Suy Niệm LỄ KÍNH THÁNH STÊPHANÔ
Hôm qua chúng ta mừng sinh nhật của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Hôm nay chúng ta mừng ngày về trời của Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi. Ngài là một trong bảy phó tế đầu tiên của Giáo hội sơ khai, được các tông đồ chọn để giúp họ trong vấn đề vật chất. Tuy vậy, Ngài cũng tham gia trong công việc loan báo Tin mừng. Ngài chịu tử đạo ở Giêrusalem năm 35.
Chúa Giêsu báo trước có sự bách hại
Bài tin mừng thánh Mathêu được trích đọc trong thánh lễ hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết có sự bắt bớ đau khổ và cả cái chết sẽ đến với các môn đệ và những người đi theo Ngài.
Những hình thức đau khổ
Các kitô hữu sẽ “bị mọi người ghen ghét”, “bị nộp cho công nghị”, “bị đánh đòn”, “bị điệu đến trước các vua quan” và “bị nộp cho người ta giết”.
Những đối tượng gây ra đau khổ
Sự đau khổ có thế đến với các kitô hữu từ nhiều nguyên nhân khác nhau: Có thể do “người đời”. Người đời ở đây có thể là những người có chức quyền trong xã hội; có thể do những người đồng đạo, thậm chí là do những người thân thiết trong gia đình “Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết”(Mt 10,21).
Nhưng Ngài đã an ủi các môn để rằng:
Thứ nhất, bị bắt bớ là dịp để làm chứng cho Chúa.
Thứ hai, khi bị bắt bớ sẽ có Chúa Thánh Thần đồng hành, Chúa Thánh Thần sẽ nói thay cho: “Chúng con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha chúng con nói thay cho”(x. Mt 10, 19-20).
Thứ ba, kiên trì chịu đựng đau khổ cho đến cùng vì Chúa sẽ được ơn cứu độ (x. Mt 17,22).
Nơi Thánh Stêphanô, lời tiên báo của Chúa Giêsu đã ứng nghiệm
Là một phó tế, Ngài chấp nhận làm người phục vụ, đồng thời tham gia vào công việc loan báo Tin mừng. Ngài giảng dạy, biện bác, khuyên nhủ, răn đe…Nói như Thánh Phaolô, Ngài đã rao giảng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (x. 2 Tm 4, 2).
Ngài không những làm chứng bằng lời giảng dạy, mà còn làm chứng về sự tha thứ. Sách Công vụ tông đồ cho biết, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Thánh Stêphanô đã cầu nguyện xin Chúa đừng trách cứ tội của kẻ giết chết mình. Trong các đối tượng mà Thánh Stêphanô cầu nguyện cho hôm đó có cả Saolê. Sách Công vụ tông đồ tường thuật: “Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông vào ông. Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông. Và các nhân chứng để áo của họ dưới chân một người thanh niên tên là Sao-lê” (7, 57-58). Sau đó mấy tháng, Saolê đã trở thành Phaolô, vị tông đồ của dân ngoại. Hành động tha thứ của Thánh Stêphanô hoạ lại hành động tha thứ của Chúa Giêsu trên thánh giá. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giếu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)
Bài học cho chúng ta hôm nay
Thứ nhất, theo Chúa là phải chấp nhận hy sinh, đau khổ. Đau khổ có thể đến từ phía những người đời, những người ghét Chúa, ghét Giáo hội. Đau khổ cũng có thể đến từ phía những người ở trong Giáo Hội, thậm chí nó có thể đến từ những người thân thuộc trong gia đình. Nếu không thể tránh được đau khổ, chúng ta phải chấp nhận để làm chứng cho Chúa, vì phần rỗi của chúng ta:“Ai bền độ đến cùng sẽ được cứu rỗi” (Mt 10,22).
Thứ hai, noi gương Thánh Stêphanô, chúng ta phải luôn biết tha thứ cho nhau, tha thứ cho kẻ làm hại mình, không những tha thứ mà còn phải cầu nguyện cho họ nữa. Tha thứ như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta (Ep 4, 32). Tha thứ không phải chỉ 7 lần mà là 70 lần bảy (Mt 18, 21-22). Đó cũng là điều kiện để Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta như lời dạy của Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ với chúng con” (Mt 6, 12). Nếu chúng ta không tha thứ cho anh chị em mình thì Chúa cũng không tha thứ cho chúng ta: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy, nếu mỗi người không hết lòng tha thứ cho anh em mình”(Mt 18, 35).
Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho con để con đủ sức vượt qua những đau khổ trên bước đường theo Chúa. Xin cho con biết tha thứ cho anh chị em mình, biết biến thù thành bạn như gương thánh Stêphanô để qua đó có nhiều người được biến đổi như Saolê trở thành Phaolô. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Trích nguồn: http://conggiao.info/