Chúa Nhật Tuần XXI Thường Niên

Lời Chúa: Ga 6, 61-70
Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!” Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: “Ðiều đó làm các con khó chịu ư? Vậy nếu các con thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin”. Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: “Bởi đó, Ta bảo các con rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa.

Suy niệm:
Chắc chắn Chúa Giêsu biết người Do Thái sẽ bỏ đi khi nghe Chúa tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”, bởi Chúa hiểu sự giới hạn kiến thức của người Do Thái về chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Đức tin của người Do Thái vào Thiên Chúa bị đóng khung vào trong những việc lạ lùng mà Chúa đã thực hiện, những việc lạ lùng mà con mắt xác phàm nhìn thấy được, tay sờ vào được, và Thiên Chúa mà họ tin là Đấng duy nhất chỉ thuộc về họ, Đấng chăm lo cho họ theo nhãn quan của họ, có nghĩa là Thiên Chúa sẽ phục hồi sự hưng thịnh của đất nước Do Thái, sẽ trao kẻ thù địch vào tay họ, sẽ giải phóng họ khỏi mọi thế lực của đế quốc Roma, sẽ mang lại cho họ sự giàu sang và thế lực. Hy vọng của họ chợt bừng lên như ánh lủa được đốt lên trong đêm tối khi họ chứng kiến phép lạ Chúa Giêsu thực hiện: chỉ với 5 chiếc bánh Chúa cho hơn 5 ngàn người ăn no nê. Họ đưa mắt nhìn vào Chúa Giêsu với tràn đầy hy vọng: đây quả thật là vị thủ lãnh họ đang mong chờ.

Họ đã quyết đi tìm cho được Chúa để tôn phong Người lên làm thủ lãnh của họ, nhưng Chúa Giêsu đã không thể nào thực hiện theo ý đồ của họ, bởi Người được Cha sai đến trần gian để thực hiện chương trình cứu chuộc của Ngài, chứ không phải để phục vụ cho những ước muốn theo tinh thần thế tục của người Do Thái. Bởi vậy, dẫu biết bị chống đối Chúa Giêsu vẫn phải mạc khải cho họ biết sự hiện diện đích thật của Người. Người đến trần gian để mang lại sự sống cho trần gian, nhưng sự sống phải là sự sống đến từ Thiên Chúa, chứ không phải đến từ của ăn hay hư nát. Nói đến sự sống, người ta nghĩ ngay đến cơm bánh là lương thực cho sự sống, bởi “ăn để sống”, tuy nhiên sự sống được nuôi dưỡng từ cơm bánh không là mục đích của công trình cứu chuộc, không nằm trong ý định của việc Ngôi Lời nhập thể. Vâng, Đức Giêsu đến để kiến tạo sự sống đời đời, một sự sống được đâm chồi nẩy lộc từ “kiến thức”, đó chính là nhận biết về “Thiên Chúa là Cha, Đấng duy nhất và chân thật, cùng nhận biết về Đấng mà Cha sai đến, chính là Đức Giêsu Kitô” (x. Ga 17, 3), sự nhận biết này ban cho chúng ta đức tin, đây chính là nguồn mạch của sự sống.

Quả thật, đức tin dẫn đưa chúng ta đến gặp chính Đức Kitô và nhận ra rằng, Người là Đấng được Cha thánh hiến và sai đến trần gian để trở thành tư tế và tự hiến tế để trở thành lương thực nuôi dưỡng nhân loại. Đó chính là Bánh được đúc nén từ sự tế hiến chính mình trên Thập giá của Chúa Giêsu, để nuôi dưỡng thế gian và nhờ đó họ được sống (x. Ga 6,51). Ai ăn bánh này thi được sống đời đời, vì con người nhờ liên kết với điều bất tử thì nhờ đó mà được bất tử, con người nhận được sự sống nhờ gắn kết với Đấng là sự sống. Thật vậy, khi ăn Bánh do chính Chúa Kitô ban tặng, người nhận lãnh sẽ đến gần với Thiên Chúa trong Đức Giêsu, sẽ nhận được sự sống mà không có cái chết nào có thể cướp đi được. Như vây, sự sống đời đời được trao ban cho những người nhận biết Đức Kitô, Đấng đến từ Thiên Chúa, trao ban sự sống của Thiên Chúa qua việc hiến tế chính mình bằng một tình yêu khôn tả, và từ nhận biết đó họ tin vào Đức Kitô, và sẵn sàng để đức tin thanh luyện tư tưởng, gột bỏ hết mọi sự khôn ngoan và hiểu biết theo trí khôn của con người, và để cho mình đắm chìm vào những lời mạc khải của Đức Kitô, những lời mà thánh Phêrô đã mạnh dạn tuyên xưng: “lời mang lại sự sống”

Những người Do Thái quay lưng bỏ đi, bởi họ mang nặng định kiến, họ bị chôn vùi trong định kiến về một lịch sử với những việc lẫy lừng mà Thiên Chúa đã hành động trong quá khứ, họ dừng lại và tận huởng sự lẫy lừng đó mà nhận biết nội dung chính yếu hành động của Thiên Chúa, vì không có “kiến thức” về Thiên Chúa và chương trình của Ngài nên họ đã không tin. Phêrô đã có một “kiến thức” về sự hiện diện của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, ông đã vượt qua đuợc định kiến đang đóng kín dân tộc ông, để nhận ra rằng: “Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa”, và ông đã tin để có thể khẳng định: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”.

