Lúc 4 giờ chiều, ngày 02 tháng Mười Hai, tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Ân Phúc của Công giáo Maronite ở Nicosia, Đức Thánh cha Phanxicô đã gặp gỡ Đức Tổng giám mục Selim Sfeir của Tổng giáo phận sở tại, hàng trăm linh mục, phó tế, tu sĩ nam nữ, giáo lý viên Cipro.
Cuộc gặp gỡ diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa.
Trong lời chào mừng, Đức Hồng y Béchara Rai, Thượng phụ Công giáo Maronite, đã giới thiệu với Đức Thánh cha phái đoàn của Giáo hội này đến từ Liban. Ngài nhắc đến sự hiện diện tại Cipro từ thế kỷ thứ VIII, với những đợt di cư và hồi thế kỷ XIII đã có tới 80.000 tín hữu Maronite sống tại 60 làng ở Cipro, nhưng rồi con số này bị giảm sút dưới thời đế quốc Ottoman. Sau khi đảo này bị chia đôi, chỉ còn lại 7.000 tín hữu Maronite thuộc 10 giáo xứ.
Tiếp đến, xen lẫn các bài thánh ca, mọi người ta nghe chứng từ của hai nữ tu dòng Phan sinh Thừa sai Thánh Tâm và dòng Thánh Giuse hiện ra. Hai chị nói đến hoạt động của bốn dòng nữ ở địa phương trong các lãnh vực giáo dục trẻ em, giúp đỡ những công nhân di dân, săn sóc người già, giúp việc mục vụ tại các giáo xứ.
Huấn từ của Đức Thánh cha
Sau khi chào thăm và đưa ra những nhận xét đầy khích lệ đối với cộng đoàn Giáo hội Công giáo Maronite và Công giáo Latinh, Đức Thánh cha chia sẻ với mọi người vài điều về thánh Barnabê và rút ra hai bài học từ cuộc sống và sứ mạng của thánh nhân.
Ngài nói:
Lòng kiên nhẫn
Trước hết là lòng kiên nhẫn. Thánh Barnabê được Giáo hội tại Jerusalem-Giáo Hội Mẹ-, gửi đến cộng đoàn Giáo hội mới tại thành Antiokia, gồm những người mới từ ngoại giáo trở lại. Thánh Barnabê được gửi tới để xem những gì đang xảy ra, như một người thám hiểm. Tại đó, ngài thấy những người đến từ một thế giới khác, nền văn hóa khác, với sự nhạy cảm khác về tôn giáo, những người vừa thay đổi cuộc sống và vì thế họ có một đức tin đầy hăng hái, nhưng vẫn còn mong manh. Trong tất cả những tình trạng ấy, thái độ của thánh Barnabê là rất kiên nhẫn: đó là sự kiên nhẫn luôn du hành; kiên nhẫn đi vào cuộc sống con người cho đến đó không được biết đến; kiên nhẫn đón nhận những điều mới mẻ mà không vội vã phán đoán; kiên nhẫn phân định, biết đón nhận những dấu chỉ hoạt động của Thiên Chúa ở mọi nơi; kiên nhẫn “học hỏi” các nền văn hóa và truyền thống khác. Nhất là thánh Barnabê kiên nhẫn trong sự đồng hành: không đè bẹp đức tin còn yếu ớt của những người mới trở lại đạo, với những thái độ cứng nhắc, không uyển chuyển hoặc với những đòi hỏi quá lớn về vấn đề tuân giữ các giới luật. Thánh nhân đồng hành với họ, cầm tay họ, đối thoại với họ.
Từ gương của thánh Barnabê, Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, chúng ta cần một Giáo hội kiên nhẫn, một Giáo hội không để mình bị đảo lộn hoặc xáo trộn vì những thay đổi, nhưng thanh thản đón nhận sự mới mẻ và phân định những hoàn cảnh dưới ánh sáng Tin mừng. Tại đảo này, thật là quí giá công việc anh chị em đang làm, đón nhận những anh chị em mới đến từ những bờ bến khác của thế giới: như thánh Barnabê, anh chị em cũng được kêu gọi có cái nhìn kiễn nhẫn và quan tâm, là những dấu chỉ hữu hình và đáng tin cậy về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ để ai ở ngoài nhà, không được vòng tay dịu dàng. Giáo hội tại Cipro có những vòng tay cởi mở như thế: đón tiếp, hội nhập, đồng hành. Đó là một sứ điệp quan trọng đối với các Giáo hội trên toàn Âu châu, đang bị khủng hoảng đức tin: không cần phải có những thái độ bốc đồng, và hiếu thắng, hoài cổ hoặc than vãn, nhưng cần tiến bước, đọc những dấu chỉ thời đại và các những dấu hiệu khủng hoảng. Cần tái bắt đầu loan báo Tin mừng trong sự kiên nhẫn, nhất là với các thế hệ trẻ.
Với các anh em giám mục, tôi muốn nói rằng: anh em hãy là những mục tử kiên nhẫn trong sự gần gũi, không bao giờ mệt mỏi tim kiếm Thiên Chúa trong kinh nguyện, tìm các linh mục trong cuộc gặp gỡ, những anh em thuộc các hệ phái Kitô khác, với lòng tôn trọng và ân cần, tìm các tín hữu tại nơi họ sinh sống.
Và hỡi các anh em linh mục: hãy kiên nhẫn với các tín hữu, luôn sẵn sàng khích lệ họ, hãy là những thừa tác viên không biết mệt mỏi về ơn tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đừng bao giờ là những quan án nghiêm ngặt, luôn là những người cha dễ thương. Hoạt động mà Chúa thực hiện trong cuộc sống của mỗi người là một lịch sử thánh: chúng ta hãy để cho mình được say mê điều ấy… Giáo hội không muốn đồng nhất hóa nhưng kiên nhẫn hội nhập. Đó là điều chúng ta muốn thực hiện với ơn của Chúa trong hành trình công nghị đồng hành: kiên nhẫn cầu nguyện, kiên nhẫn lắng nghe để là một Giáo hội ngoan ngoãn đối với Thiên Chúa và cởi mở đối với con người.
Đức Thánh cha cũng nhấn mạnh khía hai trong đời sống thánh Barnabê, là tình thân hữu huynh đệ với thánh Phaolô, người đưa thánh nhân cùng đi trong sứ mạng (Cv 9,26). Đó là một thái độ thân hữu và chia sẻ cuộc sống.
Barnabê và Phaolô, như anh em, cùng du hành để loan báo Tin mừng, kể cả giữa những bách hại. Trong Giáo hội tại Antiokia, “cả hai cùng ở lại đó trọn một năm, dạy dỗ dân chúng” (Cv 11,26). Rồi Tông đồ Công vụ kể lại hai vị có một sự bất đồng mạnh mẽ và con đường họ chia lìa từ đó (Cv 15,39). Cả các anh em cũng tranh luận với nhau, nhiều khi cãi lộn. Nhưng Phaolô và Barnabê không chia ly vì lý do cá nhân, nhưng vì họ thảo luận về sứ vụ của họ, về cách thức phải làm sao để tiến hành sứ vụ. Họ có những quan điểm khác nhau. Barnabê muốn mang theo Marco người trẻ, nhưng Phaolo không muốn. Họ tranh luận, nhưng từ một vài thư sau đó của thánh Phaolô, người ta đoán hai vị không tỵ hiềm với nhau. Thậm chí thánh Phaolô viết cho Timôthêô, là người phải theo thánh nhân sau đó rằng: “Con hãy tìm cách đến với cha sớm […]. Hãy mang theo Marco đến đây cho cha, vì Marco sẽ hữu ích cho cha trong sứ vụ” (2 Tm 4,9.11). Đó là tình huynh đệ trong Giáo hội: ta có thể thảo luận về những quan điểm, những nhạy cảm và ý tưởng klhác nhau. Trong một số trường hợp, nói ngay trước mặt một cách thẳng thắn cũng là điều hữu ích, đó là dịp làm tăng trưởng và thay đổi. Nhưng chúng ta hãy luôn nhớ rằng: thảo luận với nhau chứ không phải là gây chiến, không phải để áp đặt, nhưng để bày tỏ và sống sự sinh động của Thánh Linh, là tình thương và hiệp thông.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Chúng ta cần một Giáo hội huynh đệ, trở thành dụng cụ tình huynh đệ cho thế giới. Tại Cipro này có rất nhiều nhạy cảm về linh đạo và Giáo hội, nhiều lịch sử gốc gác khác nhau, những nghi lễ và truyền thống khác biệt, nhưng chúng ta không được coi sự khác biệt như một đe dọa cho căn tính, và cũng chẳng nên ghen tương và lo lắng về những không gian của mình. Nếu chúng ta rơi vào cám dỗ ấy, thì sợ hãi sẽ gia tăng, sợ hãi sinh ra nghi kỵ, nghi kỵ đưa tới ngờ vực và trước sau gì cũng đưa tới chiến tranh. Chúng ta là anh chị em được cùng Cha duy nhất yêu thương. Anh chị em hãy dìm mình trong Địa Trung Hải, một biển có nhiều lịch sử khác nhau, là chiếc nôi của bao nhiêu nền văn minh. Với tình huynh đệ, anh chị em có thể nhắc cho mọi người ở Âu châu, cho toàn Âu châu rằng để xây dựng một tương lai xứng đáng với con người, cần làm việc với nhau, vượt thắng những chia rẽ, phá đổ các bức tường, và vun trồng giấc mơ hiệp nhất. Chúng ta cần đón nhận và hội nhập với nhau, đồng hành và là anh chị em với nhau”.
Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh cha kết thúc với phép lành của ngài và liền đó ngài đến Phủ Tổng thống Cipro, chỉ cách đó gần ba cây số để gặp gỡ chính quyền.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn:https://vietnamese.rvasia.org