- Bí tích Thánh Thể là gì?
Trước cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Chúa Giêsu đã cử hành Lễ Vượt Qua với các môn đệ và nói với họ: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa. Rồi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Ngài cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Luca 22: 15-20).
Một số trình thuật trong Tin Mừng tập trung vào chân lý trung tâm này của đức tin Kitô giáo, như Mátthêu 26: 17-29; Máccô 14:12-25; Luca 22: 7-20 và Phaolô trong Côrintô 11: 23-26.
Trong Thánh lễ mỗi khi linh mục đọc lời Truyền phép, thì phép lạ Bí tích Thánh Thể được thực hiện; những gì đã từng là bánh và rượu, bây giờ trong vỏ bọc đó, trở thành Mình và Máu của Chúa Kitô.
Như Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo dạy: “Đức Kitô hiện diện dưới hai hình Thánh Thể một cách độc nhất vô nhị và không gì so sánh được. Thật vậy, Chúa Kitô hiện diện cách đích thực, thực sự và bản thể, với trọn thân xác, máu thịt, linh hồn và thiên tính. Đức Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện trọn vẹn trong Thánh Thể cách bí tích, nghĩa là dưới hai hình Thánh Thể bánh và rượu.” (số 1371-1374)
Niềm vui trong Thứ Năm Tuần Thánh bắt nguồn từ Thánh Thể: khi người ta hiểu rằng Đấng Sáng Tạo đã yêu mến các thụ tạo của mình cách tràn trể. Chúa Giêsu Kitô, đã lập Bí tích Thánh Thể, như thể tất cả những bằng chứng khác về lòng thương xót của Ngài vẫn chưa đủ, để chúng ta luôn có thể có được Ngài ở gần chúng ta, và Ngài không muốn làm gì mà không có chúng ta, bởi vì – theo mức độ chúng ta có thể hiểu được – Ngài bị thúc đẩy bởi một Tình yêu, một tình yêu không cần gì cả.
Chính vì tình yêu và để dạy chúng ta yêu thương mà Chúa Giêsu đã đến thế gian và ở lại giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.
- Quá trình biến đổi bản thể này diễn ra như thế nào? Khi nào thì quá trình biến đổi bản thể xảy ra?
Bằng cách biến đổi bản thể, nghĩa là bằng việc biến bánh và rượu thành Mình và Máu Người, Đức Kitô trở nên hiện diện trong bí tích này. Thánh Ambrôsiô đã nói về sự biến đổi này: “Chúng ta hãy tin chắc rằng đây không phải là vấn đề bản tính tự nhiên, nhưng do lời truyền phép thánh hiến. Quyền năng của lời truyền phép vượt trên sức mạnh của cái tự nhiên và bởi lời truyền phép cái tự nhiên được biến đổi.” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1375).
“Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài chừng nào hình bánh và rượu còn tồn tại. Trong hình bánh cũng như trong hình rượu, Đức Kitô hiện diện trọn vẹn. Và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa.Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô (CĐ Trentô : DS 1641)” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1377).
Những gì chúng ta không thể làm thì Chúa có thể làm. Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa toàn thiện và con người hoàn hảo, không để lại cho chúng ta một biểu tượng, nhưng để lại cho chúng ta một thực tại: Ngài vẫn là chính Ngài. Ngài sẽ về cùng Cha, nhưng Ngài sẽ ở với loài người. Ngài sẽ không để lại cho chúng ta một món quà chỉ khiến chúng ta nhớ lại kỉ niệm về Ngài, như một hình ảnh có xu hướng phai nhạt theo thời gian, giống như bức ảnh nhanh chóng phai màu, ngả sang màu vàng và chẳng còn ý nghĩa gì đối với những ai chưa sống giây phút yêu thương này. Dưới hình bánh và rượu, Ngài hiện diện ở đó, hiện diện thực sự: với Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của mình.
- Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể như thế nào?
Chúa Giêsu Kitô hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể chứa đựng một cách thực sự, đích thực và bản thể thân xác và máu cũng như linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và do đó chứa đựng toàn thể Đức Kitô. Sự hiện diện này được gọi là “đích thực”, không có nghĩa là loại trừ những sự hiện diện khác, không có ý nói những sự hiện diện khác là không “có thực”, nhưng sự hiện diện này là “đích thực” ở mức độ cao vời nhất, bởi vì sự hiện diện đó là bản thể, và bởi vì qua đó, Đức Kitô, Thiên Chúa và con người, làm cho chính mình hiện diện trọn vẹn.
Trong Tin Mừng của mình, Thánh Gioan đã dẫn ra những lời khác của Chúa Giêsu: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời… Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời… và tôi ở lại trong người ấy” (Gioan 6, 51.54.56).
Cách thức hiện diện của Chúa Kitô dưới hình Thánh Thể là độc nhất. “Người đặt bí tích Thánh Thể trên mọi bí tích để trở nên “như sự trọn hảo của đời sống thiêng liêng và cùng đích của mọi bí tích” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1374).
Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi dành cho loài người qua sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, làm phát sinh mọi ân sủng cho Giáo hội và cho nhân loại. Đây là của lễ mà tiên tri Malakia đã tiên báo: “Từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta” (Malakhi 1:11). Đó là hy tế của Chúa Kitô được dâng lên Chúa Cha với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần: một sự hiến dâng có giá trị vô hạn, làm cho ơn Cứu độ trong chúng ta trở thành vĩnh cửu, đó là điều mà những hy tế của Luật cũ không thể làm được.
Ngài tự hạ trước mặt mọi thứ, Ngài chấp nhận mọi thứ, Ngài phơi bày bản thân mình trước mọi thứ – trước những hy sinh, những lời báng bổ, những thờ ơ lạnh lùng của rất nhiều người – miễn là Ngài có thể trao ban, dù chỉ cho một người, cái khả năng khám phá ra nhịp đập của một Trái tim đang đập trong lồng ngực đầy vết thương của Ngài.
- Làm thế nào chúng ta có thể tin chắc rằng chính Thiên Chúa đang ẩn thân trong hình bánh và rượu?
Chúng ta không thể biết sự hiện diện Mình thật và Máu thật của Chúa trong bí tích này bằng giác quan, nhưng chỉ bằng đức tin, tức là dựa trên uy quyền của Thiên Chúa.
Vì Chúa Kitô sắp rời bỏ dân riêng của Ngài trong hình dạng hữu hình của Ngài, nên Ngài muốn ban cho chúng ta sự hiện diện bí tích của Ngài; vì Ngài muốn hiến mình trên thập giá như một dấu chỉ cứu độ, Ngài muốn chúng ta tưởng niệm tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta “cho đến cùng“, như Thánh Gioan đã nói: “Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Gioan 13.1), đến độ cho đi sự sống của mình.
“Khi sắp ra đi, không còn hiện diện hữu hình với những người thân yêu, Đức Kitô muốn ban cho chúng ta sự hiện diện bí tích của Ngài; khi sắp tự hiến trên thập giá để cứu độ chúng ta, Ngài muốn để lại cho chúng ta dấu chỉ tưởng niệm tình yêu; với tình yêu này, Ngài đã yêu thương ta “đến cùng” (Ga 13,1), đến độ ban cho chúng ta cả sự sống của Ngài. Trong bí tích Thánh Thể, Ngài hiện diện cách mầu nhiệm giữa chúng ta như “Đấng đã yêu mến và thí mạng vì chúng ta” (Gl 2,20), Ngài hiện diện qua những dấu chỉ biểu lộ và thông ban tình yêu này” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1380).
Suy niệm và cầu nguyện.
“Lạy Thiên Chúa ẩn mình, con thờ lạy Chúa, đang hiện diện thực sự trong những hình dáng này; tâm hồn con thuộc trọn về Chúa, vì khi chiêm ngắm Chúa, mọi sự khác đều là khiếm khuyết. Nơi đây, thị giác, xúc giác, vị giác chỉ đánh lừa chúng con, nhưng chúng con tin chắc những gì chúng ta đã nghe nói; Con tin tất cả những gì Con Thiên Chúa đã nói. Không có gì chân thật hơn Lời Chân Lý này.” [1]
Trên Thập giá chỉ có thần tính ẩn náu, nhưng ở đây nhân tính cũng đang ẩn dấu; Tuy nhiên, con tin vào cả hai và con tuyên xưng điều đó, và con hỏi người trộm ăn năn đã xin điều gì.
Con không nhìn thấy vết thương của Chúa như ThánhTôma, nhưng con tuyên xưng rằng Chúa là Thiên Chúa của con! Xin làm cho con ngày càng tin tưởng vào Chúa, trông cậy Chúa, và yêu mến Chúa.
Ôi, lễ tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa! Bánh hằng sống ban sự sống cho loài người: Xin hãy làm cho thần trí con tìm được sự sống trong Chúa và luôn cảm nhận được vị ngọt ngào của Chúa!
Lạy Chúa Giêsu, đầy lòng nhân hậu, xin rửa sạch con khỏi sự ô uế của con bằng Máu Thánh của Chúa, một giọt máu của Chúa đủ để cứu thế gian khỏi mọi tội lỗi của nó.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng mà con đang chiêm ngưỡng, Đấng đã che mặt đi, con cầu xin Chúa thực hiện ước muốn nồng nàn nhất của con: đó là con được hạnh phúc một ngày kia nhìn thấy Chúa mặt đối mặt trong Vinh quang của Chúa. Amen.”
Toàn bộ đức tin của chúng con phát huy tác dụng khi chúng con tin vào Chúa Giêsu, vào sự hiện diện thực sự của Chúa trong hình bánh và rượu.
Lạy Chúa, con tin chắc vào điều đó. Cảm ơn Chúa đã ban cho chúng con niềm tin! Con tin vào Chúa, trong sự kỳ diệu của tình yêu này, đó là sự hiện diện thực sự của Chúa dưới các hình Thánh Thể, sau khi truyền phép, trên bàn thờ và trong các nhà tạm mà Chúa được dành sẵn. Con tin nhiều hơn nếu con nghe thấy Chúa bằng tai của con, nếu con nhìn thấy Chúa bằng mắt của con, nếu con chạm vào Chúa bằng đôi tay của con. [2]
- Niềm tin vào Mình Thánh Chúa được thể hiện như thế nào?
“Trong thánh lễ, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sư hiện diện thực sự của Chúa Kitô dưới hình bánh rượu, bằng cách bái gối hay cúi đầu để tỏ lòng tôn thờ Chúa. “Hội Thánh công giáo luôn tôn thờ Thánh Thể, không chỉ trong mà còn ngoài thánh lễ nữa, bằng cách bảo quản cẩn thận bánh rượu đã truyền phép, đặt Mình Thánh cho các tín hữu tôn thờ cách long trọng, rước kiệu Mình Thánh” (MF 56).
Nhà Tạm dùng để bảo quản Thánh Thể cách xứng hợp, hầu có sẵn Thánh Thể cho bệnh nhân và những người vắng mặt không dự lễ. Để đào sâu đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, Hội Thánh coi trọng việc thinh lặng tôn thờ Chúa đang ngự trong Mình Thánh. Vì thế, Nhà Tạm phải đặt nơi xứng đáng nhất trong nhà thờ, phải được thiết kế như thế nào để nhấn mạnh và biểu lộ sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích cực thánh này.” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1378-1379).
Suy niệm theo Thánh Josémaria.
Thiên Chúa chúng ta đã quyết định ở lại trong Nhà tạm để nuôi dưỡng chúng ta, củng cố chúng ta, thánh hoá chúng ta, để làm cho nhiệm vụ và nỗ lực của chúng ta trở nên hiệu quả.
Tại sao lại vội vàng khi bạn ở với Chúa! (…). Đừng vội vàng. Đừng vặn vẹo cơ thể, đó là sự nhạo báng, phải quỳ gối cách ngoan ngùy đạo hạnh, (…). Hãy quỳ gối xuống cách thong thả, thành kính, nghiêm cẩn. Và trong khi bạn tôn thờ Chúa Giêsu trong Thánh Thể, hãy nói với Ngài trong lòng: Con thờ lạy Chúa, latens deitas – Thiên Chúa ẩn thân. [3]
Làm sao người ta có thể coi thường phép lạ thường xuyên về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Nhà tạm? Ngài vẫn ở đó, để chúng ta thường xuyên lui tới với Ngài, để chúng ta chiêm ngắm Ngài, để chúng ta quyết tâm bước theo Ngài, là bằng chứng bảo đảm về vinh quang trong tương lai.
- Viếng Mình Thánh Chúa là gì?
“Vì Chúa Kitô hiện diện thực sự, chúng ta phải tôn thờ Thánh Thể. “Khi viếng Thánh Thể, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, dấu chỉ tình yêu và bổn phận thờ lạy Đức Kitô, Chúa chúng ta” (MF) ” (Giáo lý Hội Thánh Công giáo,số 1419).
Đừng bỏ việc viếng Thánh Thể.
– Sau lời cầu nguyện thông thường của bạn, hãy phó thác cho Chúa Giêsu đang thực sự hiện diện trong nhà tạm những lo lắng hàng ngày của bạn. Bạn sẽ có được ánh sáng và lòng can đảm cho đời sống Kitô hữu của bạn.
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ
Trích nguồn: http://conggiao.info
[1] Lời cầu nguyện của Thánh Tôma được trích dẫn trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1381.
[2] Thánh Josémaría, Thư 28-III-1973, số 7, được trích từ Thư của Tổng quyền Opus Dei về Năm Thánh Thể, ngày 6 tháng 10 năm 2004.
[3] Thánh Josémaria, các ghi chép được thực hiện tại một hội nghị, tháng 10 năm 1972. Trích thư của Tổng quyền Opus Dei về Năm Thánh Thể, ngày 6 tháng 10 năm 2004.