Lời của Đức Kitô ban sự sống đời đời, sự sống không được hiểu là một cuộc sống sau cái chết, nhưng nói như Đức Benêđictô trong tác phẩm Giêsu Nazareth: “đó là sự sống đích thật đang được sống trong thời gian hiện tại và sẽ không chấm dứt với cái chết thể lý. Vì thế hiện tại đã có sự sống, có thể nắm bắt sự sống mà không có bất cứ cái gì, hoặc bất cứ ai có thể phá tan được”. Vâng, sự sống đó hiện diện ngay trong thời gian này, và có thể nói những kẻ tin vào Chúa Kitô là nhũng người đang chiếm hữu trong sự hiện diện của mình một sự sống đích thật, bởi chính đức tin dẫn đưa người tín hữu đến chỗ chiếm hữu trọn vẹn con người của Đức Kitô:” này là mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn”, Mình Đức Kitô là tấm bánh mang lại sự sống để “ai ăn Bánh này sẽ không phải chết”. Và như vậy sự sống của tấm Bánh vẫn hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống: “này là Mình Thầy” được nhìn thấy nơi những người nghèo khổ, bất hạnh, Đức Hồng Y Cantalamesa đã nói: “Đức Kitô đã mặc lấy lên mình những người nghèo, những người khiêm nhường, và những người đau khổ. Chúa Giêsu đã ‘thiết lập’ dấu chỉ này theo cùng một thể thức như Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người nói khi bẻ bánh: ‘Này là mình Thầy’ và Người cũng dùng những từ ngữ tương tự như thế về người nghèo. Người đã làm như vậy khi đề cập đến những gì người ta đã làm – hoặc không làm – cho những người đói khát, chịu giam cầm, trần truồng hay là những người lạ, bằng cách trang trọng thêm rằng: ‘mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy, và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25: 31tt.)”.

Như vậy sự sống đời đời cũng được tìm thấy trong việc phục vụ cho người nghèo. Việc phục vụ đó như là đón nhận tấm Bánh hằng sống mà Đức Kitô đã hoá thân vào. Có thể nói rằng đức ái Kitô giáo cũng chính là hành vi của đức tin, hành vi của một “kiến thức” nhận biết sự hiện của Thiên Chúa hằng sống trong con người Đức Kitô. Khi đối diện với đi dịch Covid-19 với những khủng hoảng mà nó mang lại, nơi các tỉnh thành áp dụng chỉ thị 16 của thủ tướng, người tín hưũ không thể đến thánh đường để tham dự thánh lễ, và không thể đón nhận Bí tích Thánh Thể, là của ăn mang lại sự sống, tuy nhiên như đã nói, Bánh mang lại sự sống cũng được hoá thân trong những người nghèo đói, bệnh tật, việc phục vụ cho các bệnh nhân, cho những người đang tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc men cũng như khủng hoảng tinh thần trong tình yêu Chúa Kitô cũng chính là lúc chúng ta đang đón nhận sự sống đời đời mà tấm Bánh từ trời mang lại. Đây chính là niềm ủi an lớn lao cho chúng ta, bởi sự sống đời đời luôn hiện diện trong chúng ta cho dẫu chúng ta bị ngăn cách không thể tiếp cận được với Bí tích Thánh Thể, nhưng chúng ta đón nhận sự sống qua việc phục vụ cho những nhu cầu cần thiết của tha nhân trong mùa đại dịch này.

Chắc chắn mỗi người chúng ta đều thuộc lòng lời tuyên xưng của thánh Phêrô: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa”, xin cho mỗi người trong chúng ta luôn nhận ra tình yêu và sự hiện diện của Chúa và đáp lại tình yêu với khát mong cháy bỏng là được chiếm hữu Chúa để được sống đời đời. Amen

Bài suy niệm của Lm. Antôn Hà Văn Minh
Trích nguồn: https://giaophanphucuong.org

Thích, theo dõi và chia sẻ!


Các tin mới cập nhật:

Lời hay ý đẹp

HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ GÒ VẤP

523A  Lê Đức Thọ, P.16, Q. Gò Vấp, Tp HCM
ĐT: 028 38941492
Email : vanphongnhamemtggv@gmail.com
Web: https://hdmenthanhgiagovap.info

RSS
YouTube
YouTube