Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 19/1/2022, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta và không sợ hãi tội lỗi của chúng ta. Như người con hoang đàng, chúng ta cũng được mời gọi nhìn nhận tội lỗi của mình và đồng thời để mình được tình yêu của Chúa hoán cải. Gặp gỡ tình yêu nhân từ của Thiên Chúa trong các bí tích, đặc biệt trong Bí tích Hòa giải, là điều quan trọng.
Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về thánh Giuse với suy tư về vai trò của thánh nhân như là một người cha yêu thương, dịu hiền, phản ánh sự dịu hiền của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói rằng, tình phụ tử của thánh Giuse có tầm quan trọng trong cuộc sống của Chúa Giêsu. Các Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu hay dùng hình ảnh của một người cha trần thế để nói về Cha trên trời của Người và tình yêu của Chúa Cha. Điều này được thể hiện đặc biệt qua dụ ngôn “người cha nhân hậu” trong Tin Mừng thánh Luca (15,11-32). Dụ ngôn không chỉ nói về tội lỗi và sự tha thứ, nhưng còn về tình yêu được canh tân và cứu lấy những mối quan hệ bị đổ vỡ.
Mời gọi cầu nguyện cho các tù nhân, những người phạm lỗi và đang trả giá cho điều này, Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng, cần cho họ cánh cửa hy vọng, để họ có thể chuộc lại lỗi lầm của mình.
Người cha dịu hiền
Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhìn vào vai trò của thánh Giuse như một người cha dịu hiền. Ngài nói: Trong Tông thư Patris corde (8/12/2020), tôi đã có cơ hội để suy tư về chiều kích dịu hiền này, một khía cạnh trong nhân cách của thánh Giuse. Trên thực tế, mặc dù các sách Phúc Âm không cho chúng ta biết bất kỳ chi tiết nào về cách thánh nhân thể hiện tình phụ tử của ngài, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng: sự “công chính” của ngài cũng được thể hiện trong cách ngài dạy dỗ Chúa Giêsu. “Thánh Giuse đã thấy Chúa Giêsu lớn lên từng ngày ‘thêm khôn ngoan, cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta’” (Lc 2,52). Như Thiên Chúa đã làm với Israel, với Chúa Giêsu, thánh Giuse cũng “cầm tay dạy bước đi; ngài đối xử như một người cha nâng con mình lên áp vào má, cúi xuống gần và cho ăn” (xem Hôsê 11,3-4) (Patris corde, 2). Định nghĩa của Kinh Thánh, cho thấy tương quan giữa Thiên Chúa với dân Israel, thật là đẹp. Và chúng ta nghĩ rằng, đây cũng là tương qua giữa thánh Giuse và Chúa Giêsu.
Ơn tha thứ dành cho người sai lỗi
Đức Thánh Cha nhắc rằng: các sách Tin Mừng chứng thực rằng: Chúa Giêsu luôn dùng từ “cha” để nói về Thiên Chúa và tình yêu của Người[1]. Nhiều dụ ngôn có nhân vật chính là một người cha. Một trong những dụ ngôn nổi tiếng nhất chắc chắn là dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, được thánh sử Luca kể lại (Lc 15,11-32). Dụ ngôn này không chỉ nhấn mạnh kinh nghiệm về tội lỗi và sự tha thứ, mà còn nhấn mạnh đến cách thức mà sự tha thứ dành cho người đã làm điều sai trái. Tin Mừng viết: “Trong khi anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (câu 20). Người con đã mong đợi một sự trừng phạt, một công lý mà nhiều nhất chỉ có thể cho anh ta vị trí của một trong những đầy tớ, nhưng anh ta thấy mình được bao bọc trong vòng tay của cha mình.
Thiên Chúa không sợ tội lỗi của chúng ta
Sự dịu hiền là một cái gì đó lớn hơn cách lý luận của thế gian. Đó là một cách thực thi công lý cách bất ngờ. Và Đức Thánh Cha nhắc các tín hữu: Đó là lý do tại sao chúng ta không bao giờ được quên rằng, Thiên Chúa không sợ hãi vì tội lỗi của chúng ta. Hãy ghi nhớ điều này. Thiên Chúa không sợ tội lỗi của chúng ta bởi vì Người vĩ đại hơn tội lỗi của chúng ta. Người là cha, là tình yêu, dịu hiền. Người không sợ lỗi lầm, sự sa ngã của chúng ta, nhưng Người sợ trái tim khép kín của chúng ta, bởi chúng ta thiếu niềm tin vào tình yêu của Người. Có một sự dịu dàng tuyệt vời trong kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Và thật đẹp khi nghĩ rằng, người đầu tiên truyền thực tế này cho Chúa Giêsu chính là thánh Giuse. Thực tế là những điều của Thiên Chúa luôn đến với chúng ta qua trung gian kinh nghiệm của con người.
“Tính sổ” với Thiên Chúa là một điều tuyệt vời
Đức Thánh Cha kể lại một vở nhạc kịch về chủ đề “người cha nhân hậu”, được thực hiện bởi một nhóm những kịch sĩ trẻ, một nhóm các bạn trẻ nhạc pop, được đánh động bởi dụ ngôn. Ngài chia sẻ: Và họ đã làm tốt điều đó. Khi một người bạn nghe đứa con xa cha nói rằng muốn về nhà nhưng sợ cha đuổi đi và trừng phạt anh ta, người bạn nói với anh ta, trong vở opera nhạc pop đó rằng: “Hãy gửi một người đưa tin và nói rằng bạn muốn về nhà, và nếu cha bạn đón nhận bạn, ông hãy đặt một chiếc khăn tay lên cửa sổ, cửa sổ mà bạn sẽ nhìn thấy ngay khi bạn gần đến”. Và vở kịch, với những bài hát và điệu múa, tiếp tục cho đến khi người con trai bước vào con đường cuối cùng và nhìn thấy ngôi nhà. Và khi anh nhìn lên, anh thấy ngôi nhà đầy những chiếc khăn tay màu trắng. Không phải một, mà trên tất cả các cửa sổ, ba đến bốn khăn tay trên mỗi cửa sổ. Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh: Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng vậy. Người không sợ quá khứ của chúng ta, những điều xấu của chúng ta: không. Người chỉ sợ sự đóng kín. Vì vậy… tất cả chúng ta đều có chuyện để tính sổ; nhưng tính sổ với Thiên Chúa là một điều tuyệt vời, bởi vì chúng ta bắt đầu nói và Người ôm chúng ta vào lòng. Sự dịu dàng.
Vì vậy, chúng ta có thể tự hỏi rằng: liệu chính chúng ta đã có kinh nghiệm về sự dịu dàng này chưa, và liệu chúng ta có trở thành chứng nhân của nó hay không. Vì sự dịu dàng chủ yếu không phải là một vấn đề cảm xúc hay tình cảm: nó là kinh nghiệm cảm thấy được yêu thương và đón nhận chính trong sự nghèo khó và khốn khổ của chúng ta, và do đó được tình yêu của Thiên Chúa biến đổi.
Quyền năng của Thiên Chúa trong sự yếu đuối của chúng ta
Đức Thánh Cha nói tiếp: Thiên Chúa không chỉ tin tưởng vào tài năng của chúng ta, nhưng còn vào sự yếu đuối đã được cứu chuộc của chúng ta. Sự yếu đuối của chúng ta được cứu độ và Chúa tin tưởng vào điều này. Ví dụ, điều này khiến thánh Phaolô nói rằng, cũng có một kế hoạch cho sự mong manh yếu đuối của một người. Trên thực tế, thánh nhân đã viết cho cộng đoàn Côrintô: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xatan được sai đến vả mặt tôi,… Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2Cr 12,7-9). Chúa không tước bỏ mọi yếu đuối nhưng giúp chúng ta bước đi bằng sự yếu đuối, Người nắm tay dẫn chúng ta đi, gần gũi với chúng ta. Đây là sự dịu hiền.
Kinh nghiệm của sự dịu dàng bao gồm việc nhìn thấy quyền năng của Thiên Chúa thể hiện chính qua điều làm cho chúng ta mong manh nhất; tuy nhiên, với điều kiện là chúng ta hoán cải, tránh xa cái nhìn của Thần Ác, kẻ “khiến chúng ta nhìn thấy và lên án sự yếu đuối của chúng ta”, trong khi Chúa Thánh Thần “cho thấy sự yếu đuối của chúng ta bằng tình yêu dịu dàng”. (Patris corde, 2). “Sự dịu dàng là cách tốt nhất để chạm vào sự yếu đuối bên trong chúng ta. […] Hãy nhìn cách các y tá chạm vào các vết thương của bệnh nhân: với sự dịu dàng để không làm họ đau thêm. Chúa cũng chạm vào các vết thương của chúng ta như thế, với cùng sự dịu dàng đó. Đó là lý do tại sao việc gặp gỡ lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là trong bí tích Hòa giải, trong cầu nguyện cá nhân với Chúa, nơi chúng ta cảm nghiệm được sự thật và lòng dịu dàng của Người, là điều quan trọng. Nghịch lý thay, Thần Ác cũng có thể nói sự thật với chúng ta. Hắn là kẻ nói dối nhưng cố nói cho chúng ta biết sự thật để dẫn chúng ta đến sự dối trá. Hắn làm vậy chỉ để lên án chúng ta, còn Chúa nói cho chúng ta sự thật và đưa tay cứu độ chúng ta. Chúng ta biết rằng sự thật của Thiên Chúa không lên án, nhưng đón nhận, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta” (Patris corde, 2). Thiên Chúa luôn tha thứ: anh chị em hãy ghi nhớ điều này. Chúng ta là những người mệt mỏi cầu xin ơn tha thứ nhưng Người luôn tha thứ.
“Cuộc cách mạng của sự dịu hiền”
Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đối chiếu mình với tình phụ tử của thánh Giuse, tấm gương của tình phụ tử của Thiên Chúa, và tự hỏi xem: chúng ta có để cho Chúa yêu thương chúng ta bằng sự dịu dàng của Người, biến đổi mỗi người chúng ta thành những người nam và người nữ có khả năng yêu thương theo cách này hay không? Ngài nói: Nếu không có “cuộc cách mạng về sự dịu dàng” này, chúng ta có nguy cơ bị giam cầm trong một công lý không cho phép chúng ta dễ dàng trỗi dậy và nó gây nhầm lẫn giữa sự cứu chuộc với sự trừng phạt. Vì lý do này, hôm nay tôi muốn đặc biệt tưởng nhớ đến các anh chị em của chúng ta đang ở trong tù. Đúng là những người đã làm sai phải trả giá cho lỗi lầm của mình, nhưng cũng đúng là những người đã làm sai sẽ có thể chuộc lại lỗi lầm của mình. Không thể lên án nếu không có cửa hy vọng. Mọi sự lên án luôn có một cửa sổ hy vọng. Chúng ta hãy nghĩ đến những anh chị em của mình trong tù, và hãy nghĩ đến sự dịu dàng của Thiên Chúa dành cho họ và cầu nguyện cho họ, để họ có thể tìm thấy trong cửa sổ hy vọng đó một lối thoát để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời các tín hữu cùng đọc lời cầu nguyện này:
Lạy thánh Giuse, người cha dịu hiền,
xin dạy chúng con chấp nhận rằng: chúng con được yêu thương chính trong sự yếu đuối nhất của chúng con.
Xin giúp chúng con đừng đặt điều gì ngăn cản giữa sự nghèo khổ của chúng con và tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa.
Xin khơi dậy trong lòng chúng con ước muốn đến với sự hòa giải
để chúng con có thể được tha thứ và cũng có thể yêu thương cách dịu dàng những anh chị em nghèo khổ của chúng con.
Xin gần gũi với những người đã lầm lạc và đang trả giá cho điều đó;
Xin giúp họ không chỉ tìm thấy công lý nhưng cả sự dịu dàng để họ có thể bắt đầu lại.
Và xin dạy họ rằng: cách đầu tiên để bắt đầu lại là chân thành xin ơn tha thứ, để cảm nghiệm sự dịu hiền của Chúa Cha. Amen.
Hồng Thủy
Trích nguồn: https://hdgmvietnam.com