Di cảo số 7 – Những Trực Giác Mới Của Một Nhà Thừa Sai… (Phần 1)

Di Cảo số 7

NHỮNG TRỰC GIÁC MỚI CỦA MỘT NHÀ THỪA SAI NHẬN ĐƯỢC TRONG LÚC NGUYỆN NGẮM,

VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI TÔNG ĐỒ VÀ HIỆP HỘI

NHỮNG NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ ĐỨC GIÊSU KITÔ

Ayutthaya, năm 1668

BÀI TỰ SỰ

(Bts)

 (AMEP, vol. 121, tr. 756-762; Les Relations, tr.230-241)

 

A. Lời giới thiệu

Di Cảo này mang tên Những trực giác[[1]] mới của một nhà thừa sai nhận được trong lúc nguyện ngắm, về việc thành lập Hội Tông Đồ và Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô, được viết vào khoảng năm 1668, mà Nhóm Nghiên Cứu gọi là Bài Tự Sự. Nội dung gồm:

  1. Chương I, Đức Cha Pierre Lambert kể lại kinh nghiệm năm 1633 lúc lên 9 tuổi, với những yếu tố chính sau đây:

a. Ngài xác tín rằng Chúa Kitô muốn mượn thân xác ngài để tiếp nối những hy sinh lao nhọc của Chúa, tương tự như kinh nghiệm của Thánh Phaolô được phản ánh trong thư Côlôsê 1,24: “Tôi hoàn tất nơi thân xác tôi…” (x.Bts I,4-5).

b. Ngài biết điều Chúa đòi hỏi là hằng ngày vào giờ nguyện ngắm buổi chiều, làm việc đánh tội trong thời gian đọc Thánh vịnh Sám hối để suy tôn Hy lễ Thánh Giá và hoàn tất điều duy nhất còn thiếu nơi hy tế bàn thờ là phải có sự đau khổ (x.Bts I,6-7). Ngài cũng ghi lại những suy tư tinh tế sâu sắc về chức linh mục và Thánh Lễ (x.Bts I,8-16).

c. Ngài nhận ra ý định của Thiên Chúa về việc thành lập hai tổ chức mang tính chất tông đồ thừa sai:

  • Hội Tông Đồ dành cho các Giám Mục, Linh Mục và Thầy Giảng (x.Bts I,17-18).
  • Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá để cộng tác với Hội Tông Đồ trong công việc truyền giáo (x.Bts I,19-26).

Ngài liên kết một cách minh nhiên ý định thành lập Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá với trực giác ngài đã nhận được 35 năm trước, nghĩa là vào năm 1633, lúc lên 9 tuổi (x.Bts I,26; ngoài ra Bts I,3 có thể hàm chứa một ám chỉ về trực giác đó). Cảm nghiệm thiêng liêng thời niên thiếu ấy đã được ngài ghi lại trong lá thư gửi cha Vincent de Meur ngày 03.11.1663[[2]].

Các thành viên của hai tổ chức này phải làm việc đánh tội vào buổi chiều (x.I,17.20).

Chương I của Bài Tự Sự giúp chúng ta hiểu trực tiếp đặc sủng và linh đạo Mến Thánh Giá của Đức Cha Pierre Lambert, và hiểu gián tiếp đặc sủng và linh đạo Mến Thánh Giá của Dòng Nữ Mến Thánh Giá như việc phân tích Bức Tâm Thư đã cho thấy[[3]].

  1. Các chương II-V trình bày chi tiết lối sống của Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Đây là phần mà Đức Cha Pierre Lambert dịch sang tiếng Latinh để đệ trình Đức Giáo Hoàng Clêmentê IX xin phê chuẩn như là bản luật của Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô Chúa Chúng Ta (x.T.Clem 23-25). Văn bản chính thức này đã được phiên dịch sang tiếng Việt với tên gọi Luật Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế. Đó là Di Cảo số 6 của vòng tròn II[[4]].
  2. Trong chương VI Đức Cha Pierre Lambert suy niệm về niềm hạnh phúc của những người sẽ được gọi vào một trong hai Hiệp Hội trên.
  3. Chương VII ghi lại ơn Chúa soi sáng cho ngài biết việc thành lập hai Hiệp Hội nói trên là một phương thế tối ưu để làm sáng danh Thiên Chúa.
  4. Trong quá trình tiến hóa ngữ nghĩa của cụm từ Les Amateurs de la Croix – Những Người Mến Thánh Giá, Bài Tự Sự là văn bản đầu tiên cho thấy Đức Cha Pierre Lambert dùng cụm từ này để gọi các thành viên thuộc phái nam và phái nữ gia nhập Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế. Trước đó, cụm từ ấy chỉ áp dụng cho phái nam mà thôi (x.1Nng; 3Nng). Chặng cuối cùng của quá trình tiến hóa này là việc ngài thành lập Tu Hội Nữ Mến Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô – Les Amantes de la Croix de Jésus-Christ tại Đàng Ngoài ngày 19.02.1670, chỉ dành cho phái nữ.

B. Văn bản

Chương I

NHỮNG TRỰC GIÁC MỚI CỦA MỘT NHÀ THỪA SAI

NHẬN ĐƯỢC TRONG LÚC NGUYỆN NGẮM,

VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI TÔNG ĐỒ

VÀ HIỆP HỘI

NHỮNG NGƯỜI MẾN THÁNH GIÁ ĐỨC GIÊSU KITÔ.

 

1Tôi đã có một ước nguyện lớn lao là chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô. 2Thế nên, tôi xin Người soi tỏ cho biết có thể làm cách nào để biểu lộ mối tình ấy. 3Câu trả lời trong nội tâm là: Tôi đã có ý niệm về điều đó hồi nào rồi, nhưng hôm nay câu trả lời vừa trở nên rõ ràng hơn đối với tôi, vừa gắn liền với một ước muốn cực độ thi hành đến chết tiếng Chúa trong tôi. 4Ánh sáng ấy có hiệu lực đặt tôi trong tình trạng được thôi thúc mãnh liệt dâng tiến, trao gửi và cống hiến thân xác tôi cho Đức Giêsu Kitô, để Người dùng mà thực hành những việc đền tội, hãm mình, và Người có thể tiếp nối sự hy sinh lao nhọc hằng ngày trong một thân xác có khả năng chịu đau khổ, do chính Người mượn lấy và tuyển chọn cho mục đích đó[[5]].

5Trong những lúc ấy, tôi thấy đây là cách Thánh Phaolô đã thực hành như ngài thú nhận: “Tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho thân mình Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).

6Bí quyết mới mẻ này làm đẹp lòng Đức Giêsu Kitô khiến tôi say mê. Tôi đã thiết tha khấn xin thực hiện và để được ân sủng ấy, tôi hăm hở đi dâng Thánh Lễ với ý nghĩ: nhờ hy tế khôn tả này, Chúa sẽ tỏ rõ thánh ý Người cho tôi. 7Rồi tôi biết điều Chúa đòi hỏi nơi tôi là hằng ngày, vào giờ nguyện ngắm buổi chiều hay ban đêm, tôi phải làm việc đánh tội trong khoảng thời gian đọc Thánh vịnh Sám Hối (Tv 50), để long trọng suy tôn Hy Lễ Thánh Giá cao cả của Chúa và cũng để hoàn tất điều duy nhất còn thiếu nơi hy tế bàn thờ là phải có sự đau khổ.

8Trong khoảnh khắc ấy, tôi hạ mình thẳm sâu vì thấy ân sủng Chúa ban thật quá lớn lao, khi Người tuyển chọn tôi để bổ sung điều đó. 9Nhưng nội tâm tôi nói rằng: 10Lạy Chúa! Chúa dùng một người tội lỗi để thi hành việc hy sinh hãm mình thì có gì vẻ vang? Dường như Chúa để cho con làm một việc đền bù đích đáng hơn là hy sinh thay cho Chúa”. 11Lúc đó tôi nhận ra một trực giác có sức cuốn hút tâm trí tôi đến ngây ngất, làm cho tôi biết được những điều sau đây: atrong hành động này, phần của Chúa Giêsu Kitô rất lớn; bThiên Chúa, Cha của Người khi nhìn vào thân xác và cánh tay Người mượn, thì chỉ thấy trực diện các đau đớn của Con mình; csự kiện Chúa Cha hằng hữu ưng nhận như thế, phải là quy tắc hướng dẫn tôi về cách ứng xử đối với trường hợp đó và dạy tôi phải giữ tâm thế hoàn toàn thụ động cả bề trong lẫn bề ngoài. 12Đến giờ, tôi cử hành Thánh Lễ, sau đó tiếp tục nguyện ngắm, lòng đầy hân hoan, an ủi và quyết tâm thi hành thánh ý Thiên Chúa. 13Tiếp đến, tôi dành một khoảng thời gian nghiền ngẫm về sự hoà hợp giữa việc hy sinh Chúa muốn tôi thực hiện, và hy tế bàn thờ Người hiến dâng mỗi ngày qua bàn tay tôi; tôi chú ý tới quyền hành Người ban cho tôi đối với chính Mình và Máu của Người[[6]], quyền mà tôi có thể thi hành theo ý muốn. 14Khi suy nghĩ như vậy, tôi kêu lên trong nội tâm: aChúa ơi! Đúng ra con phải dành cho Chúa quyền hành tuyệt đối trên mình và máu của con, để Chúa định đoạt hoàn toàn theo ý Chúa muốn. bLạy Thiên Chúa của con, từ nay xin Chúa hãy là người tế hiến mình và máu con như một sự vật thuộc trọn về Chúa. Con không có quyền gì trên nó nữa, mà chỉ là thừa tác viên thi hành mọi ý muốn thánh thiêng của Chúa đúng như lệnh Chúa truyền cho con”.

15Vì không còn sở hữu chút gì đáng kể nơi chính mình, nên tôi được tỏ cho biết: aChúa ban cho tôi ơn đặc biệt sử dụng quyền hành trên tôi như thế; bơn đó lớn hơn ơn Người ban cho tôi sử dụng quyền hành trên Người, dựa trên một đặc quyền kỳ diệu gắn liền với những ai được Người tuyển chọn, để tiếp nối cuộc đời đau khổ của Người[[7]]; cđặc quyền này là không bao giờ bị từ chối những ơn mình cầu xin với Thiên Chúa.

16Sau đó, tôi biết một trong những ý định chính yếu của Thiên Chúa là hình thành một Hội gồm những người tông đồ, buộc họ mỗi ngày phải làm việc hy sinh như thế vào buổi chiều[[8]]. 17Mặc dầu đó chỉ là việc đạo đức đặc thù của những ai đã tuyên khấn sống trọn lành, những ai hiện đang phục vụ công cuộc truyền giáo như tất cả các vị thừa sai và thầy giảng. 18Nhưng tôi thấy rõ Thiên Chúa sẽ được tôn vinh cực độ, nếu dưới sự chỉ đạo của những người này, một Hiệp Hội được thành lập cho những người giàu đức hạnh và chuyên cần nguyện ngắm, thuộc mọi phái tính và địa vị xã hội, cũng như gồm tất cả những ai thực sự ước ao hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa; 19những người ấy sẽ tự buộc mình mỗi ngày làm việc hy sinh như vậy vào buổi chiều, để tưởng niệm Chúa Giêsu chịu Thương Khó và Chết trên Thập Giá; 20và vì lý do này, Hiệp Hội có thể mệnh danh cách chính đáng là Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá. 21Hơn nữa, mục đích riêng biệt của Hiệp Hội thánh thiện này là chứng tỏ một lòng tri ân đặc biệt đối với Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh, chịu chết để cứu chuộc toàn thể nhân loại, 22và dùng kinh nguyện, hy sinh, hãm mình làm cho ý định của Con Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người đạt được hiệu quả, không những đối với lương dân, mà còn đối với những người sống trong tội lỗi. 23Bằng cách đó, các vị thừa sai Tông Tòa sẽ nhận được sự trợ giúp đắc lực để làm việc có kết quả là đưa các linh hồn trở về với Chúa.

24Trực giác này đã làm tôi nghiêng mạnh về việc thỉnh cầu Toà Thánh thiết lập[[9]] Hiệp Hội ấy; và đem hết lòng khiêm nhường nài xin Đức Thánh Cha ban ân xá mỗi ngày cho tất cả những ai được nhận vào Hiệp Hội, những ân xá mà mỗi người có thể nhường lại cho người sống và kẻ chết. 25Tôi phải nói rằng đây là một sự làm sáng tỏ đặc biệt và rộng rãi hơn cái trực giác đã được ban cho tôi trên 35 năm nay[[10]], về việc thành lập Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá và nghĩa vụ của Hiệp Hội.

 

Chương II[[11]]

NHỮNG TRỰC GIÁC KHÁC ĐẶC BIỆT HƠN

VỀ CÙNG MỘT ĐỀ TÀI

 

1Tôi đã thấy rằng những gì là ân sủng và thánh đức nơi những người đã, đang hoặc sẽ hiện hữu trên đời, đều xuất phát từ Thánh Giá Đức Giêsu Kitô. 2Thế nên, thật rất đáng kinh ngạc, vì người ta đi tìm ở đâu đâu những phương thế cần thiết cho việc nên thánh, chứ không tìm nơi Thánh Giá. 3Các thừa sai Pháp rất xác tín về chân lý lớn lao ấy, và nhận thức rằng vác Thánh Giá Chúa Cứu Thế trong tâm hồn và ngoài thể xác là việc đạo đức vượt trên các việc đạo đức, nên đã khuyến khích các tín hữu đi theo con đường diễm phúc và chắc chắn đó. 4Một vài tâm hồn say mê con đường này, đã khẩn thiết yêu cầu phải hình thành một Hiệp Hội gồm những người chuyên chú đi theo con đường ấy suốt đời. 5Lời khẩn cầu tốt đẹp ấy là hiệu quả của ân sủng phi thường trong họ, buộc các nhà thừa sai đặt nền tảng đầu tiên cho một Hiệp Hội tại Xiêm La, để phổ biến khắp nơi trong các miền truyền giáo, và Hiệp Hội được mệnh danh là Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá Đức Giêsu Kitô.

Chương III[[12]]

MỤC ĐÍCH CỦA HIỆP HỘI

 

1Mục đích chính yếu được đề ra khi hình thành Hiệp Hội này là phổ biến khắp nơi tình yêu thực tiễn đối với Thánh Giá Con Thiên Chúa; 2và làm sao cho các thành thị cũng như xóm làng đều có một số tín hữu không những hằng ngày suy gẫm, mà còn thực sự thông phần các đau khổ của Đức Giêsu Kitô bằng việc chế ngự thân xác[[13]]. 3Sự thực hành việc đạo đức thánh hảo này có tác dụng tạo ra nhiều ơn lành trong các địa phương ở đây, đến độ những ai có diễm phúc lãnh nhận các ơn ấy, đều chỉ tiếc rằng đã bắt đầu thực hành quá muộn, hay nói đúng hơn đã không biết điều đó sớm hơn nữa. 4Nhưng cuối cùng “bây giờ chính là lúc những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Chân Lý, vì Chúa Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Ngài như thế” (Ga 4,23).

5Ngay sau khi việc suy gẫm và noi theo Thánh Giá Đức Giêsu Kitô được đề nghị với những Kitô hữu tại đây, để họ thực hành hằng ngày, nhiều người đã ôm ấp điều đó với lòng trung thành không thể ngờ được. 6Như vậy, họ đã thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Chân Lý theo đúng cách thờ phượng Ngài muốn (x.Ga 4,23).

[[1]] Les vues, dịch sát, là những điều thấy được bằng con mắt tâm hồn, nghĩa là bằng trí tuệ và trái tim. Đó là những nhận thức hoặc những trực giác. Sử gia Françoise Fauconnet Buzelin đã đề cập tới kinh nghiệm mà Đức Cha Pierre Lambert trải qua lúc lên chín tuổi, được chính ngài kể lại trong Bài Nguyện Ngắm ngày 03.11.1663. Trong bài này, ngài dùng danh từ La vue, Les vues ít nhất ba lần: một lần ở câu 3, chỉ điều ngài thấy được trong tâm trí lúc lên chín tuổi tại Lisieux; ở câu 12 và 20, chỉ điều tâm trí ngài thấy được ngày 03.11.1663 tại Ayutthaya. Trong Bài Tự Sự I, 25 chính Đức Cha Pierre Lambert cũng dùng từ la vue giống như trong bài nguyện ngắm đó ở câu 3,12.20.

Bà Buzelin cũng đã giải nghĩa từ La vue, Les vues là “intuition – trực giác” (x.Aux Sources des Missions Étrangères, Pierre Lambert de la Motte, 1624-1679, Périn, 2006, tr.300; Tìm về Nguồn gốc Hội Thừa Sai Hải Ngoại, Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, 1624-1679, nxb Phương Đông, tr.329).

[[2]X. Lời giới thiệu và văn bản 3Nng.

[[3]] X. Lời giới thiệu và văn bản Bức Tâm Thư.

[[4]] X. Lời giới thiệu tổng quát Những Di Cảo liên quan đến Dòng Mến Thánh Giá, tr. 6; Lời giới thiệu Luật Tiên Khởi Dòng Mến Thánh Giá, tr. 13.

[[5]X.Btt 9.

[[6]] Đức Cha Pierre Lambert gọi đây là Thân Mình thứ nhất và Máu thứ nhất của Chúa Giêsu đối lại với thân mình và máu của chính Đức Cha, nay trở nên Thân Mình và Máu thứ hai của Chúa (x.Bts I,14-15).

[[7]X.Btt 8.9.

[[8]X.Bts I 7.

[[9]] Tại Bts I,24 này, Đức Cha Pierre Lambert dùng từ l’établissement mà chúng tôi dịch là thiết lập, và tại Bts I,25 liền sau đó, cũng như Bts VII,5, ngài dùng từ l’érection, cũng được chúng tôi dịch thành thiết lập. Lý do: vì hai câu 24-25 của chương I đề cập tới việc thỉnh cầu Tòa Thánh thiết lập một Hiệp Hội theo Giáo Luật, nghĩa là công nhận Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá do chính Đức Cha Pierre Lambert (và các thừa sai Pháp) hình thành (former: Bts I,17; II,4; III,1), hoặc đặt nền tảng đầu tiên (jeter les premiers fondements) tại Xiêm La (x.Bts II,5). Hai kiểu nói sau cùng này của Đức Cha Pierre Lambert đồng nghĩa với thành lập/sáng lập (fonder). Thực ra còn phải phân biệt thành lập với sáng lập: Đức Cha Pierre Lambert là người sáng lập Dòng Mến Thánh Giá nói chung theo nghĩa ngài có sáng kiến đầu tiên về việc này. Còn một người như cha Giuse Trần Văn Trang chỉ có công thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Kim Đôi theo nghĩa quy tụ một số thiếu nữ và phụ nữ để lập một Tu Hội mới mang tên Mến Thánh Giá theo tinh thần của Đức Cha Pierre Lambert năm 1938.

Xưa nay, Giáo Luật vẫn hiểu thành lập/sáng lập khác với thiết lập, vì thành lập/sáng lập là kết quả của sáng kiến do ai đó được Chúa soi sáng khai sinh ra một Hiệp Hội hoặc một Tu Hội mới trong Giáo Hội, còn thiết lập là hành vi mang tính pháp lý của chính Tòa Thánh hoặc một người có thẩm quyền trong Giáo Hội (thường là một Giám Mục cai quản Giáo Phận), với sự chấp thuận của Tòa Thánh, làm văn thư chính thức công nhận Hiệp Hội hay Tu Hội đó theo Giáo Luật (érection canonique). Việc Thiết lập thường đi đôi với việc phê chuẩn (approbation). Từ l’établissement được Đức Cha Pierre Lambert dùng một số lần nữa trong Bài Tự Sự (x. đầu đề Bts I; VI,1) nhưng chúng tôi vẫn dịch là thành lập. Chỉ một lần duy nhất tại Bts I,24 từ ấy được dịch thành thiết lập, đồng nghĩa với l’érection, do ngữ cảnh.

[[10]] Ngài ám chỉ trực giác nhận được lúc lên 9 tuổi (1633 tại Lisieux).

[[11]]  X. Luật Tại Thế I (Giáo đầu).

[[12]]  X.Ltt II.

[[13]] Câu này giải nghĩa cụm từ vác Thánh Giá Chúa Cứu thế trong tâm hồn và thể xác trong Bts II,3.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube