Sống Ơn Gọi Mến Thánh Giá Hôm Nay (1)

Nhập đề

Khi suy nghĩ về ơn gọi đời dâng hiến, mỗi người chúng ta vẫn luôn thắc mắc về sự huyền nhiệm của nó. Huyền nhiệm, vì ơn gọi đặc biệt này không phải là thành quả của những nỗ lực tự nhiên của con người. Nhưng trước hết, tùy thuộc hoàn toàn vào thánh ý Thiên Chúa. “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13). Chúa gọi các môn đệ vì ‘Người muốn’. Từ một anh thuyền chài quê mùa, Chúa đã nâng Phêrô lên ngôi vị Giáo Hoàng. Từ một người bắt đạo, Chúa đã biến Phaolô thành một tông đồ nhiệt thành. Từ một người tội lỗi, Chúa đã chọn Augustinô làm Giám mục… Biết bao cuộc đời với những xuất phát điểm rất khác nhau như thế, đã làm nên cuộc hành trình huyền nhiệm này.

I. MỖI ƠN GỌI LÀ MỘT HUYỀN NHIỆM

  1. Vận động viên trượt băng tốc độ

Trong một phỏng vấn gần đây với NBC News, Kirstin Holum, cựu Vận động viên Trượt băng tốc độ và là vận động viên Olympic, đã trở thành Nữ tu Dòng Phanxicô Cải cách năm 2003, nói rằng “mọi người đều khát khao sự vĩ đại,” và rằng chương trình của Thiên Chúa dành cho bạn sẽ trao tặng cho bạn sự bình an mà bạn đang đi tìm.

Cựu vận động viên Olympic đáp lại tiếng gọi vào đời sống tu trì sau khi rời sự nghiệp trượt băng tốc độ. Chị hiện nay là Nữ tu Catherine Holum, CFR, ở Leeds, Anh quốc. Chị có những chia sẻ dũng cảm về sự phân định này: “Đừng e sợ bất cứ điều gì Thiên Chúa dành cho cuộc đời của bạn. Bất cứ điều gì Người lập chương trình cho bạn, Người sẽ đổ đầy tâm hồn bạn với niềm vui và niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà bạn sẽ được nếm trải. Hãy dũng cảm, hãy can đảm và bước theo Chúa và Người chắc chắn sẽ làm thỏa mãn tâm hồn bạn.”

  1. Vị thẩm phán danh tiếng

Cô Ines Tagliani, 41 tuổi, một vị thẩm phán danh tiếng tại miền Nam Ý, có trách nhiệm về các vụ điều tra nhóm “Mafia”, từ bỏ mọi chức quyền, xin vào tu dòng Nữ Carmelô Hèn mọn tại Reggio-Emilia, miền trung-bắc nước Ý và đã tuyên khấn trọn trước mặt Ðức Giám mục giáo phận trong những ngày vừa qua. Tu hội Nữ tu Carmelo Hèn mọn được thành lập năm 1941, để chuyên lo về công việc từ thiện bác ái, cách riêng đối với những người tàn tật. Nay đã lan rộng tại nhiều nước: Châu Âu, Châu Á, và Châu Mỹ.

  1. Tiến sĩ y khoa

Cô Laura Longhi, 25 tuổi, Tiến sĩ Y khoa tại Ðại học Nhà Nước ở Milano, miền Bắc Italia, quyết định từ bỏ thế gian, xin vào tu Dòng Phanxicô, để xử dùng khả năng chuyên môn của mình tại các xứ truyền giáo. Quyết định của Cô gây ngạc nhiên cho cha mẹ, anh chị em và các bạn học. Hiện cô đang cầu nguyện thêm và chuẩn bị để dứt khoát theo tiếng Chúa gọi.

Quả thật, khi suy nghĩ về ơn gọi đời dâng hiến, người ta vẫn luôn thắc mắc về sự huyền nhiệm của nó. Huyền nhiệm vì ơn gọi đặc biệt này không phải là thành quả của những nỗ lực tự nhiên của con người. Nhưng trước hết, nó tùy thuộc hoàn toàn vào thánh ý Thiên Chúa. “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn” (Mc 3,13). Chúa gọi các môn đệ vì ‘Người muốn’. Từ một anh thuyền chài quê mùa, Chúa đã nâng Phêrô lên ngôi vị Giáo Hoàng. Từ một người bắt đạo, Chúa đã biến Phaolô thành một tông đồ nhiệt thành. Từ một người tội lỗi, Chúa đã chọn Augustinô làm Giám mục… Biết bao cuộc đời với những xuất phát điểm rất khác nhau như thế đã làm nên cuộc hành trình huyền nhiệm này.

Vâng, ơn gọi làm nữ tu Mến Thánh Giá cũng thế, không phải đợi khi khấn trọn đời mới nói tiếng “xin vâng”, nhưng ngay từ khi “ơn gọi vừa chớm nở” thì Thiên Chúa cũng đã thôi thúc trong hoàn cảnh của cuộc sống, để chúng ta tự mình giải thích, tự mình chọn lựa và tự mình hình thành nên hai chữ “xin vâng” từ từ trong tâm hồn, và chữ “xin vâng” ngày càng lớn lên trong cuộc đời của chúng ta, theo chúng ta qua những thăng trầm của đời dâng hiến, và cứ qua mỗi giai đoạn thử thách của hoàn cảnh bên ngoài như bị hiểu lầm, bệnh tật… và những thử thách bên trong như lạnh nhạt khi nguyện ngắm, sống thiếu vắng Chúa và hay so sánh với cuộc sống ngoài đời… thì hai chữ “xin vâng” càng lớn gấp bội, lớn nhanh và lớn mạnh đồng thời những cái tính tầm thường ban đầu không còn nữa, nhường lại cho ơn gọi một vị trí xứng đáng hơn. Thật vậy, huyền nhiệm ơn gọi của mỗi người chúng ta kỳ diệu như thế, và việc thánh hiến trong đời sống tu trì khởi đầu cũng từ lời mời gọi của Thiên Chúa: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em”.[1] Chính vì sự chọn lựa này mà mỗi người chúng ta cần phải có một nền đào tạo. Vậy, đáp lại ơn gọi có nghĩa là mỗi ngày mỗi học cho biết hướng về Chúa, chấp nhận những giới hạn của mình và như thế cũng là học cho biết kinh nghiệm về lòng nhân từ của Thiên Chúa, sống trong tự do và đạt đến sự am tường về Con Thiên Chúa.[2]

Để đáp lại hồng ân cao quý này, người nữ tu Mến Thánh Giá đang sống giữa đời, nên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều thách đố trong hành trình ơn gọi. Tuy nhiên, Chúa Giesu đã nói: “Ai bền đỗ đến cùng mới đượ cứu thoát”. Vậy, có những thách đố nào và làm thế nào người nữ tu Mến Thánh Giá vượt qua để sống xác tín với ơn gọi của mình.

II. THÁCH ĐỐ SỐNG ƠN GỌI HÔM NAY

  1. Lối sống thực dụng

Do ảnh hưởng kinh tế thị trường với hiệu quả được xem là thước đo mọi giá trị, nên người tu sĩ hôm nay sống lại rất thực tế, thực tế thì tốt, vì sẽ mang lại hiệu quả cao, nhưng thực tế quá dễ rơi vào lối sống thực dụng:

  • Lựa chọn cái gì có lợi trước mắt: tiền bạc, sự dễ giãi và những gì có lợi cho mình. Khó chấp nhận những điều trái ý, bằng mọi cách để chọn được điều gì theo ý mình thay vì ý Chúa.
  • Lựa chọn đời tu để tiến thân: được học hành, để thoát nghèo, được ca tụng… thay vì rèn luyện nhân đức khiêm tốn, hy sinh và tiết chế.
  • Lựa chọn công việc theo sở thích: tránh nặng tìm nhẹ, ngại khó ngại hy sinh, né tránh trách nhiệm và bổn phận. Chỉ làm những việc theo ý thích thay vì tìm thánh ý Chúa trong từng công việc.

Sống linh đạo Mến Thánh Giá giúp chúng ta vượt thắng những toan tính hơn thiệt theo lối sống thực dụng, để biết tránh những gì thế gian tìm, và biết tìm những gì thế gian tránh trong xã hội hưởng thụ và tục hóa hôm nay. Vì lối sống thực dụng này sẽ làm mất đi khả năng yêu thương và phục vụ Chúa trong tha nhân. Như thế, càng để lối sống thực dụng làm chủ đời sống mình, người nữ tu Mến Thánh Giá càng làm mất căn tính đời tu và khó sống ơn gọi Mến Thánh Giá của mình.

  1. Não trạng xứng đáng
  • Tự khẳng định mình xứng đáng: não trạng này giống như một cuộc đổi chác: vất vả điều này thì “xứng đáng” được điều kia, là thứ tôi muốn. Hy sinh, từ bỏ, nhằm để được sự chân nhận của bề trên, một sự kính trọng của chị em, một sự khâm phục nơi được sai đến, vì thấy mình “xứng đáng” được hưởng do công sức đã bỏ ra. Đây là một thách đố rất tinh vi, nó như những chiếc mặt nạ của việc đạo đức, hy sinh, bác ái…
  • Ghen tị và so sánh với người khác: đây là cách đưa mình lên và cảm thấy mình xứng đáng, giỏi hơn đối phương. Dễ sinh ra kiêu căng, tự phụ và tâm hồn mất bình an.
  • Sống ảo tưởng về mình: thổi phồng lên những giá trị ảo, không có thật dẫn đến sự dối trá và suy nghĩ sai lệch về người khác.

Quả thật, theo Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh, người tu Mến Thánh Giá chấp nhận đánh đổi cuộc đời mình để đáp lại lời mời gọi tình yêu nhưng không của Chúa, để mỗi ngày biết dâng tiến, trao gởi và cống hiến thân xác cho Chúa Giêsu trong tình yêu hy tế. Đồng thời, biết khao khát nên thánh, sống hoàn thiện mỗi ngày để trở nên giống Chúa. Biết sống khiêm tốn, quảng đại và vị tha, không so sánh và đề cao những hy sinh, công trạng của mình bằng não trạng được “xứng đáng” hơn với người khác, không sống ảo tưởng về mình. Bởi vì, “không có Thầy các con chẳng làm gì được”.[3]

  1. Tâm thức hưởng thụ
  • Theo thời và đua đòi: đòi hỏi các quyền lợi, phong cách ăn mặc, những phương tiện thật ra không quá cần thiết và e ngại vì cảm thấy “hai lúa” quá so với đời.
  • Theo hiệu năng công việc: dấn thân và hăng say phục vụ đến quên mình, nhưng thiếu chiều sâu nội tâm, chắp vá đời sống kinh nguyện, lơ là kỷ luật, chọn được việc hơn được người.
  • Theo mẫu khung tập thể: thiếu tôn trọng sự riêng tư và khác biệt của người khác. Đòi hỏi quá đáng sự công bằng, được nhìn nhận, được khẳng định mà quên đi lòng hy sinh, nhân ái và quảng đại.

Có một nữ tu nọ về nghỉ hè tại gia đình, nhà chỉ có hai phòng, một dành cho ông bà cố, một dành cho anh chị và hai cháu nhỏ. Vị nữ tu này nói với mẹ rằng: “Con cần một phòng riêng để đọc kinh và cầu nguyện. Ở ngoài, các cháu ồn như vậy sao con đọc kinh cầu nguyện được. Mẹ nói anh chị xuống ở tạm dưới nhà bếp vài ngày để dành phòng cho con, vì con là nữ tu”.[4]

Lời cảnh báo của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như qua câu chuyện trên, không cần quảng diễn nhiều, vì mỗi người có thể hiểu được dễ dàng thế nào là lối sống theo tâm thức hưởng thụ.

Quả thật, để sống chứng nhân cho mầu nhiệm Thập giá, người nữ tu Mến Thánh Giá phải biết dứt khoát và can đảm từ bỏ lối sống thực dụng, não trạng xứng đáng, tâm thức hưởng thụ và những gì không thuộc về Thiên Chúa, để chỉ dành cuộc sống mình cho Ngài.

Thách đố này không nhỏ đối với người nữ tu Mến Thánh Giá khi đang phải lội ngược dòng với những giá trị thế gian. Sống tinh thần khổ chế luôn là một cuộc vượt qua, giúp người nữ tu Mến Thánh Giá không ngừng huấn luyện khối óc và con tim, để nên thánh qua từng những hy sinh, từ bỏ và cố gắng mỗi ngày. Hơn nữa, sống linh đạo Mến Thánh Giá giúp những người nữ tu Mến Thánh Giá vượt thắng những thách đố thời đại, để sống tròn đầy tình yêu dành riêng cho Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh là đối tượng duy nhất lòng trí mình. (Còn tiếp)

Nữ tu Cécilia Trần Thị Thanh Hương
Hội Dòng MTG. Gò Vấp


 

[1] Ga 15,16.

[2] Ep 4,13.

[3] Ga 15,5.

[4] Trích từ bài biết “Ba cái không trong đời sống người tu sĩ”, Nguồn: giadinhhiepnhat.com trong http://giaophanthanhhoa.net

 

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube