Sống Ơn Gọi Mến Thánh Giá Hôm Nay (2)

III. SỐNG ƠN GỌI MẾN THÁNH GIÁ HÔM NAY

  1. Sống tinh thần từ bỏ

1.1. Từ bỏ là nét đẹp để phát triển cuộc sống

  • Từ bỏ vừa là qui luật vừa là điều kiện nhất thiết để phát sinh và triển nở cuộc sống:
  • Con nhộng không thể thành bướm nếu không rời bỏ cái kén.
  • Thai nhi không thể thành người nếu ở mãi trong bụng mẹ.
  • Đứa bé không thể trưởng thành nếu không bỏ lại cái nôi êm ấm.

Để thành công hay thành đạt ở đời, người ta cũng phải từ bỏ nhiều thú vui, lợi lộc, và có khi phải bỏ mạng trước gian nan thử thách.

  • Từ bỏ là nét đẹp của một tính cách:
  • Có biết bao điều hèn kém và xấu xa đòi hỏi ta phải từ bỏ để làm đẹp tính cách của mình. Ngay cả những điều tốt cũng phải từ bỏ để chọn một điều tốt hơn.
  • Có nhiều người không có can đảm từ bỏ nên suốt đời bị giằng co, ray rứt.

Trong đời tu, tinh thần từ bỏ phải là một chứng tích đương nhiên của một con người có tinh thần trách nhiệm, liên đới và tổ chức.

  • Từ bỏ là nét đẹp của đời sống khổ chế: ngần ngại và luyến tiếc, bị mất mát và bị thương tổn:
  • Sự cắt tỉa nào mà không đau đớn, xót xa, nhưng đó là điều cần thiết để cây đời sinh hoa kết trái.
  • Khi một phiến đá thấy mình trở thành một tác phẩm nghệ thuật, lúc đó mới biết ca ngợi sự đau khổ mà người thợ điêu khắc đã đục đẽo nó qua bao ngày.
  • Khi thấy mình trở nên một con người thành toàn hơn về mọi phương diện, ta mới biết yêu chuộng sự từ bỏ mà Đấng tác tạo đã làm nên.

Chính sự từ bỏ sẽ giải thoát ta khỏi những gì đang kìm hãm chính mình, những gì làm giảm bớt cơ hội vươn tới, những gì làm tê liệt sự phát triển nhân tính, để còn mở ra cho ta một chiều kích siêu việt, linh thánh.

  • Từ bỏ là thái độ cao thượng để đem lại an vui cho đời, nhưng xem ra cứ mãi là điều khó, vì:
  • Khi hy sinh chúng ta vẫn ham muốn một địa vị, một chức vụ.
  • Khi hy sinh, chúng ta vẫn muốn thấy mình sáng giá hơn, có khi không ngần ngại dẫm lên người khác. Về việc này, Đức cha Bùi Tuần đã viết: “Tôi thấy trên bàn thờ dâng lễ có một cây nến cháy đứng bên một chậu ba bông hồng đẹp. Đầu lễ 3 bông hồng còn rất tươi. Cuối lễ những bông hồng này rủ xuống thê thảm. Lý do là vì chúng bị cây nến đứng quá gần tạt hơi nóng sang. Thấy thế tôi thầm nghĩ thay cho bông hồng: Bạn cũng như chúng tôi đều phục vụ, thế thì tại sao bạn lại đốt chúng tôi. Phục vụ kiểu này có lợi cho bạn, nhưng chúng tôi thiệt hại lớn. Chúa thấy chúng tôi bị bạn huỷ hoại như thế này chắc Chúa chẳng vui gì. Từ hình ảnh trên tôi nghĩ đến Lời Chúa: “Ta thích lòng nhân hậu chứ không phải hy lễ”.[1]

Quả thật, thiếu cảnh giác, người nữ tu Mến Thánh Giá dễ trở thành bình phong để nêu cao bản thân mình, nhất là đôi khi có cảm tưởng mình hy sinh và đóng góp nhiều hơn những chị em khác. Lúc đó chúng ta dễ bị cám dỗ để khoa trương như một cách bù trừ, hay lấy lại những gì mình đã hy sinh và từ bỏ. Thiếu tinh thần từ bỏ, người nữ tu Mến Thánh Giá sẽ rơi vào thái độ ‘biệt phái’ mà Chúa Giêsu từng cảnh giác các các môn đệ (x. Mt 16,6).

1.2. Từ bỏ của cải vật chất

  • Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày:
  • Điều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy có.
  • Điều đã bỏ từ lâu, nay lại dính bén.

Chính vì vậy, từ bỏ phải là thái độ nội tâm liên tục. Tình yêu không thể chỉ nửa vời hay chỉ trong những lúc hứng khởi, nhưng là trọn vẹn và trung kiên cho đến cùng, và chỉ như vậy người nữ tu Mến Thánh Giá mới có thể hy sinh cách triệt để mà không còn đặt nặng bản thân mình. Vì ai cũng:

  • Thích ngồi lại để hưởng thụ những gì mình đã làm nên,
  • Thích ở lại trong những thành công mình đã làm được,
  • Thích ẩn náu trong những tình cảm mình đã làm thành.

Đó là tâm lý chung, nhưng rồi những điều đó sẽ dần dần biến chúng ta thành những con người tầm thường, mất đi tính cách phục vụ chân chính, chỉ lo tìm mình chứ không còn thao thức tìm Chúa.

Điều đáng sợ nhất là ngày càng dính bén và bám níu vào cuộc sống này. Khi bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia sau phép lạ hóa bánh (Mt 14, 22-27), Chúa Giêsu rõ ràng muốn tránh cho các môn đệ khỏi mọi dính bén mùi thế tục, và khỏi mọi lôi cuốn tình cảm của người đời. Ngài cũng từng xác định mạnh mẽ: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Chỉ có tinh thần từ bỏ, hy sinh không ngừng mới giúp người nữ tu Mến Thánh Giá cảnh giác những cạm bẫy liên tục trên con đường phục vụ. Cũng chỉ có tinh thần từ bỏ mới giúp người nữ tu Mến Thánh Giá có tự do thực sự để sống sứ vụ của mình cách thanh thoát và an vui.

1.3. Từ bỏ hết những gì mình có

Rabindranath Tagore đã ngộ ra tính chất sâu xa của sự từ bỏ qua dụ ngôn người hành khất gặp Đức Vua: khi xe vua ngừng, người hành khất thầm nhủ duyên may đã đến, tưởng rằng vua sẽ thương ban vàng bạc, nào ngờ vua lại chìa tay xin: “Có gì cho ta không?”. Người hành khất bối rối, lưỡng lự một hồi rồi móc ra từ trong bị một hạt lúa rất nhỏ bé dâng cho vua. Khi chiều về và ngày đã tàn, anh ta giốc túi ăn xin ra, thì lạ thay có một hạt lúa vàng cũng rất nhỏ bé. Nghẹn ngào anh ta khóc nức nở: “Phải chi tôi dâng hết cho người”.

Với xác tín thâm sâu đó, R. Tagore mới dâng lời nguyện ước: “Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế gọi được Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi chốn, mọi nơi, đến với Người trong mọi thứ mọi điều, và dâng Người tình tôi lúc nào cũng được. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi chẳng bao giờ lẩn tránh được Người…”.

Vậy, người nữ tu Mến Thánh Giá hôm nay cũng phải:

  • Từ bỏ hết những gì mình có, để được Chúa là kho tàng chính là niềm vui bất tận.
  • Từ bỏ hết mọi thứ chiếm hữu để đến với người nghèo: giáo xứ, cộng đoàn, học đường, lề đường…
  • Từ bỏ hết những tật xấu để sống yêu thương: ánh nhìn trìu mến, nụ cười thông cảm yêu thương, đơn sơ tha thứ, hy sinh chân thành, hay thời giờ qúy báu.
  • Từ bỏ càng nhiều niềm vui càng lớn: chỉ khi nào dám từ bỏ tận căn, và trao ban trọn vẹn, thì chính lúc đó sẽ lãnh nhận lại được tất cả và thật sự tìm được bình an, hạnh phúc.

Trên ngôi mộ của một người qúa cố có ghi những hàng chữ đầy ý nghĩa như sau:

Những gì tôi có, nay thuộc về người khác.

Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng.

Nhưng những gì tôi đã cho đi, nay thuộc về tôi.

Quả thật, từ bỏ hết những gì mình có và chọn Chúa là kho tàng, chính là một chọn lựa quyết liệt và rướm máu, nhưng đó là một sự chọn lựa khôn ngoan, cao quý và có giá trị đời đời.

1.4. Từ bỏ chính mình

 “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình” (Mc 8,34).

Trong khi thi hành sứ vụ, người nữ tu Mến Thánh Giá dễ bị cám dỗ đặt mình làm trung tâm, lấy mình làm tiêu chuẩn. Do đó, từ bỏ những gì mình có còn dễ, nhưng từ bỏ chính mình quả là hết sức khó khăn. Từ bỏ những đặc quyền, đặc lợi của mình còn được, nhưng từ bỏ chính bản thân mình để bị quên lãng, bị coi thường, chịu khổ nhục, thóa mạ, hy sinh và chịu chết… thì chỉ những ai đạt được tình yêu sâu thẳm như Đức Kitô mới dám hy sinh và phục vụ.

Trong sự từ bỏ chính mình, chúng ta có cảm tưởng đánh mất chính mình. Thật ra đó chỉ là ảo tưởng, vì chúng ta chẳng có gì để mất. Bởi vì, từ bỏ là:

  • Xoá bỏ ảo tưởng, vì trong cuộc sống này chẳng có gì thuộc về chúng ta, mà đều thuộc về Chúa.
  • Từ bỏ ảo tưởng về bản thân mình, chứ không từ bỏ sự sống linh thiêng Chúa ban cho mình.
  • Dâng hiến lại cho Chúa những gì thuộc về Ngài mà chúng ta cứ ngỡ là thuộc về mình, mà vì vô tình hay cố ý chúng ta đã xâm chiếm một cách bất chính. Nếu sự từ bỏ có mất điều chăng nữa thì cũng là để được lại một sự sống đích thực, dồi dào và sung mãn hơn.

Từ bỏ chính mình không phải chỉ quyết định một lần thay cho suốt cả đời, mà là thái độ luôn sẵn sàng từ bỏ trong mọi giây phút của cuộc sống.

Vì, sống là chấp nhận từ bỏ. Cuộc sống tự nó đã là một tiến trình lựa chọn và từ bỏ không ngừng. Con đường thiêng liêng lại đòi hỏi một sự từ bỏ quyết liệt hơn:

  • Từ bỏ mình để đem lại niềm vui nội tâm.
  • Từ bỏ ý mình để đón nhận ý Chúa trong tin tưởng và phó thác.
  • Từ bỏ cả cá tính của mình, để chấp nhận cá tính khác biệt của chị em
  • Từ bỏ danh vọng và tiếng khen người đời để sống khiêm tốn và tự hạ như Chúa.
  • Từ bỏ thu tích của cải vật chất không cần thiết để sống tín thác vào Chúa hơn.
  • Từ bỏ những mơ ước của mình để những ước mơ của Thiên Chúa được thành tựu.
  • Từ bỏ ý muốn riêng mình để nhận lãnh điều mà Thiên Chúa muốn trao ban
  • Từ bỏ để có thể ra đi cho một sứ mệnh huyền nhiệm.

Đối với Đức cha Lambert: “Cốt lõi của sự từ bỏ phải là từ bỏ mọi hoạt động của tinh thần, để chỉ làm theo thánh ý Thiên Chúa do Ngài tỏ cho thấy qua sự thôi thúc nội tâm” (2Dl 18). Vâng, từ bỏ chính mình là cách diễn tả một tình yêu tột bậc, để sống tận tình và thuộc trọn về người mình yêu. Người nữ tu Mến Thánh Giá cần chìm sâu trong cầu nguyện không ngừng, để có thể gặp gỡ và sống thân tình với Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh, nguồn suối hồng ân và tình yêu tự hiến cho nhân loại. “Ai liều mạng sống vì Ta sẽ được sống” (Mc 8,35). Quả thật, bỏ mình vì Chúa, để đón nhận điều vĩnh hằng, từ bỏ cuộc sống hay chết để được sự sống đời đời, vì “Ai biết chết thì sẽ biết sống”.

  1. Sống hiệp nhất yêu thương trong cộng đoàn

2.1. Nói lời tốt đẹp

Cổ nhân có nói: “Bệnh tùng khẩu nhập, họa tùng khẩu xuất”: Bệnh do miệng mà vào, họa do miệng mà ra. Nếu không biết kềm chế miệng lưỡi thì sẽ gây ra muôn điều ác hại. Thánh Giacôbê đã nói lên rằng: “Ai không vấp ngã về lời nói, người ấy là người hoàn hảo”.

Blaise Pascal (1623-1662), nhà toán học và triết gia người Pháp: “Lời lẽ lạnh lùng làm đông cứng người ta, lời lẽ nóng nảy làm khô héo con người, lời lẽ chua chát khiến người xót xa, và miệng lưỡi phẫn nộ khiến người nuôi lòng oán hận. Những lời nói tốt đẹp phản chiếu hình ảnh trong lành của mình lên tâm hồn người khác. Những lời tử tế ấy làm người nghe cảm thấy êm ái, thoải mái và an lành”.

Vâng, người nữ tu Mến Thánh Giá có đủ thời giờ để lựa lời, nhưng không có cơ hội để rút lại. Lời nói là một khí cụ sắc bén có thể làm chuyển đổi mọi tình trạng, nhưng nếu không cẩn trọng sẽ đả thương chính mình hoặc chị em, vì “lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm”:

Lời nói không là dao, mà cắt lòng đau nhói

Lời nói không là khói, mà mắt lại cay cay.

Lời nói không là vàng, mà tiền không mua được.
Lời nói không là nước, mà làm mát cả lòng.
Lời nói không là sông, mà nhấn chìm nhân cách.
Lời nói không là thạch, mà đập chẳng thể tan.
Nói với nhau nhẹ nhàng, bằng tấm lòng chân thật.

Quả thật, sức mạnh của lời nói có một giá trị rất quan trọng trong việc xây dựng tình thân và tình thương trong cộng đoàn, vì lời nói tiết lộ tấm lòng. Hơn nữa, Chúa ban cho chúng ta miệng lưỡi, để biết ca ngợi lòng thương xót Chúa và để biết cảm tạ tôn vinh Chúa trong mọi hoàn cảnh. Từ đó, cốt yếu của lời nói là “để xây dựng, yêu thương, khích lệ và an ủi”. “Lời nói mà không chủ ý làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn lên là lời nói hư không”. Do đó, chế ngự lời nói để xây dựng cộng đoàn là việc làm rất cần thiết:

  • Biết giữ thinh lặng khi cần thiết: khi bị vu khống cáo gian, đừng tìm cách biện minh, càng biện minh càng bất an và càng tỏ ra yếu thế. Hãy thinh lặng, mỉm cười và cầu nguyện sẽ mang lại hiệu quả không ngờ.
  • Biết nói khi cần: khi biết điều dữ mà thinh lặng sợ bị liên lụy là đồng lõa với sự dữ, nhưng nói đúng lúc để không cho sự dữ lan tràn là điều cấp thiết và không được sợ hãi.
  • Biết kìm chế những phản ứng tự vệ qua lời nói: không dùng bạo ngôn, nói một lời hai ba ý xấu, nói mỉa mai, châm chọc và gây hấn để làm thương tổn chị em.
  • Không bới lông tìm vết: vạch tội đối phương, sát phạt chị em mọi cách, nhưng biết nhịn nhục, cố gắng tìm một điều tốt đẹp để xoa dịu cơn giận và cầu nguyện chị em.
  • Luyện tập cách nói thanh cao: lịch sự và trang nhã, thấm đượm các giá trị nhân bản. Nói lời tích cực xây dựng có giá trị hơn những lời chỉ trích chia rẽ. Hơn nữa, lời nói còn là phương tiện để loan báo Tin Mừng, đây không những là bổn phận mà còn là sứ mạng cao cả của người nữ tu Mến Thánh Giá trong hoàn cảnh xã hội hôm nay. Vì thế, người ta có thể nghe lời nói của người nữ tu Mến Thánh Giá thì biết rằng ‘công lực’ của chúng ta đã tu luyện được đến mức độ nào rồi.

Vậy, sống hiệp nhất chính là con đường tình yêu mà người nữ tu Mến Thánh hôm nay yêu thương chị em như Chúa đã yêu thương mình.[2]

2.2. Sống bác ái với chị em

Chuyện xưa kể rằng có một vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước uống. Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.

Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn sĩ lẫn cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát của mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không nỡ uống một mình.

Họ càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông, khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang mỉm cười với ông.

Qua câu chuyện trên, Chúa Giêsu muốn cho người nữ tu Mến Thánh Giá thấy rằng cốt lõi của Tin Mừng chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất, mà người nữ tu Mến Thánh Giá có thể dâng lên Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Vì:

  • Bác ái đích thực cũng là một hành động hy sinh, bởi vì đòi hỏi người nữ tu Mến Thánh Giá phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với chị em.
  • Một hành động bác ái đích thực phải là một sự chết dần chết mòn trong chính bản thân ta. Mẹ Têrêsa Calcutta nói: “Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi”. Quả thật, khi người nữ tu Mến Thánh Giá:
  • Cố gắng chào hỏi một người chị em mà mình không ưa, không thích, hay một ai đó làm tổn thương, nói xấu, mạ lị mình, thì đó mới thật sự là một hành động bác ái.
  • Sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo với tha nhân, đó mới là một hành động bác ái.
  • Có thể tha thứ cho người chị em xúc phạm, ganh ghét, tị hiềm đến mình, thì đó mới là một hành động bác ái thực sự.
  • Chết đi chính mình và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa nhân từ vui nhận như của lễ hy sinh và khổ chế đích thực, thì đó là một tình yêu tự hủy với Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh.

Thánh Augustinô đã nói: “Giới hạn của tình yêu là không có giới hạn nào”. Đó là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Chính tình yêu này giúp người nữ tu Mến Thánh Giá ra khỏi chính mình để yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân.

  1. Sống tình yêu tự hủy với Chúa Giêsu Chịu-Đóng-Đinh

3.1. Yêu Mến Thánh Giá

Yêu mến Thánh Giá là điều mà nhân loại ngày hôm nay sợ hãi, tránh né và trốn tránh, “có người không vác Thánh giá của mình hay của người khác mà tưởng tượng Thánh giá mình quá nặng. Có người vác Thánh giá cả làng mà không vác Thánh giá của mình. Có người vác Thánh giá cả làng và gán Thánh giá của mình bắt kẻ khác vác”.[3]

Ngày kia, trong lúc thuyết giảng, Đức cha Fulton Sheen, vị đại tông đồ nước Mỹ, đã chỉ vào Thánh Giá bạc đang đeo trên ngực và nói: “Tôi đeo Thánh Giá này là để đền tạ”. Khi được hỏi lý do, ngài đã kể lại rằng: một lần nọ, ngài đến thăm người bạn gốc Do Thái bán đồ nữ trang ở New York. Ông ta nói với ngài: “Tôi có ít Thánh Giá bạc tặng Đức cha”. Đức cha hỏi: “Ở đâu mà ông có những Thánh Giá này?”. Ông ta trả lời: “Từ các nữ tu. Họ mang đến và nói: chúng tôi không còn đeo những Thánh Giá này nữa. Vì những Thánh Giá này làm chúng tôi bị ngăn cách với thế giới hôm nay”.[4]

Quả thật, Thánh Giá không làm cho người nữ tu Mến Thánh Giá bị ngăn cách với thế giới như câu chuyện trên, nhưng: “Thánh Giá là nguồn an ủi từ trên trời, là sức mạnh của lý trí, là niềm vui của trái tim”. Và, “không con đường nào đưa đến sự sống và bình an thật cho tâm hồn, ngoài con đường Thánh Giá và từ bỏ mình liên lỉ”.[5]

Vâng, Đức cha Lambert xác tín: “Mọi ân sủng và thánh đức nơi hết thảy mọi người […] là hoa quả của Thánh Giá Đức Giêsu Kitô mà thôi. Thế nên, thật đáng kinh ngạc, vì nhiều người đi tìm ở đâu đâu […] chứ không tìm nơi Thánh Giá” (Ltt I,1-2). Vì, người nữ tu Mến Thánh Giá:

  • Từ bỏ chính mình, là con đường đi đến Thánh giá gần nhất.
  • Từ bỏ tính ích kỷ, chính là sống tình yêu tự hủy với Chúa Giêsu khổ nạn.
  • Yêu Thánh giá của mình, chính là yêu Chúa Giêsu trên Thánh giá bằng một tình yêu vĩnh cửu.
  • Vác Thánh giá của mình, chính là mang Chúa Giêsu vào cuộc đời mình.
  • Sống tinh thần từ bỏ, là sống theo gương Chúa Giêsu và lời mời gọi của Ngài.

3.2. Yêu Chúa Giêsu-Kitô Chịu-Đóng-Đinh

Đức Thánh Cha Phanxicô xác quyết: “Chúa Kitô chịu đóng đinh là trung tâm của lịch sử, là tâm điểm của cuộc đời tôi”, khi chia sẻ trong thánh lễ sáng ngày 24/10/2017 tại nhà nguyện Marta. Ngài nói: “Những vị thánh vĩ đại luôn khuyên rằng, để bắt đầu đời sống tâm linh, hãy đến với cuộc gặp gỡ trong mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Thánh Têrêsa khuyên các nữ tu rằng: để tiến tới trong việc cầu nguyện và chiêm niệm, ngay cả những bậc cầu nguyện cao nhất, thì hãy bắt đầu với việc suy niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa. Thánh Giá Chúa Kitô. Chúa Kitô trên thập giá. Hãy bắt đầy suy gẫm. Hãy làm như thế, để có thể hiểu được trong cõi lòng mình rằng: Đấng ấy đã yêu mến tôi và hiến mạng sống vì tôi, Người đã yêu mến cho đến chết vì tôi […]. Chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá Chúa, là biểu tượng của mầu nhiệm vĩ đại nhất trong công trình sáng tạo. Chúa Kitô chịu đóng đinh là trung tâm của lịch sử, là tâm điểm của cuộc đời tôi”.

Thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ về quyền năng cứu độ của Thập giá Chúa Giêsu. Ngài tuyên bố: “Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào Thánh Giá”. “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2).

Đức cha Lambert tha thiết yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu và khát khao đồng hoá với Người trong mầu nhiệm Tử Nạn. Ngài muốn tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế, và sẵn sàng cho Người mượn thân xác để tiếp tục hy sinh.[6] Có lần ngài nói với các linh mục của mình: “Hãy học hỏi Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”.

Tình yêu người nữ tu Mến Thánh Giá dành riêng cho Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh được chính Đấng Sáng Lập diễn tả trong câu xác định mục đích của Hội dòng là: “Đặc biệt chuyên chú suy niệm sự Thương Khó Chúa Giêsu-Kitô mỗi ngày như phương tiện thuận lợi nhất để đạt tới sự hiểu biết và yêu mến Người”.[7] Thật vậy, người nữ tu Mến Thánh Giá:

  • Tìm gặp Thiên Chúa trong đau khổ, trong yếu đuối, trong sự nghèo khổ của con người.
  • Không chỉ dừng lại ở những Thánh Giá bản thân, nhưng phải biết ra khỏi chính mình
  • Vác đỡ Thánh Giá cho anh chị em, để giúp họ tìm gặp Thiên Chúa trong những đau khổ của họ.
  • Mời gọi chị em hãy đưa Thập Giá đời mình và chị em đi vào Thập Giá Chúa Kitô, cùng Chịu-Đóng-Đinh với Ngài, làm cho tình yêu của Thiên Chúa đi sâu vào trong các tâm hồn, là một bảo đảm cho mọi người ân sủng cần thiết để vượt thắng những khó khăn trong đời sống hằng ngày.

3.3. Sống hoàn thiện và khao khát nên thánh

Chuyện kể rằng một khách bộ hành thấy một cậu bế vừa đói vừa lạnh run, đang ngồi ăn xin nơi lề đường, ông liền nghĩ: “Sao Chúa không làm gì để giúp cậu bé này nhỉ?” Tức thì ông ta nghe tiếng Chúa nói trong lòng: “Ta có làm rồi!”. Người bộ hành thắc mắc: “Con có thấy Chúa làm gì đâu?”. Và ông liền nghe tiếng Chúa: “Ta đã dựng nên con đó”.

Người nữ tu Mến Thánh Giá được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, không chỉ ở sự tự do và thánh thiện, mà còn ở khả năng yêu thương như Ngài. Mỗi người nữ tu Mến Thánh Giá mang nơi mình khuôn mặt của Thiên Chúa và bổn phận của mỗi người nữ tu Mến Thánh Giá làm cho mình ngày càng nên hoàn thiện như chính khuôn mẫu đã dựng nên, là chính Thiên Chúa mang khuôn mặt của Tình Yêu.

Chúa Giêsu mời gọi: “Các con hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,45). Thật vậy, người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi nên thánh cách triệt để qua các lời khấn, thực thi đức ái một cách hoàn hảo, phục vụ vô vị lợi, hoàn toàn hy sinh đời mình cho Nước Chúa, theo sát gương Chúa Kitô. Đây là bậc sống đặc biệt cao quý để Giáo hội được triển nở và trổ sinh hoa trái là sự thánh thiện. Trổ sinh hoa trái là nhiệm vụ chính yếu của người sống đời thánh hiến. Nếu không sinh hoa trái sẽ bị “chặt đi và quẳng vào lửa” (Mt 3,11) như Chúa Giêsu đã cảnh báo.

Giáo hội chỉ có thể phát triển nhờ vào những hoa trái thánh thiện nơi chính con cái mình: đời sống cầu nguyện, hy sinh, phó thác cho Chúa, thực thi lời Chúa dạy và làm tất cả vì tình yêu Chúa. Đây là chứng tá sống động nhất như lời Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã khẳng định: “Hội Thánh phát triển không phải bằng việc chiêu dụ, nhưng bằng sức thu hút”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại: “Chính đời sống của các con phải nói lên một đời sống có sức tỏa ra rạng ngời niềm vui và vẻ đẹp để sống Phúc Âm và đi theo Đức Kitô” (Evangelii Gaudium 14). Một đời sống hạnh phúc thật sự với Chúa sẽ chiếu tỏa hương thơm thánh thiện cho mọi người, và đó chính là sức thu hút mãnh liệt đang tiềm ẩn trong Giáo hội.

Vâng, chính Thiên Chúa là nguồn mạch của sự thánh thiện. Ngài thông truyền sự thánh thiện của Ngài cho con cái loài người. Do đó, hành trình nên thánh luôn song hành với đời sống hy sinh và cầu nguyện để vun đắp ‘tình thân’ sâu xa với Chúa Giêsu (x. Lc 15,14-15; 12,14), chọn Chúa là gia nghiệp duy nhất đời mình (x. Mt 13,44.46) và làm chứng nhân trong các hoạt động mục vụ.

Kết Luận

Nhìn vào Dòng Mến Thánh Giá hôm nay, người ta có thể thấy được cuộc đời đạo hạnh và con đường từ bỏ của Đức cha Lambert. Vì hoa trái đạo đức đích thực phải là kết quả của cả một cuộc sống lâu dài bền bỉ và sâu thẳm từ trong tâm hồn. Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Cây tốt sinh trái tốt. Cây tốt không thể sinh trái xấu được” (Mt 7,17-18).

Dòng Mến Thánh Giá đã trải qua biết bao thăng trầm và thử thách. Từ những hạt mầm đầu tiên Đức cha Lambert gieo trồng tuy trong vất vả nhưng tỏa hương thơm nhân đức, nay đã phát triển mau lẹ nhờ ẩn nấp dưới bóng Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô. Các chị đã cầu nguyện, hy sinh, phục vụ cho sự phát triển Giáo hội, và nhất là dâng cả mạng sống mình để phụng sự Đức Kitô và Nhiệm Thể của Ngài. Mặc dù tên các chị chưa được ghi vào danh sách các Thánh Tử đạo nhưng lòng trung thành với Thiên Chúa bằng cái chết anh dũng, hoặc chấp nhận tù tội, tra tấn, đã nên gương chói ngời và để lại một đức tin vững mạnh cho chị em Mến Thánh Giá hôm nay.

Đặc biệt, noi gương các bậc tiền bối, mỗi chị em Mến Thánh Giá hôm nay nguyện trung thành với linh đạo của Dòng, sống ơn gọi Mến Thánh Giá một cách xác tín, để Tình Yêu của Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh được chuyển trao đến từng con tim đang khao khát chân lý và yêu thương trong xã hội hôm nay.

Nữ tu Cécilia Trần Thị Thanh Hương
Hội Dòng MTG. Gò Vấp


[1] Trích từ bài viết “Các bài giảng về phục vụ” của Đức cha Bùi Tuần, trong http://ghhv.quetroi.net.

[2] X. HOÀNG SƠN, Thần học thiêng liêng, in VietCatholic CD, 2001.

[3] Trích Đường Hy Vọng, số 18, tr. 26.

[4] Trích từ bài viết “Thánh Giá: điểm hẹn tình yêu”, trong https://www.giaophanbaria.org.

[5] Trích Sách Gương Chúa Giêsu, quyển II, chương 12, tr. 172.

[6] x. Bts I,4.

[7] Như trên, tr. 97.

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube