Phụng Vụ Thánh Nhạc

…âm nhạc không lấn át các cử hành phụng vụ, nhưng trợ giúp và làm cho các cử hành trở nên trang trọng, hân hoan, nó giúp con người hướng lên cùng Thiên Chúa, chứ không làm ngược lại bằng cách lội kéo và hướng chú ý của con người về chính mình. Để đạt tới mục đích cao trọng của Thánh nhạc là: “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá tâm hồn các tín hữu”.

I – VAI TRÒ CỦA ÂM NHẠC TRONG PHỤNG VỤ

Giáo Hội nhìn nhận vị trí quan trọng của âm nhạc trong đời sống con người, và ngay từ đầu Giáo Hội đã cho phép sử dụng âm nhạc trong các cử hành phụng vụ của mình. Thực ra khi đón nhận âm nhạc trong các cử hành phụng vụ Giáo Hội không chủ trương dùng âm nhạc như phương tiện giải trí  hay cách thư giãn sau khi làm việc, như trong các câu lạc bộ vẫn quen tổ chức. Nhưng âm nhạc dùng trong phụng vụ có vai trò khác: nó giúp con người cầu nguyện và là trợ tá cho các cử hành phụng vụ (TĐ 27). Vì vậy, âm nhạc không lấn át các cử hành phụng vụ, nhưng trợ giúp và làm cho các cử hành trở nên trang trọng, hân hoan, nó giúp con người hướng lên cùng Thiên Chúa, chứ không làm ngược lại bằng cách lội kéo và hướng chú ý của con người về chính mình. Để đạt tới mục đích cao trọng của Thánh nhạc là: “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá tâm hồn các tín hữu”.

Vì giúp con người cầu nguyện do đó âm nhạc phải mang tính chất tôn giáo. Giáo Hội chỉ chấp nhận các loại âm nhạc mang nội dung tôn giáo với các giai điệu thích hợp để giúp cầu nguyện. Có những bài nhạc thích hợp trong các buổi tiếp tân hay các dịp lễ hội trần thế nhưng không thể đem vào phụng vụ. Có những bài hát thân quen trong quần chúng, khi hát lên ai cũng biết nội dung muốn nói gì, nhất là những nội dung khó chấp nhận trong trong cử hành tôn giáo, thì không thể mượn nhạc rồi dệt lời tôn giáo để hát trong phụng vụ, đó là sự vay mượn giả tạo. (vd: Love Story, hay gần đây có chuyện một số nhạc sĩ trong nước sao chép nhạc nước ngoài).

Có những điệu nhạc rất thịnh hành và “ăn khách” trong xã hội nhưng không thể đem vào phụng vụ vì nó phá vỡ bầu khí trang nghiêm của buổi cầu nguyện…

Giáo Hội trân trọng các nền văn hóa địa phương, trong đó âm nhạc dân tộc là một trong những tinh hoa làm nên nền văn hóa đó (TĐ 66) (vd: bộ lễ thương xót và Vinh danh được phổ nhạc theo làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, hay Bộ Dâng hoa tháng Đức Mẹ).

Tại Việt Nam, nền âm nhạc dân tộc đang được phục hồi, nhưng việc hội nhập nền âm nhạc này trong phụng vụ còn rất khiêm tốn (vd: Một số bài ca dâng lễ…). Trong viễn cảnh này, các nhạc sĩ công giáo cần có một hướng đi chung để có thể sáng tác các bài ca tôn giáo được dùng trong phụng vụ với sắc thái dân tộc Việt Nam.

Mọi bài hát, dù mang sắc thái gì cũng phải được thẩm quyền Giáo Hội cho phép mới được sử dụng trong phụng vụ. Người ta cũng không được nại lý do “thử nghiệm” để hát các bài ca chưa được cho phép.

Để giúp cộng đoàn cầu nguyện, người ta cần nắm vững những yêu cầu cơ bản của thánh nhạc như: thánh ca cộng đoàn, người điều khiển, ca đoàn và âm nhạc.

