòng mà giúp đỡ được ngài. Chính ngài bảo chúng tôi thoái ra mà nói hãy đi làm việc của Thiên Chúa và hãy để ngài đau đớn.
Không bao giờ sự phán đoán của ngài bị giảm sút. Luôn luôn ngài trả lời cho tất cả mọi sự người ta đề nghị ra với ngài, cũng y như thời ngài mạnh khỏe.
Thường xuyên ngài rước Mình Thánh Chúa. Chúng tôi không thể tin nổi lòng sốt sắng thánh thiện mà ngài đã tỏ ra khi lãnh nhận những bí tích sau cùng của Giáo Hội.
Cuối cùng, ngài đã phó linh hồn cho Chúa trong tư cách con người đích thực của sự thương khó như ngài đã luôn luôn sống thế vậy, giữa những thánh giá và những nỗi khổ đau, (dù) bên ngoài và bên trong không như nhau[1][18], ở mọi nơi mà Thiên Chúa dẫn đưa ngài qua hầu để ngài chết đi trọn vẹn và để biến ngài nên bất khả thông phần vui mừng nào, nói được như thế, vào điều mà Thiên Chúa thực hiện qua ngài».[1][19]
Thừa sai Gayme còn gửi thừa sai Sevin một thư nữa, rằng[1][20] :
«Ngày 22.11.1679
Tôi quả quyết với cha rằng đức cha đã chịu đau đớn hết sức ngài có thể chịu được. Tình cảnh của ngài khiến tôi động lòng thương cảm. Và nhất là vào cuối đời ngài, nỗi lo buồn đã xâm chiếm ngài quá sức đến nỗi cứ phải đổi giường nằm cho ngài mỗi một khắc đồng hồ.
Cha Gioan d’Abreu lúc đó có mặt ở Xiêm La đã tới thăm ngài với cha Motta, bốn mươi ngày trước khi ngài ra đi. Một người Bồ Đào Nha tại Ma-cao nhiều thiện chí đã muốn giúp đức cha một vài vị thuốc. Thuốc của ông ta đã giảm dịu cho đức cha được một ít lâu, nhưng cơn đau lại quá lớn».
Đức cha Pallu[1][21] :
«Đức cha Bêritê quỵ ngã trong nhiệm vụ; nhưng ngài đã biết khéo léo dàn xếp những tâm trí và hoà giải mọi sự nhờ tính dịu dàng, kiên nhẫn và độ lượng của ngài, nhờ gương sáng một đời sống thánh thiện, luôn luôn mực thước, không bao giờ lay chuyển dưới cách thức nào đi nữa, nhưng đặc biệt nhờ kinh nguyện khẩn thiết của ngài nơi Thiên Chúa và sau hết, ngài đã đem về tất cả mọi lòng trí xa cách. Ngài đã nên một bậc thày và sắp đặt tất cả theo như ngài muốn. Tất cả những ai biết đức cha Bêritê đều hiểu rằng khó mà tìm được một người nào thích hợp riêng như ngài vào nhiệm vụ được ủy thác mà ngài thực hiện.
Sau Thiên Chúa ra, chính nhờ ngài mà người ta có được những công trình tại Xiêm La, tại Đàng Trong và tại Đàng Ngoài. Giữa những công trình đó, ngài đã phải vượt qua nhiều khó khăn và chịu đựng những công kích rất kịch liệt. Ngài đã khéo léo trang bị cho hai sứ mệnh thừa sai sau này[1][22] chống lại sự ly khai (trong Giáo Hội), đó đã là chuyện công khai; hai sứ mệnh rao truyền trên vẫn đứng vững cho tới rầy, lại được tăng cường thêm nhiều và phát triển mạnh, cho dù những kẻ cạnh tranh với chúng ta vẫn mang lòng ham muốn và có những cố sức liên tục.
Thiên Chúa đã ban cho ngài một tinh thần dũng cảm, không hề biết đầu hàng, cũng không hề nhu nhược, khi ngài thấy cái lý nằm bên phía ngài. Tuy nhiên, ngài biết nhượng bộ kịp thời khi cần, và cho đi sự gì đó để đạt được điều cơ bản.
Ngài đáng kính phục nhất là trong những phương pháp xử lý mà ngài không bao giờ thiếu. Sau hết, ở đây, không khi nào ngài thực hiện sự gì quan trọng mà ngài lại không đi tới cùng. Những đối thủ của ngài là những người Bồ Đào Nha, người Hoà Lan, người Anh và nhiều nhân vật thế giá khác, người giang hồ[1][23], người Trung Hoa, người Xiêm La. Ngài vượt thắng được tất cả và bó buộc họ phải nhượng bộ, mà không bao giờ làm họ bị tổn thương. Và tất cả những sự đó, ngài thực hiện mà không bao giờ ra khỏi căn phòng mình, hoặc có ra thì cũng cực kỳ họa hiếm, và có thể nói chẳng bao giờ ngài xuất hiện mà vùng vẫy khuấy động».[1][24]
Tại Roma, vì chưa hay tin đức cha đã qua đời, ngày 4.10.1679, đức giáo hoàng Innôcentê XI viết gửi sang ngài bức thư sau[1][25] :
«Ngày 4.10.1679
Những bức thư mà đức cha đã viết cho ta từ Xiêm la làm cho ta được vui mừng, và vui mừng hơn nữa vì phải mất thời gian dài thư mới tới được ta, nếu như gọi được là lâu thời gian mà thư từ đến từ chốn xa xôi ấy. Ngoài sự kính trọng mà đức cha đã biểu lộ ra đối với bản thân ta, không phải vì công trạng cá nhân của ta, song vì sự quan phòng của Thiên Chúa đã đặt ta trên Toà này mà điều khiển Hội Thánh, ta rất hân hoan được hay tin mùa gặt phong phú, vào những ngày này, cho cánh đồng của Chúa được thêm bội phần nơi những vùng đất xa xôi đó.
Tin tưởng rằng đức cha làm việc hăng say cho công trình đáng ca tụng ấy, và đức cha có nhiệt huyết truyền bá đức tin công giáo, với tình cảm thắm thiết nhất trong tình yêu thương của người cha, ta ôm hôn đức cha trong Chúa; hãy tin rằng sự giúp đỡ của ta luôn luôn trợ lực những cố gắng đạo đức mà đức cha không ngừng thực hiện, hầu đạt tới mục đích sang trọng của đức cha và thu được phần thưởng dọn sẵn trên trời cho đức cha…. Ta thân ái ban cho đức cha phép lành tông đồ».
Mộ của đức cha Lambert de la Motte bị xúc phạm
Ngày 18.5.1688, tại Juthia, một quan cận thần tên là Pitracha, nhờ sự hưởng ứng của giới tu sĩ Phật giáo, nổi loạn đem quân bao vây triều đình. Vua Phranarai bệnh hoạn và buồn phiền mà chết trong cung đêm ngày 10 tháng bảy sau đó.[1][26]
Vào tháng 11 tiếp theo, đức cha Laneau, các thừa sai, các thày chủng sinh và nhiều giáo hữu bị bắt vào tù. Ngôi nhà Chủng viện Thánh Giuse tại Juthia bị cướp phá, rồi được dùng làm trại lính và chuồng nuôi ngựa.[1][27]
Thừa sai Martineau người Pháp là một trong ba thừa sai không bị bắt vào tù, vì ngài đã già nua, ra sống trong giáo xứ Việt kiều cạnh Chủng viện. Ngài viết lại một bài tường thuật về vụ bách hại này (từ ngày 9.11.1688 đến 28.7.1690)[1][28]. Trong đó, có đoạn nói đến chuyện phần mộ của đức cha Lambert de la Motte bị xúc phạm như thế nào :
«Cơn thịnh nộ và cuồng điên chúng chống lại chúng tôi cứ đổ lên đầu lên cổ những kẻ còn sống như vậy, nhưng chưa đặng thỏa thích, chúng lại còn tìm đến cả những người đã chết, hay đúng hơn, đến những hài cốt của người quá vãng còn lưu lại cho chúng tôi. Chúng tìm tới tận mồ mả người đã chết : chúng khai quật xương cốt đức cha Bêritê và th?a sai De Chandebois[1][29] lên, ném khắp bên này bên nọ[1][30]. Nhưng lòng đạo đức của những giáo dân Việt kiều Đàng Trong đã thúc đẩy họ đến thu lượm những hài cốt ấy mà đem chôn cất lại. Tôi biết rằng lòng gian tà và cơn đói khát vàng bạc nơi những kẻ ngoại đạo là nguyên do mạnh mẽ nhất khiến chúng lục lạo như thế đến tận các phần mộ, tin rằng cứ như phong tục của họ, sẽ tìm được chút gì nơi đó».
Tháng 8.1690, tất cả được ra khỏi tù, Chủng viện Thánh Giuse được trao trả, song chẳng còn lại gì trong đó. (Còn tiếp)
LM. Giuse Đào Quang Toản