Lời Chúa: Lc 1,1-4;4,14-21
1 Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta, 2 theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa, đã truyền lại cho chúng ta, 3 phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, 4 để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận. 14 Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. 15 Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. 16 Người đến Nadarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. 17 Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: 18“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, 19 công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng”. 20 Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Thánh kinh mà tai các ngươi vừa nghe”.
Suy niệm: Lời Chúa là ngọn đèn soi sáng
Chúa nhật thứ III Thường niên, Giáo hội mời gọi chúng ta tái khám phá Lời Chúa, Lời ban sự sống, bằng cách lắng nghe cách chú tâm. Lắng nghe Lời Chúa cách chú tâm, tức là để cho Lời Chúa biến đổi đời sống chúng ta.
Trong bài đọc thứ nhất trích sách Nơkhemia, trong đó miêu tả việc ông Et-ra đã đọc cho dân nghe những lời của Đức Chúa được viết trong Sách Luật và ông cũng giải thích cho dân những điều vừa lắng nghe. Ông nhắc nhở cho dân biết về những ưu ái của Đức Chúa dành cho dân, đồng thời nhắc nhở cho dân biết bổn phận của dân trong việc tôn thờ Đức Chúa và yêu mến những người thân cận.
Hẳn nhiên, Đức Chúa dạy bảo dân bằng Lời của Người, Lời đã được viết trong Sách. Nếu dân lắng nghe và tuân giữ những Lời của Đức Chúa, Đức Chúa sẽ hằng luôn chúc phúc cho dân. Dân cần phải ý thức về giá trị ban sự sống của Lời của Đức Chúa. Điều này được miêu tả trong Thánh vịnh đáp ca rằng, “Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống”. Nhưng rõ ràng, sự sống ấy chỉ ban cho những ai biết mở lòng đón nhận và đem ra thực hành trong đời sống của mình.
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolo Tông đồ mời gọi cộng đoàn Corinto suy nghĩ về sự hiệp nhất trong ân sủng Thần Khí và Chúa ban cho mọi người. Thánh Tông đồ mời gọi mọi người có cùng một cái nhìn, đó là cái nhìn khát khao sự kiến tạo hiệp nhất. Mặc dù có những sự đa dạng trong cộng đoàn tín hữu, nhưng tất cả đều được Thiên Chúa kêu gọi vào cùng hưởng một ơn cứu độ, hưởng một niềm hạnh phúc vĩnh cửu là Lời Hứa đã được công bố trong Đức Kitô. Tất cả chúng ta, dù khác biệt về màu da, chủng tộc, giai cấp…, nhưng tất cả có cùng một đức tin và được liên kết trong cùng một Thần Khí. Vì lẽ đó, mọi người đều trở nên ngang hàng với nhau trong ân sủng Chúa; và mọi người đều được mời gọi không ngừng tìm kiếm sự hiệp nhất giữa những sự khác biệt này. Và sự hiệp nhất này đòi hỏi mọi người phải mở lòng để Thần Khí Chúa hoạt động và hướng dẫn.
Chính Thần Khí sẽ hướng dẫn kẻ tin để họ phải công bố Lời của Thiên Chúa, công bố ý định của Thiên Chúa và làm sáng Danh Chúa. Đó là những gì ở bài Tin mừng mà chúng ta đã công bố : Thần khí Thiên Chúa xức dầu tấn phong và sai đi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Đây cũng là kết quả dành cho chúng ta, những Kitô hữu, những người cũng được xức dầu Thánh Thần trong bí tích Rửa tội và Thêm sức để làm chứng về Chúa cho anh chị em khác.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta hằng luôn ý thức về sứ vụ kitô hữu của mình, để mỗi ngày sống của chúng ta, không chỉ là một ngày qua đi với những bổn phận, công việc và trách nhiệm, nhưng luôn là thời gian biết nhiệt thành nhất trong cộng việc làm chứng về Chúa cho mọi người qua từng công việc lớn nhỏ của chúng ta. Và nhất là, xin cho chúng ta hằng luôn chuyên cần học hỏi Lời Chúa, nhờ đó, chúng ta được Lời Chúa hướng dẫn trong mọi khoảng khắc của ngày sống.
Fr. Joseph