Thánh ca cộng đoàn: là bài ca mà toàn thể cộng đoàn phụng vụ có thể cùng hát. Bài ca này chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu trong các bài ca của phụng vụ kitô giáo. Thánh ca cộng đoàn gồm hai loại:

– Loại thứ nhất gồm các bài thánh ca được cộng đoàn hát trọng vẹn. Loại này thường gồm các bài thánh ca ngắn, dễ hát, phổ thông đối với các cộng đoàn lớn, hoặc những bài thánh ca phức tạp hơn với các cộng đoàn nhỏ, ít người. Loại thánh ca cộng đoàn này được ưu tiên hàng đầu, do đó, khi một bài thánh ca mà mọi người có thể hát, người ta phải để cộng đoàn hát, không nên dành riêng cho một nhóm nhỏ hay người nào độc quyền.

– Loại thứ hai: gồm từng phần hoặc điệp khúc của một bài ca được cộng đoàn hát đối đáp với ca đoàn hay người xướng viên. Thông thường đó là các lời tung hô hay đối đáp ngắn như: Alleluia, câu hát đáp ca, câu đáp trong các lời cầu, kinh thương xót, kinh vinh danh, Thánh Thánh Thánh, kinh tưởng niệm, Chiên Thiên Chúa… hoặc một điệp khúc của bài ca nhập lễ, tiến lễ, hiệp lễ hay tạ ơn…

II-VAI TRÒ CỦA CA ĐOÀN TRONG PHỤNG VỤ

  1. Ca trưởng

Để thánh ca cộng đoàn được hát nhịp nhàng, trang nghiêm và sốt sắng, cộng đoàn phụng vụ cần người hướng dẫn chung. Nhiệm vụ chính yếu của người này là tập trước các bài hát thánh ca trong phụng vụ trước lúc cử hành.

Khi buổi cử hành đã bắt đầu, vị trí của người điều khiển sẽ “kín đáo” hơn, do đó, thông thường khi các bài ca đối đáp đã trở nên thông dụng thì không nhất thiết phải có người điều khiển đứng “vẫy nhịp” chung. Đàng khác, việc hướng dẫn cộng đoàn ca hát không quá lệ thuộc vào các cử điệu vẫy nhịp, bởi vì một cộng đoàn đa dạng thì việc vẫy nhịp sẽ không có tác dụng như cho một ca đoàn riêng biệt, thậm chí, đôi khi việc vẫy nhịp còn gây chia trí cho cộng đoàn phụng vụ. Vì vậy, việc điều khiển ca hát cộng đoàn đang lúc cử hành phụng vụ, thường được hiểu là tiếng của người điều khiển sẽ giúp cộng đoàn dễ hát và đối đáp cho đúng, chứ không hiểu là các cử chỉ lôi cuốn người khác chú ý vào mình.

  1. Ca đoàn

Thánh ca cộng đoàn cũng không loại trừ vai trò của ca đoàn trong phụng vụ. Ca đoàn là điểm tựa, là chỗ dựa cho cộng đoàn, tiếng hát của ca đoàn phải nâng đỡ và hỗ trợ cho cộng đoàn và giúp mọi người tham dự cách linh động vào việc ca hát (RM 63). Vì vậy, ca đoàn sẽ đảm nhận những phần khó hát, sẽ hát với cộng đoàn những điệp khúc chung và sẽ không lấn át, nhưng hỗ trợ và phục vụ tiếng hát chung của cộng đoàn.

a) Sự cần thiết của ca đoàn

– Ca đoàn đảm nhiệm việc ca hát trong hai trường hợp:

+ Giáo dân chưa được huấn luyện

+ Hát hợp ca

–   Ca đoàn trợ lực cho các tín hữu

–  Ca đoàn nên gương và khuyến khích dân chúng hát thánh ca

b) Chỗ đứng của ca đoàn

– Là thành phần của tín hữu, nên chỗ ngồi của ca đoàn phải là ở giữa cộng đoàn dân Chúa, là nơi để các ca viên chu toàn tốt chức năng của mình và tham dự thánh lễ đầy đủ, sốt sắng, kể cả việc rước lễ.

– Nam nữ phải đứng riêng

– Khi ca đoàn có nữ giới thì phải đứng ngoài cung thánh.

– Khi hát Thánh vịnh có thể hát tại giảng đài hoặc nơi nào khác thuận tiện.

c) Thành phần của ca đoàn

–   Thánh nhạc phải được thể hiện bởi những nghệ sĩ kitô giáo chân chính.

