Tìm về nền tảng ơn gọi

Hãy ngợi khen vinh quang Thiên Chúa, Chúa Kitô, Lời của Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, Đấng đã tuyển chọn con người ngay từ lúc khởi đầu, để họ kết hợp với Người trong tình yêu.
Ơn gọi là một thực tại vô cùng huyền nhiệm. Lời mời gọi của Thiên Chúa không hệ tại những gì bên ngoài; nó hiện hữu nơi sâu xa nhất và trung tâm nhất của lòng người. Chúng ta có là gì cũng là do lời mời gọi này.

Muốn hiểu được thực tại này cách thấu đáo hơn, trên hết chúng ta hãy lắng nghe Kinh Thánh. Chúng ta sẽ được bắt gặp nhiều ơn gọi vĩ đại mà Kinh Thánh muốn diễn tả và sẽ sinh động hóa cho chúng ta. Những mẫu gương này sẽ dạy chúng ta nhiều về tâm lý của những con người được gọi và đường lối Thiên Chúa đã an bài, đồng thời tiếp tục hướng dẫn họ để rồi mặc khải cho họ ơn gọi mà chính họ là đối tượng.

Nhưng nếu chúng ta nhìn lại một chút, chúng ta có thể nhận thức và nắm bắt một cách toàn diện rằng: Kinh Thánh ghi lại lịch sử tính của một ơn gọi, ơn gọi của những người thuộc về Thiên Chúa. Mỗi người cần biết cưu mang, nuôi dưỡng ơn gọi chung để ơn gọi riêng có những ý nghĩa đặc biệt của nó.

PHÁT TRIỂN Ý NIỆM ƠN GỌI TRONG KINH THÁNH
Chúng ta cần học biết đường lối mà Thiên Chúa đã làm nên ơn gọi qua các thời đại và cách mà những người của Thiên Chúa đã biết ý thức liên lỉ về ơn gọi mình: từng bước ngang qua các sự kiện có tính ảnh hưởng, họ bắt đầu hiểu cách sâu xa ơn gọi của họ nhờ đó ơn gọi đã bén rễ sâu trong họ. Họ học biết sống ơn gọi mình ngày một đúng đắn và trong sáng hơn. Điều này sẽ giúp chúng ta nhận ra điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta: chúng ta hãy đổi mới mình bằng việc khám phá sự thật như chính Người đã tiền định cho chúng ta. Con đường mà nhờ đó Thiên Chúa dẫn dân Người từ vinh quang tới vinh quang và còn lại đó nơi chúng ta một con đường vô cùng vô tận cho sự hiện hữu một ơn gọi riêng huyền nhiệm của chúng ta.

CỰU ƯỚC – ƠN GỌI CỦA ISRAEL
Israel được gọi xuyên qua các dấu chỉ mà tổ phụ Abraham được chọn và được dành riêng cho sứ vụ của ngài. Trải qua vô số những biến cố lịch sử, dân Chúa khởi từ tổ phụ Abraham đã thấu hiểu chính ơn gọi ấy như là dân được Thiên Chúa tuyển chọn. Dù ngay từ đầu có thể họ chưa hiểu lắm nhưng rồi họ cũng nhận biết rằng họ được thông dự hoàn toàn vào tình bạn duy nhất với Thiên Chúa, rằng họ là những người được chia sẻ một cuộc diện kiến linh thiêng huyền nhiệm. Chính tình bạn này giúp họ nhận thức rõ về sự hiệp nhất và làm cho họ thành một dân tộc.
Trước hết cần nhớ những sự kiện vĩ đại trong thời Môsê, chúng đã để lại dấu ấn trên dân này và có thể nói đã phục hồi nhân phẩm của họ: từ cuộc xuất hành Ai Cập, giao ước Sinai và việc ban Lề Luật, sa mạc, cho đến chinh phục đất hứa.

Ngôn sứ Êzêchiel sau này đã diễn tả tình bạn của Israel qua một hình ảnh độc đáo:
“Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giãy giụa trong máu. Thấy ngươi mình đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: ‘cứ việc sống!’ Ta làm cho ngươi nảy nở như hoa ngoài đồng. Ngươi đã nảy nở, lớn lên và thành cô thiếu nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà, nhưng ngươi vẫn trần truồng, không mảnh vải che thân.
Ta đi ngang qua chỗ và thấy ngươi. Này ngươi đã đến tuổi, tuổi yêu đương. Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che thân thể lõa lồ của ngươi. Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng – và ngươi thuộc về Ta. Ta đã lấy nước tắm rửa, gột sạch máu me, rồi xức dầu thơm cho ngươi.” (Ed16,6-9).

Trong thời gian dài, đây là một sự nhắc nhở bên cạnh việc diễn tả ơn gọi của họ. Thiên Chúa “đã tìm thấy”, “đã bắt gặp”, “đã gọi”, “đã chọn”, “yêu thích” họ. Những lời này cho thấy rằng dân Chúa đã được Người tuyển chọn từ trước. Tóm lại, không còn nhận thức nào cần thiết được đào sâu hơn nữa.
Sau cuộc xuất hành, mọi sự đã trở nên khác. Đã có một sự đổ vỡ trầm trọng. Sự đổ vỡ về con người và đất đai: số nhỏ còn sót lại đã để đất hứa mà họ đã tìm thấy ra hoang tàn, đã để mất vào tay chư dân xa lạ, đền thờ bị lấy mất, tuy nhiên chắc chắn một điều là chúng không thể lấy mất Thiên Chúa của họ được. (Ed11,16). Thiên Chúa cũng muốn tách biệt, không muốn dân Chúa lệ thuộc vào đất đai. Xuất hiện một ý thức lớn hơn về ơn cứu độ phổ quát, về tính siêu việt và duy nhất của Thiên Chúa. Những tượng thần không còn chỗ đứng, và có số phận tệ hại hơn nữa. Đức Chúa là Thiên Chúa của vũ hoàn, là Đấng sáng tạo toàn năng.
Dân Chúa suy nghĩ về ơn gọi của mình cách sâu xa hơn. Cho tới cuộc xuất hành thì việc sở hữu đất hứa vẫn còn là một phần thiết yếu của giao ước. Nhận thức về ơn gọi và thần học sáng tạo cần sâu hơn nữa đồng thời phải có sự hỗ tương.

Chúng ta hãy hết sức chú ý đến chiều kích sâu xa này. Bởi lẽ điều tương tự cũng sẽ xảy ra cho chúng ta. Ơn gọi cá nhân chúng ta ít nhiều mang tính ích kỷ và thiển cận. Nó chỉ xuất hiện sau khi phá vỡ “ngẫu tượng” và “lý tưởng” của chúng ta nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, hay bởi một vài ý nghĩa khác giúp chúng ta đụng chạm chỗ sâu nhất của lòng mình, nơi ấy Ngôi Lời kêu gọi chúng ta trở nên…không.

TOLEDOT – LÒNG KHOAN DUNG
Giữa thời điểm của cuộc xuất hành, Thiên Chúa hiện ra giữa dân Người với quyền năng vô biên và một nhà tư tưởng sâu sắc đã giới thiệu về một cuộc thần hiện kỳ diệu trong dự phóng thiêng liêng. Chúng ta không biết tên ông là gì. Nhưng hẳn ông là một tư tế, vì vậy chúng ta gọi tác phẩm của ông là, giòng văn tư tế, bằng một chữ “p” đầu chữ. Công việc này định hình phần nào truyền thống khả dĩ cung cấp sườn cho việc biên soạn bộ Ngũ Kinh và do đó cung cấp ý nghĩa sau cùng cho tất cả các sự kiện mang tính lịch sử.

