Chính phủ Đài Loan phản ứng dè dặt về việc Tòa Thánh và Trung Quốc gia hạn hiệp định tạm thời, hôm 22/10/2020 vừa qua, về việc bổ nhiệm giám mục.
Cùng ngày 22/10, Bộ ngoại giao Đài Loan tuyên bố rằng trong thời gian gần đây, nhà nước cộng sản Bắc Kinh gia tăng các biện pháp chống các tín hữu Kitô tại Hoa Lục. Việc thực hành đạo và tình trạng các quyền con người trở nên đồi tệ hơn. Các tín hữu Công giáo nào không muốn chịu sự kiểm soát của đảng cộng sản thì bị áp bức mạnh mẽ. Các giám mục bị bó buộc gia nhập hội Công giáo yêu nước. Cả chương trình Trung Hoa hóa cũng là một đe dọa cho tôn giáo, một sự “quốc hữu hóa tôn giáo”. Trong tư cách là một nước hoàn toàn tôn trọng tự do tôn giáo, chúng tôi hy vọng hiệp định tạm thời sẽ dẫn tới sự cải tiến trong lãnh vực này. Đồng thời Đài Loan cũng bày tỏ lo âu trước viễn tượng có sự xích lại gần nhau về ngoại giao giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, gây thiệt hại cho Đài Loan. Bộ ngoại giao ở Đài Bắc đặt nhiều hy vọng nơi lời tuyên bố của Tòa Thánh nói rằng hiệp định tạm thời với Trung Quốc chỉ liên hệ tới các vấn đề Giáo hội, chứ không liên quan tới các vấn đề ngoại giao và chính trị.
Thông báo cũng nói rằng: “Theo giáo luật Công giáo, mọi giám mục của Giáo hội Công giáo trên thế giới do Đức Giáo hoàng bổ nhiệm; chính quyền dân sự không được quyền hoặc đặc ân nào chọn lựa, bổ nhiệm, tiến cử hoặc chỉ định giám mục. Bảo vệ quyền của Đức Giáo hoàng bổ nhiệm giám mục chung kết giúp bảo vệ tự do tôn giáo. Giáo hội Công giáo, do tính độc lập và hoàn vũ, sẽ không phải chịu sức ép hoặc cưỡng bách từ bất kỳ chính phủ, đảng phái chính trị hoặc nhóm nào”.
Thông cáo của Bộ ngoại giao Đài Bắc cho biết sẽ quan tâm quan sát diễn tiến và cộng tác chặt chẽ với Tòa Thánh.
Hiện nay, ngoài Tòa Thánh chỉ còn 14 nước duy trì quan hệ với Đài Loan trên cấp đại sứ. Nếu Tòa Thánh và Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau thì điều này có nghĩa là sẽ không còn quan hệ ngoại giao với Đài Loan nữa.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org