–   Làm việc thánh nhạc cũng như làm việc tông đồ nên:

+ Họ phải có đời sống xứng danh kitô hữu.

+ Họ phải có đức tin và sống đức tin, bởi vì nếu họ không có đức tin và không sống đức tin thì họ thiếu con mắt đức tin.

+ Họ phải có tinh thần cầu nguyện, bởi vì bài hát được hát lên trong tâm tình cầu nguyện của ca viên và bài hát phải giúp giáo dân cầu nguyện.

+ Người hát phải có ý thức mình đang thi hành nghĩa vụ tôn giáo. Chính vì thế mà không bao giờ để cho người không công giáo hát trong nhà thờ.

d) Ca viên phải có khả năng chuyên môn

–   Kiến thức chung:

+ Phải hiểu biết về phụng vụ

+ Phải hiểu biết về thánh nhạc

–  Những kiến thức riêng

  • Nghệ sĩ sáng tác

+ Phải hiểu biết về kỹ thuật âm nhạc

+`Hiểu về sử dụng ngôn ngữ

+ Tìm hiểu về truyền thống âm nhạc của dân tộc

  • Ca viên

+ Cần  phải say xưa luyện tập về chuyên môn (xướng âm, thanh nhạc…)

+ Những người ca trưởng, người sáng tác cần biết quý trọng nhiệm vụ này.

III-VIỆC SỬ DỤNG CÁC LOẠI NHẠC CỤ TRONG PHỤNG VỤ

Đệm đàn cho ca đoàn và cộng đoàn hát thánh ca trong phụng vụ không giống với bất cứ một hình thức đệm đàn nào khác mà chúng ta đã từng gặp. Những kiểu đệm đàn đang phổ biến trong xã hội hiện nay, được khai thác tối đa về các hình thức tiết tấu, sự phong phú của các nhạc cụ và nhiều loại âm sắc khác nhau cũng như tần suất âm lượng cực mạnh của nó.

Chúng ta phải hiểu một điều là: Âm nhạc trong phụng vụ không phải là mục đích mà là phương tiện, là chất xúc tác, và là công cụ trợ tá cho các nghi thức phụng vụ. Người ta không đến nhà thờ để thưởng thức nghệ thuật nhưng là để ca tụng Chúa. Chính vì thế, việc sử dụng các loại nhạc cụ trong phụng vụ phải nhằm trợ giúp mọi người cầu nguyện.

Với kinh nghiệm lâu đời của mình, Giáo Hội thừa nhận đàn Organ hay đàn Harmonium (Phong cầm) là loại nhạc cụ dễ giúp con người cầu nguyện, vì thế, nó chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu trong số các nhạc cụ.

“Trong những nhạc cụ được sử dụng ở nhà thờ, rất xứng đáng đứng hàng đầu là đàn Organ, là vì nhạc cụ này thích hợp đặc biệt cho các bài hát và các nghi lễ Thánh. Nó tăng thêm vẻ rực rỡ lạ lùng và nét cao sang đặc biệt cho các nghi lễ của Hội Thánh, nó làm cho các tín hữu rung cảm vì sức mạnh và sự dịu dàng của âm hưởng, nó gieo vào các tâm hồn một niềm vui dường như bởi trời mà đến, đồng thời nó hướng các tâm hồn lên Thiên Chúa và các thực tại siêu nhiên một cách mãng liệt”.

(Trích Thông điệp “Kỷ luật Thánh nhạc” của ĐGH Piô XII)

Ngoài phong cầm, Giáo Hội cũng không loại trừ các loại nhạc cụ khác khi chúng giúp cho cử hành phụng vụ xứng đáng, trong số này, vĩ cầm (Violon) được đặc biệt đề cao.

Khi sử dụng các nhạc cụ phải tôn trọng các cử hành thiêng thánh, vì thế không lai tạo giữa đời và đạo, không ồn ào, náo động, không mang dáng vẻ kích động “giật gân”, không uỷ mị, ướt át… bởi vì tất cả những âm thanh này không phù hợp với bản tính việc thờ phượng và phẩm cách của nơi thánh (TĐ 57).

Khi chơi nhạc cụ, các nhạc công phải ý thức lời ca chiếm vị trí ưu tiên trên các cung nhạc; do đó, không được đệm nhạc quá lớn lấn át tiếng ca hay biến tiếng ca trở nên yếu tố phụ thuộc, còn nhạc đệm trở nên thành phần chính, làm như vậy, cử hành phụng vụ sẽ trở nên một thứ trình diễn âm nhạc hơn là lời cầu nguyện được vang lên bằng tiếng hát.

IV- CHỌN BÀI HÁT TRONG THÁNH LỄ

Tất cả các bài hát trong thánh lễ đều phải phụ thuộc vào thánh lễ được chọn cử hành, vì vậy nguyên tắc đầu tiên khi chọn bài hát không phải là bài quen hay hợp thị hiếu mà là bài hát theo chủ đề của ngày lễ hay mùa phụng vụ. Các bài hát này phải được thẩm quyền phụng vụ cho phép dùng trong phụng vụ, chứ không phải các bài hát tự sáng tác rồi hát lấy (RM 26).

Các loại bài hát dùng để sinh hoạt vui chơi không bao giờ được phép đem vào trong các cử hành phụng vụ.

Các bài hát nhạc ngoại quốc lồng lời Việt phải rất thận trọng; điều kiện tối quan trọng là phải biết bài hát đó tác giả viết cho ai, nhắm mục đích nào, nội dung nói về điều gì… không biết yếu tố căn bản này, có thể bài nhạc ngoại quốc nói về một mối tình dang dở mà lời Việt lại là ca ngợi ông Thánh Giuse ! Đó là một điều ngớ ngẩn, và càng phải thận trọng khi lồng lời ca tôn giáo vào những bản nhạc ngoại quốc đã trở nên quen thuộc đối với đa số dân chúng, vì có thể gây ngộ nhận hay trở nên bất kính. Trong cách chọn bài hát hiện nay, người ta chú ý đến hai cử hành đặc biệt là Thánh lễ và chầu Thánh Thể.

A-TRONG THÁNH LỄ

Trong Thánh lễ, các bài hát chia thành hai loại: loại bài hát thuộc về thành phần của Thánh lễ và loại bài hát đi kèm theo một nghi thức nào đó (RM 17).

+ Loại bài hát thuộc về thành phần của Thánh lễ tức là những bản văn phụng vụ thay vì được đọc thì người ta hát, chẳng hạn: Kinh Vinh danh, Thánh Vịnh, đáp ca, Alleluia, câu tung hô Tin Mừng, Kinh Tin Kính, kinh Thánh Thánh Thánh, Lời tung hô sau truyền phép, Vinh tụng ca, Kinh Lạy Cha. (vd: Cuốn sách hát của Thầy Hier sắp ra đời…). Vì là thành phần cấu tạo nên cử hành phụng vụ nên khi hát các bài này, người ta phải tôn trọng bản văn đã được phê chuẩn. Không được phép hát những bài chỉ lấy ý tổng quát, hay các bài tự sáng tác mà chưa được phê chuẩn. (vd: có nhiều nhạc sĩ phổ nhạc TV 22 “Chúa chăn nuôi tôi” nhưng chỉ ghi là: Ý TV thì không được phép đưa vào để thay thế TV, hoặc lễ về Đức Mẹ thì hát bài “Linh hồn tôi” để thay thế cho đáp ca của ngày hôm đó)

+ Loại đi kèm theo một nghi thức: nghĩa là bài hát này không đứng biệt lập như một thành phần cấu tạo nên cử hành phụng vụ, nhưng chỉ đi kèm theo một nghi thức để diễn nghĩa hay làm gia tăng sự long trọng của nghi lễ. Vd: Ca nhập lễ, ca tiến lễ, ca bẻ bánh (Chiên Thiên Chúa), ca hiệp lễ (lúc đang rước lễ), và ca kết thúc. Các bài ca này không buộc phải theo một bản văn có sẵn, nên có nội dung tương đối dồi dào để chọn lựa. Tuy nhiên khi chọn các bản văn này phải lưu ý chúng sẽ được hát vào lúc nào để chọn cho đúng. Chẳng hạn:

1-Ca nhập lễ

Có mục đích mở đầu cử hành thánh lễ, giúp giáo dân thêm hiệp nhất, hướng tâm hồn họ vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ mừng (RM 25) (lấy ví dụ). Vì đây là bài ca mở đầu nên cần chọn bài ca giúp cho mọi người phấn khởi vui tươi tham dự thánh lễ; do đó, một bài hát lê thê, buồn rầu chán nản không thể khởi động cho cộng đoàn bước vào thánh lễ cách hân hoan tích cực được. Nội dung bài hát phải phù hợp với mùa phụng vụ hay ngày lễ mừng. Chẳng hạn vào Chúa nhật là ngày của Chúa thì không được chọn bài hát về Đức Mẹ khởi đầu Thánh lễ; còn đang trong mùa vọng thì đừng vội vã hát những bài giáng sinh, cũng như trong mùa Chay thì không chọn những bài có Alleluia.

Bài ca nhập lễ mang tính hân hoan, ca ngợi, chúc tụng, mời gọi… nó khác với bài ca sau khi rước lễ, do đó cần tránh những bài mang dáng vẻ suy niệm, trầm tư… cũng cần phải lưu ý nội dung bài ca với nghi thức đi kèm. Vd: đang khi linh mục bước ra bàn thờ thì đừng hát bài: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông…”.

Mục đích chính của Ca  nhập lễ là đi kèm cuộc rước đầu lễ, chứ không phải là bài ca được hát biệt lập mà không có nghi thức đi kèm (RM 25). Do đó, ca nhập lễ phải được hát đang khi chủ tế tiến ra bàn thờ, chứ không phải chủ tế tiến ra bàn thờ rồi mới hát CNL. Đàng khác, vì là bài ca đi kèm cuộc rước, nên một khi chủ tế tiến ra bàn thờ, bái chào và xông hương xong, thì bài ca nhập lễ cũng phải được kết thúc. Người ta không được phép kéo dài bài ca nhập lễ như thể yêu cầu mọi người phải nghe cho hết bài ca vì bao công sức tập rượt của ca đoàn hay vì các tiểu khúc còn lại rất đáng được nghe.

  1. Ca tiến lễ

Cũng có mục đích đi kèm cuộc rước lễ vật, do đó khi việc chuẩn bị lễ vật trên bàn thờ đã xong thì bài ca tiến lễ cũng phải chấm dứt. Ca tiến lễ phải phù hợp với cử chỉ dâng lễ vật (với ý nghĩa là công sức, mồ hôi nước mắt của con người làm nên tấm bánh và ly rượu nho sẽ hợp với của lễ là sự hy sinh của Chúa Kitô trên bàn thờ để dâng lên Thiên Chúa Cha). Vì vậy, không nên chọn các bài ý nghĩa không phù hợp với nghi thức này.

  1. Ca hiệp lễ

Cần phân biệt có hai loại bài ca khác nhau khi rước lễ: một bài đang khi mọi người rước lễ và một bài khác khi đã rước lễ xong.

–  Bài ca đang khi mọi người rước lễ có mục đích cũng giống bài ca nhập lễ và tiến lễ tức là đi kèm cuộc rước, cuộc rước đây chính là cộng đoàn tiến lên rước lễ. Bài ca này diễn tả sự đồng tâm hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước Chúa, họ hân hoan tiến lên bàn thánh để rước Mình Thánh Chúa. Vì thế Giáo Hội yêu cầu mỗi khi cộng đoàn rước lễ thì nên có các bài hát đi kèm, có thể là những bài ca ngợi, chúc tụng thông dụng mà mọi người đều có thể hát, hoặc có thể là bài hát do ca đoàn đảm nhận.

–  Bài ca sau khi rước lễ: bài ca này thực ra không bắt buộc vì cộng đoàn có thể giữ thinh lặng sau khi rước lễ để cầu nguyện, thờ lạy, chúc tụng Chúa Giêsu Thánh Thể. Nếu người ta hát vào lúc này thì đó chỉ là một cách chọn lựa trong hai cách được Giáo Hội đề nghị: thinh lặng hoặc hát. Vì vậy nếu hát sau khi rước lễ nên chọn các Thánh Vịnh mang tính ngợi khen, chúc tụng hay các bài ca giúp cầu nguyện, suy niệm… Thực vậy bài ca sau khi rước lễ không quan trọng như bài ca đang khi rước lễ, và người ta có thể bỏ để giữ thinh lặng cầu nguyện.