Xuyên qua một loạt trình thuật bắt đầu bằng chữ Hipri “Toledot”: “Đây là gia phả (một lịch sử) của…” (St5, 1; 6, 9…vv.). “P” nối kết sự sáng tạo vũ trụ với giao ước của tổ phụ Abraham và sự phát sinh dân Chúa, toàn bộ lịch sử của Môsê, cuộc Xuất Hành và giao ước Sinai. Bởi thế ngài đã thực thi dự phóng của Thiên Chúa, toàn bộ luật tự nhiên đều quy hướng về thiêng liêng, và toàn bộ công trình sáng tạo thế giới đều quy hướng về ơn gọi của Israel. Tác giả cho rằng nguồn gốc của mọi sự có liên quan trước hết với các gia phả. Còn Tin Mừng chính là sự liên hệ sau cùng, mặc khải sách gia phả Đức Giêsu Kitô, con vua David, con cái tổ phụ Abraham (Mt1,1), con ông Nô-ê, con ông tổ loài người Adam, con Thiên Chúa (Lc 3, 23 – 38).

ISAIA II
Một tác giả vĩ đại khác xuất hiện cuối thời lưu đày, một con người hoàn toàn khác biệt, người có công tổng hợp những giáo lý, cùng một giáo lý có tính khả thi hơn cho chúng ta. Một thi sĩ đầy đam mê, ông đã phổ nhạc những bài thơ thành những bài hát tuyệt hay, chúng ta không biết tên ông. Ông là một ngôn sứ kế thừa ngôn sứ Isaia và được gọi là Isaia thứ hai. Tác phẩm của ông có tựa đề là “Cuốn Sách An Ủi”. (Is40-55).
Lại một lần nữa, chúng ta tìm thấy ơn gọi Israel một cách minh nhiên và không thể chối cãi, hơn nữa có tính đồng nhất với việc hình thành ơn gọi Israel và đi xa hơn trong dự phóng thành hình ơn gọi phổ quát.

“Nhưng bây giờ, đây là Lời Đức Chúa phán, Lời của Đấng tạo thành ngươi, hỡi Giacob, lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Israel: đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is43,1).
“…Đó là tất cả những người mang danh Ta, đã được Ta tạo dựng, nắn thành hình và làm nên, cho danh Ta rạng ngời vinh hiển.” (Is43,7).

LỜI
Sự kết nối này trong ý niệm ơn gọi đối với công cuộc sáng tạo; làm sáng tỏ tính chủ động hoàn toàn và nói lên quyền năng của Thiên Chúa, đặt nền tảng trên ý niệm sâu xa của Lời. Tác giả “P” đã chỉ cho chúng ta thấy thế giới được sáng tạo bởi Lời Thiên Chúa. (x.“Thiên Chúa phán” trong sách Sáng Thế 1). Isaia thứ hai đã khai thác theo hướng này một cách sâu xa: ông chiêm ngưỡng công trình sáng tạo như một lời mời gọi hiện hữu. Lời gợi ý này chỉ tìm thấy sự đúng đắn mang tính siêu hình trong sách Khôn Ngoan (“Cái gì có thể hiện hữu được khi người chưa gọi nó?” Kn11.25), nhưng cũng là một hình thức xuất hiện xuyên suốt trong sách An Ủi.

“Hãy nghe Ta, hỡi Jacob, hỡi Israel, kẻ Ta đã gọi! Ta vẫn là Ta, Ta là khởi nguyên, Ta cũng là cùng tận. Chính tay Ta đã thiết lập địa cầu, tay hữu Ta đã trải rộng trời cao. Ta gọi chúng, chúng cùng nhau trình diện.” (Is 48,12-13).
Lời Chúa trước tiên tự thân mang tính sáng tạo: nó kêu gọi và con người hiện hữu; đây quả là một sự sáng tạo. Nó bày tỏ mình qua việc phân ra từng nhiệm vụ. Nó kêu gọi những con người mà nó đã tạo thành, đây là ý nghĩa ơn gọi của mỗi người. Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Lời này đã được ban cho con người qua các ngôn sứ và luật lệ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa gọi đích danh mỗi người trong chúng ta dưới hình dáng một con người. (Dt1,1)

Bởi vậy, toàn bộ Kinh Thánh, từ công trình sáng tạo cho đến công trình nhập thể, có thể được nhìn nhận như một hiện thân của Lời bất diệt. Isaia II chính là ngôn sứ của Lời, cũng như thánh Gioan là tác giả Tin Mừng. Lời Thiên Chúa mời gọi mọi người đi vào sự hiện hữu, mỗi thứ “tùy theo loại” (St1,11).

Mỗi sinh vật được dựng nên cho một mục đích nhất định nào đó: cây sinh hạt giống, hay đúng hơn được khắc sâu trong bản chất của nó.
Con người cũng vậy, được dựng nên cho một mục đích và vì chúng ta có lý trí cũng như tự do nên Thiên Chúa dùng Lời của Người mà thông tri kế hoạch của Mình cho chúng ta. “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất’” (St1,28). Nói chung đây là ơn gọi của chúng ta, là nguồn phát sinh mọi khả năng sáng tạo và hoạt động của chúng ta.
Nhưng mỗi người đã được tiền định một lối sống riêng phục vụ cho việc hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Tình bạn giữa hai người mãi mãi là độc nhất và chính vì lý do này mà một lời mời gọi tầm thường hiện hữu và hoạt động là không xứng đáng. Cần có một lời mời gọi cá biệt và điều này muốn nói đến ơn gọi trong ý nghĩa riêng dù vẫn ở trong một đường hướng chung.

Nhưng có một ý nghĩa đặc biệt hơn: một cách chắc chắn, Thiên Chúa tiền định cho mọi người thuộc về Ngài theo cách riêng, ngang qua việc tuyển chọn hay dùng vào một sứ vụ. Cũng vậy, dân Chúa đã được tuyển chọn, được nâng lên và được trao cho một sứ vụ đặc biệt, vì thế lời mời gọi sẽ nhắm đến ơn gọi của dân riêng mà Kinh Thánh đã bày tỏ cho chúng ta. Thiên Chúa cần, Thiên Chúa hạ mình xuống cần đến con người. Ngài hướng dẫn dân Ngài qua những con người cụ thể, Ngài khiển trách, dạy dỗ, đánh phạt và đã bày tỏ mình cho họ qua nhiều trung gian. Ơn gọi vĩ đại của Isaia được hình thành, trở nên đặc biệt trong nhiều ơn gọi khác nhau: trưởng lão, thủ lãnh, các vua, thẩm phán, ngôn sứ, sứ giả của Lời, những con người được xức dầu và các tư tế.

Những vấn nạn sai lầm được đặt ra là tại sao Thiên Chúa lại gọi người này kẻ kia: tại sao Người lại đặt người này kẻ kia vì mục đích này nọ. Nhưng một ngày kia, có người cũng sẽ được chọn, họ cũng sẽ nghe theo tiếng gọi. Đồng thời, họ khám phá ra mình được gọi – ít nhiều họ biết lờ mờ rằng tại sao họ được gọi: để phục vụ Thiên Chúa cách tinh tuyền và dưới hình thức này, sự mặc khải sẽ phát sinh ân sủng thiết yếu cho việc kiện toàn ơn gọi.

Một cách chắc chắn, ơn gọi đã được ghi khắc trong tâm khảm chúng ta rồi, nhưng không nhất thiết như một cây táo sinh ra quả táo và chỉ sinh ra quả táo mà thôi – nhưng bởi vì mọi sự lệ thuộc vào dự phóng của Thiên Chúa, của Lời độc nhất, Lời đã gọi chúng ta trong ánh sáng của ơn gọi này, Lời đã chuẩn bị chúng ta cho ơn gọi trong nguồn mạch của đời sống ngang qua những cách thế thường rất mầu nhiệm, và sau cùng chính Đấng ấy mời gọi chúng ta nên hoàn thiện giữa “lòng” Vương Quốc của Người.

GIAO ƯỚC MỚI
Lời đã thành xác phàm trong “cung lòng” Đức Trinh Nữ Maria. Lời Chúa được đón nhận qua sự đáp trả triệt để khả dĩ trở thành xác phàm. Tiếng “xin vâng” của Mẹ là hình ảnh tiên báo tiếng “xin vâng” của Hội Thánh và của tất cả các thánh. Con người sống là để nói lên tiếng “xin vâng” này, vượt trên mọi lời kinh của con người, có thể nói rằng nhờ vậy mà con người mới ý thức đầy đủ về phẩm giá của mình. Từ nay, nhờ Lời nhập thể mà Thiên Chúa sẽ kêu gọi chúng ta đến với Người. Cũng nhờ quyền này, Đức Giêsu đã gọi các môn đệ đầu tiên theo Người: “Hãy theo Thầy”. Sau khi về với Chúa Cha, Lời của Người lại nhờ Thánh Thần và Hội Thánh để đến với chúng ta qua các thời đại.

Phẩm giá bất khả nhượng của con người hệ tại ở việc được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St1,26-27) trong toàn bộ bản thể, lý trí, tự do và tình yêu của họ. Nhưng tự do này có giới hạn, đồng thời hình ảnh Thiên Chúa cũng bị tội lỗi làm lu mờ; hình ảnh này được mặc khải hoàn toàn khi Chúa Kitô đến. “Hãy chiêm ngưỡng hỡi con người!” Chính Đức Kitô bởi ý Thiên Chúa đã trở nên trưởng tử. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Chúa Kitô. Chỉ có Chúa Kitô mới có khả năng mặc khải cho chúng ta biết chính mình. Chỉ có Chúa Kitô mới có thể chỉ cho chúng ta biết Chúa Cha.

“Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất…nhờ Người và cho Người.” (Cl1,15-16).
Con người chỉ đạt tới sự hoàn thiện thực sự khi làm người viên mãn, là người trong sự tuân phục đối với Chúa Kitô, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, điều ấy chứng tỏ một người tội lỗi đã được biến đổi tận căn khả dĩ trở thành thụ tạo mới, như hình ảnh mà họ trở nên giống Lời nhập thể. (1Cr15,49).

“Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện.” (Ep4,23-24).
“Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.” (Rm8,29).

Điều này nghĩa là sao?
“Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.” (2Cr3,18).
Người Kitô hữu không phải là một loại người tách biệt nhưng mỗi người sống cái mình là. Và tu sĩ cũng không phải là những Kitô hữu dị thường. Họ chẳng qua sống đúng đắn hơn đời sống kitô hữu, trở về với bản chất đời Kitô hữu. Tuân phục Đức Kitô trong đức tin, cậy, mến: đây là sự thánh thiện và mỗi người được mời gọi để đạt tới sự hoàn thiện này.

Tuy nhiên, con người không hiện hữu trên đời như những “ốc đảo”. Nhân loại là một, Thân Mình Chúa Kitô cũng chỉ là một. Nó được sinh động hóa bởi Thần Khí duy nhất, Đấng ban cho mỗi một vị trí và cùng với chức năng riêng biệt trong Hội Thánh. Cũng như trong Cựu Ước, dĩ nhiên dân Chúa được gọi để đóng vai trò đặc biệt cho lợi ích của toàn dân.

“Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Kitô ban cho…để xây dựng thân thể Chúa Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô…trong tình bác ái.” (Ep4,7,12-13,16).

Chúng ta sẽ cố gắng đào sâu ơn gọi mình trong ánh sáng của những phần thưởng căn bản do đức tin chúng ta. Cần phải thêm rằng chỉ có tình yêu mới có khả năng làm thỏa mãn phần thưởng của tất cả con người chúng ta cũng như tất cả đời sống chúng ta. Tình yêu này có nguồn mạch vô biên nơi Chúa Cha; cách thức và việc thể hiện tình yêu thuộc về Chúa Con; sức mạnh thì thuộc về Chúa Thánh Thần; cùng đích của tình yêu quy hướng về sự thông hiệp trọn vẹn đời đời trong Ba Ngôi Chí Thánh. Thế nên, “Khi tuyên khấn là lúc chúng ta nung nấu mình bằng tình yêu thánh thiêng.” (Brunô).

Piô Tình, OMI
Phỏng dịch từ tác phẩm “the Call of Silent Love”
Trích nguồn: http://www.donghiensi.com/

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube