Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư, ngày 02 tháng Ba năm 2022, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến khoảng hơn 1.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
Như thường lệ, sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, mọi người đã nghe đọc đoạn sách thánh, trích từ chương thứ 5 (5,1-5) của sách Sáng thế:
“Đây là sách dòng dõi Adam. Trong ngày Thiên Chúa dựng nên con người, Người dựng nên con người theo hình ảnh giống Thiên Chúa; Người tạo dựng họ có nam có nữ […]. Adam 130 tuổi khi sinh con theo hình ảnh của ông, giống ông và đặt tên là Set. Sau khi sinh ra Set, Adam còn sống 800 năm nữa và sinh các con trai con gái. Trọn cuộc sống của Adam là 930 năm.”
Bài giáo lý
Trong bài huấn giáo tiếp đó, Đức Thánh cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về tuổi già. Bài thứ hai này có tựa đề là: “Sống thọ: biểu tượng và cơ may”.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sự sống lâu trong Kinh thánh
Trong trình thuật Kinh thánh về gia phả của các tổ phụ, điều thu hút ngay sự chú ý, đó là tuổi thọ rất dài: người ta nói là dài hằng mấy thế kỷ! Vậy, ở đây, khi nào tuổi già bắt đầu? Và sự kiện các tổ phụ xưa kia sống lâu như thế sau khi sinh con cái có nghĩa là gì? Các cha mẹ và con cái sống với nhau hằng thế kỷ! Thời gian dài như thế, được kể lại như một nghi thức, mang lại cho tương quan giữa sự sống lâu và gia phả một ý nghĩa biểu tượng sâu xa.
Tại sao sống lâu?
Ta thấy như thể việc thông truyền sự sống con người, điều rất mới mẻ trong vũ trụ mới được dựng nên, đòi phải có một sự khởi đầu chậm rãi và kéo dài. Tất cả đều mới, vào thời đầu của lịch sử một thụ tạo là tinh thần và sự sống, ý thức và tự do, nhạy cảm và trách nhiệm. Sự sống mới – tức là đời sống con người – chìm đắm trong sự căng thẳng giữa một bên là nguồn gốc của mình “theo hình ảnh giống” Thiên Chúa và bên kia là sự mong manh của thân phận phàm nhân, nó diễn tả một sự mới mẻ hoàn toàn cần khám phá. Và nó đòi một thời gian dài để bắt đầu, trong đó, điều không thể thiếu đó là sự nâng đỡ giữa các thế hệ với nhau, để khám phá những kinh nghiệm và đối chiếu với những bí ẩn của cuộc sống. Trong thời gian dài như thế, dần dần phẩm chất tinh thần của con người cũng được trau dồi.
Theo một nghĩa nào đó, mỗi thời kỳ, trong lịch sử con người, có một cảm giác này được tái đề nghị cho chúng ta: giống như thể chúng ta phải bắt đầu lại – từ đầu và trong sự bình tĩnh – những câu hỏi về ý nghĩa sự sống, khi tình cảnh thân phận con người xuất hiện với đầy những kinh nghiệm mới và những vấn nạn chưa từng có. Hiển nhiên, sự tích lũy ký ức văn hóa làm tăng sự quen thuộc cần thiết để đương đầu với những giai đoạn chưa từng có.
Vận tốc quá nhanh trong cuộc sống
Thời gian để thông truyền thu hẹp lại; nhưng thời gian để hấp thụ luôn đòi phải kiên nhẫn. Vận tốc quá nhanh, từ nay ám ảnh mọi giai đoạn của đời sống chúng ta, làm cho mọi kinh nghiệm trở nên hời hợt và kém chất lượng. Người trẻ là những nạn nhân vô tình của sự tách biệt giữa thời gian của đồng hồ, muốn được đốt giai đoạn, và thời gian của cuộc sống, đòi phải có một sự “lên men” (lievitazione) đúng đắn. Một cuộc sống lâu giúp cảm nghiệm những thời gian dài ấy, và những thiệt hại do sự vội vã.
Liên kết giữa các thế hệ
Tuổi già chắc chắn đòi những nhịp sống chậm rãi hơn: nhưng tuổi già không phải là thời gian bất động. Thực vậy, những nhịp sống như thế mở ra cho tất cả mọi người những chiều kích ý nghĩa cuộc sống không chịu sự ám ảnh của vận tốc. Khi mất tiếp xúc với những nhịp chậm rãi của tuổi già thì mọi người cũng bị mất những không gian ấy. Chính trong viễn tượng đó mà tôi muốn thiết lập ngày lễ các ông bà, cử hành vào Chúa nhật cuối cùng của tháng Bảy. Sự liên kết giữa hai thế hệ đầu và cuối của đời người – các trẻ em và những người già – cũng giúp hai thế hệ khác, người trẻ và người trưởng thành, liên kết với nhau để làm cho cuộc sống của mọi người nhiều tình người hơn.
Chúng ta hãy tưởng tượng một thành thị, trong đó sự sống chung giữa các lứa tuổi khác nhau được coi là thành phần của một dự án chung về môi trường sống của mình. Chúng ta hãy nghĩ đến việc thiết lập những tương quan yêu thương giữa tuổi già và tuổi trẻ ảnh hưởng đến các toàn bộ các tương quan khác. Sự liên kết giữa thế hệ trở thành nguồn năng lực cho một nền nhân bản cụ thể đích thực và đáng sống. Thành thị tân tiến có xu hướng đố kỵ với những người già (và không phải tình cờ mà nó cũng đố kỵ với cả các trẻ em).
Chống cuộc sống vội vã
“Nhịp sống vội vã quá đặt chúng ta trong một sự ly tâm thổi bay chúng ta như những bông hoa giấy. Người ta hoàn toàn đánh mất cái nhìn tổng thể. Mỗi người bám vào mảnh riêng của mình, trôi dạt trên những dòng sông của thành phố-chợ, trong đó những nhịp sống chậm rãi là sự mất mát, và vận tốc nhanh là tiền bạc. Vận tốc thái quá làm tiêu hao cuộc sống, chứ không làm cho nó nồng nhiệt hơn.
Ảnh hưởng của đại dịch trên cuộc sống
Đại dịch mà chúng ta còn đang phải ở trong đó, đã buộc người ta – tiếc là một cách thương đau -, phải đột ngột ngừng lại thái độ tôn thờ vận tốc. Trong thời kỳ này, các ông bà đã trở thành những con đê ngăn cản sự tiêu hao tình cảm của những trẻ nhỏ nhất. Liên minh cụ thể giữa các thế hệ, làm cho thời gian và nhịp sống được hài hòa, trả lại cho chúng ta hy vọng không sống uổng công. Và trả lại cho mỗi người lòng yêu mến đối với cuộc sống dễ bị tổn thương, cản đường lối sống vội vã, chỉ làm cho nó tiêu hao. Những nhịp sống của tuổi già là một nguồn tài nguyên không thể thiếu để lãnh hội ý nghĩa đời sống được đánh dấu bằng thời gian. Nhờ sự trung gian ấy, mục đích cuộc sống đi gặp gỡ Thiên Chúa càng trở nên đáng tin hơn: một dự phóng vốn tiềm ẩn trong sự sáng tạo con người “theo hình ảnh giống Thiên Chúa” và được đóng ấn nhờ sự nhập thể của Con Thiên Chúa.
Và Đức Thánh cha kết luận rằng: Ngày nay con người sống lâu hơn. Điều này mang lại cho chúng ta cơ hội gia tăng sự liên kết giữa mọi thời điểm của cuộc sống; và cả với ý nghĩa của toàn thể sự sống. Xin Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta trí hiểu và sức mạnh để thực hiện sự cải tỏ này: sự “kiêu hãnh” của thời giờ theo đồng hồ phải được biến cải theo vẻ đẹp của nhịp sống. Liên minh giữa các thế hệ là điều không thể thiếu được. Xin Chúa giúp chúng ta tìm ra bản nhạc thích hợp cho sự hòa hợp này.
Chào thăm và nhắn nhủ
Bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha được các thông dịch viên lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.
Bằng tiếng Anh, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu hành hương đến từ Na Uy, Ailen và Mỹ. Ngài cầu chúc mọi người hành trình Mùa chay bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro, với kinh nguyện và chay tịnh cho hòa bình ở Ucraina, mang đến cho chúng ta niềm vui Phục sinh với tâm hồn được thanh tẩy và đổi mới nhờ ơn Chúa Thánh Linh.
Với các tín hữu Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Anh chị em là những người đầu tiên nâng đỡ Ucraina, mở cửa biên giới, tâm hồn và những cánh cửa nhà cho người Ucraina tị nạn chiến tranh. Anh chị em đang quảng đại giúp đỡ họ những gì cần thiết để họ sống xứng đáng, mặc dù tình thế bi thảm lúc này. Tôi biết ơn sâu xa và chân thành chúc lành cho anh chị em.
Sau cùng, bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha đặc biệt chào thăm các linh mục thuộc giáo phận Milano và nhân viên dân sự và quân sự của doanh trại ở Avellino, miền nam Ý. Ngài chào thăm những người già, các bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn, đồng thời nói rằng: “Chúng ta hãy sẵn sàng tín thác tiến bước theo hành trình Mùa chay bắt đầu từ hôm nay, như cơ hội hoán cải và canh tân nội tâm, trong sự lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện, trong việc thực hành đức bác ái hằng ngày với tha nhân.
Buổi tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của Đức Thánh cha.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org