–   Thế nhưng trong thực tế có nhiều nhà thờ lại làm ngược lại: người ta không hát lúc đang rước lễ, nhưng hát rất dài sau khi rước lễ; các bài ca này có vẻ trình diễn một tác phẩm nghệ thuật để giáo dân thưởng lãm, hơn là bài ca cầu nguyện và suy niệm. Đôi khi người ta lại chọn các bài hát theo chủ đề thánh lễ để hát vào lúc này: ví dụ: tình cha mẹ, ngày thành hôn, ngày cầu hồn,  thánh bổn mạng… Đây là một lệch lạc trong cách chọn bài hát, bởi vì đối tượng của bài ca sau khi rước lễ là Bí Tích Thánh Thể chứ không phải bất cứ ai cho dù là Đức Mẹ, các thánh hay một dịp kỷ niệm nào đó.

  1. Ca kết thúc

Trong số các bài hát được sử dụng khi cử hành thánh lễ thì bài ca kết thúc được phép chọn lựa khá rộng rãi; người ta có thể hát các bài ca này theo chủ đề ngày lễ hay mùa phụng vụ như: tình cha mẹ, mừng thánh bổn mạng… vào lúc kết lễ. Hay chỉ đơn giản là diễn tả niềm vui hân hoan khi tham dự thánh lễ và sẽ đem niềm vui đó để chia sẻ cho mọi người. Lời chúc và cũng là lời mời gọi của linh mục: “Lễ xong, chúc ACE ra đi bình an” nhắc nhở chúng ta hãy ra đi để thực thi sứ mạng ngôn sứ của mình là đem Tin mừng đến cho muôn dân, nên ngoài những dịp có tính chất riêng như đã kể trên, thì khi chọn bài hát phải diễn tả được ý nghĩa sâu xa đó.

B- KHI CHẦU THÁNH THỂ

Khi chầu Thánh Thể, mọi bài hát phải quy hướng về Chúa Kitô và tình yêu của Ngài biểu lộ nơi Thánh Thể. Do đó, đang khi chầu Thánh Thể không được phép hát các bài về Đức Maria, về các Thánh hay những nhân vật nào khác (TT 95). Tuy nhiên sau phép lành Mình Thánh Chúa người ta có thể hát một bài về Đức Mẹ, hoặc về vị Thánh mừng bổn mạng hôm đó hay về mùa phụng vụ đang được cử hành.

Trích Huấn thị De Musica in Sacra Liturgia: “Khi chọn bài hát cho ca đoàn hay cộng đoàn, thì nên lưu ý đến khả năng thể hiện các bài hát của họ. Trong các lễ nghi phụng vụ, Hội Thánh không bác bỏ một loại âm nhạc nào, miễn là thể loại đó phù hợp với tinh thần lễ nghi Phụng vụ và bản chất của mỗi phần lễ nghi đó. Cũng như khi sử dụng các loại lễ nghi đó, không làm ngăn trở giáo dân tham dự đúng mức và tích cực vào các lễ nghi Phụng vụ”

Ngoài ra còn phải lưu ý: hiện nay có một số bài hát in trong sách Thánh Ca Cộng Đồng còn những điểm sai về thần học mà lâu nay người ta không để ý tới nên vẫn hát trong phụng vụ như: “Ôi Cha yêu con thật hết tình…; “Như dạ lý mùa xuân”; “Nơi tim Cha, lửa mến yêu chan hoà… Do đó, hiện nay uỷ ban Thánh nhạc của HĐGM VN do Đức cha Tri Bửu Thiên làm chủ tịch đang cho xem xét và chỉnh sửa lại cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. (Vd: trong kinh truyền tin… “Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria hãy hỷ hoan khoái lạc” sẽ phải được chỉnh sửa bằng những từ ngữ phù hợp hơn; hay trong kinh dâng lễ có câu: “ăn mày các ân xá” được thay bằng “hưởng nhờ các ân xá”. Ngay cả  trong các sách ngắm 15 sự thương khó cũng có nhiều điểm phải xem xét lại.

“Âm nhạc càng gắn liền chặt chẽ với hoạt động Phụng vụ bao nhiêu, thì càng có tính thánh thiện bấy nhiêu”

(Trích HIẾN CHẾ VỀ PHỤNG VỤ của Công Đồng Vaticano II)
Trích nguồn: http://conggiao.info

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube