TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: QUA SỰ IM LẶNG, THÁNH GIUSE MỜI GỌI CHÚNG TA HÃY DÀNH CHỖ CHO SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA GIÊSU NHẬP THỂ
Lúc 9 giờ sáng, thứ Tư ngày 15 tháng Mười Hai, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 4.000 tín hữu hành hương, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.
Trên bục cao ở bên tay trái của Đức Thánh cha, có một hang đá lớn được trưng bày. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ 39 tính từ đầu năm nay.
Sau khi Đức Thánh cha làm dấu thánh giá khai mạc, tám linh mục lần lượt đọc một đoạn thư thánh Giacôbê, chương 3,2.5.19 trong tám thứ tiếng khác nhau:
“Hỡi anh em, [..] nếu có ai không phạm tội trong lời nói, thì đó là một người hoàn hảo, có khả năng cầm hãm cả thân thể. […]. Lưỡi là một chi thể bé nhỏ, nhưng có thể hãnh diện về những điều lớn. Này đây: một ngọn lửa bé nhỏ có thể đốt cháy cả một khu rừng lớn! […]. Từ miệng xuất phát ra lời chúc lành và chúc dữ. Hỡi anh em, không được làm như vậy!”
Bài huấn giáo
Tiếp đó là bài giáo lý trong loạt bài về thánh Giuse. Bài thứ tư này có tựa đề: “Thánh Giuse, người thinh lặng”.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
“Chúng ta tiếp tục hành trình suy tư về thánh Giuse. Sau khi đã trình bày môi trường sống của thánh nhân, vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ và ngài là người công chính, hôn phu của Đức Maria, hôm nay tôi muốn cứu xét một khía cạnh quan trọng khác của thánh nhân, đó là sự thinh lặng.
Các Tin mừng không thuật lại cho chúng ta lời nào về thánh Giuse thành Nazareth. Điều này không có nghĩa là ngài là người ít nói, không phải như vậy, có một lý do sâu xa hơn. Với sự yên lặng, thánh Giuse khẳng định điều mà thánh Augustino đã viết: “Theo mức độ Lời Chúa – Ngôi Lời nhập thể – tăng trưởng trong chúng ta thì những lời nói giảm bớt” (Discorso 288, 5: PL 38,1307). Chính thánh Gioan Tẩy Giả, là “tiếng kêu trong sa mạc: “Các ngươi hãy dọn đường cho Chúa” (Mt 3,1), đã nói về Ngôi Lời rằng: “Người phải tăng trưởng còn tôi thì giảm dần” (Ga 3,30). Thánh Giuse, qua sự im lặng, mời gọi chúng ta hãy dành chỗ cho sự Hiện Diện của Lời nhập thể, cho Chúa Giêsu”.
Ý nghĩa sự im lặng của thánh Giuse
Sự im lặng của thánh Giuse không phải là câm nín nhưng là một sự im lặng đầy lắng nghe, một sự im lặng hoạt động, một sự im lặng làm nổi bật chiều kích nội tâm cao cả của ngài. “Một lời loan báo Chúa Cha, và Con của Người – như thánh Gioan Thánh Giá đã bình luận – và lời ấy luôn nói trong sự im lặng vĩnh cửu và trong thinh lặng phải được linh hồn lắng nghe” (Dichos de luz y amor, BAC, Madrid, 417, n.99).
Chúa Giêsu tăng trưởng tại “trường học ấy”, trong nhà Nazareth, với tấm gương thường nhật của Mẹ Maria và thánh Giuse, và không tuyệt vời ư, sự kiện chính Chúa Giêsu tìm kiếm những không gian thinh lặng trong ngày (Xc Mt 14,23) và sau này Chúa mời gọi các môn đệ trải qua kinh nghiệm như thế: “Các con hãy ra một nơi riêng, trong nơi cô tịch, và hãy nghỉ ngơi một chút” (Mc 6,31).
Thật là đẹp biết bao nếu mỗi người chúng ta, theo gương thánh Giuse, cũng phục hồi được chiều kích chiêm niệm của đời sống được mở toang nhờ thinh lặng. Qua kinh nghiệm, tất cả chúng ta đều biết rằng đó không phải là điều dễ dàng: thinh lặng phần nào làm chúng ta kinh hãi, vì nó đòi chúng ta đi vào trong chính mình và gặp gỡ phần chân thực nhất trong chúng ta. Triết gia Pascal nhận xét rằng: “tất cả sự bất hạnh của con người đến từ một điều duy nhất này, đó là không biết ở yên trong một phòng” (Pensieri, 139).
Lời nói có thể “giết người”!
Đức Thánh cha nói: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học từ thánh Giuse cách vun trồng những lúc, trong đó có thể trổi lên một Lời khác: lời của Chúa Thánh Linh ngự trong chúng ta. Không dễ nhận ra Tiếng Nói ấy, và rất nhiều khi bị lẫn lộn với hàng ngàn tiếng nói lo âu, cám dỗ, mong ước, hy vọng ở trong chúng ta; nhưng nếu không có sự tập luyện này, đến từ chính sự việc thực hành thinh lặng, thì lời nói của chúng ta cũng có thể bị bệnh. Cách nói của chúng ta, thay vì làm cho chân lý rạng ngời, thì có thể trở thành một khí giới nguy hiểm. Đúng vậy, những lời nói của chúng ta có thể trở thành sự dua nịnh, háo danh, gian dối, nói xấu, vu khống. Đó là một kinh nghiệm, như sách Huấn Ca nhắc nhở chúng ta, “Lưỡi giết nhiều hơn là gươm giáo” (28,18). Chúa Giêsu đã nói điều đó rõ ràng: Ai nói xấu anh em, chị em mình, ai vu khống người khác, thì đó là một kẻ giết người” (Xc Mt 5,21-22).
Sự khôn ngoan của Kinh thánh khẳng định rằng “sống và chết ở trong quyền bính của cái lưỡi: ai sử dụng nó tốt thì sẽ được hưởng hoa trái của nó” (Cn 18,21). Và thánh Giacôbê tông đồ, trong thư của ngài, khai triển đề tài cổ kính về quyền năng, tốt và xấu, của lời nói bằng những thí dụ sáng ngời: “Nếu ai không sai lỗi trong lời nói, thì đó là một người hoàn toàn, có khả năng cầm giữ toàn thân mình. […] cả lưỡi cũng là một chi thể bé nhỏ, nhưng nó hãnh diện vì những điều vĩ đại. […]. Với cái lưỡi, chúng ta chúc tụng Chúa và Chúa Cha; với cái lưỡi chúng ta nguyền rủa con người, được dựng nên giống Thiên Chúa. Từ cùng cái miệng phát sinh lời chúc tụng và những lời chúc dữ” (3,2-10).
Noi gương thánh Giuse vun trồng thinh lặng
“Đó là lý do chúng ta phải học từ nơi thánh Giuse cách vun trồng thinh lặng: vun trồng không gian nội tâm trong cuộc sống của chúng ta, trong đó chúng ta để cho Chúa Thánh Linh tái sinh chúng ta, an ủi, sửa dạy chúng ta. Và phúc lợi của tâm hồn mà chúng ta có được cũng sẽ chữa lành cái lưỡi của chúng ta, những lời nói và nhất là những chọn lựa của chúng ta. Thực vậy, thánh Giuse đã liên kết hành động với thinh lặng. Ngài không nói, nhưng đã làm và qua đó đã chứng tỏ điều mà một ngày kia Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Không phải kẻ nói ‘lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào nước trời, nhưng là người thi hành thánh ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21)
Chúng ta hãy kết thúc với một kinh nguyện:
“Lạy thánh Giuse, là người thinh lặng, trong Tin mừng, ngài không nói lời nào, xin dạy chúng con ăn chay những lời nói viễn vông, tái khám phá giá trị của những lời nói xây dựng, khích lệ, an ủi, nâng đỡ. Xin trở nên gần gũi những người đang đau khổ vì những lời nói làm tổn thương, như những lời vu khống và nói xấu, và xin giúp chúng con luôn liên kết hành động với lời nói. Amen.”
Chào thăm và nhắn nhủ
Bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây của Đức Thánh cha, như thường lệ, được các linh mục thông dịch lần lượt tóm lược trong các thứ tiếng khác nhau, kèm theo lời chào thăm của Đức Thánh cha.
Đặc biệt bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nhắc nhở rằng: “Mùa Vọng đang dẫn chúng ta tới Bethlehem, tới máng cỏ, gặp gỡ Thánh Gia đang chờ đợi Chúa Giêsu giáng sinh. Ngày hôm nay chúng ta hãy nhìn lên thánh Giuse, nhìn lên sự thinh lặng và chiêm niệm của Ngài. Chúng ta hãy xin thánh nhân dạy chúng ta làm sao giữa thế giới phức tạp ngày nay, giữa những lo lắng và vội vã, biết vun trồng thinh lặng và cầu nguyện có thể giúp chúng con lắng nghe rõ hơn tiếng Chúa.”
Bằng tiếng Ý, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu của một số giáo xứ, các cầu thủ của đội bóng đá quốc gia Italia cũ ở Roma và các thành viên đoàn y tá quốc gia ở Arezzo, cùng với nhiều nhóm khác.
Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm những người cao niên, bệnh nhân, người trẻ và các đôi tân hôn. Ngài nhắc họ rằng: “Anh chị em cao niên và bệnh nhân thân mến, cám ơn anh chị em vì sự nêu gương, tôi cầu nguyện để anh chị em vác thánh giá trong kiên nhẫn dịu dàng và ngoan ngoãn của thánh Giuse. Hỡi những người trẻ thân mến, cha mời gọi các con hãy nhìn lên thánh Giuse như vị hướng dẫn những giấc mơ của tuổi trẻ các con. Và hỡi các đôi tân hôn, ước gì các con có thể tìm thấy nơi Thánh Gia Nazareth các nhân đức và sự thanh thản cho hành trình cuộc sống của các con.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Trích nguồn: https://vietnamese.rvasia.org