Dẫn nhập
Nếu chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại được ví như một bức tranh tuyệt hảo, thì mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi biến cố của nhân loại, của Hội thánh và của Hội Dòng MTG Gò Vấp cũng được xem như là bức tranh diệu kỳ do chính Thiên Chúa tác tạo.
Bức tranh Hội Dòng MTG Gò Vấp không chỉ vẽ xuyên suốt từ quá trình hình thành và phát triển của Hội Dòng, nhưng được tô đậm nên qua những hy sinh, đau khổ và niềm tin tín thác vào Thiên Chúa của các chị em Hội Dòng MTG Phát Diệm, để hôm nay làm nổi bật được chân dung tinh thần của Dòng MTG trong Giáo hội và xã hội.
A. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
- Hoàn cảnh lịch sử
Khởi đầu, Phát Diệm là tên một xã nhỏ, thuộc huyện Kim Sơn, được thiết lập năm 1828 vào lúc Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ chiêu dân về hai huyện: Tiền Hải ở Thái Bình và Kim Sơn ở Ninh Bình. Mặt đất Kim Sơn chỉ cao hơn mặt biển khoảng mươi mười lăm bộ, cho nên việc đầu tiên Nguyễn Công Trứ phải làm là đắp một con đê dài chạy dọc sông Đáy. Từ con đê đó, Nguyễn Công Trứ đào mương lấy đất đắp rất nhiều con đường. Ai có dịp từ trên cao nhìn xuống, sẽ thấy huyện Kim Sơn nhác trông như một đô thị bao la với những sông ngòi thẳng tắp chằng chịt…[1]
Giáo Hội Việt Nam từ khi được thành lập vào ngày 9 tháng 9 năm 1659, chỉ có hai Giáo Phận là Đàng Trong, được trao cho Đức Cha Lambert de la Motte, cũng là Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá và Đàng Ngoài, được trao cho Đức Cha Francois Pallu. Năm 1679, Giáo Phận Đàng Ngoài được chia làm đôi, Phát Diệm thuộc về Giáo Phận Tây Đàng Ngoài. Ngày 02.04.1901, Đức Giáo Hoàng Lêô XI, ban sắc lệnh chia Giáo Phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), thành lập Giáo Phận mới là Giáo Phận Phát Diệm. Đức Cha Alexandre Marcou Thành là Đức Giám Mục đầu tiên của địa phận Phát Diệm, nghi lễ nhận địa phận được tổ chức long trọng tại Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc ngày 08.02.1902. Ngài đã cai quản Giáo Phận trong vòng 33 năm (1902-1935) và đã có công xây dựng Giáo Phận về nhiều mặt. Một trong những việc lớn lao đó là thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm[2].
- Sinh hoạt khởi đầu
Vào năm 1901, khi Địa Phận Phát Diệm được thành lập, tại đây đã có nhà Bạch Bát, 1749; Phúc Nhạc, 1788; và Thành Đức, 1823 là “Nhà Mụ” MTG sống biệt lập, có Bề Trên, và chỉ có lời hứa. Đến năm 1902, Đức Cha Alexandre Marcou Thành đã đưa 9 chị thuộc Nhà Phúc Nhạc xuống lập Nhà Phát Diệm tại làng Lưu Phương, để lo công việc in ấn các sách đạo bằng chữ Nôm, và ngài đã chính thức thành lập Nhà Dòng MTG Phát Diệm vào ngày 04.04.1902.
Năm 1903, ngài đã chuẩn bị cho việc xây cất các cơ sở cần thiết tại Lưu Phương nhằm hướng tới việc cải tổ. Năm 1905, ngài trao cho cha chính Địa Phận Louis de Cooman Hành và cha thư ký Phêrô Mai Đức Thạc, xem xét và canh tân Dòng theo tinh thần thống nhất của Dòng Ursulina, dựa theo tự sắc Motu Proprio của Đức Giáo Hoàng Piô X ra ngày 08.05.1905.
Theo đường hướng cải tổ này, mỗi Dòng cần có Nhà Mẹ, cơ sở riêng cho các nữ tu và các tập sinh, trước khi khấn phải có thời gian thử và tập. Từ đây, nhà Lưu Phương trở thành Nhà Mẹ của Nhà Dòng, và các cơ sở tại đây bắt đầu được xây dựng từ năm 1906. Dù vậy, mãi đến năm 1912, Nhà Tập mới được thành lập, bà Anna Nguyễn Thị Na được cử làm Giám Tập. Và, phải đợi đến ngày 23.10.1923, Đức Cha Alexandre Marcou Thành mới gửi thư lên Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin để xin phép quy tụ các Nhà Mụ MTG trong Địa Phận của ngài thành một Nhà Dòng duy nhất; Thánh Bộ đã chấp thuận lời thỉnh cầu trong văn thư hồi đáp ngày 15.02.1924.
2.1. Công cuộc cải tổ và canh tân
Cuộc cải tổ toàn diện đã được chính thức thực hiện từ năm 1916-1925, và được đánh dấu bằng một thử thách, hay nói cách khác là một ân huệ hiển nhiên:
Thiên Chúa đã cho phép satan quấy phá các nữ tu trẻ, đặc biệt là những tập sinh với mục đích làm cho khiếp sợ, chán nản mà bỏ về gia đình. Cuộc thử thách kéo dài trong suốt những năm cải tổ, dữ dội nhất là từ đầu năm 1924 cho đến cuối năm 1925.
Cuối cùng, Thiên Chúa đã đoái nhận sự kiên tâm bền chí của các chị; lễ khấn lần đầu của 61 chị đã được cử hành ngày 02.02.1925, do quý Đức Cha Marcou Thành và Louis de Cooman Hành chủ sự. Trong các Nhà MTG tại Việt Nam, đây cũng là lễ khấn dòng đầu tiên được cải tổ theo Giáo Luật năm 1917. Lúc này, bà Anna Nguyễn Thị Na được chọn làm Bề Trên tiên khởi (1925-1937).
2.2. Lớp khấn tiên khởi
Năm 1931, sau 6 năm khấn tạm theo Giáo Luật, 61 chị đã hiến dâng trọn đời cho Chúa bằng lời vĩnh khấn. Như vậy, Đức Cha Louis de Cooman Hành đã thống nhất các Nhà Mụ trong Địa Phận thành một Nhà Dòng duy nhất mang tên “MTG Phát Diệm”; soạn Hiến Pháp mới và quy định việc khấn dòng theo Giáo Luật; thay đổi tu phục; và dùng tên gọi các chức vụ cho thích hợp với Dòng tu.
Thiên Chúa luôn ban cho Hội dòng MTG Phát Diệm đầy đủ ơn của Ngài. Vì trong thời kỳ cấm đạo, các chị là những người nêu gương can đảm hy sinh để làm liên lạc và nuôi dưỡng nhiều đấng bậc bị giam trong tù và chết vì đạo như Đức Cha Giu, cha Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh và cha Thánh Lôrenxô Hưởng, Bà Thánh Đê cũng đã được các chị chăm sóc và an ủi trong những ngày cuối đời tù ngục.
Từ khi chị em có lời khấn theo Giáo Luật vào năm 1925, các chị không còn đi bán thuốc hay đi làm bên ngoài nữa, và cũng không ai được giữ của riêng; gữi luật nhiệm nhặt và đời sống cầu nguyện thăng tiến hơn trước rất nhiều. Đó cũng là lý do Nhà Dòng có nhiều ơn gọi. Từ khi bắt đầu thành lập chỉ có 9 chị, đến năm 1925 lớp khấn lần đầu đã có 61 chị. Đây quả là một ân ban của Thiên Chúa trên Hội dòng.
2.3. Hội dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa
Vào năm 1932, Địa Phận Thanh Hoá được tách ra từ Địa Phận Phát Diệm. Ngày 09.11.1932, Toà Thánh ban sắc lệnh cho tất cả các Tu Viện MTG Phát Diệm trong Địa Phận mới được tách khỏi Dòng MTG Phát Diệm để trở thành Dòng MTG Thanh Hoá, thuộc quyền Đức Cha Louis de Cooman Hành, Giám Mục Tông Toà Địa Phận Thanh Hoá.
Dòng MTG Phát Diệm thuộc quyền Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám Mục Tông Toà Địa Phận Phát Diệm, là vị Giám mục đầu tiên của VN.
Năm 1936 Nhà Dòng đã có 102 chị khấn. Tổng Tu nghị lần II vào năm 1937, mẹ Anna Trần Thị Bạch Hương được chọn làm Bề Trên (1937-1951). Trong thời gian này chị em MTG Phát Diệm đã giúp cải tổ Nhà Dòng MTG Hưng Hoá năm 1942; thành lập Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi-Bùi Chu năm 1946; cải tổ Nhà Dòng MTG Bùi Chu, sau này đổi thành Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương năm 1951.
2.4. Giai đoạn phát triển của Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm
Từ năm 1902 đến 1954, Hội dòng có tất cả 14 Nhà, hoạt động tại 14 giáo xứ trong Giáo phận Phát Diệm[3]. Năm 1954, nhân sự Hội dòng được 191 chị Khấn, 18 Tập sinh và 14 Đệ tử. Ngoài việc dạy học các học sinh trường nữ, chị em còn phụ trách các việc mục vụ trong giáo xứ như giúp các trẻ em xưng tội rước lễ lần đầu, coi sóc các hội đoàn nữ, nhiệt thành tham gia vào các công việc tông đồ, từ thiện, bác ái. Từ ngày thành lập trong địa phận, chị em đã rửa tội được 27.525 trẻ em và người lớn trong cơn hấp hối, trong số đó có tới 17.910 trẻ em đã được nuôi dưỡng ở các nhà Ký nhi do chị em lập ra.
- Hình thành Hội dòng
3.1. Biến cố năm 1954
Người ta thường nói: “Trong cái được luôn tiềm tàng cái mất; và trong cái mất luôn mở ra cơ hội để được”. Thật vậy, ngày 20.07.1954 hiệp định Genève chia đôi lãnh thổ Việt Nam đưa tới cuộc di cư vĩ đại của hàng triệu người, dẫn đến những cuộc chia ly đầy nước mắt và đau thương. Dòng MTG Phát Diệm cũng không thoát khỏi tình trạng chung lúc đó, một số chị em được chỉ định chính thức đi cùng với phái đoàn Đức Cha Anselmo Tađêô Lê Hữu Từ và một số các cha, các thầy lên tàu vào Nam tại bến đò Kim Đài – Phát Diệm. Mẹ Bề Trên Têrêsa Phạm Thị Ngọc Nhị đã qua đời trên đường di cư.
Như Abraham khi xưa ra đi mà không biết mình đi đâu, tương lai phía trước hoàn toàn mù mịt. Các chị chỉ biết là mình cần phải đi, đi theo lời chỉ dẫn của Chúa. Không có con đường nào có sẵn phía trước, chỉ có con đường được tạo ra ngay lập tức, khi chuyến tàu quốc tế chở đoàn người di cư cập bến Sài Gòn. Nhà Dòng được chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất có các chị Giáo và phần lớn các em đệ tử đến tạm trú tại Nhà Dòng MTG Chợ Quán để dạy học và theo học trong trường Thánh Linh của Dòng. Tại đây, chị em được cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, cha sở nhà thờ Chợ Quán và cũng là cha Bề Trên Nhà Dòng MTG Chợ Quán, cùng với mẹ Bề Trên Têrêsa Vân và các chị em MTG Chợ Quán đón tiếp nồng hậu, cho tá túc suốt thời gian đầu nhiều khó khăn vất vả. Nhóm thứ hai đa số là các chị lớn tuổi đến tạm trú ở Phú Nhuận. Tổng số các chị em định cư tại miền Nam gồm 182 người: 150 khấn sinh với toàn bộ Ban Điều Hành của Nhà Dòng, 18 tập sinh và 14 đệ tử sinh.
3.2. Xóm mới Gò Vấp – Quê hương thứ hai
Sau một thời gian sống tại hai cơ sở tạm thời là Chợ Quán và Phú Nhuận, được sự hướng dẫn và giúp đỡ tận tình của Đức Cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ và cha quản lý Phanxicô Trần Ngọc Phan, mẹ Bề Trên Anna Trần Thị Bạch Hương đưa chị em về trụ sở mới ở Xóm Mới- Gò Vấp, thiết lập Nhà Mẹ và Tập Viện, chính thức định cư tại Giáo Phận Sài Gòn.
Người ta thường nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Ngày 04.07.1956, Nhà Dòng bắt đầu dựng được mấy căn nhà gỗ, đơn sơ, mộc mạc và được phép đặt Mình Thánh Chúa. Một năm sau khởi công xây nhà nguyện và ngày 21.07.1957, ngôi nhà nguyện được khánh thành, chị em long trọng rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào ngự nơi nhà nguyện mới. Trong sáu năm đầu đặt chân lên miền Nam, nhờ sự giúp đỡ của Toà Thánh và các vị ân nhân, Nhà Dòng đã thành lập được 11 Tu Viện.
B. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH
- Nhân sự
Nhân sự của Hội Dòng MTG Gò Vấp hiện nay: khấn trọn 584, khấn tạm: 106, tập sinh: 33, tiền tập sinh: 20, thanh tuyển sinh: 39.
- Cơ sở
Cơ sở Nhà Mẹ hiện nay tọa lạc: 523A Lê Đức Thọ, phường 16, quận Gò Vấp, Tp.HCM. Hội Dòng có 36 cộng đoàn thuộc sáu Giáo phận tại Việt Nam: Sài Gòn, Xuân Lộc, Bà Rịa, Đà Lạt, Long Xuyên, Phú Cường, và Hải ngoại.
- Huấn luyện
3.1. Thanh Tuyển viện
Ngay sau khi định cư tại miền Nam, Nhà dòng đã đặt ưu tiên hàng đầu cho việc đào tạo và huấn luyện nhân sự. Đệ tử viện, vườn ươm ơn gọi, được thành lập rất sớm tại hai cộng đoàn: Đà Lạt và Thánh Mẫu Hòa Hưng Sài Gòn, sau đó thêm một nhà tại Nhà Mẹ Xóm Mới. Lúc đầu có sáu em đệ tử từ miền Bắc vào học ở Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, sau một năm chuyển lên Đà Lạt học lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ) để thi trung học. Thời gian này, Nhà dòng nhận các em từ lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ). Thông thường thì học hết trung học đệ nhất cấp (lớp đệ tứ) là được mặc áo nhà thử (1 năm), rồi tiến lên nhà tập (2 năm), sau đó Khấn Lần đầu (5 năm) và Khấn Trọn đời. Hằng năm, mỗi nhà đệ tử có khoảng 100 em. Từ năm 1968, các em đệ tử được học hết chương trình trung học đệ nhị cấp (lớp đệ nhất), mới tiến lên nhà thử.
Với biến cố năm 1975, các nhà đệ tử tạm ngưng sinh hoạt, các em phải về gia đình chờ đợi Nhà dòng gọi lại. Từ năm 1981, Nhà dòng bắt đầu nhận lại các em đệ tử để có người tiếp nối hành trình đời tu. Ngoài ba tu viện nuôi đệ tử như trước kia, các em còn được ươm mầm rải rác tại nhiều cộng đoàn của Dòng. Thời gian ở đệ tử tối thiểu là hai năm. Sau đó nếu hội đủ điều kiện, các em sẽ được tiến lên giai đoạn tiền tập và tiếp tục được huấn luyện tại cộng đoàn thêm hai năm nữa. Từ năm 1999, lớp tiền tập năm thứ hai được quy tụ về Nhà Mẹ, và năm 2007, Hội dòng cố gắng sắp xếp cho cả hai lớp tiền tập đều được về Nhà Mẹ.
3.2. Tập viện
Năm 1956: Khi mới vào Nam, Tập viện ở Đông Hoà, gồm tập sinh và thử sinh (tiền tập).
Năm 1957: Nhà tập được dời về Nhà Mẹ, Xóm Mới Gò Vấp cho đến ngày nay. Ngay từ khi nhà tập được dời về Xóm Mới Gò Vấp, cha Bề trên Giuse Vũ Văn Hải[4] cùng với mẹ Bề trên đã quan tâm đặc biệt đến việc huấn luyện các tập sinh và các chị khấn trẻ. Chính cha Bề trên Giuse dạy Luật Phép Dòng nữ Khấn đơn và giáo lý. Ngài còn mời thêm một số cha giáo sư Đại Chủng viện Phát Diệm giúp chị em:
– Cha giáo Matthêu Phạm Hảo Kỳ dạy luân lý
– Cha Antôn Trần Văn Kiệm dạy bình ca (Chant Gregorien)
– Cha Augustinô Nguyễn Đông Anh dạy Kinh Thánh
– Cha Phanxicô Xaviê Trần Hoàng dạy triết vv…
Bà giáo tập và các chị giáo dạy Hiến pháp, Tục lệ, đàn hát và các ngành nghề phụ như thêu, may, trồng tỉa vv… Từ năm 1956 – 1975, thử sinh và tập sinh ở chung trong nhà tập, do bà giáo tập và các chị giáo coi sóc. Sau năm 1975, các em nhà thử được tách khỏi tập viện và mọi sinh hoạt đều riêng biệt. Từ năm 1999, các tập sinh được linh thao tám ngày trước khi khấn lần đầu.
3.3. Học viện
Từ năm 1957, sau khi khấn lần đầu, các chị em được sai đi phục vụ tại các cộng đoàn và được tiếp tục huấn luyện dưới sự coi sóc của chị bề trên. Thời gian này học viện gọi là kinh viện. Năm 1990, khởi đầu nhiệm kỳ chị Tổng Phụ trách Anne Nguyễn Thị Thanh, Hội dòng chính thức có Học viện. Thời gian từ năm 1992-1999, mỗi lớp được hai chị theo học các lớp Thần học chính quy của liên dòng nữ tại Đại Chủng viện Sài Gòn, các chị em còn lại học lớp thần học hè tháng bảy của Liên Tu sĩ trong thời gian năm năm.
Năm 1994, chị em bắt đầu được về Nhà Mẹ một năm để dọn mình khấn trọn đời. Trong năm này, chị em có thời giờ hồi tâm, sống tịch mạc, cầu nguyện, được bồi dưỡng về đời sống thánh hiến, Kinh Thánh, tu đức và đàn hát, ca trưởng vv… Chị em được linh thao tám ngày trước khi khấn trọn đời. Từ năm 1999, sau khi khấn lần đầu, một số chị em được học thần học của Liên Hội dòng Mến Thánh Giá tại Hội dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, một số học văn hoá, còn một số vẫn đi phục vụ tại các cộng đoàn của Hội dòng vì nhu cầu. Năm 2010, Hội dòng quyết định cho tất cả chị em sau khi khấn lần đầu, được học thần học của Liên Hội dòng Mến Thánh Giá.
3.4. Thường huấn
Hội dòng cũng quan tâm đến việc thường huấn cho các nữ tu đã khấn trọn đời. Hàng năm có tuần bồi dưỡng sau dịp tĩnh tâm, chị em được chuyên sâu về tín lý, huấn giáo, các huấn thị và kỹ năng sống v.v…
- Chia sẻ về huấn luyện
Ngoài những sứ vụ riêng biệt của Dòng Mến Thánh Giá: giáo dục giới trẻ, phục vụ bệnh nhân, bảo vệ trẻ thơ và thăng tiến nữ giới.[5] Hội dòng được mời gọi chia sẻ việc huấn luyện trong đường hướng cải tổ của một số Dòng.
Năm 1963: giúp chị em Dòng Mến Thánh Giá gốc địa phận Hải Phòng và Thái Bình có lời khấn theo Giáo luật với thỏa thuận như sau: chung một Bề trên Cả, một Công hội, một Hiến pháp, một tu phục và một tập viện; riêng về nhân sự và tài sản.[6] Từ năm 1963-1975, 11 lớp thuộc hai Dòng trên lần lượt được gửi đến huấn luyện tại tập viện Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, Gò Vấp.
Ngày 17.02.1976, Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chấp thuận cho Hội dòng Mến Thánh Giá Hải Phòng trở thành một Hội dòng độc lập trực thuộc Giáo phận Xuân Lộc, dưới sự điều hành của Mẹ Bề trên Anna Phạm Thị Ry.
Ngày 16.06.1976 Đức Tổng Giám mục Phaolô đã ký nghị định phê chuẩn Hội dòng Mến Thánh Giá Thái Bình Tân Việt là Hội dòng độc lập trực thuộc Giáo phận Sài Gòn.
- Hoạt động tông đồ
Kế thừa sự nghiệp của các bậc tiền bối, chị em tiếp tục hăng say dấn thân với tinh thần yêu thương và phục vụ trong các lãnh vực theo Hiến Chương của Dòng Mến Thánh Giá.
5.1. Từ 1960–1975
- Giáo dục: Nhà dòng thành lập một số trường học, mẫu giáo, ký nhi, nhà nội trú và nhà nữ công với mục đích giáo dục văn hóa và gieo hạt giống đức tin cho giới trẻ, nâng đỡ các cháu học sinh nghèo và cũng là để chị em có điều kiện sinh sống.
- Trường Trung Tiểu học Thánh Mẫu: tại 300 Lê Văn Duyệt, Quận 3, Sài Gòn. Thành lập năm 1956 với 9 lớp học. Năm 1970, được xây dựng lại với 5 tầng và 32 lớp học. Số học sinh là 2500 em gồm cấp I, cấp II, cấp III và các lớp năng khiếu.
Thời gian hoạt động: từ 1956-1977 (20 năm)
- Trường Trung Tiểu học Chúa Hài Đồng: Xóm Mới, An Nhơn, Gò Vấp. Thành lập năm 1957 gồm cấp I và cấp II. Hoạt động từ 1957-1977 (20 năm). Năm 1970, xây trường Trung Học Cấp III dành riêng cho nữ sinh.
- Trường Trung Tiểu học Thiên Hương: số 9 Bà Triệu, Đà Lạt. Thành lập năm 1959. Hoạt động từ 1959-1975 (16 năm). Năm 1973, mở thêm các lớp trung học dành riêng cho nữ sinh.
- Trường Tiểu học Sao Mai: 42 Lý Tự Trọng, P.2, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Thành lập năm 1962. Thời gian hoạt động: từ 1962-1975 (13 năm).
- Y tế: Chị em làm việc tại một số bệnh viện; mở phòng phát thuốc và chích thuốc cho các bệnh nhân nghèo; thăm viếng những người nghèo khó neo đơn, bệnh tật, giúp đỡ bệnh nhân trong giờ sau hết.
- Xã hội: Năm 1963, Mẹ Bề trên Êlisabeth Trần Thị Nhẫn thành lập cô nhi viện Elisabeth để đón nhận những trẻ em mồ côi, nghèo và bị bỏ rơi. Ngoài ra, Hội dòng còn lưu tâm đến những phụ nữ trụy lạc.
- Mục vụ giáo xứ: dạy giáo lý các cấp, giáo lý dự tòng, phụ trách ca đoàn và phòng thánh.
5.2. Từ 1975–2010
- Mục vụ giáo dục: chị em chăm lo việc giáo dục trẻ em tại những cơ sở Mầm non Mẫu giáo, như Trường Mẫu giáo dân lập Duy An tại Nhà Mẹ, các lớp tình thương thuộc các Tu viện của Hội dòng, các lớp năng khiếu. Hiện nay, Hội dòng có 31 trường Mầm non với 156 nữ tu trực tiếp dạy học, hàng ngày đón tiếp trên 5.000 cháu.
- Xã hội: Tích cực tham gia những chương trình xoá đói giảm nghèo, những chương trình viện trợ bão lụt. Chị em âm thầm đến với những người nghèo không phân biệt tôn giáo:
- Thăm viếng và chăm sóc giúp đỡ những người nghèo khổ, già yếu, neo đơn;
- Hàng ngày rửa vết thương cho các bệnh nhân đau liệt tại gia đình; kể cả bệnh nhân Aids.
- Cháo dinh dưỡng và sữa đậu nành cho khoảng 50 em khuyết tật mồ côi vào thứ năm hàng tuần;
- Giúp phần ăn trưa cho khoảng 40 người vào thứ Bảy hàng tuần;
- Nuôi ăn học cho khoảng 40 em người dân tộc nội trú tại Tu viện An Hoà, Đức Trọng;
- Chăm sóc cho người dân tộc thiểu số tại Ganreo, Giáo xứ An Hoà, xã An Hoà, Huyện Đức Trọng, Tỉnh Lâm Đồng. Khám bệnh và phát thuốc miễn phí; tặng sách vở, quần áo cho các cháu đi học; dạy giáo lý và tập hát;
- Cùng với một số Dòng khác, Hội dòng cũng đã có những chị em tình nguyện phục vụ tại Trung tâm Trọng Điểm, nay là bệnh viện Nhân Ái – phục vụ người nhiễm HIV, AIDS từ tháng 8 năm 2004 tới nay.
- Nhà Lưu xá sinh viên: giúp cho các thiếu nữ nghèo và hiếu học.
- Mái ấm Mai ân: giúp các trẻ mồ côi khuyết tật.
- Quán ăn không đồng: dành cho người nghèo.
- Mục vụ giáo xứ: Hiện nay, Hội dòng có khoảng 300 chị em cộng tác với các linh mục trong công việc mục vụ:
- Trao Mình Thánh Chúa tại các giáo xứ đang phục vụ;
- Phụ trách phòng thánh;
- Dạy giáo lý các cấp cho 12.361 cháu: Khai Tâm, Rước Lễ Lần Đầu, Thêm Sức, Bao Đồng, Hôn Nhân, Dự Tòng; hướng dẫn Giáo Lý Viên, hướng dẫn Tìm Hiểu Ơn Gọi;
- Đoàn thể: Hiền Mẫu, Con Đức Mẹ, Thiếu nhi Thánh Thể, Giới trẻ, Ban Lễ sinh;
- Thăm viếng và trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân tại gia đình.
- Mục vụ Truyền giáo: Hội dòng mở thêm các cộng đoàn truyền giáo tại những vùng sâu vùng xa, hướng về các dân tộc thiểu số tại Ganreo, Giáo xứ An Hoà, xã An Hoà, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; tham gia mục vụ tại giáo xứ Cao Bình, Giáo phận Lạng Sơn vào dịp Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh.
- Các Mẹ Bề Trên Hội dòng từ ngày 02.02.1925 đến nay
- Mẹ Bề trên tiên khởi Anna Nguyễn Thị Na (1925-1937)
- Mẹ Bề trên Anna Trần Thị Bạch Hương (1937-1951; 1954-1960)
- Mẹ Bề trên Têrêsa Phạm Thị Ngọc Nhị (1951-1954)
- Mẹ Bề trên Elisabeth Trần Thị Nhẫn (1960-1984)
- Mẹ Bề trên Anna Nguyễn Thị Kim Hiên (1984-1990)
- Chị Tổng Phụ trách Anne Nguyễn Thị Thanh (1990-2010)
- Chị Tổng Phụ trách Têrêsa Nguyễn Thị Bích Thuỷ (2010-2018)
- Chị Tổng Phụ Trách đương nhiệm Anna Phạm Thị Sáng (2018- )
- Các biến cố đặc biệt
- Khôi phục lại Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm Lưu Phương[7]
Năm 1990, khi ra dự Lễ khai mạc Năm Thánh mừng 100 năm Nhà thờ Chính Toà Phát Diệm, thấy cảnh ly tán của chị em, chị Tổng Phụ trách Anne Nguyễn Thị Thanh cố gắng xin Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo cho khôi phục lại đời sống cộng đoàn để các chị có thể sống đời tu trì một cách đích thực. Thoạt đầu, Đức Cha có phần băn khoăn e ngại vì ngài cảm thấy sau gần 30 năm với lời khấn tạm, mạnh ai nấy sống, bây giờ tập trung lại sống thành cộng đoàn, không phải là chuyện dễ. Nhưng cuối cùng, với những lý do chính đáng và mạnh mẽ, chị Tổng Anne đã thuyết phục được Đức Cha và ngài đã cho gọi 22 chị về Hội dòng.
Ngày 12.06.1991, chị đại diện Anna Đinh Thị Hiền đã khấn trọn đời trong tay chị Tổng Phụ trách Anne Nguyễn Thị Thanh tại Nhà Mẹ Xóm Mới Gò Vấp. Các chị còn lại tiếp tục khấn trong ba đợt nữa tại nhà Phát Diệm Lưu Phương.
Ngày 01.01.1996, tại Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo chủ toạ Tổng Tu nghị đầu tiên sau nhiều năm bị gián đoạn, có sự hiện diện của cha Quản lý Antôn Phan Văn Tự và chị Anne Nguyễn Thị Thanh, Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, chị Đại diện Maria Phan Thị Mai được chị em bầu chọn làm Tổng Phụ trách đầu tiên của Mến Thánh Giá Phát Diệm Lưu Phương. Từ đây, theo yêu cầu của Thánh Bộ các Dòng tu năm 1995, Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm và Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp trở thành hai Hội dòng biệt lập, tuy vẫn là một trong tinh thần. Từ năm 1991, Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp đã cố gắng phụ giúp Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm những gì có thể theo khả năng cho phép, đặc biệt về mặt huấn luyện.
- Hội Dòng Mến Thánh Giá Los Angeles: 1992[8]
Trong tình thế hoang mang của biến cố 1975, khoảng 28 chị em, theo sóng người di tản đã khăn gói ra đi. Sau 17 năm hội nhập xã hội Hoa Kỳ, ngày 20.02.1992, Thánh Bộ Dòng Tu gửi văn thư chính thức công nhận Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Los Angeles là một Hội dòng thuộc quyền địa phận, trực thuộc Bề trên Bản Quyền Địa Phận là Đức Hồng Y Roger Mahony (chiếu theo Giáo Luật # 594), đổi tên là Hội dòng Mến Thánh Giá Los Angeles, sau khi tham khảo ý kiến Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Giáo phận Sài Gòn, và được sự chấp thuận của chị Anne Nguyễn Thị Thanh, Tổng Phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm Xóm Mới Gò Vấp.
- Danh hiệu mới
Ngày 29.06.1995, Đức Hồng y Martinez, Tổng trưởng Bộ Đặc trách Đời sống Thánh hiến, ký Bản Tuyên Ngôn quyết định đổi tên Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm Xóm Mới là Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp,[9] và chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm tại miền Bắc vẫn giữ tên Mến Thánh Giá Phát Diệm.
- Cung Hiến Nhà Nguyện
Ngày 27.12.2000, Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã cắt băng khánh thành và làm phép cung hiến Nhà nguyện Hội dòng trong tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa, Mẹ Maria và Thánh Giuse quan thầy của Hội dòng.
- Mừng 100 năm thành lập Hội dòng
Năm 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đệ nhị cho phép mở năm Đại xá mừng kỷ niệm Bách Chu Niên Thành lập Hội dòng (1902-2002). Và Hội dòng đã chính thức mừng kỷ niệm trong những ngày: 09.05.2002 dịp Lễ Khấn Lần đầu; 12.06.2002 dịp Lễ Khấn Trọn đời, 26.07.2002 dịp Lễ Thánh Anna, bổn mạng chị Tổng Phụ trách và Tam nhật mừng trọng thể vào dịp Lễ Suy Tôn Thánh Giá, ngày 12 – 14.09.2002. Đây là dịp thuận lợi để chị em nhìn lại cội nguồn của mình, những bước khai phá cũng như những bước đi lên trong hành trình theo Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh.
C. TRỞ VỀ NGUỒN
- Ban hành Hiến Chương
Chị Tổng Phụ trách Anne Nguyễn Thị Thanh đã công bố và ban hành Hiến chương cho chị em vào ngày 16.06.2000. Nghi thức được lồng vào giây phút tưởng niệm ghi nhớ công ơn Đấng Sáng Lập khả kính, như một nhắc nhớ chị em những hoài bão và kỳ vọng của người cha thiêng liêng nơi đoàn con Mến Thánh Giá, mời gọi chị em quyết tâm sống hoàn hảo ơn gọi Mến Thánh Giá của mình. Đón nhận Hiến chương trong tâm tình cảm tạ, như quà tặng lớn lao Thiên Chúa trao ban, để từ đây, luật sống yêu thương này sẽ mãi mãi cùng đồng hành với từng chị em trong hành trình ơn gọi Mến Thánh Giá.
- Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại thế
2.1. Các Hội dòng Mến Thánh Giá thuộc Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh[10]
Hai năm sau khi Nhóm nghiên cứu linh đạo Mến Thánh Giá của bảy Hội dòng thuộc Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh hình thành, Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, trong tâm tình người mục tử, đã đề nghị các chị em quy tụ các cựu nữ tu Mến Thánh Giá cùng gia đình của họ, để sinh hoạt với nhau, nhằm chuẩn bị cho việc tái lập Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế khi có điều kiện thuận lợi.
2.2. Hội dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Phaolô, chị Tổng Phụ trách Anne Nguyễn Thị Thanh đã quy tụ các cựu Tu sinh của Hội dòng vào dịp Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu lần đầu tiên vào năm 1996.
Như vậy Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế Gò Vấp đã được thiết lập năm 1996 với 20 cựu Tu sinh lúc ban đầu và đến nay, năm 2011, số Hội viên là 1364 tại các Giáo phận: Thành phố Hồ Chí Minh Xuân Lộc, Đà Lạt và Bà Rịa.
Năm 2003 ghi dấu một bước tiến quan trọng trong việc bắt đầu đi vào Quy chế của Thủ bản Mến Thánh Giá Tại Thế. Năm 2007 bắt đầu có cam kết tạm lần thứ I với 24 Hội viên.
Ngày 11.09.2011, ngày Truyền Thống Mến Thánh Giá Tại Thế Gò Vấp, Hiệp Hội đã long trọng mừng kỷ niệm 15 năm thiết lập (1996-2011), một chặng dừng để Nhìn Về Cội Nguồn trong tâm tình tạ ơn Chúa và tri ân mọi người.
Lời Kết
“Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135). Hội Dòng MTG Gò Vấp đã hiện diện giữa lòng dân tộc trên một thế kỷ: hơn một nửa thế kỷ tại quê mẹ Phát Diệm và phần còn lại nơi miền Nam thân thương. Nhìn lại dòng lịch sử để thêm một lần nữa xác tín và cảm nhận Chúa luôn yêu thương theo cách của Chúa, vì có những điều con người tưởng ‘họa’, nhưng Chúa đã biến thành ‘phúc’, tuôn đổ trên Hội Dòng. Tất cả chị em không ngừng nỗ lực sống ơn gọi MTG từng ngày theo tinh thần Đấng Sáng Lập, để có thể tiếp bước và viết nên những trang sử của người nữ tu MTG Gò Vấp. Thời gian trôi qua với biết bao thăng trầm đổi thay, nhưng tình Chúa vẫn luôn đong đầy trên các nữ tỳ khiêm hạ của Ngài.
[1] x. Kỷ Yếu Phát Diệm 1891-1991, tr.43-46.
[2] x. Kỷ Yếu Phát Diệm 1891-1991, tr. 29-30.
[3] x. Lịch sử Gio phận Pht Diệm, tr.95-97.
[4] Cha Bề trên của Dòng MTG Phát Diệm từ năm 1945. Năm 1960, Cha được gọi là Bề trên Cố vấn của Dòng. Năm 1965, sau Công đồng Vatican II, gọi là Cha Cố Vấn.
[5] x. HC số 76.
[6] x. Kỷ yếu mừng 100 năm thành lập Hội dịng MTG Gò Vấp, tr. 52.
[7] x. Kỷ yếu mừng 100 năm thành lập Hội dịng MTG Gò Vấp, tr.51.
[8] x. MTG Los Angeles – 25 năm hoạt động tại Hoa Kỳ, tr.50.
[9] x. Declaration, Prot. N.D.2371-1/95.
[10] Thủ Thiêm, Chợ Quán, Gò Vấp, Khiết Tâm, Thủ Đức, Tân Lập, Tân Việt.v