Áo đồng phục xanh lam, mũ xếp cạnh, bao súng da gắn ở thắt lưng và khẩu hiệu lịch sử “Sub Lege Libertas – Dưới Luật, Sự Tự Do”: là hình ảnh xuất hiện khi nghĩ về một phụ nữ trong quân phục cảnh sát quốc gia. Và đây là cách chúng ta có thể hình dung về Tosca Ferrante năm 1989: ánh mắt kiêu hãnh và khuôn mặt nghiêm khắc, nhưng trong mắt cô lại loé lên một ánh sáng khác, trong 5 năm phục vụ trong lực lượng cảnh sát Ý.
“Trong những năm đó, mặc dù rất vui, nhưng tôi cảm thấy một sự bồn chồn nhất định về tương lai và tôi luôn tự đặt câu hỏi cho mình về ý nghĩa của cuộc sống và cách Chúa muốn chia sẻ với tôi”, sơ Tosca kể với chúng tôi về giai đoạn đặc biệt căng thẳng đó.
Nhưng từ mấy thập kỷ, khẩu hiệu lịch sử của cảnh sát quốc gia đã được thêm vào một câu khác: “Luôn luôn hiện diện”. Với chính sự gần gũi vốn có trong câu nói này, Tosca Ferrante bắt đầu trải nghiệm việc trở thành một nữ cảnh sát theo một cách khác: “Tôi đã gặp nhiều khuôn mặt ‘tội nghiệp’ trong những năm đó: tội phạm, nghiện ma túy, nhiều phụ nữ trẻ là nạn nhân của nạn mại dâm, người nước ngoài chờ xin giấy phép cư trú, thường là nạn nhân của những trò lừa đảo của những kẻ tự xưng là trung gian: nói chung là rất nghèo, chẳng còn gì và rất tệ hại.”
Những câu chuyện cảm động, làm rỉ máu và giằng xé. Những câu chuyện không thể khiến bạn thờ ơ. Rồi một ngày, bước ngoặt quyết định cũng đến: “Một ngày nọ, tôi đang ở Đồn Torpignattara ở Roma và tôi được yêu cầu trông chừng một em vị thành niên đã phạm tội trộm cắp, chờ hướng dẫn. Chúng tôi ở trong phòng và tôi bắt đầu nói chuyện với em về lý do hành động của em (đó là lần đầu tiên em phạm tội). Tôi nhớ mọi thứ về khoảnh khắc đó: em ấy bắt đầu khóc, nói rằng em sợ, em khóc lóc thảm thiết, em sợ hãi. Tôi lắng nghe em, đưa cho em một chiếc khăn giấy: có vẻ thực sự em không có khả năng tự vệ. Tới một lúc, em tiếp tục khóc và nói với tôi: “Em sợ, chị ôm em được không?”. Tôi trả lời “không”. Tôi không thể, tôi đang mặc đồng phục. Nhưng, rốt cuộc, em ấy xin tôi điều gì? Một cái ôm! Một cử chỉ thuộc một trong những hình thức giao tiếp đầu tiên với thế giới: một đứa trẻ sơ sinh được đặt trong vòng tay của người mẹ: đó là sự ấm áp, là sự liên tục của tình yêu, là sự âu yếm, là sự chăm sóc. Nhưng tôi đã nói không! Về nhà, tôi nhìn vào gương và nói: “Mày đang trở thành ai vậy?”
Đây là sự khởi đầu của cuộc gặp gỡ thực sự của cô với Đấng Phục sinh, đây là con đường của cô đến Đamas, bắt đầu một cuộc phân định nghiêm túc, từ đó dẫn cô đến phán quyết không thể thay đổi của lương tâm: “Tôi đã hiểu rằng tôi phải mạo hiểm với tình yêu!”. Một vài năm sau, cô gia nhập Dòng Nữ vương Các Tông đồ, nơi cô tiếp tục chăm sóc “người nghèo” mà cô đã gặp khi còn đeo súng bên thắt lưng: “Đối với tôi, bước chuyển từ phục vụ với tư cách là cảnh sát sang đời sống tu trì không có gì lớn, đó là điều tự nhiên: tiếp xúc với những người nói đến ở trên khiến tôi hiểu được Chúa muốn gì nơi tôi.”
Chắc chắn đó là một sự thay đổi đáng kể của cuộc đời, nơi đó sơ Tosca cố gắng nhận ra dấu chân của Đấng đã hướng dẫn mình: “Thực tế, ngày nay, sau bao nhiêu năm, tôi nhận ra sợi chỉ đỏ gắn kết tất cả cuộc đời của tôi: đó là việc mong muốn chăm sóc cuộc sống của người khác, ngang qua việc dâng hiến cuộc sống của chính mình.”
Ngay từ khi còn nhỏ, sơ Tosca đã mơ ước trở thành một y tá hoặc giáo viên, khi lớn lên sơ mơ trở thành một nữ cảnh sát, bây giờ sơ nhận ra trong căn tính tu sĩ của mình rằng tất cả những lời kêu gọi này được kết nối với nhau bởi mong muốn làm cho cuộc sống của mình trở nên sẵn sàng cho những người khốn khổ đang sống bên cạnh. Và thực tế, hôm nay sơ làm việc mục vụ hướng nghiệp và thanh thiếu niên, cũng như điều phối Sở bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương ở vùng Toscana.
Đây là một thông điệp mạnh mẽ đến từ câu chuyện cụ thể của nữ tu này gửi đến những người trẻ hôm nay, những người đang bối rối vì thiếu các điểm quy chiếu và sợ hãi bởi từ ngữ “ơn gọi”: “Ai sẽ giúp chúng con hiểu rằng chúng con được kêu gọi trở thành ai, thành người thế nào? Nơi những hoàn cảnh của cuộc sống, ai là “ngôi sao” từ bên ngoài định hướng cho chúng con, dẫn dắt chúng con, dẫn đường cho chúng con? Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng ơn gọi là điều gì đó mà chúng ta dần hiểu khi chúng ta sống, khi nhìn vào thực tế chúng ta nơi chúng ta ở, vào cái nghèo đang bao quanh chúng ta. Đối với tôi, ít nhất, nó là như thế này: Tôi đã gặp Chúa trên khuôn mặt và trong câu chuyện của những người nghèo: Tôi cúi xuống trước họ! Và tôi cảm ơn Chúa!”
Trích nguồn: https://www.vaticannews.va