Lời Chúa: Mt 12, 14-21
14 Khi ấy, nhóm Pharisêu ra khỏi hội đường, bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu. 15 Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 16 Người cấm họ không được tiết lộ Người là ai. 17 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: 18 Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta sẽ cho Thần khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. 19 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. 20 Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, 21 và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.
Suy niệm: Lãnh đạo trong công bằng và thương yêu
Ngôn sứ Mikha, người đương thời với ngôn sứ Isaia, Amos và Hôse. Ông là ngôn sứ sống ở Miền Nam vùng Giuda. Ông loan báo về sự sụp đổ của Giêrusalem và Giuda. Ông cũng là người nói về địa điểm Đấng Cứu Thế giáng sinh. Và ông cho thấy rằng, khi Đấng Cứu Thế giáng sinh, Người sẽ san bằng mọi bất công và khôi phục lại Giêrusalem và Israel.
Điểm khác biệt giữa ông và ngôn sứ Isaia là trong khi ngôn sứ Isaia nói về giới vua chúa thì Mikha lại nói trong giới thường dân. Quả thật, cuộc sống của ông gắn liền với đất đai và đã chứng kiến nhiều cảnh bóc lột và tước đoạt đất dai của dân nghèo như chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất. Vậy điểm chính yếu trong sứ điệp của ông là tranh đấu cho công bằng, trả lại đất cho những người bị tước đoạt. Còn trong Tin mừng, thánh Matthêu đồng nhất Chúa Giêsu với Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Người Tôi Trung được sai đến để cai trị dân chúng trong công bình và thương yêu.
Hiển nhiên, Người Tôi Trung của Thiên Chúa theo cách nhìn của thánh Matthêu đó là Đức Giêsu được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu dấu và hài lòng. Vị thế của Người Tôi Trung được khẳng định ngay trong biến cố Chúa chịu phép rửa tại sông Giođan (x. Mt 3,17). Sứ vụ của Chúa Giêsu là loan báo công lý trước mặt muôn dân.
Lời công bố của Đức Giêsu làm cho kẻ lắng nghe được biến đổi. Quả thế, con người được công chính hoá nhờ niềm tin vào Chúa, vào Chúa Giêsu. Và chính Chúa Giêsu dẫn kẻ tin đến chỗ toàn thắng và muôn dân sẽ đặt niềm hy vọng vào Danh của Người. Người ta cũng nhìn thấy cách thi hành sứ vụ của Đức Giêsu không giống với cách của các kinh sư, biệt phái trong dân. Đức Giêsu không cãi vả, huênh hoang, tranh giành địa vị quyền lợi hay lợi lộc vật chất mà điều này lại xuất hiện ở nơi các vị lãnh đạo trong : kinh sư, biệt phái và phariseu. Điểm đặc biệt khác nữa đó là, Chúa Giêsu không dùng bạo lực hay bạo động để giải thoát dân khỏi ngoại bang, nhưng Người dùng con đường đau khổ để giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết.
Đó là những đặc biệt của vị ngôn sứ, Người Tôi Trung của Chúa; một người được sai đến lãnh đạo con người. Và Người cũng chính là gương mẫu cho chính đời sống của các môn đệ.
Vậy chúng ta được mời gọi dự phần trong việc lãnh đạo với Thiên Chúa, nên mỗi người cũng được mời gọi ý thức bổn phận đặc biệt của mình trong việc loan báo Nước Thiên Chúa và làm cho mọi người nhận biết Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là bắt chước vị Mục Tử Nhân Lành để lãnh đạo dân Chúa trong công bình và yêu thương. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta.
Fr. Joseph