Nhận Định Ơn Gọi Độc Thân Thánh Hiến (Phần 2)

Khía Cạnh Tâm Lý Và Thực Tế
Trong Việc Nhận Định Ơn Gọi Độc Thân Thánh Hiến (Phần 2)

  1. Tuổi thơ bị tổn thương

Trong quá trình nhận định ơn gọi của các giai đoạn huấn luyện ban đầu chúng ta cần biết về tuổi thơ của ứng sinh để giúp đỡ kịp thời. Một số bạn trẻ lớn lên đã từng bị tổn hương thể chất và tinh thần cách này hay cách khác.

Thể chất: làm việc quá nặng nhọc, bị đánh, phạt nặng, bị xâm hại tình dục, chơi trò người lớn và ngay cả chứng kiến những cảnh “người lớn” của bố mẹ. Đây là những bóng đen cuộc đời, nếu không được giúp đỡ đúng mực thì những tu sĩ này phải chịu rất nhiều áp lực tinh thần và thể chất lâu dài trong đời tu.

Tinh thần: bầu khí gia đình căng thẳng. Nếu gia đình thường xuyên bất hòa; bạo lực do bố say xỉn, ứng xử kiểu gia trưởng; trẻ thường bị la mắng, nghe những lời chê bai, hạ giá, dọa nạt hay bị phạt nặng, hoặc bị oan; bố mẹ quá bận rộn nên không có giờ gần gũi con, lớn lên trong sự hờ hững, thiếu quan tâm; những mất mát lớn lên trong đời như mất cha, mẹ, bà… những người quan trọng. Hệ quả là trẻ dễ trở nên nhút nhát, tự ti, xa cách, khép kín với người khác hoặc trở nên chai lì, bất mãn và chống đối ngầm kể cả với người có quyền sau này.

Theo kinh nghiệm làm việc với tu sĩ nam, nữ, linh mục, bản thân thấy rằng kể cả những vị có học thức cao hay rất thành đạt về sau cũng còn những vết thương hoặc “vết sẹo” khó lành của đầu đời dưới mái nhà gia đình. Một số trục trặc trong đời tu nếu xét kỹ hầu hết đều là di chứng của những kinh nghiệm tuổi thơ.

Ngoài những gì vừa nêu trên, còn một số dấu ấn khó phai đeo bám cuộc đời của một người, đặc biệt tu sĩ, vì đời tu dễ căng thẳng và có nhiều luật phải giữ. Khi chúng ta bận rộn hay mạnh khỏe, bình an thì những dấu ấn ấy tạm ngủ yên, nhưng nó vẫn còn đó và chờ dịp trỗi dậy. Nếu không có đời sống siêu nhiên hay nội lực hoặc sự giúp đỡ thì không biết những ngày tháng đời tu sẽ ra sao. Chắc chắn mức độ ảnh hưởng rất đa dạng tùy tính nết, tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất, tùy mức độ khó khăn phải đối diện và tùy sự quan tâm nâng đỡ của người thân và những người xung quanh. Dưới đây là những trường hợp tôi đã gặp trong quá trình làm việc với tu sĩ, những người chưa vượt qua được những tổn thương của tuổi thơ.

– Bị chọc quê, bị dán nhãn hiệu vì cách ăn mặc, kiểu tóc hay mập, ốm, nói lắp, ghẻ lở, đen…

– Bị ăn hiếp và bị cho ra rìa là trường hợp thường xảy ra ở trường học. Có những điều người lớn chỉ cười, xem là chuyện trẻ con nhưng với trẻ đây là những tổn thương có khi ảnh hưởng rất lâu dài trên cuộc đời về sau.

– Bị cho làm giả con trai hay con gái: vì gia đình thiếu con trai hay con gái và cha mẹ có thể chọn một em cho đóng vai giới tính mà họ mong chờ, hoặc vì muốn làm vừa lòng ông bà. Bản thân đương sự thấy khổ nhưng không làm gì được.

Hệ quả là có sự băn khoăn, lúng túng hoặc lẫn lộn về giới tính của mình. Khi ý thức họ thường bất mãn hay giận hờn bố mẹ…

– Bị phân biệt đối xử ngay trong gia đình: Khi trong gia đình cha mẹ có thái độ trọng nam và coi thường nữ hay ngược lại. Có khi có sự phân bệt đối xử rõ rệt giữa hai anh/chị em kề nhau hay giữa đứa lớn và nhỏ tạo nên những sự buồn tủi hay bất mãn. Những nỗi buồn này thường giữ kín, nhưng lòng ấm ức và sự xa cách chống đối ngầm là điều khó tránh.

Khi phân định hay đào tạo xin chú ý tuổi thơ và khung cảnh lớn lên của ứng sinh. Tại sao họ lại như thế? Tại sao họ làm cái họ đang làm? Tìm để hiểu, để cảm thông và để giúp đỡ cụ thể, kịp thời.

“Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”

  1. Động lực

Trước khi nhận một người vào dòng, chúng ta thường tìm hiểu những động lực khiến người ấy chọn đời tu. Điều này quan trọng nhưng quan trọng hơn là giúp tu sĩ hiểu ý nghĩa đời tu và điều chỉnh trước khi dấn thân sâu hơn.

Chúng ta phải thừa nhận rằng một số gia đình Công Giáo còn sống đạo sốt sắng. Dù nhiều thế hệ trước không được học, được hiểu đạo như chúng ta bây giờ nhưng đức tin của họ rất chân thành, đơn sơ, và vững chắc. Thế hệ con cháu của chúng ta còn thừa hưởng được hoa trái của lòng tin đơn thành nhưng không kém phần sâu sắc ấy. Nhiều tu sĩ chọn đi tu vì phụ huynh của họ quý trọng, khao khát, khuyến khích con vào đời dâng hiến.

Ngoài động lực siêu nhiên, một số ứng sinh không thích lập gia đình vì cảnh sống trong môi trường lớn lên không có gì hấp dẫn thu hút, đôi khi còn ngược lại. Một số sợ hoặc tìm tránh né trách nhiệm hoặc ngại đối diện với thực tế không dễ dàng trong cuộc đời. Có em do kinh nghiệm chứng kiến đau thương trong gia đình mình nên quyết tâm không chọn sống đời gia đình.

Một số khác thấy đời tu có khi là một con đường thăng tiến, thoát nghèo, đỡ vất vả. Nhiều gia đình nông thôn đốc thúc con cháu “tu cho sướng…”, cho “hạnh phúc vì được ở trong nhà Chúa”. Đời tu an toàn, nhẹ nhàng, thanh thoát hoặc hình ảnh uy quyền, đời sống đầy đủ của các linh mục, tu sĩ lôi cuốn họ.

Ngoại lệ, có em nghe theo sự rủ rê của bạn bè hay sự tiếp thị hấp dẫn của một số dòng tu, trong đó có những trường hợp người nhập tu được hứa hẹn trước sẽ được học cao, hay được gởi đi ngoại quốc. Chúng ta cũng không loại trừ nguy cơ là những người nhập tu này đi tìm thăng tiến bản thân trước, rồi nếu được thì cũng tìm Chúa luôn thể chăng.

6. Yếu tố “lớn tuổi”, trải đời.

Không khó để thấy rằng việc huấn luyện hiện nay khó khăn phức tạp hơn trước nhiều.

Các ứng viên ngày nay thường lớn tuổi hơn, vì số đông các dòng không còn “đệ tử viện” hay “tiểu chủng viện” nữa. Đây cũng là yếu tố thuận lợi, tuy nhiên có thể có những lỗ hỏng về nhân cách gây cản trở cho đời tu.

Khi đến với đời tu, những ứng sinh lớn tuổi đã phần nào định hình về nhân cách rồi. Có người đã học hành xong, xa gia đình, quen sống tự lập. Có người đã đi làm việc một thời gian. Cuộc sống sinh viên và công nhân viên tiếp xúc với bầu khí thiếu lành mạnh của xã hội này làm cho người ta khó tránh khỏi những cám dỗ của tiền bạc, tình cảm và ngay cả kinh nghiệm về tình dục. Vì thế, để thích nghi với cuộc sống và những đòi hỏi của đời tu không phải dễ. Một số nhà chuyên môn cho rằng những ai đã từng có những kinh nghiệm về tình dục thường rất khó vượt qua những cơn cám dỗ về sau, nhất là với khung cảnh mở cửa các phương tiện truyền thông và sự tự do, vật chất dễ dãi…

Nt. Marie Thecla Trần Thị Giồng, CND, Khía cạnh tâm lý và thực tế trong việc nhận định ơn gọi độc thân thánh hiến, trong Hiệp Thông, Bản tin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Chuyên đề: Người trẻ và việc phân định ơn gọi, s. 103, tr. 47 – 62. (Còn tiếp)

Trích nguồn: https://dongducba.net

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube