Những Cải Cách Trong Lịch Sử Dòng Mến Thánh Giá (Phần 1)

Ngày 02.02.2000 vừa qua, bảy hội dòng Mến Thánh Giá tại Sài Gòn đã chính thức theo Hiến Chương mới, được soạn lại theo tinh thần công đồng Vaticanô II và bộ giáo luật năm 1983. Nhân dịp này, chúng tôi tìm hiểu những cải cách nơi dòng Mến Thánh Giá từ khi dòng được thành lập vào năm 1670 cho đến ngày nay. Chúng tôi xin được trình bày cho quí bạn đọc bài viết của chúng tôi thành từng tiết mục như sau :

1/- Thành lập dòng năm 1670

2/- Những thay đổi đáng kể từ khi thành lập cho đến đầu thế kỷ 20

3/- Sau bộ giáo luật năm 1917

4/- Sau công đồng Vaticanô II và Nhóm Nghiên Cứu

Chúng tôi không có ý đi vào những chi tiết, vì chỉ mong phác thảo lại nơi đây một vài cải cách tương đối quan trọng nơi dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam mà thôi. Sau cùng hết, những ghi chú cuối bài viết sẽ giúp quí bạn tìm lại các tài liệu mà chúng tôi xử dụng để soạn thảo bài này.

1- Thành lập dòng năm 1670

 Từ thế kỷ thứ 17 cho đến thế kỷ thứ  20, thái độ chính thức của Toà Thánh trong vấn đề các dòng nữ là một thái độ dò dẫm, quá thận trọng, nên không mấy được rõ ràng, và nhất là không đáp ứng mau lẹ được nhu cầu đạo đức nẩy sinh trong Giáo Hội.

Khi đức cha Lambert de la Motte (Lâm Biên Mộc) thành lập dòng Mến Thánh Giá vào tháng Hai năm 1670 tại Đàng Ngoài, các chị Mến Thánh Giá không được Toà Thánh coi là các nữ tu, chỉ được xem như các phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi.

Tại sao thế ?

Câu trả lời rất giản dị là vào thời đó, chỉ được Toà Thánh coi là nữ tu các phụ nữ có lời khấn trọng thể (voeux solennels) trong các đan viện kín (monastère) mà thôi. Còn những chị em nào chỉ có lời khấn đơn (voeux simples), như gập thấy ngày nay, thì chưa đủ để được coi là nữ tu.(1)

Nhưng nhu cầu trong Giáo Hội thế kỷ 17 còn cần những phụ nữ phục vụ trực tiếp tha nhân, đặc biệt là người nghèo, trong lòng xã hội. Hai trường hợp điển hình nói lên sự khác biệt và xung đột giữa nhu cầu Giáo Hội và lập trường của Toà Thánh trong vấn đề này phải kể đến trường hợp dòng Thăm Viếng (les Visitandines) của thánh François de Sales và dòng Nữ Tử Bác Ái (les Filles de la Charité) của thánh Vinh-Sơn.(2)

1.1. Dòng Thăm Viếng : một thất bại.

Thánh François de Sales, với sự cộng tác của thánh nữ Chantal, lập nên dòng Thăm Viếng năm 1610. Ý định của thánh nhân là tạo thành một nhà dòng nữ chỉ có lời khấn đơn và không có nội cấm, mà đời sống cầu nguyện sẽ gắn liền với công việc phục vụ bệnh nhân. Ngài muốn tạo ra một đời sống tu trì thích ứng cho các phụ nữ không hợp đời sống trong đan viện kín.

Tuy nhiên, năm 1618, khi các nữ tu Thăm Viếng của ngài nhận được bản Hiến Chương do giáo quyền phê chuẩn vĩnh viễn thì, hỡi ơi, họ buộc phải làm lời khấn trọng thể và phải sống khép mình vào tu viện kín cổng cao tường. Thánh François de Sales đón nhận chuyện xảy đến như một thất bại chua chát đối với ý định lập dòng ban đầu của ngài.

Chuyện đã xảy ra như vậy, tất cả là do vị giám mục nghiệt ngã địa phận Lyon, đức cha Marquemont, muốn đem áp dụng triệt để những phán quyết của công đồng Tri-đen-ti-nô là bắt buộc ai muốn làm nữ tu phải sống trong đan viện kín, không được ra khỏi nội cấm. Vị giám mục này đã thành công trong chương trình thay đổi dòng Thăm Viếng. Nhưng sau này, người mà giám mục thành Lyon ấy đã “sửa sai” lại được Giáo Hội tuyên phong “Thánh Tiến Sĩ” : François de Sales (+1622).

(Đấng sáng lập dòng Mến Thánh Giá có lòng sùng mộ cách riêng thánh François de Sales và thánh nữ Chantal).

1.2. Dòng Nữ Tử Bác Ái : một thành công.

15 năm sau chuyện dòng Thăm viếng, năm 1633 tại Paris, thánh Vinh-Sơn cùng với thánh nữ Louise de Marillac thành lập dòng Nữ Tử Bác Ái.

Cũng như thánh François de Sales, thánh Vinh-Sơn không hề muốn các “con gái” của ngài trở nên các nữ tu đan viện. Bởi thế, ngài không tìm tạo nên cho các con cái của ngài một thứ đời tu chính thức theo luật Giáo Hội lúc đó; ngài chỉ đề ra một lối sống trung gian, nằm giữa lối sống giáo dân thường và lối sống tu sĩ cổ điển. Và đó là cả một sự mới mẻ vào thời kỳ đó.

Nhân dịp này, thánh nhân đã viết ra một lời mà lịch sử Giáo Hội sẽ cẩn thận ghi nhớ :

“Các chị em sẽ lấy giường bệnh nhân làm tu viện, lấy phòng trọ làm phòng tu, lấy nhà thờ giáo xứ làm nhà nguyện, lấy đường phố làm nội vi, lấy đức vâng lời làm nội cấm, lấy lòng kính sợ Thiên Chúa làm song cấm và lấy đức khiêm nhường làm khăn voile tu phục”.

Các Nữ Tử Bác Ái của ngài không làm lời khấn trọng thể, chỉ có lời khấn đơn mà thôi. Các chị cũng không mang tu phục đặc biệt nào, ăn mặc hoàn toàn như các phụ nữ bình thường thời ấy. Bởi đó, giáo luật lúc ấy không coi các chị Nữ Tử Bác Ái là nữ tu, chỉ xem như các phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi. Tuy nhiên, thánh Vinh-Sơn đã thành công trong ý định lập dòng của ngài là có các nữ Kitô hữu đạo đức, lo phục vụ người nghèo và bệnh nhân. Ngài có vẻ mong được yêu thương và phục vụ hơn là được nhìn nhận.

1.3. Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam : năm 1670.

Tháng Tám năm 1669, đức cha Lambert de la Motte từ xứ Xiêm-La sang thăm viếng mục vụ địa phận Đàng Ngoài (Bắc Việt). Nhờ công lao chuẩn bị trước của cha Deydier Phan có mặt tại đó từ năm 1666, ngài tụ họp và hướng dẫn được một số phụ nữ vào đời sống tu trì. Vào thứ Tư lễ Tro, ngày 19.02.1670, ngài cho hai nữ tu đầu tiên tuyên khấn trong dòng Mến Thánh Giá tại Phố Hiến : chị Anê và chị Pao-la.(3)

Như thế, dòng Mến Thánh Giá đã được giám mục Lambert de la Motte thành lập. Toà Thánh chuẩn nhận sự thành lập này bằng cách ban các ân xá đặc biệt cho dòng Mến Thánh Giá.

Khi thành lập dòng Mến Thánh Giá, đức cha ban ra một “Hiến Chương” để các chị biết “lấy Thánh Giá Chúa làm việc suy niệm suốt cả đời mình cùng mỗi ngày thông phần vào các sự đau khổ của Chúa”. Ngài nêu ra cho các chị 5 công tác cụ thể phải thực hiện, hoàn toàn có tính cách truyền giáo. Sau đó, ngài đặt để cho các chị 14 điều phải giữ như nội quy nhà dòng. Ngài dạy trong điều Một :

“Ai là kẻ thấy mình được gọi vào Hội dòng này phải làm ba lời khấn quen thuộc là khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, và chỉ được chấp nhận sau hai năm thử luyện”.

Ngoài 3 lời khấn dòng ra, ngài xác định rõ ở điều Năm rằng :

“Các chị em được miễn khỏi giữ luật nội cấm do sự bó buộc đặc biệt là các chị em cần chuyên tâm vào việc rỗi linh hồn của tha nhân theo thể lệ Hội dòng của mình”.

Đức cha không áp đặt một tu phục đặc biệt nào cho các chị; do đó, các chị ăn mặc như các phụ nữ thường dân thời ấy.

Một năm sau đó, năm 1671, đức cha Lambert de la Motte lập dòng Mến Thánh tại địa phận Đàng Trong, rồi tại địa phận Xiêm La (1672) cũng theo một thể thức ấy.

Tóm lại, các chị Mến Thánh Giá không làm lời khấn trọng thể cũng không sống trong nội cấm; trái lại, các chị chỉ có lời khấn đơn và sống giữa lòng xã hội.

Thánh François de Sales đã lập các chị dòng Thăm Viếng để phục vụ bệnh nhân, thánh Vinh Sơn lập các Nữ Tử Bác Ái để phục vụ người nghèo; còn đức cha Lambert de la Motte thì lập các chị Mến Thánh Giá để lo việc truyền giáo ở địa phương của mình.

Mãi đến cuối thế kỷ thứ 19, Toà Thánh mới chính thức nhìn nhận là để trở thành nữ tu đích thực, chỉ cần ba lời khấn đơn là đã đủ : “Sắc lệnh Ecclesia Christi ngày 11/8/1889”. Từ đó, để trở thành nữ tu theo luật Giáo Hội, không còn cần lời khấn trọng thể và phải sống trong đan viện kín như trước nữa.

Theo cái nhìn giáo luật thì như thế. Còn trong thực tế, các nữ tu đã làm lời khấn đơn thì vẫn được mọi người coi là nữ tu, kể cả các bậc chủ chăn, cho dù ngay cả khi họ không mang tu phục đặc biệt nào như trường hợp các nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam cho đến thế kỷ thứ 20.

Như chúng ta đã thấy, vì có sự khác biệt giữa đời sống thực tế trong Giáo Hội và thái độ chính thức của Toà Thánh, khi đọc các sử liệu liên quan tới nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam, đôi khi chúng ta sẽ gặp những từ ngữ vừa mập mờ, vừa lẫn lộn, do các vị thừa sai ngoại quốc để lại. Đặc biệt các từ “đan viện” (monastère), “tu viện” (couvent), “cộng đoàn tu” (communauté), “nhà ở” (maison), thì chỉ là một thứ nơi các thư từ và các bản báo cáo của các thừa sai nói trên. Chỉ có từ “nữ tu” (religieuse) là tương đối được xử dụng một cách nhất thống mà thôi.

Chúng tôi xin trích dẫn lại vài lời sau đây để có cái nhìn chung về tình trạng “giáo luật” của những nữ tu Mến Thánh Giá tại Việt Nam từ khi thành lập cho đến đầu thế kỷ thứ 20 :

Vào năm 1835:

“Các nữ tu, gọi là Mến Thánh Giá, (…) không hề giữ nội cấm, ngay cả vào những thời kỳ mà đạo không hề bị bách hại. Hội dòng của họ đã được thành lập trên một thế kỷ rồi; thường thường, họ không làm lời khấn, và sống nhờ mồ hôi của mình, làm ruộng từ sáng đến chiều hoặc lo buôn bán gánh gồng trên lưng…”.(4)

Đức cha Retord Liêu :

“Mỗi nhà các nữ tu có một bà bề trên riêng, và chính giám mục là bề trền tổng quyền của hội dòng. Các chị được Toà Thánh nhìn nhận; nhưng các chị chẳng làm lời khấn, nếu không là lời khấn đơn và tạm (mais elles ne font pas de voeux, sinon simples et temporaires)”. (Thư tháng Giêng 1846).(5) (Còn tiếp)

Linh Mục Giuse Đào Quang Toản (Mùa xuân 2000, Toulouse)

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube