Lời Chúa: Mt 15,1-2.10-14
Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy Kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?
Sau đó, Đức Giê-su gọi đám đông lại mà bảo: “Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”
Bấy giờ các môn đệ đến gần Đức Giê-su mà thưa rằng: “Thầy có biết không? Những người Pha-ri-sêu đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy.” Đức Giê-su đáp: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ. Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.”
SUY NIỆM
Việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như là một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các Pharisiêu thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc người Biệt phái thắc mắc vì một số môn đệ Chúa Giê-su không rửa tay trước khi ăn. Người Biệt phái thắc mắc không vì việc Chúa Giê-su không giữ an toàn vệ sinh ăn uống, mà là cho rằng việc Chúa lỗi luật và vi phạm nghi thức tôn giáo truyền thống về việc sạch dơ. Chính vì thế mà Chúa Giê-su không phải lên án việc rửa tay cũng như rửa chén đĩa hay những thứ đồ vật khác trước khi ăn, nhưng Người muốn nhân cơ hội để dạy cho các ông Pharisêu một bài học quan trọng hơn – một sự trong sạch đích thực là sự trong sạch cho tâm hồn, chứ không phải cái mã bề ngoài.
Vì quá câu nệ luật nên Biệt phái Pharisêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Họ quan niệm giữ luật Chúa là tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và những lễ nghi bề ngoài, nghiêm ngặt phần hình thức như “rửa tay trước khi ăn”, “dâng lễ phẩm cho Chúa thay thế sự hiếu kính cha mẹ”. Họ dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản về phụng dưỡng cha mẹ, lấy quy ước của các tập tục phàm nhân do họ đặt ra để xóa bỏ đi điều răn của Thiên Chúa.
Lời dạy của Chúa Giê-su hôm nay lên án chuyện sạch – dơ, xem ra chẳng ăn khớp gì với nhau, bởi khi nói cái đi vào thân thể con người là thực phẩm ăn uống và cái xuất ra từ con người lại nói đến tư tưởng. Đó là hai phạm trù khác nhau giữa vật chất và tinh thần. Thật ra, Chúa Giê-su dùng chính cái lối quan niệm sai lầm về tập tục của Do-thái để tranh luận với họ. Họ coi những chuyện ăn uống đồ ăn vật chất lại làm cho tâm hồn thuộc tinh thần ra dơ uế hoặc thanh sạch.
Chuyện đồ ăn thức uống hằng ngày chỉ là nhu cầu nuôi sống thể xác, nhưng đã bị các Kinh sư đẩy lên thành một thứ luật lệ và thậm chí đặt nó thành định chế tôn giáo. Họ phân định ra những thức ăn nào là dơ và thức ăn nào là sạch, thức ăn nào bị cấm và thức ăn nào được ăn, thức ăn nào thành tội và thức ăn nào là thánh…
Chúa Giê-su không đồng tình với cách phân biệt này, Người khẳng định mọi thức ăn đều sạch, chỉ có lòng người mới là nguồn gốc của sự ô uế.
Đành rằng có thể có những đồ ăn thức uống có thể làm ảnh hưởng đến sức khoẻ vì có độc hoặc không đảm bảo vệ sinh, nhưng chắc chắn không có thứ thực phẩm nào làm cho tâm hồn ra ô uế được. Sự ô uế của tâm hồn chỉ xảy đến từ những tư tưởng xấu và những hành động xấu mà Chúa Giê-su đã liệt kê ra hôm nay: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”
Tuân giữ lề luật không phải câu nệ theo mặt chữ, mà với cả lòng yêu mến và bác ái với mọi người. Vì quá câu nệ luật nên người Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Lo rửa tay rửa chén đĩa cho sạch, mà tâm hồn thì nhơ uế đầy gian tà cướp bóc, an tâm với những việc giữ luật bề ngoài mà không màng tới tinh thần. Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng.
Lời Chúa Giê-su nói với người Pha-ri-sêu cũng là lời cảnh tỉnh cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy sự tham lam độc ác “đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng Nhật, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của Tàu Cộng. Nhiều người chúng ta ưa tô điểm cho vẻ bề ngoài của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thí, nhưng bên trong đầy những mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng.
Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự. Sống đạo với nghi lễ, làm đủ việc đủ giờ mà thôi thì chưa đủ, nhưng phải có tâm tình bên trong, và trong đời sống thường ngày, phải tỏ hiện lòng yêu mến Thiên Chúa và bác ái với mọi người.
Chúa Giê-su kết luận: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi”. Nghĩa là, những gì đem đến mối tương giao với Thiên Chúa thì mới là đến từ Thiên Chúa, còn những thứ lề luật được vẽ ra để kỳ thị đánh giá và kết án nhau thì không phải đến từ Thiên Chúa. Và đương nhiên điều không đến từ Thiên Chúa thì không thể tồn tại.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi biết lo làm đẹp bề ngoài, thì cũng lo cho linh hồn mình nên trong sạch trước mặt Thiên Chúa. Amen