Lời Chúa: Mc 10,46-52
46 Một ngày nọ, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!”50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”.52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
Suy niệm:
“Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20) là chủ đề của sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân ngày Thế giới Truyền giáo năm 2021. Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha khẳng định: “Khi cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, khi nhận ra sự hiện diện hiền phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, chúng ta không thể không loan báo và chia sẻ những gì chúng ta đã thấy và đã nghe… Đàng khác, mầu nhiệm Nhập thể, Tin mừng và mầu nhiệm Phục sinh tỏ cho chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương nhân loại, nhắc chúng ta rằng Chúa biết thế giới và biết nó cần ơn cứu độ và mời gọi chúng ta tham gia tích cực vào sứ vụ truyền giáo”. Trong bối cảnh đại dịch CoVid-19 hiện nay, mỗi Kitô hữu chúng ta tham gia vào sứ vụ truyền giáo như thế nào? Chúng ta diễn tả tình yêu thương của Thiên Chúa như thế nào?
Đức Hồng y Luis Antonio Tagle – Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc – phát biểu tại Hội nghị thường niên của Các hội Giáo hoàng Truyền giáo diễn ra từ ngày 01 đến 03/6/2021 xác nhận rằng: “Trong thời điểm đau thương của đại dịch, sứ vụ gần gũi những người đau khổ là điều không thể thiếu trong sứ vụ của chúng ta. Qua các cuộc trao đổi liên tục, kể cả trực tuyến, Các hội Giáo hoàng Truyền Giáo đã tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, có thể hiểu được nỗi đau của nhiều dân tộc. Tuy nhiên, nếu như một gia đình nhân loại chúng ta đau khổ rất nhiều, thì đại dịch đã không ngăn cản chúng ta dấn thân vào các hoạt động truyền giáo”. Thật vậy, đại dịch CoVid-19 chỉ cho chúng ta thấy một chuỗi khủng hoảng: y tế, kinh tế, chính trị, môi trường sinh thái, khoa học… Tất cả đều bị lung lay, nhưng đại dịch CoVid-19 cũng giúp con người ý thức về cuộc khủng hoảng mang tính cội nguồn ở nơi mình. Con người nhận ra mình khát khao tình yêu, khát khao niềm tin và khát khao hy vọng. Sự khát khao ấy đã không ngăn cản chúng ta dấn thân vào các hoạt động truyền giáo, không cản ngăn chúng ta sống tình yêu thương sẻ chia với mọi người: những chuyến xe chở nghĩa tình đến với bệnh nhân; những chuyến xe từ các giáo xứ, công ty hay những ân nhân xa gần. Dẫu họ không biết bệnh nhân bằng thể lý, nhưng trái tim yêu thương của họ đã hiểu, cảm thông và gần gũi. Họ mong ước thông qua những chuyến xe gửi đến thông điệp cho những người đang được gọi tên là “bệnh nhân F0” và quý nhân viên rằng: “Các bạn không cô đơn, chúng tôi luôn bên cạnh và sẵn sàng chia sẻ vật chất và tinh thần với các bạn”. Biết bao những thiện nguyện viên: linh mục, tu sĩ, giáo dân, các y bác sĩ, y tá… đang phục vụ nơi tuyến đầu trong những bệnh viện, những nơi tập trung cách ly, cùng muôn tấm lòng hòa chung một nhịp đập của yêu thương, nâng đỡ, động viên, mong ước và hy vọng.
Lạy Chúa Giêsu, khi cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, khi nhận ra sự hiện diện hiền phụ của Chúa trong đời sống cá nhân và cộng đoàn, chúng con không thể không loan báo và chia sẻ những gì chúng con đã thấy và đã nghe. Xin giúp chúng con luôn biết sống giới răn yêu thương của Chúa cách trọn hảo ngay trong mùa đại dịch này. Amen.
GKGD Giáo Phận Phú Cường
Trích nguồn: https://giaophanphucuong.org