Ký Sự Cuộc Hành Trình Của Đức Cha Beryte (Chương 7-8)

KÝ SỰ CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA ĐỨC CHA BERYTE – Jacques de Bourges

Chương 7

Tiếp theo cuộc hành trình của chúng tôi tới Massulpatan

Ngày 6 tháng Ba, chúng tôi đến Massulpatan. Thành phố này là một hải cảng nằm bên bờ biển Coromandel, ở độ thứ 16. Chúng tôi đã phải lên một cây cầu gỗ, dài có đến một dặm, được quản trì kỹ lưỡng: từ khoảng này tới khoảng nọ, có những bậc thang để đi xuống phía dưới. Không có cây cầu này thì chẳng thể nào tới Massulpatan được, vì khi thủy triều lên, nước biển bao trùm hết một phần lớn cái xứ ao đầm nơi thành phố này.

Một trong các người hầu của chúng tôi đi trước chúng tôi để tìm thuê một căn nhà. Hắn đến gặp ông y sĩ giải phẫu người Pháp đang phục vụ trong Hãng hải thương Hòa Lan. Ông này sai tên đầy tớ người Hòa Lan ra tiếp chúng tôi ở cửa thành; bởi thế, người ta cho chúng tôi là người Hòa Lan và chúng tôi tránh được trấn thuế vụ: người Anh và người Hòa Lan không hề phải đóng thuế hàng hóa họ đưa qua, nhờ các điều kiện khác đã thỏa thuận với nhà vua xứ Golconde.

Người ta không thể không gặp thấy người Pháp trong thành phố này. Thành phố này là hải cảng chính của xứ Golconde. Tuy nhiên không phải là cảng thuận lợi nhất, vì, nói ngay ra, không hề có cảng, chỉ có một bãi biển hay một cái bến nơi tàu bè đến thả neo, cách thành phố bốn giờ đi đường. Lại nữa, người ta không thể chất hàng được nếu không ra từ sáng sớm, nhờ gió mát từ lục địa thổi ra và thủy triều lên cao. Và cũng không thể ngăn được sự thể, dù gió có nhẹ nhàng và biển chỉ hơi động, là các con tàu đã chất hàng nặng sẽ bị chạm đáy cát và người ta không sao tránh khỏi bị đắm, nếu chỗ ấy có vài tảng đá ngầm. Vùng chung quanh thành phố là vùng sình lầy, tường thành thì chẳng có giá trị gì, trong thành thì đầy dãy những căn nhà nhỏ bé dồn ép và chồng chất cái này lên cái nọ, đường xá thì lại nhỏ hẹp khúc khuỷ, trừ ra những khu người Mahomed giầu có với những căn nhà xây lớn và vài con đường rất quang đãng.

Đây là một thành phố đông dân và thịnh vượng nhờ các lái buôn từ khắp nơi đổ đến. Người Anh và người Hòa Lan lập ở đây những cửa hàng hay thương điếm to lớn. Người ngoại quốc thích ứng khó khăn với khí hậu nơi đây và gần như phải trả giá mọi thứ phiền hà: người ta bị một chứng khó chịu hay thổ ra máu, gây ra vì nước độc uống phải.

Thực ra, người ta tìm được tại đây một thứ nước uống khác coi được như một thứ rượu trái cây, đó là loại rượu thơm li-cơ mà dân địa phương lấy ra từ một số cây lá không phải là chà là. Người ta chặt một cành gần thân cây hoặc rạch một đường vào vỏ cây, từ đó chảy ra một thứ nước li-cơ màu trắng lợt và làm thành bọt tựa như bọt bia vậy. Để hứng được chất nước ấy, họ đặt một cái bình bằng đất ở đầu cành cây hay ở chỗ đã rạch ra, rồi mỗi sáng họ đến lấy đem bán ngay vì không thể giữ quá một ngày mà không bị hư hoặc hóa giấm. Cứ thế, họ bán rất rẻ, họ gọi chất li-cơ ấy là «tari» hay «sur», và dùng để làm dậy bột thay vì men bên chúng ta. Họ còn có một thứ nước uống khác do tự một thứ cây lá khác mang trái gọi là «cok» hay «coko», mà người Bồ Đào Nha gọi là «lagnas» khi cây còn tươi và mềm. Chính trong những trái «coco» này mà người ta tìm được một thứ nước trắng, ngọt (1). Nhưng phải làm quen với tất cả những thứ li-cơ ấy. Tôi nghĩ là cho sức khỏe, những thứ ấy dù tốt nhất vẫn không bằng nước sông Sein.

Khí hậu ở đấy nóng bức khủng khiếp trong vòng 4 tháng trong năm, và mất khoảng 10 hay 15 ngày, nóng không thể chịu nổi. Bởi vì không khí bị hun đốt do sức mặt trời đến độ người ta chỉ tạm đặt được bàn tay trên vách tường làm bằng một mảnh ván thường. Tường thì bị mặt trời dọi nắng và bị nóng cháy bên trong nhà cũng như bên ngoài nhà. Gió nóng lại thêm vào cái nóng, vì gió thổi hơi nóng thêm. Người ta chẳng còn cách nào khác để sống thời gian ấy hơn là núp trong nhà, che quần áo, xối nước không ngơi khắp phía mà làm mát tường nhà và không khí. Cái khó chịu này chỉ kéo dài vài hôm, khoảng 8 giờ mỗi ngày, trước và sau giờ ngọ. Thời nóng ấy vào tháng Năm: xem đấy coi Thiên Chúa đã muốn dân buôn phải trả giá mắc mỏ những phú quý họ tìm nơi xứ người, đã muốn họ chiến đấu nghiệt ngã vì lợi nhuận bằng những thứ nghiệt ngã khác. Thấy ra rất dễ rằng ở những nơi mà dân Âu Châu tha thiết chuyện thương mại thì lại là những nơi khí hậu khó chịu nhất, như Bassora, Comoron, Ormus, Mascati, Massulpatan, vân vân.

Xứ không hiền cũng chẳng phì nhiêu, đất đai chỉ được hai hay ba mùa hạt giống mỗi năm. Vì dân chúng địa phương vui chịu với rất ít thứ, hoặc về nhà cửa, hoặc về áo quần, hoặc về lương thực, nên họ có đầy dẫy cái để sống lại rẻ nữa. Bởi vậy họ sinh lười biếng, tin tưởng vào lòng tốt và tính sinh hoa kết quả của mặt đất, ít chịu khó lượm lặt. Từ chỗ đó, khi gặp thời mất mùa vì trời không mưa, những người cha người mẹ hay phải buộc bụng đem bán con mình để tìm của sống. Thường họ đâu tìm bán con cho người bản xứ được, nhưng chỉ cho người ngoại quốc. Những người này đem gạo hay lúa mì vào bờ biển mà đổi lấy nô lệ, giá rẻ mạt nên họ hay tìm được trẻ con với giá một hoặc hai quan tiền ê-cu.

Ở thành phố này, người ta có gợi ý cho chúng tôi về một chuyện, mà về chuyện ấy tôi có ngay một ý kiến khác: nhiều người khuyên chúng tôi đưa tiền cho một số dân buôn đi từ Massulpatan sang Tenasserim, bảo đảm rằng họ sẽ trả cho chúng tôi 35% tiền lời và rằng họ sẽ trả tiền cho chúng tôi cả vốn lẫn lời ngay khi chúng tôi tới Tenasserim. Tôi không xét xem chuyện này ở đây có thể thực hành hợp với lương tâm hay không, vì đó là thói quen địa phương. Tôi chỉ cảnh cáo rằng người ta chơi trò quá may rủi sợ không được cả cái cơ bản lẫn cái lời lớn, người ta nịnh nọt những kẻ mới đến để gạt gẫm họ. Bởi vì đến Tenasserim rồi, chúng tôi mới biết những đồng bọn của các lái buôn phúc hậu ấy đã hứa lời lãi kếch xù, đều nghèo nàn quá đỗi, mặc dù người ta đã khua chuông gõ mõ rao cái đáng tin cậy cho họ. Chúng tôi hiểu là (nếu cho họ mượn tiền) chắc chắn sẽ phải trở ngược lại Massulpatan mà chạy theo sau đồng tiền đã bỏ ra. Vậy chớ để bị quyến rũ vì lời hứa hẹn lời lãi kếch xù. Ngoài ra, luôn luôn là thứ khó coi cho một người thợ Phúc Âm thu lợi nhuận đưa lại, trừ ra qua những cách thức đã được phép, và không những thế, mà lại còn phải ở ngoài cả những cách có thể bị nghi ngờ rằng được hay không được trong sạch và phù hợp với sự thánh thiện của đấng bậc.

Suốt thời ở Massulpatan, chúng tôi dò hỏi kỹ lưỡng về tình trạng tôn giáo tại xứ Pegu, để lỡ khi chúng tôi đi sang Trung Hoa không được (2). Chúng tôi học được nơi những kẻ đã cư trú tại Ava, kinh đô của xứ Pegu rằng nhà vua xứ ấy, dù theo Ngụy giáo, lại cho phép giữ đạo thánh của chúng ta, rằng các thầy tu và dân chúng nơi đó thích nghe giảng về mầu nhiệm đức tin thánh của chúng ta, rằng việc còn lại là sai gửi đến đó những ai chỉ đi tìm ích lợi Thiên Chúa và phần rỗi kẻ khác.

Còn về đường đi từ xứ Pegu sang xứ Trung Hoa, chỉ mất 20 ngày đi bộ. Vào thời chúng tôi ở Massulpatan, con đường này không được xử dụng, vì vua xứ Pegu cấm ngặt, không muốn ai lai vãng để giữ bí mật đối với xứ người Hung Nô mà nhà vua vốn sợ hãi: quân Hung Nô đã xâm lăng Trung Hoa, sợ sẽ sang chinh phục các xứ bên cạnh. Đó là lý do mà những năm sau này các thừa sai và hành khách không được xử dụng đường ấy là đường dễ dàng từ Masulpatan và từ khắp các hải cảng nằm trên bờ biển Coromandel đến tận các tỉnh phía tây Trung Hoa. Nhưng lệnh cấm này chỉ là để phòng ngừa, nên có vẻ sẽ không kéo dài, chứng thực là tại Ava có một số đông gia đình người Trung Hoa cư ngụ, đã từ Trung Hoa sang Pegu bằng đường bộ.

Chương 8

Xuống tàu tại Masulpatan đi Tenasserim

Chúng tôi lưu lại Masulpatan 20 ngày: nhiều người Công giáo đạo hạnh, trong đó có các cha Ephrem và Zenon dòng Phanxicô Capuxanh ngụ tại Madraspatan là trấn thuộc người Anh quốc, đã mời chúng tôi đến thăm nhà họ. Họ quả quyết là chúng tôi nên rời ngày xuống tàu vào tháng Tám sắp tới, là mùa dễ chịu hơn và đi biển bớt nguy hiểm hơn. Tuy nhiên vì lòng ao ước muốn đến được nơi sứ vụ thừa sai của chúng tôi, chúng tôi không cho phép mình rời cuộc hành trình lại. Chúng tôi bỏ cảng Masulpatan ngày 26 tháng Ba, trên con tàu của người More.

Tàu đi bình thản, không gặp giông bão, chúng tôi chỉ khó chịu vì gió lặng buồn bã, nhất là khi mặt trời lên tới trên đỉnh đầu (1).

Vượt biển mất 33 ngày, đến ngày 28 tháng Tư thì chúng tôi tới cảng Meriguy, cách Tenasserim 15 dặm.

Qua nhiều điều đã nhận thấy, chúng tôi phải tạ ơn Chúa vì cái hạnh phúc trong cuộc vượt biển của chúng tôi: bố trí rất thô sơ, con tàu chúng tôi không thể nào chống trả nổi một cơn bão hơi lớn. Hoa tiêu là một người Bồ Đào Nha, khá lanh lợi, nhưng cứ nhất định không chịu nghe ai, sợ lộ ra cái kém cỏi của mình. Và để có một hoa tiêu phụ, anh chàng chọn một tên dốt nát nhất – chàng ta thú nhận với chúng tôi như thế – ngại rằng thay vì có được một ông bạn phụ tá thì lại trúng ngay một ông thầy. (Mặt khác), các con tàu người More đều trang bị rất thô sơ. Hơn nữa, khúc biển mà chúng tôi đi qua lại là chỗ rất nhiều bão tố, và đã có nhiều tàu bè bị đắm nơi đấy rồi.

Chàng hoa tiêu lái tàu quá kém nên dù thuận thời tiết, chúng tôi cứ tưởng là đã bỏ mình giữa quần đảo tử thần Andamans rồi (2): quần đảo này vốn nổi tiếng đáng sợ trong vùng biển ấy, vì cái hung bạo của đám người man rợ sống trên đó. Khi chúng tôi đang sắp trôi xuống phía cực nam, thì một hành khách đã quen xứ này mới nhận ra được (dù đi trong đêm) cái hiểm nghèo của chúng tôi. Tên hoa tiêu hoảng sợ lên, và dò đáy biển xong, anh chàng phải nhận là chúng tôi cách đất liền không xa. Bởi thế, trở đầu lại tức khắc, tàu đã qua được ngay chính giữa quần đảo trên. Làm như thế thì cũng như là đem chúng tôi nghiền nát trên đất liền rồi. Bởi vì các dân trên đó dữ tợn đến độ chúng giết chết và tàn sát không thương xót các kẻ lạ mặt đặt chân lên quần đảo của chúng, hay bị bão đưa vào đó. Chúng sẽ tức khắc biến kẻ bị tàn sát thành món ăn ngon lành của chúng.

Có một con tàu, rời cảng Masulpatan cùng lúc với chúng tôi, đã phải chịu cảnh man rợ của đám người nói trên. Thiếu nước và lầm đường, con tàu quyết định đi tìm nước trên một trong các hòn đảo ấy. Người ta cho 37 người mạnh dạn nhất, trong số ấy có vài người Bồ Đào Nha, xuống một chiếc xà lúp: họ vừa chạm chân lên đất liền thì một đám quân man rợ đã xông vào họ. Trước tiên, bọn chúng đập chiếc xà lúp tan thành mảnh vụn, rồi sau đó bắn tên tấn công đám người này. Mặc dù dân đi tàu là dân được trang bị vũ khí rất đầy đủ, nhưng tất cả đều bị tàn sát ngay tại chỗ, bị chiên lên, bị nướng lửa, thỏa cơn điên cuồng lũ man rợ đó. Chỉ duy nhất có một người thoát được vào rừng, chờ đêm xuống lẻn ra bơi về tàu. Con tàu không tìm được nước, buộc lòng đã phải quay trở lại Massultapan theo chiều gió, dù gần cảng Meriguy hơn, nơi mà họ đã tưởng là sắp đến được.

Một vài chiếc tàu Hoà Lan muốn biết rõ quần đảo này cũng không được tiếp đón khá hơn. Bởi vì khi họ vừa thả neo gần quần đảo thì đã sửng sốt thấy mình bị bao vây mọi phía bởi hằng hà sa số những chiếc thuyền con chở đầy dân mang cung mang nỏ, phóng tên không ngớt trên họ, khiến họ phải trở lui ra.

Quần đảo Andamans gồm rất nhiều hòn đảo hợp lại, trải dài từ phía nam lên phía trung, từ vĩ tuyến 11 tới vĩ tuyến 13. Tại các vùng biển này, chỉ có các dân ở đảo là mọi rợ, hung ác; còn các dân khác sống trên đất liền như dân Xiêm La, dân Băng Gan thì hiền lành và xử sự được, họ đón tiếp người nước ngoài và buôn bán tự do với họ.

Phần còn lại, về bốn con tàu rời Massulpatan cùng lúc với con tàu chúng tôi là chiếc duy nhất thoát khỏi mọi tai nạn, còn các chiếc khác đều bị lắm thứ phiền hà khác.

Trong suốt cuộc hải hành, chúng tôi không phải chịu cực cho thân xác mình là bao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng bị vài hạt nước mưa. Và vì trời có lúc nắng như thiêu như đốt, chúng tôi phải chịu những cơn nóng khủng khiếp. Điều khiến chúng tôi phải khổ tâm và đau lòng như cắt là phải nhìn tận mắt cảnh dị đoan của những lương dân, của người More và của những người khác bày ra để cầu gió thuận. Thấy mình khó ở vì trời lặng gió, họ chạy kêu cầu các thần thánh của họ: trước tiên, họ chế ra những con thuyền nhỏ xíu quãng hai bộ rưỡi, cũng có giây dợ, buồm, cột, rồi họ để đầy thức ăn vào, đoạn thả xuống biển. Họ vừa trông theo vừa cầu khấn ầm ỹ cho tới khi trông còn nhìn thấy được nữa.

Chuyện đó không chưa đủ, họ còn cầu cứu đến ma thuật (3): họ dán đầy khắp mình một thứ tiền giấy, rồi làm thành đám rước, trong đó có đủ mặt các thuyền viên, đi theo thứ tự, tay cầm gậy đập nhịp nhàng. Một ông già đạo mạo theo đám rước tới xông hương các cột buồm trong khi tất cả đều đứng lại trong hàng ngũ, thưa đáp kinh ông già xướng bằng một thứ bài hát rất khó nghe. Họ vào tất cả các phòng trên tàu. Chúng tôi cản không cho họ vào phòng chúng tôi, trấn an họ rằng chúng tôi cầu xin Thiên Chúa của chúng tôi, trong phòng riêng mình, là Chúa Cả trời đất, Ngài sắp đặt mọi sự theo thượng trí khôn ngoan của Ngài. Thánh Phanxicô Xaviê cũng đã từng gặp cảnh đau lòng tương tự. Chúng tôi cố gắng dâng hiến tấm lòng mình cho Chúa hằng sống vĩnh cửu. Đối với chúng tôi là cả một nỗi đau đớn khôn tả khi nhìn từng đấy cảnh nhục mạ mà không sao ngăn cản được, nghe thâu đêm và gần như mỗi giờ đồng hồ tiếng lệnh của một tín đồ Mahomed truyền cho đoàn thuyền viên kêu cầu Đấng Tiên Tri bất hạnh của họ (4).

Tuy vậy, phải kiên nhẫn, vì chúng tôi không thể không sợ rằng cái tinh thần xấu xa nào đó ám vào đám dân này khiến họ lại nghĩ trong đầu họ rằng chính chúng tôi đã ngăn gió lại và làm chậm trễ chuyến đi. Như thế là đủ cho họ nổi điên lên mà đem thiêu sống chúng tôi rồi.

Thiên Chúa do lòng nhân từ của Ngài đã kéo chúng tôi thoát khỏi những hiểm nghèo ấy.

Ngay lúc tới Meriguy, các quan thuế vụ đóng ở đó vì quyền lợi nhà vua xứ Xiêm La đã đến thăm tàu chúng tôi và lập biên bản người và hành lý trên đó. Rồi họ gửi một bản các thứ họ tìm thấy cho quan toàn quyền và các quan binh tại Tenasserim là những kẻ ban lệnh xuống theo như ý họ xét: hoặc là con tàu được lên đến tận Tennasserim, hoặc là phải cho hành lý và người xuống các con thuyền nhỏ. Phải luôn luôn có phép ban xuống, không bao giờ cho ai được đi lại trên lãnh thổ của vua Xiêm La mà không có giấy thông hành của quan toàn quyền và các quan binh của nơi mình đến.

Cái chậm chạp của những dân xứ này thật là đến cực độ, con tàu của chúng tôi chỉ có thể đến Tenasserim vào ngày 19 tháng Năm mà thôi. Ngay ngày hôm đó, chúng tôi đến thẳng chỗ cha Gioan Cardoza dòng Tên, người xứ Bồ Đào Nha. Về chuyện này, cha đã có lòng gửi sẵn chiếc thuyền nhỏ của cha đi đón chúng tôi.

Ngày hôm sau nữa thì chúng tôi được giấy phép đi lấy mớ đồ đạc nhầu nát của chúng tôi về, sau khi đã được quan toàn quyền và các quan binh khám xét khá sơ xài. Họ chỉ chú ý đến mấy cỗ tràng hạt bằng sừng sơn đỏ mà họ tưởng là bằng xà cừ. Họ đóng thuế là 8%, theo loại chứ không theo giá trị như chỗ khác vẫn làm. Họ chẳng lục lọi ai, chẳng lấy tiền bạc của ai, và cũng chẳng khó khăn gì cho hành khách nào muốn dấu diếm một vài thứ đồ quý giá đem từ Âu Châu sang để làm quà cáp trong nhiều cảnh ngộ. Những thứ đồ quý giá ấy là mấy cái đồng hồ, mấy bức họa nhỏ, những tác phẩm toán học, những cỗ tràng hạt bằng hổ phách và bằng xà cừ, những thứ ấy dùng để tạo uy tín cho người Âu Châu.

Phí tổn đi từ Masultapan đến Tenasserim cho lộ phí, cho đồ đạc, không lớn lắm, vì cho 5 người chúng tôi là chỉ khoảng 42 đồng.

Chúng tôi ở lại nhà cha Cardoze hai hôm. Cha phải lo cả hai nhà thờ cho tới khi nào có người mới sẽ được sai tới, thay vào chỗ của một cha trước lo nhà thờ đó song mới qua đời hồi tháng Giêng vừa qua. Chúng tôi đã sang ngụ tại nhà cha quá cố đó và ở đấy suốt thời kỳ chúng tôi lưu lại tại Tenasserim.

Bởi vì không thể đừng và cũng không thể xét đoán cách nào khác để giữ kín chức phẩm của đức cha Beryte (5), ngài phải nhậm lời kêu xin của vị tu sĩ tốt lành ấy và các Kitô hữu do cha chăm sóc tới ban Phép Thêm Sức hai ngày thứ Tư và thứ Bảy, tuần Bốn mùa Hiện Xuống. Tuy nhiên, chúng tôi lại nóng lòng đi tiếp đoạn đường. Chúng tôi đã phải gắng sức mình mới có được giấy thông hành mà chúng tôi nhận được hơi khó khăn và phải chi ra 10 quan ê-cu để dễ dàng việc chuyển gửi.

Vào lúc đó chúng tôi mới hiểu rõ ra được cái mạo hiểm của những con tàu biển mà tôi đã nói đến: con tàu thứ nhất chở các chỉ thị và thư tín của các cha dòng Tên gửi cho các khu vực nơi đây đã bị đắm; người ta nghĩ là một con tàu khác cũng chịu đồng số phận vì đi đã lâu ngày mà không thấy tin tức chi cả; con tàu thứ ba bị bão tố đầy đọa đã rơi vào cảnh khốn cùng; con tàu chở chúng tôi thì được thoát khỏi mọi tai ương.

Trong thời gian ngắn ngủi lưu tại Tenasserim, chúng tôi tìm hiểu các phương thức sẽ phải xử dụng để đem đức tin vào các khu vực này: chỉ thiếu một số thợ đầy đủ mà thôi.

Toàn thể cái xứ Tenasserim này đều theo Lương giáo và Ngụy giáo, hoàn toàn mù mịt mọi điều về Thiên Chúa và về phần rỗi đời đời. Chúng tôi có đi lại thăm một vài thầy cả chủ chốt của họ mà họ gọi «Talapoin» (6). Nhờ một người thông dịch, chúng tôi đàm đạo với một thầy về những điều thuộc tín ngưỡng của thầy. Chúng tôi thấy nơi ông thầy này đầy những sự u mê, mâu thuẫn và vô lý; về mỗi điều cắt nghĩa của thầy đưa ra, chúng tôi chẳng tìm được cái lý nào khác hơn là cái lý rằng điều ấy đã được ghi trong kinh điển của họ như thế. Phần còn lại, thầy lắng tai thích thú nghe những điều chúng tôi cắt nghĩa về cái cao vời của Đấng Tạo Hóa, Chủ Tể muôn sự vật, về cái thánh thiện của Kitô giáo, về ngày thế mạt và về sự sống mai hậu cùng các phương tiện đạt đến.

Thầy ấy cho chúng tôi hiểu là thầy có lòng tán thưởng các Kitô hữu và thầy nghĩ là Kitô giáo là tốt, song không vì đó mà thầy lại kết án cái tôn giáo của thầy (7). Thầy cho chúng tôi hiểu là ở cái xứ này, người ta công nhận sự thánh thiện của Kitô giáo và đó là lý do duy nhất để người xưng đạo được hoàn toàn tự do (8).

Thực vậy, tự do không thể còn lớn hơn được nữa: nơi đây, người ta nghe những tiếng chuông nhà thờ, thấy các giáo đường mở rộng cửa, hát xướng thờ phượng, giảng dạy công khai, không một điều ngăn cản. Đó là điều làm cho chúng tôi an tâm tin rằng chúng ta có thể chăm lo mảnh đất này và biến nó thành Kitô giáo bằng cách sai gửi đến những người thợ xứng đáng. Về chuyện ấy, có thể người ta lại càng thấy phấn chấn hơn khi mà người ngoại quốc rất được tiếp đón trong xứ này và đường đi – đường bộ hay đường biển – không có gì là khó khăn cả. (Còn tiếp)

LM. Giuse Đào Quang Toản dịch và chú thích

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube